BÀI THƠ "LỜI DẶN" - MỘT BÚT PHÁP TRIẾT LÝ SÂU SẮC CỦA DÃ HÀNG TRẦN QUÝ CÁP - HOÀNG HƯƠNG VIỆT

31.08.2012

BÀI THƠ

1.

Cho đến nay, chưa có tư liệu lịch sử văn học nào phát hiện và công bố thêm về các tác phẩm thơ văn của Dã Hàng Trần Quý Cáp. Những người đương thời cùng học tập, hoạt động trong phong trào Duy Tân hội, hoặc thầy giáo của ông như Mã Sơn Trần Đình Phong, các danh sĩ Tây Hồ Phan Châu Trinh, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Sào Nam Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành, Tuý Xuyên Nguyễn Thành Ý, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Trần Huỳnh Sách; các môn đồ và con cháu ông cố công đi tìm, sao lục nhưng cũng chỉ ghi lại được vỏn vẹn đôi dòng:

"Về thi văn của Trần Quý Cáp không lưu di cảo, chỉ đồng nhân cùng tôi còn nhớ đôi ba bài lượm lặt chép thành tập gửi nơi Triều Đẩu Nguyễn Bá Trác" (Bài thuật Tiểu sử chí sĩ Trần Quý Cáp, viết năm 1938 của Huỳnh Thúc Kháng). Không rõ Nguyễn Bá Trác đã giữ được bao nhiêu văn thơ của Trần Quý Cáp, do cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi cho, về sau không thấy nhắc đến nữa.

Trong "Quảng Nam - đất nước, nhân vật" của Nguyễn Q. Thắng, tái bản năm 2001, thì viết: "Sáng tác phẩm của ông khá nhiều, phần lớn đã thất lạc, chỉ còn lại các bài phú". Tôi tìm được trong các tác phẩm trên một số bài phú đó, sau đây:

- Sĩ phu tự trị luận (Tự luận về vị thế của người trí thức có danh tiếng trong xã hội thời phong kiến). Có những câu: ..."Bây giờ mà không phấn chấn tự cường là giống nòi nguy mất / Dốc chí đọc sách, hiểu rõ nghĩa lý của đám sĩ phu mới gọi là còn được".

- Trúc thất Hoành Sơn (Làm nhà ở Hoành Sơn) . Trần Quý Cáp tự dịch có những câu: "Nợ đời cơm áo trả xong / Tấm gương quyết liệt so trong ai bì / Rồi ra cõi hết cơ nguy / Dạo chơi sơn thuỷ quản gì vinh hoa..."

- Danh ngọc lương sơn (Tìm ngọc ở núi cao) (bản dịch của Trần Quý Cáp), có những câu: "Sống vô ích, sướng gì cái sống / Chết nên công, chết cũng nên đời...".

- Hoàn bích qui Triệu (Trả ngọc bích về cho nước Triệu) Lam Giang dịch, có những câu: "Vạch rõ mưu lừa trăm mối, mắng lũ gian phi / Kẻ thất phu không vì ngọc mà luỵ mình...".

- Vãn quá Hải Vân Quan (Qua cửa ải Hải Vân), Đông Xuyên dịch, có những câu: "Sầu lắng biển xanh tầm mắt vút / Hờn lên mây trắng nắm tay vung...".

Và một số bài thơ chữ Hán, chữ Nôm như:

- Bài thơ Cái trống

- Hát xướng làm chi hỡi quí quan.

