Phát triển văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay
Vấn đề sáng tác cho thiếu nhi và giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi đang là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là các nghệ sĩ. Nhưng hiện nay các loại hình Văn học - Nghệ thuật đối với thiếu nhi tại Đà Nẵng hiện nay chưa phong phú và xứng tầm. Trước tình hình đó, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật - Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay” nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sáng tác Văn học - Nghệ thuật cho thiếu nhi trong thời gian đến. Hội thảo đã đưa ra nhiều vấn đề trao đổi về các lĩnh vực sáng tác văn học mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, múa; vấn đề giáo dục nghệ thuật nhằm góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho các em... Trong số này, Tạp chí Non Nước xin gửi tới bạn đọc một số ý kiến trao đổi về vấn đề sáng tác âm nhạc và biểu diễn sân khấu cho thiếu nhi qua tham luận “Sân khấu dành cho thiếu nhi thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và hướng phát triển” của Trần Quang Kỳ và“Âm nhạc cho thiếu nhi cần phù hợp lứa tuổi” của Văn Thu Bích.
Sân khấu dành cho thiếu nhi thành phố Đà Nẵng
Thực trạng và định hướng phát triển
TRẦN QUANG KỲ
Chức năng đầu tiên của sân khấu là nâng cao giáo dục giới tính, nhân cách, thẩm mỹ..., nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người. Đó là nhu cầu tất yếu như chúng ta phải ăn uống mỗi ngày, với các em thiếu nhi, nhu cầu này càng cần thiết, vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em hình thành nhân cách.
Sân khấu có thể nói là nơi lung linh và truyền cảm hứng chân thật đến các em, nơi các em được ngắm những bộ trang phục ngộ nghĩnh, cảnh trí trang hoàng lộng lẫy, các nhân vật cổ tích mà các em mơ ước được gặp, và nơi các em sẽ nhận biết, cái gì xấu phải tránh, điều gì tốt đẹp để ghi nhớ... Chính vì say mê có một sân khấu cho tuổi thơ thành phố Đà Nẵng, khi mà ở hai đầu đất nước thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có sân khấu dành cho các em, và họ hoạt động rất mạnh, rất tốt... Vào năm 2014, khi đó tôi đang làm Trưởng phòng tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương, ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc SK IDECAF ra đặt vấn đề, xây dựng Sân khấu kịch thiếu nhi tại Đà Nẵng, tôi nhận lời ngay, dù nói thật trong tay tôi không có gì hết, chỉ có nhiệt huyết, lòng quyết tâm, và niềm tin là lời hứa trợ giúp của ông Tuấn. Ban đầu tôi đi vận động các anh chị nghệ sĩ kịch ngày trước như anh Phàn, anh Phú, rồi các nghệ sĩ Kim Dung, Huyền Tân, Minh Thư... và tụ họp được gần 30 em sinh viên, học sinh đam mê sân khấu. Trước tiên chúng tôi chọn các em có năng khiếu mở lớp đào tạo khẩn cấp cho các em: diễn xuất, tiếng nói sân khấu, phân tích tâm lý nhân vật, giải phóng hình thể... Một điều may mắn là chúng tôi cũng có một số em tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh đầu quân, nên cũng đỡ vất vả phần nào. Sau thời gian đầu vừa học vừa tập luyện, sân khấu IDECAF đã đưa một số nghệ sĩ nổi tiếng kết hợp với nhóm kịch của tôi, đặc biệt là đạo diễn nổi tiếng sân khấu tuổi thơ: Vũ Minh đã dựng vở “Những đứa con của Rồng” của tác giả Minh Phương. Vở diễn đã thu hút rất đông các em nên đã kéo dài diễn suốt một tuần liền, sau đó ông Tuấn bàn giao vở diễn lại cho tôi, và động viên “Ông Kỳ cứ yên tâm mà làm, với sân khấu dành cho tuổi thơ thì không cần phải diễn viên ngôi sao này, ngôi sao kia đâu, với các em nhân vật trong câu chuyện, đó mới là ngôi sao của các em”. Ví dụ khi xem vở “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” các em sẽ yêu thích ngay Trần Quốc Toản, hay chuyện cổ tích thì các em thích “Bà tiên nhân hậu”, “Cô bé quàng khăn đỏ”. Từ những lời động viên của ông Tuấn, tôi và các anh em nghệ sĩ Đà Nẵng đã lao vào tập luyện, hăng say và đầy quyết tâm.
