VIẾT VỀ NỖI ĐAU TRONG CẢM XÚC BẠN BÈ(Đọc lại một số - bài thơ viết về đồng đội đã hy sinh) - BÙI CÔNG MINH

31.08.2012

VIẾT VỀ NỖI ĐAU TRONG CẢM XÚC BẠN BÈ(Đọc lại một số  - bài thơ viết về đồng đội đã hy sinh) - BÙI CÔNG MINH

Cách nay gần sáu mươi năm, tháng 5.1954, ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, trên mảnh đất chiến trường còn nghi ngút khói đạn, nhà thơ Tố Hữu thay mặt những người đang sống kính cẩn nghiêng mình trước nấm mồ những chiến sĩ vừa hy sinh:

Hỡi các chị các anh

Trên chiến trường ngã xuống

Máu của anh chị, của chúng ta không uổng

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng....([1])

Lời thơ trang trọng thanh cao, gợi trong người đọc cảm xúc biết ơn cao cả trước cái chết của những con người bình dị. Ở vào thời điểm chiến thắng huy hoàng ấy, những câu thơ như nhắc nhở với mọi người về cái giá mà dân tộc ta phải trả để giành lấy thắng lợi. Nhưng lịch sử lại đi tiếp những bước đi mới. Ba ngàn ngày đánh Pháp chưa phải là trận đánh cuối cùng. Chiến thắng Điện Biên chưa phải là trận thắng cuối cùng. Tiếp theo đó là hơn hai mươi năm đánh Mỹ giành toàn thắng về cho dân tộc. Rồi vẫn chưa yên : chiến tranh biên giới 1979 và những trận chiến giữ chủ quyền biển đảo những năm sau đó. Ai có thể tính được bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống cho nền độc lập tự do hôm nay! Thơ ca, bằng tiếng nói riêng của mình, đã cố gắng khai thác, khám phá một đối tượng giàu tính thẩm mỹ, đó là những người anh hùng xả thân vì nước. Trước đó, trong cuộc đời, chúng ta biết họ yêu thương căm giận, biết họ dũng cảm thông minh. Với thơ, chúng ta còn biết thêm: họ bất tử. Có một dòng thơ ca ngợi người anh hùng dào dạt chảy liền mạch trong suốt mấy thế kỷ văn học, trên đó khắc ghi những bức tượng đài bất tử bằng thơ đồng thời giãi bày tấm lòng của người đang sống với những người đã khuất...

Có thể hình dung 2 cách tiếp cận của các nhà thơ khi viết về sự hy sinh cao cả của người lính trên chiến trường. Một là các nhà thơ đã chọn cách thể hiện mang sắc thái anh hùng ca, với những đường nét vạm vỡ có tính tạo hình khi khắc họa hình tượng về người chiến sĩ hy sinh. Cảm xúc trữ tình của nhà thơ trong trường hợp này được bộc lộ thiên về hướng đánh giá những hành động và phẩm chất cao cả, ở bình diện số phận dân tộc, tầm vóc thời đại. Những tác phẩm như Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Trường ca Bài ca Chim Chơ-rao của Thu Bồn và rất nhiều tác phẩm khác của các nhà thơ đi theo thiên hướng này.

Một cách tiếp cận khác khi viết về những đồng đội, những người chiến sĩ đã hy sinh - và đây cũng là điều chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết nhỏ này - đó là cách bày tỏ cảm xúc đồng đội, cảm xúc bạn bè khi bày tỏ nỗi đau vô hạn với người vừa ngã xuống.

