VĂN HÓA LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN Ở ĐÀ NẴNG QUA VIỆC TÌM HIỂU HƯƠNG LỆ LÀNG THÁI LAI - ĐINH THỊ TOAN

31.08.2012

VĂN HÓA LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN Ở ĐÀ NẴNG QUA VIỆC TÌM HIỂU HƯƠNG LỆ LÀNG THÁI LAI - ĐINH THỊ TOAN

Hương lệ hay hương ước, hương biên, hương khoán, khoán ước, khoán lệ…về bản chất là giống nhau, được coi là một "bộ luật” thành văn chính thức của một làng, xuất hiện cùng với sự hình thành cộng đồng làng với tư cách là một tổ chức kinh tế - xã hội – hành chính. Nó được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ đa chiều, đa cấp độ trong nội bộ làng, theo nguyên tắc dân chủ và tự nguyện. Nó bao quát đến nhiều vấn đề rất cụ thể trong cuộc sống làng xã – cái mà luật pháp chính thống không thể điều chỉnh, đề cập tới – gắn liền và phù hợp với hoàn cảnh, tri thức và quan niệm dân gian của địa phương. Cho nên, đúng như nhận định của Giáo sư Đinh Gia Khánh "hương ước phản ánh tâm lý của dân làng, phản ánh một phương diện quan trọng của văn hóa làng”[1].

Với vai trò, ý nghĩa đó của hương ước, ở đây qua hương lệ làng Thái Lai, chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả những mảng màu văn hóa làng xã cổ truyền ở Đà Nẵng.

I. VÀI NÉT VỀ LÀNG THÁI LAI

Làng Thái Lai nằm về phía tả ngạn sông Túy Loan, thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km về phía tây – tây nam. Làng có 3 xóm: xóm Gò, xóm Ngoài và xóm Trên; bắc giáp làng Phước Hưng, đông giáp làng Phước Thái, nam giáp làng An Tân và tây giáp làng Ninh An.

Quá trình khai mở, hình thành và phát triển làng Thái Lai có cùng hoàn cảnh lịch sử với nhiều làng xã khác trên đất Đà Nẵng. Đó là kết quả của một quá trình lịch sử mở cõi xuống phía nam của Đại Việt, được tạo ra từ bàn tay và khối óc của bao lớp lưu dân người Việt ra đi từ bên kia dãy Hoành Sơn.

Theo lưu truyền dân gian, tiền hiền của làng là 3 vị họ Mai, Nguyễn và Đỗ. Cả 3 ông đều tham gia trong đoàn quân chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 của vua Lê Thánh Tông. Sau cuộc bình Chiêm thắng lợi, họ xin vua ở lại, khai phá mảnh đất Thái Lai.

Thái Lai từ thuở mới khai hoang là vùng đất nhiều đồng trũng, đầm hồ sình lầy xen lẫn giữa các gò, đồi. Đặc điểm địa hình này được phản ánh rất rõ trong các địa danh của làng như Bàu Trai, Bàu Séo, Khe Ngang, Gò Ông Siêu, Cấm Nhỏ, Đồng Dông, Đồng Mẫu. Bàu Trai cũng chính là cái tên của làng tồn tại hàng mấy trăm năm, đến đầu đời Gia Long (1802-1820) mới đổi thành Thái Lai, phản ánh ước vọng một cuộc sống an bình, tốt đẹp của nhân dân.

Trong quá khứ, nền kinh tế chủ đạo của cư dân Thái Lai là sản xuất nông nghiệp trồng lúa, làm hoa màu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là mảnh đất không được thiên nhiên ưu đãi, nên cho dù người dân luôn tích cực, chí thú làm ăn, cần cù, chịu thương chịu khó, cuộc sống vẫn không dư dật.

Tuy vậy, nhân dân Thái Lai trong quá trình hoạt động thực tiễn đã sáng tạo nhiều sắc thái, giá trị văn hóa, mà một phần đã được biểu hiện trong nội dung của bản hương lệ dưới đây.

II.NỘI DUNG HƯƠNG LỆ

Hương lệ làng Thái Lai được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, đóng thành tập, hiện do ông Đỗ Hữu Thanh làng Thái Lai lưu giữ. Hương lệ được lập vào ngày 25 tháng 5 năm Thành Thái thứ 14 (1902) với sự xác nhận của các chức sắc, lý hào trong xã, gồm: người viết hương lệ Đỗ Văn Dục, tú tài Đỗ Văn Hanh, lão nhiêu Đỗ Văn Thứ, hương mục Đỗ Văn Thường, lý trưởng Đỗ Văn Vụ, thủ sắc Đỗ Văn Bá, biện lại Đỗ Văn Điển, thủ bổn Nguyễn Văn Lý và giám thủ Nguyễn Văn Nghĩa.

