Phố cổ trong bão lụt

22.12.2020
Kỳ Nam

Phố cổ trong bão lụt

Thời nhà nhà sống nhờ “công nghiệp không khói” thì có câu tục ngữ mới “nhất biển, nhì sông, tam cánh đồng” đó là chọn lựa chính xác nhất để sinh lợi. Nhưng khổ thay khi bão vào thì ưu thế nhất nhị tam đó quay ngược thành xếp hạng khốn khổ. Ông trời cũng đâu cho ai lợi lạc quá nhiều, không thể bất công.

Người ở đây có lạ gì với bão lụt, mỗi năm đón vài ba “cây lụt” là chuyện thường của mấy đời, nhưng lần này bão lớn quá, lại được dự kiến làm “tâm bão” nên ai nấy cuống quít lo chằng chống các kiểu.

Bão thường lụt sẽ lên, nên đồ đạc đều di tản lên độ cao bằng cách kê kích, thậm chí làm luôn cả dàn khung sắt để chất lên khỏi mức ngập. Tivi, tủ lạnh, bếp núc đều chễm chệ lên ngất nghểu, tạo thành một cảnh rất sẵn sàng.

Ngoài đường đội cây xanh của thành phố cấp tập lo cắt tỉa hàng cây trên khắp nẻo đường, phải nói các anh chính là những người có công rất lớn, miệt mài bất kể mưa gió để giữ cho bình yên trong thiên tai. Chỉ cần một cái cây to đổ ngang thì đứt điện, cắt thông tin, chưa kể thiệt hại tài sản có khi còn là nhân mạng.

Phố cổ mà nước lên thì trong nhà tầm một tấc, ra hẻm thì năm tấc, lội ra phố lụt sâu hơn thì về. Người Hội An chỉ cần hỏi nhau lụt tới đường nào là đã áng chừng được sức nước để lo dọn.

Lụt quen nên vui, người ở xa nhìn thấy nước tràn bờ sông là đã mênh mênh mông mông, sợ lắm rồi, chớ có biết đâu, cỡ ngập đường Bạch Đằng tràn sông thì chỉ tầm cỡ “lụt mẫu giáo”, mấy đứa nhỏ nhỏ rủ nhau đi “lội lụt” chứ chưa thèm kê dọn gì, chờ nước mấp mé trước nhà mới dọn, dọn sớm nước không vô tới nhà thì uổng công dọn, để thì giờ mà đi lội lụt vui hơn.

Người ta chẳng còn cách gì khác ngoài sự lạc quan và ngoan cường để đối diện với những ngày mưa gió miền Trung, đó là số phận của vùng đất này tự bao đời rồi, không thể thay đổi.

Mưa lớn kéo lũ về trên sông Thu Bồn, lục bình trôi đặc bờ, sông ngầu đục.

Sớm mai nghe tiếng khua cá ngoài sông, lâu thật lâu rồi mà vẫn còn nghe được âm thanh ấy. Người ta chèo ghe ra giữa dòng, dùng dầm gỗ gõ liên hồi vào mạn ghe để lái cá vào lưới.

Chợ Cá lát nữa chắc sẽ có cá tươi chong, tép nhảy xoi xói, đổ bánh xèo kiểu miền Trung, ăn ngày mưa lụt dầm dề này thì nhứt xứ.

Sáng vẫn lội nước lấp xấp đi cà phê, ghé ngang mua ổ bánh mì Phượng trứ danh, lụt lội thì được cái đỡ phải xếp hàng rồng rắn mới mua được ổ bánh mì nổi tiếng nhất Hội An này.

Lụt thì cả cái chợ Hội An dời ra thành chợ chồm hổm ở quanh Chùa Ông, người buôn bán ngày một không bỏ buổi chợ nào, mất khách, mất mối, cụt vốn thì còn mệt mỏi hơn chạy chợ.

Rau vẫn xanh, thịt vẫn tươi.

Bữa cơm ngày lụt có canh dưa hồng nấu tôm, không thể thiếu chén mắm dưa. Mắm dưa xứ Quảng làm bằng dưa gang, hết mùa dưa gang thì tới dưa leo. Cá ngừ kho nhiều nước như canh để chấm rau sống, mà rau sống miền Trung ngộ lắm, lá nào cũng nhỏ xíu xiu mà thơm nồng đặc vị, không lẫn vào đâu và cũng không đâu có.

Món ngon của đất này còn có hến xào.

Xào hến kỹ để ăn khỏi đau bụng, y văn nói hến có tính hàn. Thêm mấy mảnh hành tây xắt mỏng, rau húng cọng nhỏ lá tí ti, hành lá xanh xanh điểm, nước mắm dầm ớt tỏi rồi rắc đậu phộng rang vàng giã nhỏ. Nước mắm in ít thôi, mặn.

Chiều.

Nghe nói qua trận bão lũ biển sạt lở nhiều. Gỡ chiếc xe đạp xuống khỏi giàn treo lụt, đạp xe ra xem biển.

Ngoài biển, chẳng còn thấy bãi tắm. Biển lở đến vài chục mét bờ, những tảng đá trước nằm ngoan trên bãi cát nay bị quăng ra lòng biển, chơ vơ ngụp lặn trong sóng sừng sững, cuộn thêm dòng chảy chở đất vàng của lụt, màu sóng ngập ngụa đen đen vàng vàng đầy đe dọa. Cành lá tả tơi, bãi biển nham nhở rác, thiên nhiên hung tàn quá!

Đời sống ở phố cổ trong những ngày mưa lụt như một khúc rẽ trên con đường, có thể khúc rẽ đó không phải trong mong muốn, nhưng nhờ vậy mà có thể thấy nhiều cảnh vật khác, thấy được cái tình người chan chứa, điều mà cái xã hội quay cuồng trên đường phố tấp nập hàng ngày dường như đã bỏ quên lại chốn quê.

K.N