“Trong vô tận” tình yêu là nỗi cô đơn...

26.12.2020
Vũ Ngọc Giao

“Trong vô tận” tình yêu là nỗi cô đơn...

BBT: Ngày 11/11/2020 Hội Nhà văn Việt Nam đã có thông báo chính thức công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, giải thưởng Hội Nhà văn 2020. Trong đó, tiểu thuyết “Trong vô tận” của nhà văn Vĩnh Quyền đã đoạt giải Nhì.

Bằng thủ pháp nghệ thuật kể đan xen, lồng ghép quá khứ và hiện tại, tiểu thuyết “Trong vô tận” đã tái hiện một dòng họ vương triều ở Huế, những biến động theo hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.  Văn  phong thấm đậm tình yêu lịch sử và văn hóa dân tộc, những gia phong, lễ giáo ở chốn cố đô u trầm, cổ kính nhưng không kém phần lãng mạn. Lồng vào những câu chuyện lịch sử là những chuyện tình xuyên suốt đẹp và dở dang...

Tạp chí Non Nước kỳ này trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết của tác giả Vũ Ngọc Giao giới thiệu tiểu thuyết “Trong vô tận” của nhà văn Vĩnh Quyền.

 

 

Có một lần tôi đã chia sẻ với nhà văn Vĩnh Quyền rằng, tôi rất thích “Rừng Na Uy”. Và “Trong vô tận” của ông cũng vậy, cả hai tiểu thuyết cùng giống nhau ở một điểm: Gấp sách, cảm xúc còn lại tôi thấy cô đơn, dù H. Murakami hay Vĩnh Quyền đều không hướng tới sự bi lụy trong tình yêu. Nhưng không hiểu sao, tình yêu “trong vô tận” với tôi vẫn là những nỗi cô đơn...

Tiểu thuyết “Trong vô tận” đã được nhiều nhà phê bình đánh giá khá sắc bén ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi từng đọc “Trong vô tận” trên ebook, còn nhớ đó là một đêm tháng 6 năm 2019. Tôi đọc một mạch không dừng lại, cảm xúc của một người đàn bà trước những câu chuyện tình buồn và đẹp đến nao lòng “trong vô tận”... Tháng 7 năm 2019 nhà văn Vĩnh Quyền tặng tôi quyển tiểu thuyết này. Và tôi đọc tác phẩm này một lần nữa vì với tôi, đọc tiểu thuyết trên sách giấy vẫn thú vị hơn trên ebook. Những câu chuyện tình của các nhân vật “Trong vô tận” lôi cuốn tôi đến trang cuối, gấp sách lại cảm xúc của tôi như vừa qua một cơn mộng mà ở đó nỗi cô đơn ngự trị. Các nhân vật “trong vô tận” qua nhiều thế hệ, đan xen giữa hồi ức và hiện tại, những gia phong, lễ giáo ở chốn cố đô u trầm, cổ kính nhưng không kém phần lãng mạn. Lồng vào những câu chuyện lịch sử là những chuyện tình xuyên suốt đẹp và dở dang.

Những nhân vật trong tiểu thuyết ở độ tuổi thanh xuân, thuộc nhiều thế hệ một dòng họ vương triều ở Huế. Trong hồi ức của thế hệ đã qua và thế hệ hiện tại, những chuyện tình đã biến động theo hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, mỗi nhân vật một số phận, đưa người đọc lạc vào vô tận “trong bước đi âm thầm không cưỡng của bóng tối”.

Ở đó ta bắt gặp một tình yêu đầy bao dung, âm thầm và tự giam hãm của Nhàn, một cô gái lớn lên trong cô nhi viện dòng nữ tu, ẩn mình khổ hạnh, một cô gái “gần như lặng lẽ suốt bên khung thêu”. Và trong đêm “tay tôi tìm tay mẹ, đặt lên ngực mình, mân mê và níu giữ như sợ thất lạc. Chợt dừng lại, tôi thoáng nhận không phải tay mẹ” và “tôi dần hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ mình Nhàn bận tâm đến tâm trạng tôi, biết tôi đang ở đâu và không nỡ để tôi một mình trong bóng tối đêm đầu tiên cách biệt âm dương với mẹ”.

Ta thấy Hoàng, một chàng trai đầy kiêu bạc, nhưng sau vẻ kiêu bạc đó là những góc khuất, một tình yêu đồng tính khổ đau, mà ở xã hội đương thời lúc bấy giờ còn đặt vào đó cái nhìn đầy khắc nghiệt và kỳ thị. Hoàng đã âm thầm chống chọi bản thân để “bảo vệ tôi trước đam mê của chính anh”, để cuối cùng Hoàng tự giải thoát cuộc đời mình khỏi “thế giới anh cho rằng không dành cho mình” bằng một phát súng. “Nơi bia mộ, từ ảnh chân dung, đôi mắt Hoàng trở nên sống động sau làn khói lam mỏng manh vương thinh không”.

