Bên kia dốc Ré
Nghĩa xóm tình làng
Đất nước hòa bình được hai năm, năm 1978 cha mẹ tôi đùm túm đàn con 7 đứa đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Thăng Phước, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau này Thăng Phước được chia thành 2 xã là xã Thăng Phước và xã Bình Sơn, nhưng không còn thuộc của huyện Thăng Bình mà là của huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Gia đình tôi trở thành công dân của xã Bình Sơn. Tuy nhiên đối với tôi Bình Sơn cũng là Thăng Phước bởi ngày đầu tiên đặt chân lên quê nghèo Thăng Phước gia đình tôi đã được nhiều người dân ở đây cưu mang từng lát sắn, củ khoai để ấm lòng, từng cọng tranh, dây lạt, cây tre để che nắng che mưa. Thời gian trôi qua là cả một tấm lòng của láng giềng không sao đo được. Gia đình tôi dần dần ổn định cuộc sống và tự lo cho chính mình. Cha tôi lên rừng bứt mây về đan gióng. Mẹ tôi xuống sông hái củi rù rì. Đêm về thức khuya bó từng lọn củi để mai dậy thật sớm gồng gánh cho kịp chợ sớm Việt An bán kiếm tiền mua cá, mua mắm, mua trầu, mua cau,... Bóng cha lẫn trong rừng sâu. Bóng mẹ nhòa mờ trên dốc Ré. Hình ảnh này đau đáu lòng tôi: Dốc quê nứt nẻ chân chim/ Bàn chân mẹ bước lặng im tháng ngày/ Dốc quê mờ hút chân mây/ Bàn tay mẹ vẫy khô gầy thời gian/ Dốc quê khập khểnh đường làng/ Đôi quang gánh nhịp đau tà áo thưa/ Tóc già bàng bạc sợi mưa/ Võ vàng sợi nắng để thừa sợi thương/ Chiều quê dầm đẫm giọt sương/ Mẹ đi vạt áo níu vương dốc làng.
Những ngày không lên rừng bứt mây, cha tôi khai ruộng mở nương trồng lúa, chắt chiu hạt gạo bỏ nồi. Mẹ giữ gìn chăm chút vườn mít cũ của dân làng ra đi bỏ lại để đến mùa hái quả đem bán xoay xở những chi tiêu trong nhà. Múi mít thơm mẹ dành dụm ngào đường khèn ni lông cho con cháu. Con đường từ Thăng Phước - Bình Sơn ra chợ Việt An bảy, tám cây số gập ghềnh sỏi đá, bụi trần ai bám đầy tháng nắng, bùn lầy nước đọng ngập ngụa tháng mưa. Mỗi lần từ Tam Kỳ, Trà My về thăm cha mẹ tôi luôn chuẩn bị tinh thần vượt chướng ngại vật. Có một ngày đông xui xẻo tôi và cả chiếc xe hon đa bất ngờ đâm xuống ổ trâu, hậu quả xe bị gãy ốc vít lốc máy, người và đồ đạc thì nhúng hết bùn lầy. Mười năm đi qua, bằng sự chịu khó chịu thương gia đình tôi phần nào bớt đi nỗi khó nhọc, có cái ăn cái mặc, những đứa em của tôi được đến trường. Đang yên đang lành, một ngày xui rủi ập đến, không biết do đâu cái nhà tranh che mưa che nắng của gia đình tôi bốc cháy giữa trưa hè. Nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ của gia đình sắm sửa được sau 11 năm đi xây dựng kinh tế mới, cả lúa khoai biến thành tro đen, đến chiếc đũa con cũng không còn để ăn cơm, cuộc sống lâm vào cảnh khốn đốn vô cùng. Từ Trà My tôi nhận cuộc điện thoại mà ruột gan rối bời. Tôi tức tốc băng rừng lội suối chạy về Thăng Phước. Trước mắt tôi là một đống tro tàn. Cả nhà tôi sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Thế là một lần nữa hàng xóm láng giềng lại cưu mang. Ơn nghĩa này như trời cao biển rộng suốt đời không thể nào trả hết. Tôi chỉ biết ghi lòng tạc dạ bằng những vần thơ trong bài thơ tôi đặt tên là Thăng Phước, sống cất giữ chết mang theo: Một mình mẹ ở giữa rừng/ Đêm đêm nằm nhớ đến từng đứa con/ Nhớ hồi đùm túm lên non/ Đứa mô đứa nấy cũng còn trong nôi/ Sợi mây cha bứt trên trời/ Bện thành đôi gióng gánh đời mà đi/ Khói cay xót ruột củi rì/ Mẹ bó từng lọn trần khi qua ngày/ Dẫu là không phải quê đây/ Cũng sâu nặng chút nghĩa dày Bình Sơn/ Mái tranh nghèo cháy hết trơn/ Chỉ còn sót lại cái ơn xóm làng... Hôm ấy là 4 giờ chiều ngày 18/7/1989. Thương xót cho hoàn cảnh gia đình tôi, ngay đêm đó Ban chỉ huy đội 9 HTX nông nghiệp Bình Sơn triệu tập một cuộc họp bất thường, kêu gọi bà con xã viên giúp công, góp của giúp gia đình tôi vượt qua cơn hoạn nạn. Ngày hôm sau, không ai nhắc ai, bà con trong đội 9 và một số xã viên đội 8, đội 11 mang đến giúp cho nhiều lương thực, thực phẩm, kẻ hạt muối, nắm chè, ang lúa, củ khoai, người tranh tre, dây lạt và 34 công, khẩn trương dựng xong một mái nhà tranh. Một số bà con giúp gia đình tôi cấy xong diện tích lúa hè thu đang dở dang.
Suốt mấy ngày liên tiếp, không lúc nào ngớt người thăm hỏi, tiếp tục giúp công, góp sức. Có những bác, chú, những chị em... vai mang cày, tay xách cuốc vẫn nách thêm vài ba ô lúa, năm bảy lon gạo đến cho. Kể cả gia đình khó khăn nhất như anh Huỳnh Hữu Ba cũng mang đến giúp cho 6 lon gạo. Anh Huỳnh Văn Đình, đội trưởng đội 9, tuổi đời chưa quá 30, luôn có mặt tại nơi xảy ra sự việc để động viên bà con, bố trí công việc giúp gia đình tôi ổn định đời sống. Trong đó có các chú Đoàn Công Tấn, Nguyễn Ngọc Ba, bác Huỳnh Lịch, ông Đoàn Hạnh, chị Bùi Thị Thanh, cô Nguyễn Thị Thu, em Võ Viết Linh, anh Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Sáu, dì Liêu. Tính đến ngày 24/7/1989, bà con đã giúp đỡ được cho gia đình tôi được 33 ang lúa, 2 ang gạo, 5 kg giống, 57 cây tre, 8 gánh tranh và nhiều thứ khác như chè, đu đủ, thuốc lá, khoai lang ...
Cái tình cái nghĩa Thăng Phước - Bình Sơn đã nuôi lớn tình người giữa núi rừng còn nghèo khó. Miếng cơm manh áo, tất cả cũng nhờ cái lộc của rừng. Bởi vậy đối với người dân Thăng Phước - Bình Sơn luôn luôn mang ơn núi rừng. Có lần chúng tôi về Thăng Phước thăm bạn. Chị Nở, mẹ của Hùng bảo chúng tôi cố gắng chờ chị. Dẫu chưa rõ lý do nhưng chúng tôi phải ngồi chờ. Chị bảo nếu trời cho ăn thì… Vừa nói chị vừa dắt chiếc xe máy dính đầy bùn đất ra sân rồi nổ máy chạy đi một mạch theo hướng những ngọn đồi bát úp, bỏ lại câu nói dở dang. Lúc sau chị Nở trở về mang theo cả niềm vui. Chị cho biết là trời đã thương nhà chị nên đã cho một con heo rừng. Thì ra sau nhiều đêm chờ đợi, ước mơ của vợ chồng chị đã đến. Còn đối với chúng tôi lại là một kỷ niệm khó quên bởi cái sự trùng phùng kỳ diệu. Theo tục lệ của làng đây là cái lộc của rừng. Bất cứ người nào trong làng mà được trời cho hưởng thì không được quên. Mâm lễ đặt trước sân nhà với đầy đủ tai heo nội tạng, cái đầu heo quay ra hướng núi, giữa bàn có một đĩa thịt heo sống, xung quanh 5 đĩa thịt chín. Ông nội của Hùng khấn vái trời đất, rừng rú. Nôm na như là lời cám ơn của gia chủ gửi tới cao xanh. Sau khi lạy cái cuối cùng tạ ơn, ông bốc ngay mấy miếng thịt bỏ vào miệng ăn ngon lành. Hành động này nói lên sự thèm khát của gia chủ, ông nói làm như rứa là để cho trời đất chứng giám, bữa sau tiếp tục phù hộ cho gia chủ. Nôm na đó là lời cầu mong.
