Những ý rời tưởng nhớ Phạm Phú Hải: “vô ngã” là “cõi thơ”

12.08.2021
Trần Phương Kỳ

Những ý rời tưởng nhớ Phạm Phú Hải: “vô ngã” là “cõi thơ”

Một lần, khoảng cuối năm 1973, Phạm Phú Hải bất chợt hỏi tôi: “Nếu muốn tự tử, ông có dám tìm đến một cái gềnh vắng rồi nhảy xuống không?!”. Câu hỏi đó, đến nay, thỉnh thoảng vẫn hiện về trong trí tôi với nhiều tưởng tượng...

Đọc thơ Phạm Phú Hải (1950 - 2009) chúng ta dễ dàng nhận ra những trăn trở nội tâm khốc liệt, đó là nỗi trăn trở của một chân nhân, kẻ thao thức về “sinh tử đại sự”, bộc lộ trong hầu hết sáng tác của anh khi mới chớm ngoài tuổi đôi mươi:

“Khi những khách du xưa đều

mất dạng

Những hài xưa góp nhặt xếp

quanh đây

Để chiều chiều mở hai mắt thơ ngây

Nhìn sương khói mà tưởng mình

sương khói

Một âm thanh nhập về hai tiếng nói

Biển sóng reo bập bẹ tử và sinh

Trăm con sông máu mãi mãi vô tình

Nguồn thả xuống một dòng xanh

lảo đảo

Giữa trùng khơi ta vẫn ngồi cấm khẩu

Lửa tà huy đốt cháy ngọn tà huy

Ta đứng lên rồi thổ não vô tri

Một phiến máu một phiến gì

giữa biển.”

('Khóc giữa thai', GNTS)(1)

Hoặc những biến tấu quanh chủ đề này, bàng bạc trong thơ anh: “xương nằm máy động bên xương/ hỏi thầm nhau một cõi thường ở đâu.” (“Xương thơm”, Một hôm núi khóc); “trăng đi vùn vụt trên đầu/cỏ non mọc vội ở sau lưng mình.” (“Không đề II”, Gánh nước tưới sông); “tro tàn chẳng gởi về đâu/ luồn qua khe cửa bóng câu âm thầm/ đồi cao khói điếc sương câm mây mù là bạn tri âm/ buổi nào.” (“Buổi nào”, Một hôm núi khóc). Mang nặng nỗi ám ảnh nhân sinh phù du đó, Phạm Phú Hải luôn cảm thấy cô đơn hốt hoảng rồi trăn trở kiếm tìm một lối thoát trong đạo-triết...

Từ một cõi vô thức xa xăm nào đó của thi sĩ đã vọng về: “có bàn chân dài hơn con đường/nên chân trời là những đốt xương/của ai bỏ lại ngàn năm trước/sửng sốt kêu lên tiếng dị thường.” (“Thi sĩ”, Một hôm núi khóc) Cái “tiếng dị thường” đó, là tiếng hòn sỏi rơi xuống vực thẳm, mà thi sĩ đã nghe được bằng trực thức của chính mình. Vì thế con đường không còn dài hay ngắn, cho nên không gian và thời gian cũng không còn hiện hữu, có chăng chỉ hiện hữu một không gian ảo của “chân trời và đốt xương”. Nếu cứ tiếp tục dấn bước trong chiều hướng suy tư đó, rồi, chúng ta sẽ gặp ngay cái không khí của “con đường” hay của “đạo”, và cũng phải thốt lên: “đạo khả đạo phi thường đạo.”!

Con đường của Phạm Phú Hải, có lẽ, đã song thoại với con đường của Antonio Machado, thi sĩ Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20.

“Caminante, son tus huellas

el camino y nada mas;

Caminante, no hay camino,

se hace camino al andar.

...

Caminante, no hay camino

sino estelas en la mar.”

(Antonio Machado)

[Du tử, dấu chân mi tạo ra con đường,

chứ chẳng có chi khác.

Du tử, cũng chẳng có con đường;

mi tạo ra con đường bằng chính

bước chân mi.

...

Du tử, chẳng có con đường nào

chỉ là vết nước rẽ trên mặt

đại dương. TPK]

Phạm Phú Hải rất quý Bùi Giáng nên thỉnh thoảng hay đi Sài Gòn để tìm thăm. Khi tôi gặp lại Bùi Giáng ở chùa Già Lam khoảng năm 1985, biết tôi ở ngoài Trung mới vô, Bùi Giáng hỏi về Phạm Phú Hải với một tình cảm rất đặc biệt và nói: “Tao tiếc là mấy tháng trước Phạm Phú Hải tới thăm tao mà hồi đó tao điên quá nên mất vui...” Tâm trạng của Bùi Giáng vào thời gian đó chông chênh giữa trầm cảm và hưng phấn.

