Viết sau bão số 9 - Molave
Năm nay 2020, bão số 9 - Molave nghe nói “đậm đà” không thua gì năm 2006, bão số 6 - Xangsane. Nhưng năm nay tôi hên, căn nhà cấp bốn của gia đình tôi được chằng kéo sơ qua nên vẫn giữ được an toàn qua cơn bão.
Năm 2006, căn nhà đó đã bị bão Xangsane dỡ nguyên cả mái tôn đi mất, không tìm thấy một mảnh rẻo nào. Cả tuần lễ ăn ngủ trong khoảnh chái nhà còn sót lại. Lần đầu tiên trong đời biết thế nào là màn trời chiếu đất. Nhờ đó tôi đã biết cảm thông cảnh màn trời chiếu đất mà bà con ở Quảng Bình, Quảng Trị hiện nay đang chịu đựng. Nhờ đó tôi đã từng thương vợ tranh phần nằm chỗ ướt nhường chỗ cho tôi và mấy đứa con. Nhờ đó tôi mới hay rằng, cái thích hay cái không thích của mỗi người hiện ra rõ ràng, nếu bạn không có nó, bạn không nhận ra nó nơi người khác.
Thể hiện ở chỗ tôi đứt ruột nhìn tủ sách - gia tài quý nhất của tôi phải loại bỏ đi một nửa do không kịp che chắn bị ướt nhèm. Tôi loay hoay bảo vệ, chuyển đi gởi, rồi sấy, rồi phơi phóng, mấy bà hàng xóm nói tôi khùng, nhà không lo mà cứ khư khư ba quyển sách.
Nay tôi cũng đủ già để thấy, bão số 9 rất lạ, bởi gió từ đêm hôm trước tận trưa hôm sau, khi vào đất liền rồi thì quần thảo đến tám tiếng đồng hồ. Tôi nhớ bão Xangsane chỉ có hai tiếng đồng hồ cũng đủ để tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Bão nào cũng khiến tôi phải thức trắng đêm nghe gió gào hú, cây đổ, tôn bay loảng xoảng làm thót tim. Tôi đã phải vật lộn nào với chậu, xoong, nồi, bạt nilon để hứng nước mưa vì mái tôn nhà tôi qua nhiều năm cũng đã bị dột nhiều chỗ. Tôi sốt ruột nghe và đếm từng phút bước chân của bão, chỉ ước nó đi nhanh qua để trời lại bình thường. Tôi không dám ra đường, chỉ xem người ta trực tuyến trên Facebook. Thấy cây xanh ngã đổ, bật gốc nằm la liệt, biển quảng cáo, mái tôn bị tốc, gió thổi bay khắp nơi. Thấy ca nô, thuyền neo trú bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. Hàng loạt nhà dân bị tốc mái. Phòng học của các trường bị rớt la phông, bay mái tôn. Nơi nơi cây cối ngã rạp, trụ điện nghiêng, đổ trên ruộng lúa. Các loại rác thải, lá cây bị bão tuốt bay tung tóe.
Chưa năm nào tôi thấy quê mình không có bão về. Ở tuổi tôi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, tôi đã phải hứng chịu biết bao nhiêu cơn bão, tôi không nhớ hết, nhưng chưa có cơn bão lớn nhỏ nào mà tôi thấy bình yên.
Nơi đó, bao công trình xây dựng kiên cố, những công sở, những building, những khách sạn hạng sang nhiều lần tan hoang do luôn phải chống chọi với ba bốn trận bão một năm. Huống hồ chi nhiều căn nhà cấp bốn, nhà tạm như nhà tôi hãy còn khá nhiều trong thành phố. Mãi đến những ngày đã lớn già tôi mới thấy sợ những ngày tháng mười mùa mưa bão hằng năm. Khi Đài truyền hình thông báo, chú ý chằng kéo nhà cửa, bảo vệ tài sản, vì dự báo cơn bão số bao nhiêu đó sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng vào chiều và tối nay. Tôi nghe mà phiền trong lòng, sợ căn nhà cấp bốn của tôi đổ sập, sợ cảnh dọn nhà, sợ cảnh tôn bay, cảnh nhà ướt át.
Có hung hăng, dữ dằn, có gầm rú, phá phách bao nhiêu rồi cũng phải tan. Bão tan, mọi người lại tất bật với công việc hằng ngày với bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, lo khắc phục hậu quả của bão. Lực lượng cứu hộ, công nhân vệ sinh có mặt khắp các nẻo đường để cưa cây ngã đổ, gom dọn rác thải. Công ty Điện huy động lực lượng đi cắt tỉa cây ngã đổ đè lên dây điện để sớm khôi phục lại hệ thống điện lưới phục vụ cho người dân. Hàng loạt biển quảng cáo, các cửa hàng bên đường bị gió xô đổ đã được người dân dựng dậy. Nhà cửa từng gia đình đang được dọn dẹp để quay lại cuộc sống bình thường.
Người thành phố đổ ra đường sau một ngày giới nghiêm. Dọc bờ sông Hàn, nhiều người tản bộ, chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm khi bão đi qua. Sự sống lại bừng lên sau nhiều giờ nơm nớp lo sợ.
Sau bão số 9, trời hửng, đường thoáng, tôi cũng đi dọc biển Nguyễn Tất Thành nghĩ ngợi. Nắng mưa là bệnh của trời, bão thì đáng sợ thật nhưng tôi vẫn thích hơn là những ngày nắng nóng. Cùng lứa như tôi, tuổi thơ ai mà chẳng tràn ngập tiếng cười bên biển, những ngày vô tư thả diều trên biển Thanh Bình, nô đùa bơi lặn trên biển Mỹ Khê. Âm thanh biển, cảnh quan biển theo tôi suốt cuộc đời. Bờ biển Nguyễn Tất Thành nhiều năm là bạn của tôi hiền hòa dịu êm, ru tôi vào cơn mộng. Xuất phát từ biển, bão hình thành từ đâu xa lắc, tận quần đảo Philippines. Nơi đó là vùng đất xinh đẹp hiền hòa và rồi cũng hung hăng, dữ dằn. Tôi chấp nhận những lúc nó giận dữ đột ngột, đáng sợ nhưng muôn đời, biển như lòng mẹ mênh mang.
Sẽ thật tẻ nhạt nếu sóng biển chỉ vỗ nhịp nhàng, nếu biển mãi dịu êm và lãng mạn. Người từng chống chịu lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên mới biết trân trọng cuộc sống thường nhật. Người vượt qua những khó khăn bão táp, bão lòng mới có được cho mình tinh thần rắn rỏi và trải nghiệm. Đang chờ đợi cơn bão số 10 và số 11, nghe nói cơn bão số 11 dữ dằn không kém cơn bão số 9.
Tôi chấp nhận chào đón hết các cơn bão, có cả cơn bão đời tôi - cơn bão vô thường.
N.P