Nhịp cầu nâng bước xuân vui
Lão chèo đò Lê Đông và tác giả
Bữa tiệc cuối chiều có đông đủ người thân và láng giềng của vợ chồng chị Nở cũng mang một ý nghĩa sâu sắc về đạo lý của người Việt Nam. Có miếng ngon thì cùng nhau hưởng, khi gặp khó khăn thì sẻ chia. Ly rượu gạo do vợ chồng anh chị Nở chắt lọc để dành mời khách đã gửi gắm bao điều cho kẻ ở người đi. Hùng là con trai của vợ chồng chị Nở, bây giờ đã trưởng thành, là một kỹ sư xây dựng, lập gia đình ở xa, thỉnh thoảng về thăm cha mẹ. Lần này về quê cùng với những người bạn mới và câu chuyện về cái lộc của rừng luôn nhắc nhớ một miền quê Thăng Phước - Bình Sơn chôn nhau cắt rún, sâu nặng nghĩa tình. Cũng như tôi, gia đình tôi đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai thì dẫu có đi đâu vẫn luôn nhớ trở về.
Mạch máu đã lưu thông - Nhịp cầu nâng bước xuân vui
Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Thăng Phước - Bình Sơn cũng như nhiều làng quê Việt Nam trong cả nước không thể không gặp gian nan, khắc nghiệt. Người dân ở đây một nắng ba, bốn sương nhưng đôi khi một sương ba, bốn nắng. Sự sống của họ chỉ biết nương tựa vào những dảnh ruộng chờ đợi nước trời, vào cây chuối cây mít trên những ngọn đồi cằn cỗi. Gia đình tôi nhận nơi đây là quê hương thứ hai cũng đồng nghĩa với sự sẻ chia, cùng vui cùng buồn với Thăng Phước - Bình Sơn. Vui là khi có dòng nước mát chảy về từ lòng hồ Việt An, cây lúa vươn mình đứng dậy trẩy mùa, bữa cơm gạo mới trong mỗi nhà đều mặn mà giọt mồ hôi của chính mình, không còn đong gạo chợ. Vui là khi con đường từ Việt An vào Thăng Phước - Bình Sơn đã rộng hơn, khô ráo hơn và bằng phẳng hơn, tình người gần gũi nhau hơn. Vui là được sự nhất trí của Sở Giao thông Vận tải và công ty Quốc doanh xe khách tỉnh, đội xe 4 Tam Kỳ mở thêm tuyến xe khách Việt An đi An Tráng, phục vụ nhân dân 3 xã Bình Lâm, Bình Sơn, Thăng Phước. Tuyến đường này dài hơn 10km, có từ thời kháng chiến, nhưng do khó khăn, hiểm trở nên chưa có xe khách nào qua đây. Trước yêu cầu bức thiết về việc đi lại của nhân dân, xe khách 43A......... của lái xe Lương Minh Sơn, xung phong đảm nhận phục vụ thường xuyên, trên tuyến đường này, kể cả việc duy tu, bảo dưỡng đường sá. Hơn 4 tháng, xe phục vụ được 28 chuyến An Tráng - Đà Nẵng, 92 chuyến An Tráng - Việt An và ngược lại. Ngoài ra, ban đêm xe còn phục vụ nhân dân đi xem phim, xem hát. Ngoài chiếc cầu bắc ngang của sông Trầu được xây dựng kiên cố, đội xe 4 hỗ trợ một triệu đồng, cùng với nhân dân địa phương sửa chữa, cải tạo 3 con dốc hiểm trở như dốc Đỏ, dốc Ré, dốc Đá, tạo thuận lợi cho việc đi lại và bảo đảm an toàn giao thông. Vui là khi con đường vào nhà không còn cách trở, khi có người ốm đau không còn cái cảnh cấp cứu bằng cánh võng hai người khiêng hoặc cột võng vào xe đạp mà đẩy đi bệnh viện. Không còn cái cảnh “bùn ơi là buồn”. Con đường về quê Việt An đi Bình Sơn không còn bằng phẳng như ngày nào bởi dấu bánh xe vận chuyển vật liệu của đơn vị thi công hồ chứa nước Việt An cày qua, xới lại, lâu ngày tạo thành hai rãnh sâu 