Trên một cung bậc nào đó, hòa điệu với thi sĩ Bán Dùi/Bùi Giáng, Phạm Phú Hải như đùa như thật: “trống tôi đã sẵn nhưng dùi thiếu/ lão bán mau tôi giáng ít dùi.” (“Mua dùi”, Gánh nước tưới sông) Có lẽ tiếng trống của Bùi Giáng và của Phạm Phú Hải chung điệu với tiếng trống của Thiên cổ lôi âm Phật vang ở phương đông hòa điệu vận hành vũ trụ; và, với tiếng trống damaru của thánh Bhringi giữ nhịp cho thần Siva trong điệu múa Tandawa giao hòa hoàn vũ và cân bằng sinh tử. Tương ứng với cõi siêu hình kia, vẻ đẹp trần gian của tiếng trống thiêng trong hồn thơ của những thi sĩ vẫn đồng vọng đâu đây: “bờ tre rung động trống chầu/ tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan.” (Huy Cận).

Nguyên âm “A” (अ) trong tiếng Phạn có nghĩa là “vô”, là “bất”, là không có. Chúng ta gặp ở đây một Phạm Phú Hải thi sĩ - thiền sư, một Phạm Phú Hải đã đạt đến “vô ngã” để nghe được diệu âm của “trùng phùng từng hột đất xôn xao”, để bày tỏ sự ngạc nhiên, để thốt lên một âm “A” tròn trịa trong cảnh giới “chân không diệu hữu”:

“lạnh mùa thu lạnh trong núi đá

có con cá nhỏ chết bên cầu

có con chim nhỏ vì vui quá

cũng chết bên cầu ấy; bữa xưa

...

chẳng đến đâu chẳng từ đâu đến

con chim ngày cũ hót inh rừng

bên cầu đứng ngắm hai dòng nước

một chảy xuôi dòng,

một ngược nguồn

...

không ở đâu không đâu chẳng ở

cá hồi dương lội ngược chiêm bao

cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ

trùng phùng từng hột đất xôn xao

mùa thu núi đá lạnh vô cùng.”

(“A, AA, AAA, AAAA, AAAAA”,

Một hôm núi khóc).

Cây cầu sương khói ấy đã nối “lạnh mùa thu lạnh trong núi đá” của vô thức để đồng hiện với “mùa thu núi đá lạnh vô cùng” của hữu thức, hòa quyện trong âm thanh “a, aa, aaa, aaaa, aaaaa...” bất tận vang vọng trong “cõi thơ/cõi thiền” của Phạm Phú Hải người đã bắt gặp “vô vị chân nhân”!  

Cảnh giới vô ngã đó của Phạm Phú Hải ẩn hiện bàng bạc trong thơ anh, hòa nhập với thiên nhiên để “rơi” vào một thời - không nào đó:

“Mùa hoa trước, mùa hoa năm

trước nữa

Bên gốc cây chừ đã có ta ngồi

Lơ đãng vài cánh hoa rơi nhẹ nhẹ

Ta thả rơi đời mình, lơ đãng thôi

...

Trong lớp vỏ cây, trong vệt

phân chim,

Trong cánh hoa rơi, trong phiến

 mây bay,

Ta tìm thấy lại bóng mình:

“Không ngớt”

Rơi đi. Rơi hoài. Rơi nữa. Rơi. Rơi...”

(“Tìm thấy lại”, Một hôm núi khóc)

Hay từ sự ngạc nhiên đầy thiền vị: “nửa khuya thức giấc hỏi mình tan chưa.” (Gánh nước tưới sông); đến những rung động sâu xa từ cõi không:

“Vui là hát động rừng chim

Nghêu ngao là bước đi tìm bao la

Ai là ai giữa lòng ta

Tóc bay nhớ những chiều xa

những chiều xa

những chiều.”

(“Lục bát Múa”, Một hôm núi khóc)

Phạm Phú Hải sinh trưởng trong chiến tranh, nên những bi kịch trong cảnh khói lửa tang thương kia cũng không thể rơi ngoài cảm xúc của anh, nhất là khi kẻ bỏ cuộc là những người ruột thịt hay bạn bè trai trẻ của anh:

“giữa hai tợp rượu nghe mùi khét

lớp lớp thây ai vó chiến binh

...

hỡi tất cả hồn ma già trẻ

ta rót lòng ta rượu vạn ly

rót nữa, trộn chung trời đất lại

lòng chữa vơi đâu-hãy cạn ly.”