- Tôn chỉ Duy Tân

- Cái học từ chương

- Học để tự cường

- Bài ca Khuyến thiện

- Khuyến thương ca

- Khuyến nông ca

- Đánh đổ quan lại tham nhũng

Hầu hết, các sáng tác phẩm của Trần Quý Cáp đều có giá trị nội dung ẩn chứa cái đạo làm người ưu thời mẫn thế, đã "đứng trong trời đất thì phải có danh gì với núi sông" (Nguyễn Công Trứ), và có giá trị văn chương tuyệt bút, có hùng khí, lời đẹp tráng kiện. Nguyên bản Hán văn cũng tráng khái, và giàu ngữ nghĩa thâm thuý. Những đồng môn chí sĩ của Trần Quý Cáp và các nho gia, văn gia về sau này tiếp tục nghiên cứu những áng thơ văn được lưu truyền đều có chung nhận định, cảm thụ là từ nội dung đến hình thức có sự sáng tạo uyên áo, xác thực, hàm súc, lấy điển tích, chuyện kể, tục ngữ, thành ngữ, lấy xưa để nói nay. Một nghệ thuật trước tác tinh diệu, có sức lôi cuốn người đọc về những vấn đề rộng lớn, sâu xa và cả những công việc cập nhật hàng ngày trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Từ chỗ đứng là trí thức yêu nước, ông có chung thân phận nô lệ bởi ngoại bang và sự vây hãm của "đế chế" Nam triều mông muội; trước hết, bằng văn thơ, như một kênh thông tin truyền dẫn đánh động, thức tĩnh đồng chủng, tỏ rõ thái độ phản kháng, vạch trần bản chất nô dịch thâm độc của kẻ thù. Dùng văn thơ để bày tỏ, khơi gợi, kêu gọi, động viên lòng yêu nước thương nòi của dân tộc lúc bấy giờ. Ông được người đời kính trọng và ngưỡng mộ ở tâm thế "nước có loạn mới biết người tôi trung" mà ông đã thể hiện bằng cả tâm huyết của mình.

Gia tài thơ văn của ông không nhiều, nhưng ở mỗi chữ mỗi câu, mỗi bài đều toàn bích, có sức nặng về độ sâu thời cuộc và học thuật diễn đạt như "độc thư minh lý". Vì thế, sự nghiệp thơ văn của ông tự thân đã là tác phẩm văn học mang tầm vóc vừa cổ điển vừa hiện đại hiếm hoi trên văn đàn thơ ca yêu nước và cách mạng lúc bấy giờ. Thơ ca phải có sứ mạng nhập cuộc và lên đường. Trần Quý Cáp là một trong những chiến sĩ "lấy ngòi bút làm đòn xoay chế độ". Cho nên có một câu hỏi: Có hay không một nền văn chương rực rỡ của phong trào Đông Du - Duy Tân? Sự thật các sĩ phu yêu nước thời ấy đều là những thi văn gia kiệt xuất, tác phẩm của họ không chỉ đi vào sử sách nước nhà, chiếm lĩnh nhu cầu và thị hiếu người đọc, mà đã trực tiếp dấy lên cuộc cách mạng Duy Tân vang động một thời.

2.

Trở lại nội dung chính, tôi muốn trình bày ở đây về bài thơ LỜI DẶN được ký tên là Trần Dã Hàng vừa sưu tầm được và công bố gần 20 năm nay. Một bài thơ chưa được nhiều người biết đến vì nhiều lý do:

Trước hết, đôi nét lai lịch về bài LỜI DẶN.

Năm 1994, Nhà xuất bản Đà Nẵng in và phát hành tập sách " Trần Quý Cáp - chí sĩ Duy Tân Việt Nam, đầu thế kỷ XX", do Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Điện Bàn biên soạn. Tập sách tập hợp khá đầy đủ các tư liệu quý về Trần Quý Cáp, trong đó có nhiều bản văn gốc chữ Hán, chữ Nôm, có một số thơ văn do Trần Quý Cáp trực tiếp dịch ra Quốc ngữ.

Đặc biệt, cuốn sách có in bài thơ LỜI DẶN của Trần Dã Hàng (TQC). Thể thơ tự do, gồm 5 đoạn dài ngắn khác nhau, do Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cung cấp và ghi chú.

Năm 2001, Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trần Quý Cáp, Hội An tại Đà Nẵng, đã được nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm gửi cho bài thơ LỜI DẶN nói trên, in vào tập kỷ yếu Nhớ Trường mà nhà thơ cho là tư liệu, kèm theo lời giới thiệu: "Tôi cứ bâng khuâng và luyến tiếc mãi. Trong số những bài thơ bị thất lạc của Cụ Trần, có bài nào còn nằm trong trí nhớ, của quần chúng không? Tôi nhiều lần đến gia đình và gia tộc Cụ thăm hỏi, nhưng không có kết quả gì hơn. Tình cờ, khi tìm hiểu về văn học dân gian, một người quê Đại Lộc đọc cho tôi nghe bài thơ LỜI DẶN và đinh ninh rằng đây là bài thơ của Trần Dã Hàng (TQC). Tôi thấy bài thơ vừa mộc mạc, vừa uyên bác và rất giống với giọng văn của Cụ, nên xin dè dặt chép ra đây, xem như một tài liệu tham khảo mới sưu tầm...".

Nguyên văn như sau:

LỜI DẶN

Soi bóng mình bằng gương

Hỏi lòng mình bằng đạo đức

Xét việc bằng tri thức

Qua một đoạn đường khổ đau bằng ẩn nhẩn, kiên trì

Con đường xưa không phải dấu chân xưa

Con người xưa không phải tiếng nói xưa

Vậy là xưa!...