0,4 - 0,5 mét, cắt dọc con đường thành 3 - 4 đường nhỏ, không tài nào đặt yên bàn chân. Con đường dài 6 cây số, qua một cây cầu, hai con dốc. Càng đi, càng thấy sợ. Đi được đoạn nào cố gắng quên đoạn nấy. Thương nhất là mấy mẹ tuổi già sức yếu nhưng vẫn phải bươn bả ra chợ bán buồng chuối lọn rau. Do đường sá như vậy cho nên không gồng gánh được nhiều, có người đi thì có dép, lúc về bằng chân không bởi dép đã gửi lại dưới lớp đất sét dẻo quẹo ấy. Ai đi qua con đường này nếu muốn khỏi bị trượt ngã, sụp sỉa thì dứt khoát không được ngó lên hoặc ngó ngang, chỉ được ngó xuống. Vì thế ngay cả như tôi và đứa em của tôi đi ngược chiều, sát rạt nhau vẫn không ai phát hiện ra nhau. Cả nhà tôi về thăm cha mẹ cũng phải xăn quần bó háng lội bùn dơ, băng lau lách sương đêm. Tôi hỏi mẹ tôi: “Tết nay quê mình ăn tết ra răng?” Mẹ nhăn nhó nói: “Tiền mô mà ăn tết, đường sá chi mà ác quá. Ra không được vô cũng không được. Chuối rau chín thúi trong vườn mà chịu đói”.
Hôm nay con đường Việt An - Bình Sơn không còn gây bao khó khăn cho cuộc sống người dân ở đây. Vui là khi dòng điện quốc gia tỏa sáng trong mỗi nếp nhà, góc núi, góc vườn, con em học bài không còn ngồi thu lu dưới ngọn đèn dầu tù mù. Có điện người Thăng Phước, Bình Sơn giải phóng được đôi tay khi giê lúa, giã gạo; ngày tết, ngày hội, ngày lễ hàng xóm láng giềng không còn cái cảnh đốt đuốc quấn bằng tranh khô dò đường trong đêm để thăm nhau. Nhớ lại cái cảnh người Thăng Phước - Bình Sơn xem bóng đá thế giới trên ti vi trắng đen bằng nguồn điện ắc qui. Có đêm bình yếu không đủ tải nên không có hình, ngồi nhìn ti vi tắc ngúm đen thui mà chẳng ai chịu về. Cách Đà Nẵng 70-80 cây số, tưởng như chẳng biết bóng đá là gì thế mà vẫn có. Cả xã chỉ có hai tivi trắng đen ở hai đầu “chạy” bằng bình điện ắc quy 12 vôn, ai muốn xem thì tự nguyện mang bình đến góp. Tội nghiệp, có nhiều đêm xem tới hai trận đấu, sáng hôm sau bình hết điện, anh Cả Đinh - chủ hộ cùng với khán giả ngồi nghe tiếng thuyết minh mà chẳng thấy hình bóng. Ai cũng cố ngồi lại nghe giọng bình luận viên cho đỡ cơn ghiền, mới thấy cuộc sống đầy đủ hôm nay như là một giấc mơ đã thành hiện thực. Có người nói vui: Đây là loại tivi đời mới: “Radio-tivi”.Vui nhất là Thăng Phước - Bình Sơn hôm nay con em của mọi nhà đều đến trường. Nhiều ngôi trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 mọc lên trên địa bàn Thăng Phước - Bình Sơn. Nhà nào cũng có con cái theo học cấp 3 ở trường trung học phổ thông Trần Phú ngoài Việt An, học đại học, cao đẳng, trung cấp ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, Sài Gòn. Có thể nói vợ chồng cậu em trai và vợ chồng cô em gái của tôi đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng trước hoàn cảnh nghèo túng, con đông mới có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Trước ngày quê hương đổi mới cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc chứ đừng nói chi đến học hành. Hầu hết những đứa trẻ ở quê nghèo Thăng Phước - Bình Sơn học hành không đến nơi đến chốn. Mỗi gia