(“Tựu giữa men bằng hữu”,

Gánh nước tưới sông)

Và, bày tỏ thái độ phủ nhận đau đớn của một thi sĩ trước chiến cuộc tàn khốc đó với một cảm giác hoàn toàn tê liệt bất động:

“Tôi có nửa thân đương hóa đá

Ngửa mặt chờ hậu kiếp mỏi mê

 

Không phải chiều trôi không phải

bóng ngày

Không phải trời xanh không phải

mây bay

Không phải tôi không phải

không phải

Chiều nay ngửa mặt ngồi ngây ngây.”

(”Không phải không phải”,

Một hôm núi khóc)

Xin kể lại cho các bạn cùng nghe một câu chuyện Thiền mà thưở sinh thời Phạm Phú Hải rất thích để có thể hiểu thêm quan niệm của anh về sinh tử:

“Khi ni sư Eshun đã ngoại lục tuần và sắp từ giã cõi đời, bà nhờ mấy vị tăng chất một đống củi lớn giữa sân chùa.

Sau khi an tọa trên giàn củi, ni sư cho đốt lửa xung quanh.

Một vị tăng la lên: “Sư bà ơi! Trên đó có nóng không sư bà?”

Ni sư Eshun bèn trả lời: “Chỉ có kẻ ngốc như mi mới hỏi những câu ngớ ngẩn như thế!”

Ngọn lửa bốc lên và lão ni viên tịch!”

(”Eshun's Departure”, 101 ZEN STORIES)

Tạm kết, xin dẫn câu thơ của thi sĩ Trần Đới đã ưu ái riêng tặng cho Phạm Phú Hải và cho thơ của anh: “hài nhi chưa tắm sông nào.”(2)

(2) Tập thơ “Tảo mộ lênh đênh” của Trần Đới, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973.

 

THƠ PHẠM PHÚ HẢI

Rừng rú mùa mùa

Vượn không hú, hú dùm vượn vậy

Muôn sao kia im đấy chờ ta

Hơi từ thăm thẳm toát ra

Tay thanh âm phủ rừng già nửa khuya

Không hú khúc chia lìa vượn nhé

Để lá khô ứa lệ sao đành

Ta đang nhìn thấy màu xanh

Đang len lén gọi những nhành quạnh hiu

Vượn hỡi vượn những chiều lạnh ngắt

Có nghe lòng se sắt biệt ly

Đàn đàn ve nhỏ ra đi

Thanh âm ly biệt thầm thì heo may

Mùa giao mùa lắt lay nỗi nhớ

Trăng đầu đêm ngờ ngợ lên cao

Vượn ngồi ngây ngất bầu sao

Sương đêm đẫm ướt lối vào tịch liêu

Con chim nhỏ ngủ bìa rừng mật

Nửa đêm choàng tỉnh giấc kêu lên

Tiếng buồn thảng thốt trăng chìm

Tơ sương mớm động vào đêm u tà

Phải chăng vượn xương da bật hú

Ngửa mặt ra trăng tụ lòng tay

Xoắn dài đáy đỉnh ngất ngây

Hiu hiu đóm lửa đêm dài hiu hiu

Ta cũng có những chiều té úp

Hồn gượng đau đứng suốt đêm dài

Mỏi mòn quỵ giữa sao mai

Nghe đau tinh đẩu thác thai tựu hồi

Biết vượn vẫn muôn đời câm lặng

Biết vượn còn nghèn nghẹn hơi xưa

Xác xơ mấy nhịp gió đùa

Vẫn còn giãy giụa mùa mùa quặn đau

Bựa bựa máu ôm đầu vượn hú

Thấu tim gan mưa lũ rừng về

Ta nghe uất đọng não nề

Rùng rùng máu bạt bốn bề căm căm

Thôi thì chớ lòng tầm tã lạnh

Nói không ra ưu phẫn mười mươi

Ẩn sau những tiếng hú cười

Cơn đau rừng rú không nguôi vết bầm.