Chiến tranh là thử thách lớn lao nhất đối với số phận của cả dân tộc và của mỗi đời người. Ý niệm về sự hy sinh trong thời bình có thể đơn giản chỉ là hy sinh một ngày nghỉ để đi lao động công ích hoặc một tình huống tương tự; nhưng trong chiến tranh, hy sinh đồng nghĩa với mất đi toàn bộ sự sống của mình. "Có mất mát nào lớn bằng cái chết!”. Chỉ khi thực sự yêu quý nâng niu cuộc sống, và chỉ khi trực tiếp giáp mặt với kẻ thù, Phạm Tiến Duật mới viết được câu thơ như thế. Bởi vì, chiến tranh là vô cùng ác liệt. Nếu không thực sự dấn thân trên chiến trường ác liệt không thể ghi lại khoảnh khắc thật lặng lẽ nhưng cũng thật là dữ dội : Có thể chỉ một cơn ác tính/ Một cái rùng mình và cứ thế ra đi (Hữu Thỉnh). Và một khoảnh khắc khác: "Đơn vị vượt suối dữ/ Một đứa sẩy chân rồi/ Chỉ kịp ối một tiếng/ Là lũ đã cuốn trôi” (Phạm Phát). Nhà thơ có thể nói mà không sợ phóng đại rằng trong những năm tháng khốc liệt của đời người chiến sĩ, một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời (Thanh Thảo), và Sau loạt bom vùi- Anh gặp toàn lính mới (Hữu Thỉnh). Có ai đó nói thơ được viết ra khi người nghệ sĩ cảm thấy đau ở trong lòng. Tất nhiên không phải lúc nào đau mới viết được, và không phải lúc nào đau cũng viết được, nhưng ở trường hợp viết về chính những đồng đội vừa hy sinh, điều đó rất đúng. Những bài thơ xúc động thành công được viết ra trong những thời khắc tột cùng đau đớn. Không bày biện sắp xếp, không câu nệ ngắn dài, không cấn cái thể loại, không bị ràng buộc bởi niêm luật... những bài thơ loại này có thể nói là tiếng nói tự nhiên nhất, gan ruột nhất của những người làm thơ. Một khi tiếng nói của đời thường đã đi vào thơ ca một cách tự nhiên, thì ngay cả đối với những đề tài có tính chất linh thiêng như khi viết về cái chết, thơ ca cũng không muốn có một khoảng cách quá xa giữa những xúc động cụ thể, trần tục với cách biểu đạt tượng trưng ước lệ bằng ngôn từ. Chúng ta hoàn toàn không nghi ngờ về giá trị lớn lao của những bài văn tế ở những dạng thức cổ điển như Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu... nhưng rõ ràng những cách biểu đạt từng là chuẩn mực của một thời đại ấy không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả như nhau trong sự tiếp cận của người đọc hôm nay. Điều đầu tiên mà thơ thế hệ chống Pháp, chống Mỹ đã làm là chọn một chỗ đứng khi viết về những người đã hy sinh. Xúc động, đau xót, tưởng nhớ, kính phục, nhưng không muốn có một khoảng cách. Chuyển hẳn từ lối cảm thán "nhớ linh xưa" qua một dạng thức xúc cảm mới, qua cách xưng hô bè bạn. Đó là một cảm xúc đồng đội, cảm xúc bạn bè. Phải chăng điều đó đã làm cho cái chết không trở nên quá nặng nề, người chết hình như vẫn cứ hiển hiện, vẫn có mặt mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống đời thường, không phải đã nhập vào thế giới siêu nhiên thần bí, mà vẫn cứ là "mày, tao" một cách rất thân thiết âu yếm gần gũi. Và phải chăng, cái đau lòng cũng chính là ở đó.

Chúng ta hãy cùng trở lại một vài bài thơ ca kháng chiến chống Pháp quen thuộc. Chuyện kể rằng trong chiến dịch Biên giới, trận Đông Khê, một đại đội pháo có 2 đồng chí tên là Liên và Khình đã chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh trên mỏm núi đá Phia Khinh. Anh em đồng đội thương cảm bàn nhau đổi tên núi Phia Khinh thành núi Liên Khình. Sự việc ấy được chính những người trong cuộc làm thành một bài thơ nôm na chân thành: Liên Khình trên núi Phia Khinh/ Hay chăng có nhớ chút tình chúng tao/ Cùng cầm súng, cùng cầm dao/ Cùng ăn cơm nắm, cùng vào đồn Tây/ Sao hôm nay vắng mặt chúng mày... Dường như trong câu thơ cuối này có giọt nước mắt của những người lính đã từng dày dạn hy sinh. Nhưng khóc mà không bi lụy. Những câu thơ sau đã trả lại chất lính cho toàn bài: Chúng tao lắm lúc cũng quên/ Những khi nhớ đến lại thương Liên Khình/ Chúng tao đã biểu đồng tình/ Phia Khinh không gọi, Liên Khình đặt tên. Hương hồn hai người chiến sĩ đã thực sự hòa vào sông núi, hòa vào thiên nhiên.