Hương lệ gồm 45 khoản nhưng không đánh số thứ tự từ trên xuống dưới. Nội dung đề cập nhiều vấn đề có phần tản mác, rời rạc, không theo thứ tự, tiêu chí rõ ràng, nhưng dựa vào nội dung chính có thể phân thành các chủ đề cơ bản sau:

2.1. Những quy ước về quan hệ ứng xử và chuẩn mực đạo đức xã hội

Đây là nội dung cơ bản chiếm tới 14 khoản trong bản hương lệ.

Trước hết đó là những quy định về thứ bậc, tôn ti trật tự trong làng xã, tộc họ. Việc ngồi hội họp ở làng phải tuân theo trật tự định sẵn, ăn nói phải nhã nhặn, hòa mục, nếu không sẽ bị trách phạt. "Nếu người nào có lời nói hỗn xược, đứng ngồi lộn xộn thì không kể là lý hào, ngoại dân đều (bị) trách tội 1 quan tiền, 1 bàn trầu rượu, nếu là ngụ dân bị đánh 30 roi”. Đối với tộc họ, gia đình, việc phân biệt thứ bậc trưởng thứ cũng được quy định rõ ràng thông qua khoản lập người kế tự, theo đó đề cao vai trò của dòng trưởng. Và việc lập người kế tự này phải được báo lên lý hào bổn xã. Nếu không sẽ bị trách phạt.

Hai là, quy định về thái độ ứng xử giữa những con người với nhau trong cuộc sống đời thường. Đó là nghiêm cấm các hành vi chửi mắng lẫn nhau, coi đó là hành vi "quá đáng”. Đối với những hương chức (tức người có chức vụ trong làng – TG) cũng không được sách hạch, nhiễu sự dân chúng trong làng. Đặc biệt, hương lệ còn quy định, những ai kiện tụng mà có ảnh hưởng, phương hại đến hương thôn thì "nhất thiết phải nghiêm cấm, không được ham thích điều ấy”.

Đối với vấn đề đạo đức, lễ nghĩa, có 5 khoản quy định về thái độ, trách nhiệm, quy chuẩn về ứng xử của con cháu với cha mẹ, ông bà; về đức hạnh của mỗi con người. Ví dụ "Khoản con cháu làm trái lời dạy của ông bà, cha mẹ, phụng dưỡng không chu toàn, người thân thuộc có lời báo thì phạt tội 5 quan tiền, 1 bàn trầu rượu, đánh người phụng dưỡng không chu đáo 60 roi”. Hương lệ cũng có khoản nghiêm cấm thê thiếp chửi cha mẹ chồng hoặc nô tỳ chửi gia trưởng. Với trường hợp con cái đang để tang cha mẹ mà "công nhiên uống rượu ăn thịt” hoặc tham yến tiệc, hoặc lấy chồng lấy vợ đều là những điều nghiêm kị. Với tất cả mọi người trong làng nói chung cũng nghiêm cấm các hành vi "bất hiếu, bất đễ, bất mục, bất nhân”, nếu vi phạm không những người đó bị nghiêm trị mà ngay cả trưởng tộc, gia trưởng cũng bị phạt lây.

Ngoài những vấn đề trên, hương lệ cũng quy ước thái độ ứng xử của làng xã với những người học hành đỗ đạt đều được trọng vọng và kính lễ. Thậm chí với những người chưa đỗ đạt thành tài mà đang "theo thầy học nghiệp thì cũng châm chước miễn sưu dịch”.

2.2. Những quy ước về bảo vệ tài sản và đảm bảo an ninh làng xã

Hương lệ có những quy định nhằm bảo vệ và gìn giữ tài sản chung của cộng đồng và cá nhân. Như việc nghiêm cấm xâm chiếm ruộng đất của làng, dĩ công vi tư; nghiêm cấm cắt trộm cỏ tranh; quy ước bảo vệ đồ tế tự của xã, hư hại phải bồi thường. Ở làng có loại cát được coi là quý nên quy định bảo vệ nghiêm ngặt. Hương lệ cho biết "Đất cát này dùng làm cát để ở án thờ, lại là đất tiến làm bút sa, không phải loại cát tầm thường, có thể nói là loại cát quý. Thế đất tự nhiên cao đột ngột lên mấy tấc không được đào. Phàm người nào canh tác ở 4 phía đất ấy, thì không được xâm canh, không được đào bỏ, không được lấy lớp đất trên đất ấy để làm bờ ruộng, cũng không được làm nơi dẫn nước để đến nỗi đất ấy bị khuyết mạch, mất đi vốn đất cát ấy. Nếu người nào vi phạm nên trách tội trầu rượu 1 bàn, tiền 10 quan và phải tái bồi đắp như cũ”.