Sau đó Sân khấu Cầu Vồng đã chính thức ra đời, đi vào hoạt động, các diễn viên trẻ đã nhanh chóng thay thế vai diễn của các nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, và sau này bên cạnh vở “Những đứa con của Rồng”, chúng tôi còn dựng thêm các vở: “Thánh Gióng” của Minh Phương, “Siêu anh hùng đại chiến ma vương”, “Giải cứu mặt trăng” của Quang Kỳ và Quốc An, biểu diễn phục vụ các em vào những dịp Trung thu, giáng sinh, năm mới, tết 1/6, hay các tháng hành động vì trẻ em, thu hút nhiều khán giả tuổi thơ... Tuy nhiên làm sân khấu cho thiếu nhi là cầm chắc cái thua lỗ trước, vì sân khấu cho các em là phải đẹp, phải lung linh, hoành tráng, màu sắc, trang phục phải lộng lẫy, chưa kể phải sử dụng kỹ thuật trong thực hiện, đạo cụ cảnh trí. Ví dụ khi làm con ngựa sắt cho vở “Thánh Gióng”, phải chi gần 10 triệu đồng, ngựa phải to, phải chạy được, phải phun lửa được, hay như vở diễn cho các em hiện nay, nhiều vở phải có hát, có múa, có vũ đạo, âm nhạc, tiếng động..., thậm chí pha trộn sự biến hóa, ảo thuật, kỹ xảo như điện ảnh, xiếc v.v... Mà quả thật có làm được vậy các em xem mới thích, thích thì các em mới theo dõi câu chuyện, còn không thì: Sân khấu diễn cứ diễn, các em thì ồn ào, nói chuyện... coi như vở diễn thất bại. Riêng anh chị em nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn thì đa phần là cống hiến, vì tuổi thơ thân yêu.
Hiện nay tại Đà Nẵng có một vài địa chỉ hoạt động sân khấu đáng tin cậy dành cho các em, đó là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với chương trình Rối cạn “Ngày hè sôi động” được đầu tư công phu, và các em vô cùng yêu thích, hay Nhóm kịch rối, ca múa nhạc thiếu nhi Việt Sky, hay các chương trình văn nghệ tạp kỹ của Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, nhưng hầu hết các chương trình đó chỉ diễn ra trong các dịp hội hè, hoặc các ngày lễ của các em, cái mà chúng ta đang thiếu là một sân khấu hoạt động cuối tuần (chí ít là vậy) để các em có thể đến vui chơi, và được bay bổng với sắc màu sân khấu, biết rằng điều này rất khó trong giai đoạn hiện nay, nhưng nếu chúng ta chung sức, chung lòng, thì vẫn tràn đầy niềm hy vọng, khi chúng ta có trách nhiệm hơn, có quan tâm hơn đến những hạt giống tâm hồn tuổi thơ.
Chúng tôi đã tự lập và mở ra một hướng để mình đi và đến, khi không phải là một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, để được đầu tư đúng nghĩa, tôi còn nhớ một giám đốc quản lý một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp nói “Nếu không chăm chút đầu tư tác phẩm cho thiếu nhi thì tâm hồn con trẻ sẽ què quặt, lớn lên chẳng biết gì về văn hóa cội nguồn, các em không ưa thích sân khấu thì làm sao có một thế hệ khán giả cận kề say mê nghệ thuật nước nhà, góp phần nuôi dưỡng nền nghệ thuật ấy”.