Áo khăn chỉ che được thân người, chứ không phủ kín được tâm hồn.

Sống ở trần gian cái nợ áo cơm ai cũng vất vả, nhưng cần phải

có những giây phút nghĩ ngơi để tâm hồn minh mẫn.

Các con sẽ thấy những cái gì cao quý, sẽ thấy một cái gì xa xăm.

Sống trong trời đất là hồn con

Sống trong dương thế là thân con

Không, có, không thì trăm năm chẳng có bao giờ.

Muốn tìm về cõi Phật phải đi trong yêu quái

Muốn tìm cõi Tiên phải lăn mình trong trần thế.

Con người ví chẳng khác cái cây, sinh ra và lớn lên phải chịu

gió sương bão tố, chịu bốn mùa rồi đơm hoa kết trái.

Năm bảy hạt lên đôi ba cây và kết trái một vài cây...

Trần Dã Hàng

3.

Như thế, lần đầu tiên bài thơ được tìm thấy và công bố. Sự dè dặt của người đi sưu tầm, khi bắt gặp những áng văn lạ, có phong cách, hơi hướng, chất giọng của Trần Quý Cáp, sớm phổ biến và mong nhận được sự phản hồi đúng sai của người đọc, là việc làm khách quan và cẩn trọng. Cho đến nay, theo tôi biết bài thơ chỉ đóng khung ở 2 tập sách mang tính lưu hành nội bộ, nên tầm phổ cập rộng rãi hạn chế. Các bài thơ văn khác của Trần Quý Cáp cũng nằm trong tình trạng "lưu giữ" đâu đó, nên ít người được biết đến.

Hầu hết các loại hình, thể loại văn học dân gian sưu tầm được đều là sáng tạo khuyết danh (một số đơn vị tác phẩm có tên người viết) ngày càng thất truyền. Những gì còn lại là từ ký ức nhân dân lưu giữ truyền tụng từ đời này sang đời khác, từ nơi này sang nơi khác. Do nhiều lý do khách quan việc truyền miệng, ghi chép qua nhiều người, nhiều lần nên có sự "tam sao thất bổn", tạo ra nhiều dị bản (khác nhau). Tuy nhiên, những áng văn còn tìm thấy được, có những bài có giá trị về nội dung, cũng như nghệ thuật, như trường hợp bài LỜI DẶN của Dã Hàng Trần Quý Cáp.

Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm: "Bài LỜI DẶN vừa mộc mạc, vừa uyên bác và rất giống với giọng văn của Cụ". Nếu ai có dịp đọc hết các tác phẩm của Trần Quý Cáp thì cũng có thể nhận ra và khẳng định "cái chất" của ông, dù viết về bất cứ vấn đề gì cũng xuyên suốt tư tưởng "yêu nước và hành động, sống có đạo đức, trách nhiệm". Mỗi nhà văn nhà thơ đều có nỗi niềm, mộng ước, khát vọng, lấy chữ nghĩa gửi gắm tâm tư tình cảm và ý nguyện của mình. Vì thế, sự định hình tư chất văn phong (phong cách) ít lẫn một ai. Mỗi người có sự sáng tạo riêng. Chính vì cái nét riêng đó, mà chúng ta dễ nhận biết họ cả về tư tưởng chủ đạo, lẫn hình thức biểu hiện và sử dụng ngôn ngữ.

LỜI DẶN, theo tôi là bài thơ khá đặc biệt của Dã Hàng Trần Quý Cáp, đã làm đầy đặn thêm phần tác phẩm của ông cũng như của thời kỳ phong trào Duy Tân do các chí sĩ đề xướng, lãnh đạo. Trong đó, các ông coi thơ văn là vũ khí lợi hại, dễ quảng bá, hiệu quả nhanh, thẩm thấu lâu đài và có sức công phá mạnh.

4.

Từ lần tiếp cận đầu tiên cho đến khi trực tiếp viết lời giới thiệu LỜI DẶN, tôi như bị ám ảnh, mê hoặc . Đúng là thơ của Trần Dã Hàng rồi. Ông sống như thế, dạy học như thế, làm cách mạng và viết như thế. Nhưng tôi cũng cứ tự hỏi đây là bản văn hay thơ của ông. Ông viết như một tản văn tự sự, không nệ âm vần, câu chữ, nhạc điệu, khúc thức. Một sự cách tân chăng? Ông viết trực tiếp bằng Quốc ngữ, thứ ngôn ngữ dân tộc thuần Việt để nói với con. Trong lúc các bài thơ khác của ông là thuần Nho, đường luật chặt chẽ.