Hương lệ cũng quy định nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp, cờ bạc diễn ra trong làng, những kẻ ăn trộm đều bị phạt, bồi thường thiệt hại, đồng thời phạt nặng những kẻ chấp chứa, giấu giếm bọn đạo chích. Ví dụ: "trong xã có chứa gian tế (ở ngoài làng - TG) lén lút đi lại trộm cắp trong xã, bắt được kẻ chứa chấp gian tặc thì phạt, nặng thì 10 quan, nhẹ thì 5 quan, trầu rượu 1 bàn, thưởng cho người bắt 1 quan, đánh kẻ gian 80 roi và đuổi đi”.

Về nạn cờ bạc, "người nào chơi cờ bạc tiêu tán gia nghiệp nhất thiết phải cấm chỉ không được học hành. Phàm con em nhân dân dùng tiền đánh bạc thì bất kể là dân nội xã hay ngoại xã, xa hay gần đều bắt. Người đánh nhiều thì phạt gia trưởng 10 quan tiền, đánh người này (người đánh bạc - TG) 100 roi. Người đánh ít thì phạt gia trưởng 5 quan tiền, đánh người này (người đánh bạc - TG) 50 roi, trầu rượu mỗi người 1 bàn. Nếu không có gia trưởng thì người ấy cùng chịu hết. Nam nữ cùng một lệ như vậy”.

2.3. Về đời sống văn hóa tinh thần

Việc lễ cúng thần được quy ước rõ ràng, làng giao cho lý hào tổ chức và theo dõi. Trước một ngày diễn ra lễ, lý hào, lệnh cho sai phu thông báo cho toàn bộ chức sắc, xã dân đều biết. Sáng sớm ngày mai (ngày lễ) sau khi nghe hiệu lệnh của làng, mọi người phải có mặt đông đủ để hành lễ. Những ai thiếu vắng, chậm trễ mà không cáo trước đều bị phạt tiền 1 quan, trầu rượu 1 bàn, còn nếu là ngụ dân bị đánh thêm 30 roi. Điều đáng lưu ý là không cho phép tổ chức lễ hội rình rang. "Không được thu tiền để ăn uống” mà "chỉ dùng trầu rượu làm lễ” nếu không làng sẽ trách phạt lý trưởng 3 quan tiền, hào mục mỗi người 1 quan tiền và 1 bàn trầu rượu.

Ngoài ra, các vấn đề như giữ gìn sự tôn kính ở miếu âm linh, mộ phần tổ tiên của làng, việc lễ lạt của tư gia cũng được quy ước về cách thức, mức độ, nếu làm khác đều bị trách tội.

Đối với việc tang, hương lệ chỉ đề cập vài khía cạnh. Trước hết là quy định lễ cáo tiền hiền của gia chủ không cần cầu kì, cứng nhắc, mà tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của gia đình đó, kể cả trầu rượu có hoặc không đều được, tuyệt đối không được đòi hỏi. Việc phục tang của những người liên quan được quy định rõ ràng và nghiêm: "Bổn xã ta sau này, mỗi tộc phái có người nào qua đời thì trừ gia đình có tang, còn lại tùy theo mà thành phục đối với người ngoài cùng với người thân thuộc xa gần, lớn nhỏ. Huynh trưởng, bá, thúc trong tộc phái không rõ lễ thì phải báo rõ với xã nội. Người nào thông thạo phục chế, tướng thọ, xét sách mà làm sáng tỏ thứ bậc trong tang ma, từ cơ tang năm đó đến đại công, tiểu công, tư ma lập tức chọn ngày tùy thứ tự mà nhận phục. Lý hào bổn xã lại nên theo dõi thứ tự tang phục. Tùy trong đó có người nào không nhận tang phục thì trách tội 1 bàn trầu rượu (...) Đánh roi thì dùng lệ cũ bằng roi da, như cơ tang tức tang 1 năm, đánh 100 roi. Đại công tức tang 9 tháng, đánh 90 roi. Tiểu công tức tang 5 tháng, đánh 50 roi. Tư ma tức tang 3 tháng, đánh 30 roi và phải chịu lễ nhận tang phục”.