Ta thấy một Hạnh nhu mì và đáng yêu trong thân phận tôi tớ “chừ em biết nhiều về dòng dõi nhà anh trong khi không biết chi về nhà em”. Nhưng tình yêu, muôn đời vẫn là con ngựa bất kham và có lý lẽ riêng của nó. Hạnh chờ đợi và hy vọng dù mong manh rằng người cô yêu sẽ trở về với chiếc boomerang - “một thứ luôn trở về sau khi bay đi”. Và Hạnh mãi vẫn thuộc về thân phận vốn đã định sẵn từ khi cô chưa ra đời. Hạnh lấy chồng, đó là số phận và tất nhiên, không cùng người cô chờ đợi. Một đám cưới mà tất cả đều “an toàn”, nề nếp gia phong được gìn giữ. Có khắc nghiệt không? Khi tình yêu đôi lứa ở xã hội giai đoạn đó vẫn đem thân phận ra làm rào cản khiến họ chẳng thể thoát ra? Câu trả lời dành cho người đọc khi hình ảnh người vú già mẹ Hạnh đổ hắt ly sữa đi vì bà “không muốn con gái lặp lại vòng đời của mình”.

Bên cạnh những trang sử đầy bi hùng “Trong vô tận” là tình yêu của tuổi trẻ cuồng nhiệt và đớn đau, âm thầm và dang dở. Tất cả đều bị giam hãm, kiềm nén vì hoàn cảnh, thân phận và cả vì lòng tự trọng, bao dung. Ở đó nỗi đau nào lần hồi cũng được hóa giải, nhưng hóa giải rồi vẫn u uẩn, vẫn đau, để đến cuối đời người trong cuộc vẫn nặng lòng, nhìn đã khác nhưng không thể khác. Ở đó tình yêu tưởng như đã san bằng mọi rào cản để được yêu trong vô tận không gian, trong vô tận thời gian.

Một ngày “Ayumi xứ Phù Tang xuất hiện với hoa cẩm chướng đỏ trên tay” chàng trai vẫn nhớ “lời dặn thiết tha hãy bay trở về như một boomerang” nhưng rồi chàng lại “muốn vượt qua ý định giữ khoảng cách cần thiết” với Ayumi bởi nét tươi trẻ của cô. Nhưng sự tự trọng đã giam hãm họ khi Ayumi biết chàng trai đã có một cô gái ở quê nhà. Sau lần nhập cuộc duy nhất với Ayumi bên cạnh những chiếc sọ người, một sự trừng phạt vô hình và nghiệt ngã đã “dành cho những kẻ mạo phạm?”. Còn sự trừng phạt dành cho người ở lại? Đêm đêm chàng trai “quấn chăn ngồi thu lu một góc khóc tới sáng” vì “run sợ, biết trước lại thêm một đêm vật vờ, lại thấy bàn tay Ayumi chới với trước mặt” và cuối cùng “rơi hút vào miệng vực trắng mù bụi nước”.

Một Diệu Lành dễ thương như cái tên, dịu dàng mà quyết đoán, trong “không gian ngả nghiêng” đã khiến một chàng trai “vượt qua ám ảnh mình đã là kẻ nguội lạnh, dửng dưng với tình yêu” vào một “đêm tranh chấp giữa đóng và mở”. Một tình yêu dắt díu nhau, hoang dại, phóng túng và si mê.