đình của hai em tôi có bốn đứa con, vị chi là tám đứa, bây giờ đã thành người, có công ăn việc làm với những tấm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp. Tóm lại là đã qua hết cấp 3. Theo tôi tấm bằng cấp 3 là cái giấy thông hành hết sức quan trọng để bước tiếp vào đời. Nhược bằng không thì đừng mong chi thi vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Hạnh phúc của các em tôi cũng chính là hạnh phúc của tất cả người dân Thăng Phước - Bình Sơn hôm nay. Đây chính là yếu tố nâng cao trình độ dân trí, nhiều con em của Thăng Phước - Bình Sơn trở thành kỹ sư, bác sĩ, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo ở xã, ở huyện, ở tỉnh. Hạnh phúc nào bằng khi cái chữ đã đem lại cho người dân Thăng Phước - Bình Sơn một tương lai tươi sáng.
Có được cái chữ không thể không nói đến nhịp cầu bắc qua sông hồi tháng Giêng - 2016, ở Thăng Phước - Bình Sơn. Nhịp cầu treo nâng bước xuân vui theo dòng người xuôi ngược. Nhà nhà, người người, ai ai gặp nhau, câu chúc xuân đầu tiên cũng đều nói đến nhịp cầu nối liền tĩnh nghĩa Thăng Phước - Bình Sơn do Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải xây dựng có tải trọng 0,5 tấn, xe mô tô, xe thô sơ và người qua lại dễ dàng. Sắc màu nam thanh nữ tú, những đứa con của Thăng Phước - Bình Sơn đi học, đi làm ăn xa trở về đứng trên cầu lòng vui mở hội như những họa tiết làm đẹp thêm bức tranh quê. Vậy là từ đây tình quê không còn cách trở, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên được thuận tiện. Anh Đoàn Văn Danh, thôn trưởng thôn 1 xã Bình Sơn nâng ly rượu mừng xuân mời khách mà lòng khấp khởi. Anh hỏi tôi đã đến cầu treo chưa. Anh bảo tôi hãy một lần đến đó để cảm nhận hết niềm vui của người dân Thăng Phước - Bình Sơn sau mấy mươi năm chờ đợi một giấc mơ trở thành hiện thực.
Bắc nguồn từ Thác Ngố - Tiên Hà - Tiên Phước chảy xuống giáp bến Bà Chầu - Sông Tranh là một nhánh nước rẽ ngang vào giữa vùng quê nghèo Thăng Phước - Hiệp Đức - Quảng Nam, bao đời nay người dân gọi là Sông Ngang. Phù sa của Sông Ngang làm xanh thêm cuộc sống của làng An Lâm bờ Nam và làng An Tráng bờ Bắc. Kể từ ngày vùng quê này được chia đôi thì làng An Lâm thuộc về xã Thăng Phước, còn làng An Tráng thuộc về xã Bình Sơn, người dân ở hai bờ Nam - Bắc muốn đến nhau đều phải qua đò. Thầy giáo Châu Văn Mậu, người con của làng An Tráng, lão chèo đò Lê Đông người con của làng An Lâm, vẫn còn giữ mãi nhiều ký ức đẹp về bến đò xưa An Lâm. Trong kháng chiến, bến đò này được đổi thành tên Bến đò Tam Cấp vì ở hai đầu bến người dân tạo nhiều bậc thang để dễ đi lại, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực. Năm 1980, anh Huỳnh Hữu Trí thành viên Câu lạc bộ thơ Sông Tranh Hiệp Đức viết bài thơ bến đò Tam Cấp nhớ lại một thời chiến tranh ác liệt, mà ở đó Bến đò Tam Cấp là điểm hẹn của những tin vui chiến thắng: Tin về những trận thắng to/ Bến đò Tam Cấp tiếng hò lại vang/ Ơi anh bộ đội chuyển hàng/ Xuống đò đúng lúc kẻo nàng chờ lâu/ Đêm sâu đạn hú ngang đầu/ Pháo kệ pháo thuyền bầu có em đưa.