Có thể ý kiến đó nằm ở một phạm trù lớn lao, sâu xa hơn, nhưng tôi mong ước Sân khấu Cầu Vồng của tuổi thơ Đà Nẵng sẽ được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành liên quan, hỗ trợ, liên kết để sân khấu kịch sẽ gần với các em, để những vở diễn đậm màu sắc thần tiên, những vở diễn ca ngợi những anh hùng dân tộc... những câu chuyện về những tấm gương tuổi thơ sẽ như món quà nhiệm màu được trao tặng các em, để những bà tiên phúc hậu nhẹ nhàng bên giấc mơ của các em.
Âm nhạc cho thiếu nhi cần phù hợp lứa tuổi
VĂN THU BÍCH
Theo dòng chảy thời gian, hoạt động âm nhạc nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, nhưng tác phẩm âm nhạc hay dành cho thiếu nhi dường như chìm vào quên lãng, ngày càng thiếu vắng, mờ nhạt dần và thiếu sự đổi mới.
Đã từng có những ca khúc rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi như: “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên), “Trường làng tôi” (Phạm Trọng Cầu), “Em yêu trường em” (Hoàng Vân), “Em là bông hồng nhỏ” (Trịnh Công Sơn), “Đi học” (Bùi Đình Thảo), Tiến lên đoàn viên, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn, Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên)... đã đọng sâu trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả ca khúc được nhiều người yêu mến: “Nhật ký của mẹ” từng mong muốn giáo dục trẻ thơ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Anh cho rằng: “Viết nhạc cho thiếu nhi tưởng chừng như đơn giản nhưng là cả một vấn đề bởi đòi hỏi người nhạc sĩ phải dồn nhiều tâm sức, không thể qua loa là được. Người sáng tác cần phải có sự am hiểu về tính cách, tâm tư, tình cảm của tuổi nhỏ cũng như đặt mình vào tâm hồn trẻ thơ trong sáng của các em để nhìn cuộc sống. Khi sáng tác nhạc cho các bé, tôi muốn phải lồng vào đấy một bài học nhỏ hoặc một chi tiết nhỏ nào đó mang giá trị nhân văn tươi đẹp để các em có cái nhìn tươi hồng về cuộc sống”.
Một vấn đề đáng lo nghĩ cho dòng nhạc thiếu nhi hiện nay là các em đang quá thiếu những ca khúc hay phù hợp với độ tuổi của mình. Nếu các em cứ hát những ca khúc dành cho người lớn, thể hiện ca khúc với phong cách người lớn, chắc chắn sẽ bị những ảnh hưởng bất lợi về tâm sinh lý, dần dần tạo sự khiếm khuyết trong hình thành nhân cách cho trẻ. Do đó, những sáng tác cho thiếu nhi cần phải được quan tâm nhằm bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ, trả lại vị trí xứng đáng của âm nhạc tuổi thơ trong đời sống âm nhạc để rồi chúng ta sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát trong sáng, hồn nhiên không cách biệt với lứa tuổi của mình.
Không hiểu nguyên nhân vì sao hiện nay một số chương trình trên sóng truyền hình trung ương và địa phương lại dàn dựng cho các em thể hiện những ca khúc dành cho người lớn với những ca từ không phù hợp độ tuổi của các em. Khi cho các cháu xem những chương trình giải trí này, các bậc phụ huynh có con nhỏ rất cẩn trọng, bởi trong nhiều chương trình những năm trước đây như: Gương mặt thân quen nhí, buộc các em phải hóa trang, biểu diễn giống một ca sĩ thành danh độ tuổi 30, 40 hoạt động trong nước hoặc quốc tế, tự làm mình già đi theo ca khúc, càng giống càng được hoan nghênh, chỉ cần diễn theo đúng yêu cầu của huấn luyện viên để đạt giải là được, mà không hề biết rằng một khi các em luyện tập nỗ lực để nhập vai thì vô tình đã đánh mất nét hồn nhiên trong sáng của chính mình, dù chỉ diễn một vài tiết mục nhưng vẫn làm tổn thương tâm hồn các em. Sau này khi đã trưởng thành chắc chắn các em sẽ phải suy ngẫm, hối tiếc. Vậy thì tại sao các bậc phụ huynh, các nhà làm chương trình không quan tâm định hướng đúng đắn ngay từ đầu.
