Lắng nghe lời của gió (Đọc tập Những ngọn gió khuya của nhà thơ Ngân Vịnh)

26.12.2020
Thuy Thủy

Lắng nghe lời của gió (Đọc tập Những ngọn gió khuya của nhà thơ Ngân Vịnh)

Không làm sao níu được ngọn gió/ Thổi ù ù lạnh buốt suốt mùa đông (Bài thơ cho mùa xuân - Ngân Vịnh). Làm sao níu giữ được sự chảy trôi của thời gian, tuổi trẻ trước qui luật khắc nghiệt của cuộc đời, làm sao cầm được những ngọn gió khuya tê rát cõi lòng trước cái giá lạnh của mùa đông? Câu hỏi ấy theo suốt độc giả khi đến với những trang thơ “Những ngọn gió khuya” vừa in xong của nhà thơ Ngân Vịnh. Cầm cuốn sách còn nóng hổi trên tay, ta hoà cùng nhịp đập của một trái tim đầy duyên nghiệp với thơ ca, để nhận ra một cái Tôi cô đơn luôn thao thức cùng đêm dài nhân thế này.

Với suy nghĩ “thơ là tiếng nói, là máu thịt của mình được biểu hiện trong từng sắc thái trước cửa cuộc đời này... Tôi tìm thơ trong mọi ngõ ngách của đời sống để khám phá vẻ đẹp ngay cả trong nỗi đau và cay đắng”, Ngân Vịnh dẫn dắt người đọc qua 94 bậc thang cảm xúc để hòa cùng nỗi cô lẻ của chủ thể trữ tình trong “Những ngọn gió khuya”. Đầu đề tập thơ đã mở ra cho độc giả một trường liên tưởng, bởi thời gian là đêm khuya, khi con người tạm xa những bận rộn bon chen đời thường, tự đối diện với chính mình; không gian của ngọn gió khuya thường gợi nên cái hun hút, rát buốt, tái tê và đơn độc. Đó cũng chính là cõi lòng, là nỗi buồn cô đơn của một người đàn ông ở vào tuổi thất thập bát tú với bao từng trải đắng cay của cuộc đời.

Ngân Vịnh - vốn một nhà thơ quân đội, một người lính cầm bút; ông hạnh phúc là người cất cao tiếng nói của dân tộc và đóng góp cho dân tộc một chút ấm nồng của tâm hồn mình ẩn giấu như mùi hương của cỏ ấu đồng quê. Những vần thơ của một thời gắn bó với binh nghiệp hồn nhiên nhưng hào sảng: Đến Trường Sa sao tôi cứ ngẩn ngơ/ Vòm trời biếc đặt lên vai yên tĩnh/ Trên sũng cát dấu chân người lính/ Đôi tiếng chim lanh lảnh lót ổ chiều (Đến Trường Sa). Trong những năm tháng ấy, Ngân Vịnh đã sống tận hiến cả quãng đời thanh xuân của mình cho đất nước nhưng vẫn còn thấy chưa đủ: Tôi là người mắc nợ tôi/ Nợ con sông đỏ/ Nợ ngọn đồi xanh (Đôi điều bày tỏ)...

Cuộc đời vẫn cứ chảy trôi, người lính sôi nổi ngày xưa chạm bước tuổi hoàng hôn, chợt thảng thốt nhận ra: Thời gian một thoáng vó câu/ Ngọn đèn dầu cạn/ miếng trầu khô vôi và chỉ biết tâm sự cùng với “Những ngọn gió khuya”. Tập sách là những vần thơ hướng nội, ông viết cho mình với những suy nghĩ sâu sắc chân tình đi thẳng vào trái tim, không sợ mình cũ hay mới...(chữ dùng của Ngân Vịnh).

Ta bắt gặp trong tập thơ Ngân Vịnh, một cái Tôi đầy tâm trạng của một người con sống xa quê hương. Với nỗi trong Nam ngoài Bắc, tâm hồn ông luôn thao thiết cùng hương cốm thơm nồng nơi Miền Yên Lãng cũ, thương cánh đồng lúa mùa đất trắng cỏ khô. Dù đi qua bao năm tháng, trải qua bao chặng đời, Ngân Vịnh vẫn không nguôi cảm thức quê xa: Lòng quê thao thức nỗi quê/ Quạ kêu kêu dọc bờ đê cỏ gầy (Chiều chiều). Quê hương là điểm tựa cho mỗi cuộc hành trình và cũng là nơi con người mong muốn quay về sau bao bão tố của cuộc đời. Bởi nơi ấy có Cuộc đời cha tôi, mẹ tôi còn cả đó/ Manh áo cũ sờn nắng bạc mưa phai (Cánh đồng).

Đọc những vần thơ Ngân Vịnh trong “Những ngọn gió khuya”, ta rung rưng cùng nỗi cô quạnh của người lính trong một chiều biên giới về thăm chiến trường xưa: Giọt sương âm thầm tan đi/ Gió thơm ngát mùi mộc miên hoa nở/ Xác máu vỡ tung mùa hạ/ Ta úp mặt vào những chiếc lá khô (Đêm mộc miên hoa nở). Ý thơ giàu sức ám ảnh, bởi trang kí ức về năm tháng không quên như xác máu vỡ tung cứ hiện về cùng chủ thể úp mặt vào kỉ niệm để nhớ thương, thổn thức. Quay về nơi đồng đội nằm lại, người thơ như thầm thì cùng những cơn gió biển, đong đếm từng buồn vui ngọt đắng của một thời đã qua: Ngồi bên cát trắng ngày đi/ Tôi đong đếm buồn vui ngọt đắng/ Từng phút thời gian/ Lẳng lặng/ Gió luồn qua kẽ ngón tay (Gió và những ngôi mộ).