Với việc hôn nhân. Trước hết quy định cấm hôn nhân nội tộc, không những thế, những người có cùng họ như nhau, bất kể ở đâu – trong làng hay ngoài làng- cũng không được kết hôn, mua thê cũng không được. Ai trái thì bị phạt 1 bàn trầu rượu và vẫn không được kết hôn. Về tính pháp lý của hôn nhân thì "Nếu người mai mối đến thỉnh cưới, nhà nữ đã chấp nhận thì sau bữa rượu đó coi như là thành hôn. Sau này nhà nữ không được bội lời vì bất cứ lý do nào. Nếu nhà nữ có thân thích bội ước thì trách phạt tiền 10 quan, một bàn trầu rượu, không được ly dị”. Hương lệ cũng đề cập đến vấn đề sính lễ với tinh thần không câu nệ nặng nề, tùy thuộc hoàn cảnh và tuyệt đối không được viết khế ước thế chấp đất đai. Việc cưới hỏi bắt buộc phải nộp tiền lan nhai (tiền cheo), số tiền phụ thuộc vào đối tượng là chính cư hay ngụ cư, hôn nhân nội xã hay ngoại xã. Cụ thể: "Tiền lan nhai của đám cưới ấy là 1 quan 2 mạch, lấy người ngoại xã thì tiền gấp đôi, nếu là ngụ dân mà là nữ thì giảm một nửa, một bàn trầu rượu”.

2.4. Quy ước về thưởng, phạt

Về thưởng, những người có công đều được thưởng, giá trị vật chất của việc thưởng tùy thuộc vào lĩnh vực, mức độ hành vi mà người đó thực hiện. Hình thức thưởng bằng tiền, cao nhất là 1 quan, thấp nhất là 3 mạch. Ví dụ "người có công bắt kẻ chặt phá cây ở miếu âm linh hoặc mộ phần tổ tiên; hoặc bắt người chặt, bẻ trộm măng tre được thưởng tiền 5 mạch”. Còn lại những người bắt kẻ trộm cắp trâu bò, gà, lợn, hoa màu hoặc cáo giác hành vi trộm cắp, xâm chiếm tài sản đều được thưởng tiền 1 quan.

Về phạt, được áp dụng cho tất cả mọi người nếu vi phạm hương lệ, nhưng có sự khác nhau về mức độ và hình thức, tùy thuộc vào đối tượng và hành vi vi phạm. Có 4 hình thức phạt được áp dụng:

-Phạt tiền: được áp dụng phổ biến cho nhiều hành vi và đối tượng vi phạm, dân thường hay chức sắc, phạm tội nặng hay nhẹ đều bị phạt tiền. Tội bị phạt tiền nặng nhất là bắt chước tập tục lễ nghi của làng khác và tội thông gian đều bị phạt 30 quan.

- Phạt bằng hiện vật: phạt một bàn trầu rượu cũng là hình thức phạt phổ biến được áp dụng và thường đi kèm với việc phạt tiền. Ngoài ra, hình thức này còn được áp dụng riêng rẽ với một số tội trạng như kết hôn cùng tộc; không trình báo với lý hào để lập người kế tự trong nội bộ tộc phái có người vô tự.

- Phạt bồi thường thiệt hại: chỉ được áp dụng trong một số trường hợp có hành vi xâm hại đến quyền lợi và tài sản của người khác và của cộng đồng. Nó được áp dụng kèm với hai hình thức trên, tức vừa bị phạt tiền, trầu rượu, vừa phải bồi thường thiệt hại.

- Phạt đánh roi: là hình thức phạt được áp dụng với các tội về đạo đức như bất hiếu, bất đễ, bất mục, bất nhân, phạm thượng, tội chửi mắng, trộm cắp, cờ bạc. Cũng như hình thức phạt bồi thường, phạt đánh roi cũng được áp dụng kèm theo với hai hình thức phạt tiền và trầu rượu. Về đối tượng chịu hình phạt, hương lệ không đề cập rõ, tuy nhiên đáng chú ý là trong một số tội trạng, dân ngụ cư ngoài việc bị trách phạt các hình thức khác còn phải chịu thêm hình phạt đánh roi.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

Qua việc trình bày những nội dung trên của hương lệ làng Thái Lai, chúng tôi có một số nhận xét, đánh giá về văn hóa truyền thống ở đây như sau:

1. Không có sự phân biệt khắt khe ngôi thứ, đẳng cấp xã hội trong quan hệ làng xã, mà ngược lại thể hiện sự bình đẳng, dân chủ và công minh