Trong chương trình Gương mặt thân quen nhí show tính điểm cuối cùng, cặp thí sinh Mai Chi - Lê Giang đã đóng giả NSƯT Hoài Linh thể hiện ca khúc Trách thân. Một ca khúc có nội dung than thân trách phận của người lớn hoàn toàn xa lạ với tuổi thơ làm sao các em hiểu nỗi mà diễn xuất. Nên cuối cùng thì không đạt giải cao, khiến cho các em hoài nghi khả năng biểu diễn của mình. Sự định hướng của Ban Tổ chức chương trình đã làm tổn thương tâm hồn các em khi gặp thất bại đầu đời. Ngược lại trong một chương trình Hóa thân thần tượng phát sóng trên VTV3, có giọng ca nhí Minh Chiến bắt chước hóa thân thành ca sĩ Quang Linh từ phong cách đến giọng ca, càng giống thì khán giả càng tán thưởng. Sự cổ vũ đó đã làm các em ngộ nhận và càng muốn theo con đường bắt chước người lớn để tiếp tục tham gia các cuộc thi đi tìm danh lợi phù phiếm. Tương tự trong một buổi sinh hoạt tập thể tại một trường học ở Hà Nội, các em học sinh cùng cất cao giọng hát từ bài “Chắc ai đó sẽ về” - một bài hát của Sơn Tùng MTP đã khiến dư luận khi ấy lên tiếng mạnh mẽ.
Riêng đối với các gameshow ca nhạc, đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình dành cho trẻ em, các nhà sản xuất không coi trọng nội dung kịch bản cần mang tính giáo dục cao, lại yêu cầu các cháu hát bài hát của người lớn, trở thành người lớn quá sớm, chẳng hạn dàn dựng tiết mục về Thị Mầu lên chùa thật phản cảm. Tuổi các cháu làm sao hiểu Thị Mầu là ai mà áp đặt, buộc phải diễn, phải hát cho giống, rồi ca ngợi vai diễn của các cháu. Tất cả mọi diễn xuất chỉ là bắt chước, mục đích giả trai, giả gái càng ngộ nghĩnh càng thu hút người xem. Vô tình làm sai lệch tâm lý giới tính của các cháu nhỏ, phải chăng diễn viên nhỏ tuổi diễn xuất trên sân khấu chỉ để làm trò vui cho người lớn?. Đáng buồn là tiết mục này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả trong trường quay và khi được đưa lên mạng cũng tạo nên cơn sốt. Đã vậy, lại lắm người ngợi khen làm các cháu càng lầm tưởng mình đã thành công, càng sai đường lạc lối trên những bước chân đầu tiên làm quen với nghệ thuật âm nhạc. Qua theo dõi các chương trình, có thể thấy các nhà đài, các đạo diễn chương trình có ai dám thả con em mình vào các sân chơi này, vì có lẽ họ biết rõ đây là cuộc mạo hiểm gây tổn hại cho tâm hồn trẻ thơ. Vậy, tại sao họ lại đứng ra tổ chức chương trình. Phải chăng, những bài hát người lớn vẫn có một sức hút mạnh mẽ trong một sân chơi thiếu nhi. Và người ta vẫn phải dựa vào đó để tăng cao lợi nhuận, để thu hút sự quan tâm của số lượng rất lớn người xem. Các đơn vị tổ chức chương trình game show, sản xuất chương trình truyền hình thực tế, sản xuất băng đĩa nhạc cứ than phiền thiếu bài hát thiếu nhi. Ca khúc dành cho tuổi thơ khá hiếm hoi trong các chương trình truyền hình thiếu nhi thi hát như: “The Voice kids”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí - Vietnam Idol kids”, “Giọng hát Việt nhí”... Chỉ có thể lý giải là nhà tổ chức thiên về giới thiệu giọng hát và phô diễn