Con người ấy không ngừng trở trăn, chiêm nghiệm qui luật của thời gian và cuộc đời, hiểu hết cái hữu hạn của đời người so với cái vô cùng vô tận của vạn vật. Đêm là khoảnh khắc để nhà thơ tự đối diện, là phút giây bừng thức những suy ngẫm về nhân tình thế thái đồng thời là khoảng lặng để cái Tôi bản thể bộc lộ một cách cụ thể và rõ ràng nhất: Đêm tịch mịch lắng sâu/ Trái tim tôi bỏ ngỏ/ Vẫn tình yêu như cũ/ Tay chạm lời mà không đến ngàn năm (Đêm tịch mịch lắng sâu). Nắm vững qui luật chảy trôi của dòng sông đời người là thế, nhưng khi chứng kiến sự ra đi của người thân yêu nhất, người ở lại không làm sao tránh khỏi chới với đến xót xa: Em thành chim trời/ Em thành ngọn gió/ Và lặng im thành ngọn cỏ xanh (Bài thơ tiễn biệt em). Chính tận cùng của nỗi cô đơn, con người thi sĩ mới thực sự vật lộn kịch liệt với cái riêng để truy tìm bản thể: Em xa đêm mùa đông thức/ Ngọn cây cầm gió đi quanh/ Ngày lấp mình trong hư thực/ Cơn mưa ngồi lại với mình (Em xa). Có thể nói, càng thức với đêm dài, nhà thơ càng nhận rõ cái bản thể cô độc của chính mình. Theo lẽ thường, sự cô đơn thường đem tới những tổn thương, bi kịch cho con người, nhưng đối với nhà thơ, nó được xem như một trạng thái để họ tự thanh lọc tâm hồn. Con đường hợp lí nhất để giải toả nỗi buồn, sự trống vắng chính là sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo đưa nhà thơ đến với những giá trị cao đẹp của cái buồn, niềm đau.

Nhưng, khoảng bóng tối của đêm không chỉ gợi nỗi buồn và tâm trạng cô đơn mòi mỏi của thi sĩ mà còn là khoảng lặng của tâm hồn để bừng sáng niềm tin yêu và hi vọng. Vì thế, cái tôi đơn côi trong thơ Ngân Vịnh không bi quan sầu não mà mạnh mẽ, bản lĩnh và nỗi buồn đau đã hoá giải và điều tiết sự thanh sạch tâm hồn để ông biến cái buồn thành động lực sống: Đằng sau những khoảng tối/ Bừng sáng lên tia lửa ấm căn nhà/ Dòng sông đầy ắp phù sa/ Gieo hi vọng vào trái tim cô lẻ (Ngày buồn cho một người). Phải chăng, dòng chảy cuộc đời vẫn ngày đêm lặng lẽ bồi đắp niềm tin vào trái tim cô lẻ của Ngân Vịnh đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta về thái độ sống chỉn chu, đầy trách nhiệm với quê hương, gia đình: Hãy ngoảnh lại nhìn núi/ Để thấy mình cao bao nhiêu... Hãy ngoảnh lại nhìn sông thác đổ/ Để thấy sức vóc những con thuyền băng băng (Hãy ngoảnh lại).

Để trải bày ý thức về cái Tôi Ngân Vịnh, tập “Những ngọn gió khuya” đã xuất hiện đan xen nhiều thể loại thơ (lục bát, thơ tự do, thơ 6 chữ, 8 chữ), giọng điệu xúc cảm giàu suy tư, chiêm nghiệm; thi ảnh khá quen thuộc nhưng không nhàm chán; tiếng thơ giản dị, tự nhiên với âm vực trầm da diết. Song, nếu có ý thức chọn lọc hơn một chút, dung lượng tập thơ co lại nhưng tầm kích trí tuệ sẽ mênh mang và ám ảnh độc giả hơn. Mặc dù, nhà thơ đã từng quan niệm: sự đổi mới thơ không chỉ ở hình thức, thể loại mà còn bắt nguồn từ tâm trạng, tư duy thơ.

Thao thức cùng “Những ngọn gió khuya”, ta hiểu thêm chất hướng nội của một cái Tôi thi sĩ Ngân Vịnh. Đó là một con người luôn tha thiết yêu đời, yêu người. Nỗi buồn, cô đơn của ông như là cái cớ tạo ra bước ngoặc, là khoảnh khắc tĩnh tâm để hiểu thêm qui luật nhân thế của cuộc đời, tìm về với thiên nhiên và đạt đến sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn. Đọc thơ Ngân Vịnh, ta hiểu thêm những vỉa sâu tâm trạng ẩn lấp đằng sau câu chữ, cùng đồng cảm với những nghĩ suy, trở trăn của một trái tim thơ không nguôi khát vọng.

T.T