Bài Viếng bạn của Hoàng Lộc (1922-1949) đã từng được nhiều người nhắc tới. Tác giả viết bài thơ này ở cái lứa tuổi mà người ta không phải lúc nào cũng có thể bình thản trước cái chết của đồng đội. Nỗi đau trong bài thơ này là cái đau của một người trẻ tuổi: nó hẫng, nó xót. Và không thể không dẫn đến sự giục giã báo thù: Đứa nào bắn anh đó / Súng nào nhắm trúng anh / Khôn thiêng xin chỉ mặt / Gọi tên nó ra anh. Nhưng đây không phải là một sự trả thù loạng choạng mất phương hướng: Mai mốt bên cửa rừng / Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung ("Viếng bạn”). Cả bài thơ không thừa một chữ nào, một khổ nào. Nó là tiếng nói mộc mạc mà chí tình, đau xót mà rắn rỏi, là lời thề quả quyết của người lính bên xác người đồng đội đã hy sinh.

Cũng nằm trong mạch cảm xúc ấy, hơn 20 năm sau Viếng bạn, trong thơ ca chống Mỹ cứu nước, người đọc nhớ nhiều đến Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu. Trong bài thơ này, Nguyễn Đức Mậu đã sử dụng một bút pháp trữ tình kín đáo, trầm tĩnh. Tuy ở một vài chỗ, tác giả đã để cho liên tưởng thơ mở rộng đến mức tiếp cận với hơi thơ anh hùng ca khi tạc thế đứng của một anh hùng chiến trận: Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười/ Tay Hùng còn vung lựu đạn ngang trời/ Khẩu tiểu liên còn choàng trước ngực/ Vành mũ lá sen cồn trong bão táp... nhưng giọng thơ làm nền cho cảm xúc toàn bài vẫn là một giọng thủ thỉ tâm tình: Quân mình đang pháo kích nơi nơi/ Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy/ Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy / Thôi mình đi, Hùng nhé: hãy yên nằm....

Bởi lẽ phương thức biểu đạt này rất phù hợp với tâm trạng người lính trong những cảnh ngộ tương tự cho nên có khá nhiều bài thơ được viết ra dưới dạng này. Thơ không còn muốn mô tả những người đã hy sinh theo mô-tuyp "rồng mây cọp gió", "gan to tày bể", "mắt sáng hơn đèn" như trong thơ văn hồi đầu thế kỷ XX. Ở đây, cái chết có thể là người vợ thân yêu của mình ngã xuống trên chiến trường ("Bài thơ về hạnh phúc” - Dương Hương Ly), cái chết có thể có tên là Hùng ("Nấm mộ và cây trầm” - Nguyễn Đức Mậu), là Thế ("Chúng ta vẫn sẵn sàng cho bài giảng đầu tiên”- Nguyễn Khoa Điềm), là Long ("Với Long hy sinh 1971”- Bế Kiến Quốc), là Hưng ("Đồng đội” - Phạm Phát) v.v... Và kỷ niệm về người đã chết cũng thường gắn với những điều rất cụ thể, rất giản dị: Nhớ chăng em cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm sũng ướt...("Bài thơ về hạnh phúc”). Hùng ơi mai gió mùa đông bắc/ Võng bạt canh khuya lại nhớ Hùng/ Những đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu chăn đắp chung...("Nấm mộ và cây trầm”).

Cũng chính từ cảm xúc bạn bè mà mỗi bài thơ, câu thơ được viết ra như một cuộc đối thoại giữa người đang sống và người đã chết, gần gũi, vỗ về, yêu thương. Chúng mình có ở cách xa nhau/ Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi/ Một thước đất hoá khoảng trời vời vợi/ Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa...("Nấm mộ và cây trầm”). Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng / Những vì sao ngời chói lung linh...("Khoảng trời, hố bom”-Lâm Thị Mỹ Dạ). Khó có được cảm giác nào nâng niu hơn khi đọc những câu thơ khi viết về nỗi nhớ thương đồng đội năm xưa ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị với lời nhắn gửi: "Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm” (Lê Bá Dương).