hình thức hơn là tìm bài hát thiếu nhi phù hợp cho các em thể hiện. Hiện tượng này vẫn cứ nhan nhản trên các sóng truyền hình phát đều trong cả nước. Nhiều người khi xem các chương trình này, đã bức xúc nêu câu hỏi: “Tại sao Hội Nhạc sĩ Việt Nam không lên tiếng”. Thật đáng tiếc! Hội không thể can thiệp vào nội dung các chương trình vì không được mời thẩm định và hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Chính vì thế, Trung Quốc đã ban lệnh cấm các chương hình thực tế có trẻ em từ tháng 4 năm 2016, đặc biệt là con, cháu của người nổi tiếng, đồng thời siết chặt quản lý các chương trình phát sóng ở nước này. Tại Việt Nam, các game show hiện nay cũng cần được chú trọng về nội dung và định hướng đúng đắn.
Từ những thực trạng đó, giới nhạc sĩ cần quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác và dàn dựng ca khúc phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa biểu diễn không nên để tái diễn tình trạng lợi dụng hình ảnh thiếu nhi để trục lợi. Chính sự thiếu vắng ca khúc thiếu nhi phù hợp đã dẫn đến những khoảng trống và lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ. Chúng ta cũng đã biết, âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ.
Ca khúc cho thiếu nhi tuy đơn giản nhưng rất khó để gần gũi với các em. Nhiều nhạc sĩ sáng tác thường đưa cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu thiếu truyền cảm, ca từ không sâu sắc. Trong khi đó, ca khúc viết cho thiếu nhi rất cần thiết là lời ca, giai điệu cần phải phù hợp với tâm lý trẻ thơ, âm vực phù hợp với chất giọng trẻ thơ. Thế nên, trước hết, muốn viết ca khúc cho các em thì cần phải quan tâm nhu cầu thiết thực của các em, phải thật sự yêu quý tuổi thơ. Các em thích được hát những lời ca vui tươi, ngộ nghĩnh, trong sáng, như: “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba...” của nhạc sĩ Phan Văn Minh hoặc “Nhong nhong nhong cha là con ngựa” của nhạc sĩ Thế Hiển... Ngoài những ca khúc được học ở trường, các em khi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi cũng thích hát nhạc ngoại thuộc thể loại ca khúc thiếu nhi.
Phải chăng để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, nhạc sĩ còn phải am hiểu sâu sắc tâm lý của trẻ. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều vì được tiếp cận với lượng thông tin dồi dào, với công nghệ hiện đại nên trí tuệ cũng phát triển hơn các thế hệ trước đây. Tuy nhiên, dù ở đất nước nào, giàu có hay nghèo nàn, tiên tiến hay chậm tiến thì tâm hồn các em vẫn rất trong sáng, thơ ngây. Việc định hướng cho tuổi thơ luôn là nhiệm vụ tối cần để tạo dựng một xã hội tương lai có sự đóng góp của mầm non ngày nay khi đã trưởng thành. Một số người viết cho thiếu nhi nhưng chưa tâm huyết thật sự nên tác phẩm của họ không đọng lại trong đời sống các em. Mỗi độ tuổi lại có một đời sống tâm, sinh lý khác nhau. Trước khi sáng tác, hãy đặt mình trong lứa tuổi các em nhỏ, thì tự nhiên giai điệu và ca từ sẽ vang lên hồn nhiên, vô tư, trong sáng.
V.T.B