Qua tìm hiểu một số bậc cao niên, dòng dõi họ Trần nay còn sống. Các cụ kể lại và cho rằng, tương truyền bài LỜI DẶN, nhớ không đầy đủ, là của danh nhân Trần Quý Cáp, được đề tên tác giả là Trần Dã Hàng. Duy nhất bài thơ này mang tên Dã Hàng, tên tự của ông, còn lại, không thấy ông dùng đến tên tự này.

Bài thơ làm theo thể tự do, không gò bó gượng ép vần điệu, mà chủ yếu là ý tứ chắt lọc, lời sâu ý thoáng, toát lên tính triết lý, luận về nhân cách làm người ở đời. Mỗi câu thơ, khổ thơ là một danh ngôn, hay nói đúng hơn là những thành ngữ răn dạy, khuyên bảo không chỉ cho con cháu ông, mà cho cả những ai biết trân trọng sự trong sáng, công tâm, sống có dạo lý, có nghị lực, làm điều lành, nhân nghĩa, ắt sẽ được đền đáp, toại nguyện hạnh phúc và thành đạt.

Bài thơ lạ, vừa đa âm đa nghĩa, ẩn chứa những điều cao siêu trong cái mộc mạc dân dã:

Con đường xưa không phải dấu chân xưa

Con người xưa không phải tiếng nói xưa

Vậy là xưa...

Thế là cái gì? Có phải xưa không do dấu chân, không do tiếng nói, mà con người, con đường vẫn xưa là do vốn có từ ý thứcsự nhận biết quá khứ. Phải rèn luyện, nhào lộn trong thế giới rộng lớn, tiềm ẩn vô vi để tìm ra chân lý một cách lô-rít khoa học.

Chỉ đôi câu thôi, đã buộc chúng ta phải động não, phải suy luận. Thơ trong LỜI DẶN không bóng bẩy, trôi tuột, mà bắt gặp ở đó sự triết lý vời vợi, tận cùng sâu xa về cõi người, về tình đời, về tự nhiên, xã hội, sinh vật, thế giới "ta bà", sự vận động khôn lường của vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan muôn màu muôn vẽ. Đọc LỜI DẶN hiện lên những cặp phạm trù nhân quả, như một qui luật bất di bất dịch "ở hiền gặp lành", "có công mài sắc có ngày nên kim", "ác lai thì ác báo".v.v...

Thơ như thế, phải tốn bao công sức, phải có đầu óc tư duy và một vốn văn hoá "bác học" mới hình thành, nảy ra được những viên ngọc lấp lánh, có công năng thẩm thấu trí tuệ người đọc.

Vì thế, đọc một lần LỜI DẶN, khó hiểu hết ý nghĩa của mỗi chữ, mỗi câu, mỗi khổ thơ. Nhưng càng đọc càng bị lôi cuốn, như trên tôi đã nói, bởi thơ ông như những câu danh ngôn, ngạn ngữ thấm dẫm tính nhân văn, gợi lên trong ta sự tìm kiếm, khám phá và cảm thụ những tinh tế của cuộc sống được ông chắt lọc, tinh luyện để lại cho con cháu, mà cũng là cho người đời những di ngôn còn quí hơn của cải vàng bạc!.

Trong bài viết này tôi không làm công việc phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ LỜI DẶN của Trần Dã Hàng - mà là sự phát hiện, diện kiến được một áng văn bất tuyệt của một nhà cách mạng Duy Tân mang tâm hồn thơ và trách nhiệm của kẻ sĩ, là đem đến cho con người những điều tâm đắc nhất, tốt đẹp nhất. Ông đã làm được điều đó một cách vẻ vang.

Thơ văn của ông như một phát ngôn, một tuyên ngôn sắc sảo, mạnh mẽ đánh thẳng vào kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, bảo vệ bản sắc dân tộc và tập hợp được sức mạnh quần chúng vào nghiệp lớn của đất nước ở nửa đầu thế kỷ XX, có sức lay động, vang vọng đến ngày hôm nay.

Mong có được nhiều ý kiến xung quanh bài thơ LỜI DẶN của Trần Dã Hàng, để chúng ta hiểu thêm một sáng tác phẩm mới lạ, độc đáo của ông. Một tác phẩm có bút pháp sáng tạo về cả nội dung lẫn hình thức, xứng đáng đứng vào hàng ngũ các tác giả tên tuổi trên thi đàn văn học sử Việt Nam.

Đà Nẵng, Tháng 5/2012

H.H.V

Bài viết khác cùng số