Và Linh, cuộc tình cùng “chàng thanh niên trong vương phủ” nhưng không được gia đình người yêu chào đón vì họ không muốn “đứa con trai duy nhất lấy vợ bên đạo”. Chàng “nhảy núi” theo cách mạng mặc cho sự cản trở từ cha. Người cha vì nhớ con đêm đêm “ngồi chơi cờ một mình dưới mái hiên”. Cho đến “một đêm, ông ngẫu hứng đi một quân cờ trắng trước khi vào nghỉ. Sáng hôm sau ra vườn tưới hoa, ông chợt nhận ra quân đỏ đã “động binh”  đối ứng. Ván cờ cứ thế tiếp diễn. Mỗi đêm một nước cờ. Có khi hai, ba đêm liên tục. Có khi bẵng mấy đêm mới nối lại”. Những “ván cờ ma” đã đưa người cha từ hy vọng đến tuyệt vọng vì nó cứ “dở dang mãi” cho đến một ngày ông linh cảm con trai không còn trở về được nữa. Một tình tiết hay và xúc động đến nao lòng mà chỉ Vĩnh Quyền, bằng văn phong của ông mới có thể đưa người đọc miên man giữa mộng ảo, thực hư. Người mẹ âm thầm chứng kiến thế sự thăng trầm của gia đình nhưng vẫn không ngừng hy vọng, bà “lặng lẽ dùng keo đính các quân cờ trắng - đỏ đúng vị trí dở chừng trên bàn cờ, và vẫn đặt ở đó, trên trường kỷ dưới mái hiên, như thể cuộc đợi chờ của người mẹ không có điểm kết thúc”. Mọi chi tiết có thể nói rất hay và “rất Huế” mà chỉ phụ nữ Huế mới đủ kín kẽ, thâm trầm để có thể tạo nên. Một câu chuyện buồn đau mà lại đầy sống động dưới ngòi bút kỹ lưỡng cả về ý tứ lẫn văn phong của Vĩnh Quyền. Một ngày, hài cốt chàng trai tình cờ được tìm thấy dưới chân núi Kim Phụng. Sau nhiều năm xa xứ Linh lại tìm về, cô tha thiết xin được “rải tro cốt của anh xuống quãng sông trước chùa Linh Mụ” theo nguyện vọng của người yêu năm xưa “muốn hóa thân vào đáy sông thơm”. Tro từ lọ sứ trắng bay theo gió chìm vào dòng Hương Giang để “mỗi lần nhìn sông Hương” “tôi không còn nghĩ đó chỉ là một dòng sông”.

Một Huế đẹp và thơ, u trầm và đầy biến động đã tái hiện “Trong vô tận”. Từ những câu chuyện tình, những câu chuyện đời ở một vương phủ, Vĩnh Quyền dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện lịch sử quen mà lạ. Quen vì tên tuổi những nhà chí sĩ yêu nước mà mỗi người con dân Việt hầu như đều biết đến: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề. Lạ vì ít ai biết một Thái Phiên yêu nước, khẳng khái cho đến chết lại hào hoa đến thế? Lúc ông chết đi ba người đàn bà của ông là Thục Đoan, Tân Dương và Ngọc Băng nước mắt tuôn dài. Họ đều là những người đàn bà đẹp, bên mộ ông họ đã gặp nhau, tựa vào nhau, cùng thấu hiểu và tôn trọng nhau. Khi “chuông chiều từng tiếng rơi trong thinh không vô tận” họ thấy ở nhau nỗi yêu và nỗi đau là một, chỉ khác thân phận mỗi người và “ánh sao nhấp nháy cuối trời xa trông như giọt lệ long lanh dành cho nỗi đau nơi trần thế.” 

Viết về lịch sử nhưng ngòi bút của Vĩnh Quyền vẫn đậm chất phiêu lãng khiến người đọc không thể dừng lại vì hấp dẫn và kịch tính. Cùng một lúc ông có thể chuyển tải một cách uyển chuyển trang sử vào trang văn, đó chính là sự tài tình trong văn phong của Vĩnh Quyền ở tiểu thuyết này.

“Trong vô tận, song song gặp nhau?” Hình ảnh Nhàn, mối tình đầu cũng là cô gái xuất hiện “Trong vô tận” từ đầu, xuyên suốt đến kết thúc. Nhàn “thật hiền cùng nụ cười mỉm quen thuộc dù với vành khăn lúp và tà áo thụng nữ tu”. Vĩnh Quyền kết truyện, lại một lần nữa ông đưa người đọc cùng phiêu lãng “trong ánh trăng đẫm vàng”, giữa mộng - thực “từ đồi cát này sang đồi cát nọ”, một cuộc đuổi bắt giữa mộng và thực, giữa hạnh phúc và đớn đau “cho đến khi thấy chỉ còn lại tôi”, cho đến khi “gió hoang mạc đã đưa Nhàn về trời như một thiên sứ”. Một kết truyện đậm chất phiêu lãng và huyền ảo mà Vĩnh Quyền đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn, một cây bút thông minh và uyển chuyển. Viết những câu chuyện lịch sử đan xen những câu chuyện tình đẹp và buồn “trong vô tận” ông không có ý định khơi lại những nỗi đau, mà ông tái hiện lại một vương triều và bối cảnh xã hội lúc bấy giờ ở cố đô Huế.

Từ “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” đến “Trong vô tận” Vĩnh Quyền đã khẳng định vị trí của ông trên văn đàn Việt Nam, một vị trí đáng mơ ước của những người cầm bút. Ông đã đi vào lòng người đọc với tâm thế - một cây bút tài tình, có thể lồng những câu chuyện tình lãng mạn vào những trang sử  Việt.

V.N.G