Cảm xúc bạn bè đã làm cho nỗi đau trước cái chết của đồng đội thật sự trở nên da diết, bởi trước đó, cuộc đời chiến đấu đã gắn bó những người lính lại với nhau đôi khi hơn cả ruột thịt. Trong bài thơ "Đồng đội” của tác giả Phạm Phát, người ta hình dung hai người bạn rất thân nhau "Hắn cùng tôi/ Sinh cùng quê/ Học cùng lớp/ Nhập ngũ cùng ngày/ Đầu trần chân đất”; ngày nhập ngũ, hai người bạn nghèo trao nhau kỷ vật để lên đường, một người cởi chiếc áo len đang mặc để đổi hai đôi dép (ngày kháng chiến chống Pháp, trang bị của quân đội rất thiếu thốn), một người bán chiếc bút máy, rủ bạn ra quán ăn một tô mỳ. "Rồi theo trận mạc/ Cạn hai đời người”, đến lúc người bạn qua đời, tác giả đứng bên quan tài người đã khuất, "Một bát mì/ Một nén hương/ Một tôi đau điếng”. Nỗi đau trong bài thơ thật sự lớn lao và thiêng liêng không kém bất cứ nỗi đau trước mọi cái chết, nhưng cái làm nên nỗi đau điếng ấy lại giản dị đến không ngờ "Chợt thấy đôi dép nằm cạnh quan tài/ Ôm mặt...nấc không thành tiếng”.

Những điều tưởng như quá thường tình đó không hề gây cảm giác hạ thấp ý nghĩa sự hy sinh, không hề làm mất đi vẻ tôn nghiêm cao quý của hình ảnh người đã chết trong tâm hồn người còn sống. Trong trường hợp này, người đã chết tuy rất gần gũi mà cũng rất thiêng liêng, bởi lẽ họ đã soi tỏ rất nhiều những bài học nhân sinh, đạo đức, lý tưởng... Trong Bài thơ về hạnh phúc, người đã chết không chỉ được tái hiện như hiện thân của một cuộc sống kham khổ đói rét (điều kiện sống thực ở chiến trường) mà còn là "vầng mặt trời hạnh phúc" soi thấu mọi tâm tư, làm sáng tỏ những nhận thức đúng đắn hướng dẫn mọi người. Nguyễn Khoa Điềm trong bài Chúng ta vẫn sẵn sàng cho bài giảng đầu tiên muốn làm toát lên từ tấm lòng người đồng đội hy sinh khát vọng được sống một cuộc đời có ý nghĩa nhất, một cuộc sống có ích, vì thế mà người chiến sĩ có thể hy sinh một cách nhẹ nhàng bình thản. Bế Kiến Quốc diễn đạt sự bất tử bằng một cảm xúc thơ có phần lung linh mờ ảo. Hương hồn người bạn đã hy sinh cứ lẩn quất. Một cách nói thấm thía về nỗi mất mát, nhưng cũng chính vì thế mà người đọc cũng có cái cảm giác thật rõ rệt về điều - không - thể - mất: Bạn bây giờ là xanh trên hàng cây/ Vàng trong nắng, trắng giữa mây, hồng lửa/ Là vầng sáng quanh mỗi vì tinh tú/ Bạn bây giờ ở trong từng hạt lúa/ Khoảng giữa những giọt mưa, trong sóng những làn hương/ Phía đằng sau nỗi đau của mẹ...("Với Long, hy sinh 1971”). Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hoá thành những làn mây trắng/...Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em ...("Khoảng trời, hố bom”- Lâm Thị Mỹ Dạ)

Cùng với những tượng đài bằng thơ mang "dáng dứng Việt Nam tạc vào Thế Kỷ”, những dòng thơ viết theo mạch cảm xúc đồng đội, cảm xúc bạn bè gần gũi đã góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật biểu hiện tình cảm của người đang sống với những anh hùng chiến sĩ đã hy sinh. Cách thể hiện có thể khác nhau nhưng ý nghĩa của sự hy sinh thì luôn được người đọc cảm nhận với cảm xúc thiêng liêng cao cả. Đó là sự hoá thân của người anh hùng vào hồn thiêng sông núi, hoá thân vào trùng điệp những đoàn quân mang sức mạnh của Nhân Dân Bất Tử : Đất nước đi đây hết thảy những Con người/ Bóng họ tỏa mênh mông ngày nắng gắt/ Họ đi như gió họ đứng như rừng/ Lúc nằm xuống họ hóa thành mặt đất. ("Những người đi tới biển”- Thanh Thảo). Hoá thành mặt đất, nhưng không lặng im trong lòng đất. Bởi những người anh hùng đã sống một cuộc đời thật cao đẹp, một vẻ đẹp toả lan trong không gian và thời gian, như Cây trầm thơm từ đất thơm ra:

Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ

Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hy sinh thơm đất thơm trời­­­(2)

 

 

7.2012

B.C.M

(1) Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

(2) Nấm mộ và cây trầm – Nguyễn Đức Mậu



[1]"Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”

Bài viết khác cùng số