Ngày qua tháng lại, bến đò Tam Cấp là một dấu ấn hằn sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người dân Thăng Phước - Bình Sơn. Trong đó không thể không nhắc đến những thế hệ chèo đò góp phần vào công cuộc kháng chiến đã qua đời. Sau 40 năm giải phóng, đã có 4 thế hệ chèo đò, trong đó có 3 người đã qua đời như lão chèo đò Châu Hòa (cha của thầy giáo Châu Văn Mậu), lão chèo đò Châu Muộn (anh ruột của ông Châu Hòa), lão chèo đò Lê Điền (cha của lão chèo đò Lê Đông). Lão chèo đò Lê Đông năm nay 62 tuổi là thế hệ chèo đò cuối cùng còn sống đến ngày có chiếc cầu treo Tam Cấp bắc qua Sông Ngang. Bến đò An Lâm - Bến đò Tam Cấp những tên gọi thân thương đã trở thành ký ức như những câu chuyện cổ tích về một thời gian khó, thủy chung. Cái quán nhỏ phía Nam cầu treo, đầu làng An Lâm của con cháu lão chèo đò Lê Đông đặt tên là Bến đò xưa quán như chạm đến cái tình cái nghĩa quê hương, như là một niềm thương nỗi nhớ, một sự tri ân.
Câu chuyện đầu xuân Bính Thân 2016 giữa tôi và lão chèo đò Lê Đông tại nhà riêng của ông bên bến đò xưa, mãi còn để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc, khó quên. Mái dầm xưa đã cũ, con đò xưa cũng chìm dưới lòng sông do lâu ngày không đưa khách sang sông. Ông vác mái chèo ra bên bờ sông, lặng nhìn con đò và nói với tôi rằng ông không bao giờ cảm thấy buồn khi có chiếc cầu treo bắc qua con sông này, ngay cả khi chưa có cầu, ông mưu sinh bằng cái nghề chèo đò để kiếm tiền cho con ăn học, ông cũng mong sao có một nhịp cầu để người dân Thăng Phước - Bình Sơn đi lại an toàn. Từ ngày gác dầm, có người bảo ông làm đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ thất nghiệp, nhưng ông ngần ngừ, suy nghĩ có nên hay không. Cuối cùng ông nhất quyết là không. Ông nghĩ hồi xưa mình tự làm tự ăn, bữa ni có cầu mình không được chèo đò nữa, mình bắt người ta hỗ trợ thì làm khó cho người ta quá. Trong giây phút trải lòng mình với quê hương lão chèo đò Lê Đông đọc luôn mấy lời tâm huyết như thơ: Thương thay cho lão chèo đò/ Ngày xưa vất vả nay có cầu ngồi không/ Con đò lấp dưới lòng sông/ Nhưng lòng vẫn thỏa ước mong có cầu.
Bà cụ Trần Thị Thợ, sinh năm 1927, năm nay 94 tuổi, mẹ của thầy giáo Châu Văn Mậu cứ hỏi hoài con cháu khi nào cầu làm xong. Cầu làm xong rồi bà lại muốn con cháu đưa bà đến đó để tận mắt thấy giấc mơ 40 năm đã trở thành sự thật. Con cháu không dám đưa bà đi vì bà đang bệnh nặng. Bà năn nỉ. Bà ước mong chỉ cần một lần đặt chân lên chiếc cầu đó bà có chết cũng vui lòng. Nghe bà nói vậy, con cháu cầm lòng không đậu, nên phải đưa bà ra thăm chiếc cầu treo bắc qua con sông quê hương đã từng cùng bà đi qua một thời xuân sắc. Trong những ngày đại dịch Covid-19, cụ Trần Thị Thợ đã trút hơi thở cuối cùng. Cụ ra đi với lòng thanh thản, khi đã toại nguyện mơ ước của mình. Khoảnh khắc tôi ngồi bên cụ cách đây 4 năm là một ký ức khó quên trong ngày nhịp cầu nối những vui buồn Thăng Phước - Bình Sơn.
H.T.P