VÔI TRẮNG - TRẦU XANH - PHẠM MINH GIANG

31.08.2012

VÔI TRẮNG - TRẦU XANH - PHẠM MINH GIANG

Truyện ngắn

Sau mười năm khoát áo lính, tôi được chuyển ngành về cơ quan Ty Giáo dục làm cán bộ hành chính. Cơ quan cách nhà ba mươi cây số nên cứ đến thứ bảy tôi mới đạp xe đạp về, còn các ngày trong tuần phải ở lại cơ quan.

Hồi ấy, cơ quan tôi mới xây dựng. Hầu như ngày đêm sớm tối lúc nào tôi cũng phải có mặt ở cơ quan. Cơ quan xây dựng hàng năm mới xong. Cứ hết tốp thợ này đi, tốp kia lại tới. Và sau cùng là tốp thợ quét vôi.

Tốp thợ quét vôi có đến chục người, có vài ba cô còn trẻ. Tôi để ý đến một cô gái tên là Dung.

Tôi hay mở cửa sổ đằng sau nhà. Tốp thợ thường đi qua lối đi đằng sau nhà ấy.

Lần nào đi qua, Dung cũng tặng tôi một nụ cười. Em không cười thành tiếng. Chỉ cười nụ. Nhưng nụ cười của em rất tươi và có duyên. Tôi để ý không có phòng nào được em tặng nụ cười như thế. Hình như nụ cười ấy em chỉ giành riêng để tặng tôi. Có ngày em tặng tôi những hai nụ cười. Có ngày em chỉ tặng tôi một nụ. Được em tặng nụ cười, tôi sống vui vè suốt cả ngày. Không biết nụ cười của em có chất gì mà lạ kỳ làm vậy? Giờ nghỉ trưa hay đêm nằm ngủ, hễ cứ nghĩ đến nụ cười của em là tôi lại thấy lòng mình chộn rộn niềm vui. Có những đêm ngủ say tôi mơ thấy em cười. Nụ cười của em tươi xinh làm sao, mát ngọt làm sao!

Bất chợt có những hôm em nghỉ làm, tôi thấy lòng mình buồn rười rượi. Tôi thấp thỏm lo. Tôi không được giao nhiệm vụ trông nom xây dựng. Việc ấy đã có một bác của Phòng xây dựng lo liệu. Nhưng với danh nghĩa cán bộ hành chính, hôm nào không thấy em đi làm là tôi đến dò hỏi…

Một hôm, tình cờ trời đổ mưa đúng lúc em đi ngang qua phòng tôi. Tôi nhanh nhảu chạy ra mời em vào phòng. Nhưng trận mưa ngắn quá. Tôi vừa mới ngây ngất trước nụ cười của em, chưa kịp nói câu nào thì mưa đã tạnh. Em phải đi làm.

Sáng hôm sau, lúc đi qua cửa sổ phòng tôi, em đưa vội cho tôi một tờ giấy gấp tư và tặng tôi một nụ cười rồi đi thẳng. (Sáng nào cũng vậy, tôi thường trực ở bên cửa sổ phía sau để nếu em có đi qua là nhìn thấy được ngay).

Tôi mở tờ giấy ra đọc. Ồ! Là thơ! … Em làm thơ ký tên là "Vôi trắng”. Bài thơ của em vẻn vẹn chỉ có bốn câu nói lên tâm tình của người thợ quét vôi trên các công trình xây dựng.

Thế rôi, ngày nào cũng thế. Mỗi ngày một bài. Không ngờ em biết làm thơ và thơ của em lại hay đến thế? Lời thơ của em có hồn. Hình như lời nào cũng là để nói với tôi.

Mãi đến ngày thứ bảy, tôi mới nghĩ ra được mấy câu thơ tặng em với bút danh là "Trầu Xanh”:

"Những hôm em quét tường

Anh thích màu vôi trắng

Cái màu vôi cay đắng

Nhưng thắm nồng miếng cau…”

Sau bài thơ của tôi, em như càng được khuyến khích. Bài thơ nào của em cũng nói lên tình cảm của người thợ quét vôi đối với cuộc đời, với xã hội…Hầu như bài thơ nào của em cũng nói đến vôi và trầu cau. Hầu như bài thơ nào của em cũng có tiếng anh: anh ơi, anh à, anh ạ, anh nhé, anh nhỉ… Bài thơ nào cũng có tiếng gọi.

Em gọi thì anh trả lời. Và ngược lại. Bài thơ nối tiếp bài thơ…

Sau bốn tháng làm ở cơ quan tôi, em chuyển đến làm ở một công trình trong thị xã. Nhưng ngày nào em và tôi cũng có thơ cho nhau.

Có khi chỉ một phút hai người qua đường rồi trao nhau bài thơ. Có khi một thoáng gặp nhau ở cổng cơ quan. Có ngày không thấy em, tôi phải gửi thơ cho em bằng đường bưu điện. Em cũng thế.

Tôi chuyển ngành về cơ quan đã bảy tháng.Tôi và em đã có tới ba trăm bài thơ. Thế mà tôi vẫn chưa dẫn em đi chơi lần nào. Tôi định bụng tối hôm nay, tôi sẽ đến nhà ra mắt bố mẹ em và xin phép được dẫn em đi chơi…

Cả nhà em mừng rỡ đón tôi. Còn chúng tôi hôm ấy đã trao cho nhau nụ hôn đầu.

Bất thình lình tôi có lệnh tái ngũ. Gia đình hai bên cứ giục cưới. Nhưng vì thời gian lên đường gấp quá nên tôi và em quyết định sẽ làm đám cưới vào dịp tôi về phép.

Nhưng…

Trong một trận đánh ác liệt với quân Pôn Pốt ở chiến trường Tây Nam, tôi bị thương nặng. Bác sĩ bảo có thể ảnh hưởng cả đến đường con cái… Tôi buồn vô hạn… Và định bụng sẽ không về gặp Dung nữa.

Sau khi xuất ngũ, tôi viết ngay cho Dung một lá thư khuyên Dung đi tìm hạnh phúc khác, đừng chờ tôi. Tôi không cho Dung biết địa chỉ. Rồi tôi nhờ một anh bạn làm tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh xin cho tôi một việc làm ở Đắc Lắc... Cuộc đời của tôi coi như bỏ đi rồi.

Thế nhưng, tình cờ một hôm tôi gặp người làng. Người làng là một cháu đang công tác ở Chi cục thuế Đắc Lắc. Mặc dù tôi đã dặn kỹ việc giữ bí mật cho tôi nhưng không hiểu sao Dung vẫn biết. Lặn lội hàng tháng trời, ông anh Dung và Dung đã tìm thấy tôi vào một chiều nắng ấm của Tây Nguyên. Và đám cưới của tôi lại được tổ chức ở quê nhà.

Nhờ có gia đình, bạn bè chăm sóc thuốc men và nhớ sự tiến bộ của y học, vợ chồng tôi đã có hai đứa con - một trai, một gái khỏe mạnh và trở thành kỹ sư trong ngành xây dựng. Tôi được bà con bầu làm tổ trưởng dân phố. Còn Dung cũng đã nghỉ hưu. Ngày ngày Dung ở nhà chăm sóc cho cái gia đình nhỏ bé của tôi và trông nom hai đứa cháu nội, ngoại.

Hơn ba trăm bài thơ tôi và em làm ngày xưa đang được biên tập lại để in thành tập thơ "Vôi trắng – Trầu xanh”. Tập thơ sẽ được ra mắt bạn đọc vào mùa xuân tới.

P.M.G

Bài viết khác cùng số