Chúng ta thấy rằng trong 45 khoản của hương lệ, chỉ có một khoản quy ước về tôn ti trật tự của việc hội họp ở làng. Trong đó, cũng chỉ đề cập một cách chung là ngồi họp phải có trật tự thứ bậc, lời nói nhã nhặn. Mặt khác, trong toàn bộ nội dung của hương lệ, không thấy xuất hiện những quy định phân biệt rạch ròi quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành phần xã hội, ngoại trừ những quyền lợi đương nhiên được hưởng do liên quan đến trách nhiệm của một số ít người (chức sắc trong làng). Ngay cả việc thưởng phạt cũng chỉ dựa vào công trạng và hành vi của đối tượng mà không phân biệt thân phận xã hội. Ai có công đều được thưởng và ai vi phạm đều bị phạt; công cao thưởng lớn, tội nặng phạt nhiều và được áp dụng các hình thức như nhau. Lại nữa, những người có trách nhiệm không chỉ được hưởng quyền lợi mà gắn liền với nó cũng phải chịu sự trách phạt của làng. Như việc tổ chức hội làng linh đình, tốn kém thì lý trưởng, hào mục đều bị phạt tiền và 1 bàn trầu rượu.

2. Đề cao sự đoàn kết, dung hòa, lối sống trọng tình và coi trọng vấn đề đạo đức và lễ nghi theo trật tự Nho giáo

Trong hương lệ có nhiều khoản điều chỉnh về quan hệ ứng xử giữa người với người, tất thảy đều nghiêm trị những hành vi ẩu đả, chửi mắng, cãi vả lẫn nhau, làm mất hòa khí trong quan hệ láng giềng, thân tộc. Điều này càng được thấy rõ ở một khoản quy định cứ chửi nhau là đánh 30 roi mà "không cần phân phải trái, không luận trước sau, tất thảy đều quá đáng”. Những hành vi chửi mắng, trái lời ông bà, cha mẹ, phụng dưỡng họ không chu toàn đều bị dân làng coi khinh và trách phạt; nói chung bất hiếu, bất đễ là không thể dung thứ. Tính gia trưởng cũng rất được đề cao, nó thể hiện ở các quy ước về lập người kế tự, về liên đới chịu trách nhiệm của tộc trưởng, gia trưởng khi người thân phạm tội.

3. Phong tục thuần hậu, giản dị, con người có tấm lòng bao dung, rộng lượng

Ở đây việc tổ chức hội hè đình đám từ tư gia đến tộc họ, làng xã không nặng nề về lễ nghi rườm rà, sinh ra nạn sách nhiễu, tục ăn uống linh đình tốn kém của. lễ cưới, lễ tang đều cốt ở sự trang nghiêm, lòng thành, coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất, nó phù hợp với hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế của gia đình và làng xã.

Tìm hiểu hương ước ở các làng xã Bắc Bộ, chúng ta thấy tuy không phổ biến những cũng không hiếm các trường hợp người vi phạm bị đuổi ra khỏi làng. Hoặc như tội thông gian thường bị xử rất nặng, đôi khi làm cho người phạm tội và gia đinh của họ cả đời không thể cất mặt lên được. Nhưng ở đây, điều đó hoàn toàn không xảy ra. Tính nhân văn biểu hiện rất rõ trong truyền thống văn hóa, luật lệ, quy ước xét cho cùng, mục đích vẫn là để sửa mình răn người, giúp con người hoàn thiện nhân cách, lối sống, hướng đến những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, chứ không phải vùi dập, triệt tiêu sự phấn đấu của người vi phạm.

4. Truyền thống văn hóa nơi đây nằm trong dòng chảy, bối cảnh, nền tảng văn hóa cổ truyền người Việt

Về mặt lý luận, đó là điều đương nhiên; và trong thực tiễn nó cũng biểu hiện rất rõ. Ngoài những vấn đề chúng tôi đã trình bày ở trên như đề cao sự đoàn kết, hòa mục, coi trọng đạo đức gia đình, lễ nghi, nặng tình làng nghĩa xóm, còn có các biểu hiện khác mang tính phổ biến của văn hóa làng xã cổ truyền Việt Nam, như đề cao tính tự trị của làng xã; khuyến khích và coi trọng chuyện học hành và đỗ đạt; phân biệt dân chính cư và ngụ cư…

Đ.T.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Đại Doãn (2010), Làng xã Việt Nam – một số vấn đề kinh tế - văn hóa – xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bùi Xuân Đính (1998), Hương ước và quản lý làng xã, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Đinh Gia Khánh (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Vũ Duy Mền (2010), Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.



[1]Đinh Gia Khánh (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.1342.

Bài viết khác cùng số