1972

 

Tìm thấy lại

Kính tặng Vàng-Tầm-Thường

Mùa hoa năm nay nở hoa năm trước

Có ta một mình tiếc nuối ngày qua

Bên gốc cây già sần sùi vỏ rễ

Vẽ những đường ngang đường dọc, vu vơ

Những vệt phân chim nửa đen nửa trắng

Đã từ bao giờ vương vãi đó đây

Vệt phân vô tình nằm trong tia mắt

Cũng có ta vô tình bên gốc cây

Mùa hoa trước, mùa hoa năm trước nữa

Bên gốc cây chừ đã có ta ngồi

Lơ đãng vài cánh hoa rơi nhẹ nhẹ

Ta thả rơi đời mình, lơ đãng thôi

Rơi mãi, Ta rơi từ năm nọ

Chiều nay ngồi im nhìn mây bay

Ta nghe gió, ta nghe vài hoa rụng

Ta thèm cho đời ta một gốc cây

Trong lớp vỏ cây, trong vệt phân chim,

Trong cánh hoa rơi, trong phiến mây bay,

Ta tìm thấy lại bóng mình: “Không ngớt”

Rơi đi. Rơi hoài. Rơi nữa. Rơi. Rơi...

20-21/8/72

 

A, AA, AAA, AAAA, AAAAA...

Lạnh mùa thu lạnh trong núi đá

có con cá nhỏ chết bên cầu

có con chim nhỏ vì vui quá

cũng chết bên cầu ấy; bữa xưa

có một thư sinh lên núi đá

hỏi thăm đường tới chốn Bất Lai

trăng khuya úp mở sau ngàn lá

bướm đỏ đàn đàn chấp chới ba

có một thư sinh lên núi đá

hỏi thăm đường tới chốn Bất Lai

trăng khuya úp mở sau ngàn lá

bướm đỏ đàn đàn chấp chới bay

 

có lão tiều phu trong núi đá

mười năm say hương quế, quên về

lều dựng gió đầy rung mái gió

một bầu cổ nguyệt chảy tràn khuya

trăng khuyết xuôi, trăng tròn,

trăng khuyết ngược

bứt tháng, hái ngày, ngắt khô năm

năm khô râu mới đùn râu cũ

sợi sợi ấn ngời Vô Lượng Quang

xuất định bốn bề sương giọt giọt

con chim xưa sống lại bên cầu

tiều lão mặt trời vai tịch tịnh

mặt trời rơi xuống giữa dòng sâu

chẳng đến đâu chẳng từ đâu đến

con chim ngày cũ hót inh rừng

bên cầu đứng ngắm hai dòng nước

một chảy xuôi dòng, một ngược nguồn

không ở đâu không đâu chẳng ở

cá hồi dương lội ngược chiêm bao

cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ

trùng phùng từng hột đất xôn xao

mùa thu núi đá lạnh vô cùng.

 

Đêm mù trăng

Có phải mùa đông đến dưới kia

Anh nghe thời khắc lạnh mơ hồ

Trên đồi anh đứng nhìn anh đứng

Anh thấy một người đang đứng co

 

Anh đứng co trên mặt đồi cong

Anh nghe hơi thở phải đi vòng

Đông tây nam bắc nhăn nheo lại

Hơi thở anh mù bốn phía giăng

 

Trước mặt một vầng, trăng rất dày

Ô hay, sương khói tụ về đây

Khói rất đỏ và sương rất đỏ

Phong kín cả vầng trăng ngủ say

 

Lững thững anh đi xuống khỏi đồi

Kìa vầng trăng lạnh đã rời ngôi

Và anh anh cũng rời ngôi nữa

Tai lắng không gian có tiếng cười

 

Khóc giữa thai

Khóc một lần rồi thôi không khóc nữa

Khóc trong thai là tiếng của mây trời

Khóc trong thai là một tiếng cả cười

Là tiếng máu rơi trên bờ lộ vắng

Khi những khác du xưa đều mất dạng

Những hài xưa góp nhặt xếp quanh đây

Để chiều chiều mở hai mắt thơ ngây

Nhìn sương khói mà tưởng mình sương khói

Một âm thanh nhập về hai tiếng nói

Biển sóng reo bật bẹ tử và sinh

Trăm con sông máu mãi mãi vô tình

Nguồn thả xuống một dòng xanh lảo đảo

Giữa trùng khơi ta vẫn ngồi cấm khẩu

Lửa tà huy đốt cháy ngọn tà huy

Ta đứng lên rồi thổ não vô tri

Một phiến máu một phiến gì giữa biển

07/3/1973

(Trích từ tập Gánh nước tưới sông, Nxb. Đà Nẵng, 2010)