Nguyễn Xuân Đồng - Người góp công đầu trong việc trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn

26.12.2020
Hoàng Sơn (thực hiện)

Nguyễn Xuân Đồng - Người góp công đầu trong việc trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn

Nguyễn Xuân Đồng (1907 - 1987) là người có thời gian làm việc khá dài tại Cổ viện Chàm tức là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKC/ĐN) ngày nay; ông cũng như tham gia cùng với người Pháp trong công cuộc trùng tu đền - tháp Champa ở Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam. Thế nhưng, những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp ông lại không ít được biết đến. Một số tài liệu hiện còn lưu giữ cũng chỉ đề cập đôi dòng ít ỏi về ông. Do vậy, những hồi ức của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Trần Kỳ Phương, người từng làm việc thân cận với ông Nguyễn Xuân Đồng, tại BTĐKC/ĐN, là những thông tin đáng tin cậy về vị chuyên gia Việt Nam đầu tiên tham gia trùng tu di tích Mỹ Sơn với các nhà khoa học người Pháp. 

- Được biết, ông là người từng có thời gian làm việc gần gũi với ông Nguyễn Xuân Đồng (NXĐ) tại BTĐKC/ĐN trong giai đoạn 1977-1984, mong ông kể lại đôi điều về cuộc đời của ông NXĐ.

Trần Kỳ Phương (TKP): Tháng Giêng năm 1977, tôi về làm việc tại Cổ viện Chàm, sau này là BTĐKC/ĐN. Thời điểm đó bảo tàng đang trưng bày 297 tác phẩm cùng hàng ngàn mảnh vỡ điêu khắc chất đống trong kho. Nhiệm vụ của tôi là cùng NXĐ khảo tả và cung cấp những thông tin liên quan đến từng hiện vật của các mảnh vỡ này. Đây là thời điểm NXĐ đã về hưu, nhưng ông được Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng bấy giờ mời cộng tác với Phòng Bảo tồn Bảo tàng để củng cố những hoạt động của BTĐKC/ĐN sau chiến tranh.

NXĐ người gốc Hà Tĩnh nhưng sinh tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, là người học cùng khóa với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, vì thế ông rất đam mê hội họa. Ông từng cho tôi xem bức vẽ màu nước rất đẹp của ông về ngôi đền Mỹ Sơn A1 mà ông thực hiện trong thời gian trùng tu tại thánh địa này vào những năm 1930.

Vì tham gia bãi khóa để ủng hộ đám tang của Phan Châu Trinh năm 1926, ông bị Trường Mỹ thuật Đông Dương buộc thôi học. Sau đó, ông xin được việc làm tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) ở Hà Nội từ năm 1928. Công việc chính của ông là dập văn khắc và vẽ kỹ thuật. Theo lời kể của ông, trong giai đoạn 1934-1936, EFEO đã mời nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Jansé điều hành cuộc khai quật tại di chỉ Đông Sơn. Lúc này NXĐ được EFEO cử hợp tác để phiên dịch và vẽ kỹ thuật cho các cuộc khai quật dưới sự chủ trì của Jansé. Sau này, khi xuất bản công trình Archaeological Researches in Indochina (Nghiên cứu khảo cổ học Đông Dương), gồm ba tập, vào những năm 1948 và 1958, Jansé đã ngõ lời cám ơn NXĐ trong lời tựa sách và gởi tặng cho ông bộ sách đó. Từ tháng 07 năm 1937, EFEO bắt đầu công việc trùng tu tại Mỹ Sơn dưới sự điều hành của Jean-Yves Claeys và Louise Bezacier; NXĐ lại được phân công tham gia công cuộc trùng tu này. Trong thời gian đó, các chuyên gia của EFEO đã tiến hành gia cố nền móng những đền - tháp của nhóm B và D. Đặc biệt vào những năm 1937-1938, ngôi đền A1, kiết tác của kiến trúc Champa và sáu ngôi tháp nhỏ, từ A2-A7, đã được đưa vào trùng tu ưu tiên.    

- Có phải từ năm 1938 trở đi, NXĐ mới thật sự gắn bó với Mỹ Sơn trên vị trí là người được trao quyền chỉ đạo cuộc trùng tu?

TKP: Qua lời kể của NXĐ, tôi được biết từ năm 1938-1941 ông đã cùng với đồng sự tiếp tục trùng tu, gia cố nền móng các tháp B3, B5, B6; C1, C2, C3; D1, D4. Công cuộc trùng tu Mỹ Sơn trong giai đoạn này được đánh dấu bằng lễ khánh thành Công viên Khảo cổ học Mỹ Sơn bởi Toàn quyền Đông Dương vào tháng 8 năm 1942.

NXĐ cũng cho biết, ông không chỉ là người tham gia trùng tu nhiều ngôi tháp lớn ở Mỹ Sơn mà còn là trợ thủ đắc lực của Parmentier trong việc nghiên cứu, phân loại và trưng bày các tác phẩm điêu khắc Champa. Và sau đó, từ năm 1938, với sự tín nhiệm của EFEO nên NXĐ được bổ nhiệm làm quản thủ (conservateur) của Bảo tàng Henri Parmentier, sau này là Cổ Viện Chàm; rồi BTĐKC/ĐN hiện nay. Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này. Tiếp đó, ông được EFEO cử phụ trách luôn công tác trùng tu tại di tích Mỹ Sơn.

Sau năm 1942, do kinh phí của EFEO bị hạn chế vì Đệ nhị Thế chiến, nên ông chỉ làm việc tại bảo tàng. Tuy nhiên ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các cộng sự người Việt Nam đã cùng ông tham gia trùng tu di tích Mỹ Sơn sinh sống tại địa phương. Đến năm 1946, NXĐ đi theo kháng chiến chống Pháp tại Liên khu 5 ở vùng sông Cầu, Phú Yên; ông phụ trách việc in tiền giấy, thời đó gọi là “tiền tín phiếu”, cho chính quyền kháng chiến. Đến khoảng năm 1953 thì ông cùng gia đình về lại Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng, ông được chính phủ Pháp mời tiếp tục giữ chức quản thủ Cổ Viện Chàm từ 1954 cho đến năm 1963 vì trong thời kỳ này bảo tàng vẫn trực thuộc sự quản lý của người Pháp. Cho đến khoảng tháng 9 năm 1963, chính phủ Pháp mới chính thức trao trả Cổ Viện Chàm cho Việt Nam. Lễ trao trả được tổ chức tại bảo tàng có sự tham gia của chính quyền địa phương tại Đà Nẵng và ông Trương Bửu Lâm đương thời là giám đốc Viện Khảo cổ học tại

Sài Gòn. 

 

Trong suốt 10 năm kế tiếp từ 1963 cho đến năm 1973, NXĐ tiếp tục đảm nhiệm công việc tại Cổ Viện Chàm. Thời gian đó bảo tàng này chỉ có ba nhân viên gồm một quản thủ, một bảo vệ và một người dọn dẹp.

Năm 1973, ông đã nghỉ hưu nhưng vì nhà vẫn ở trong khuôn viên của bảo tàng, ở góc đường Trưng Nữ Vương và Trần Phú hiện nay, nên khi có những đoàn khách quan trọng đến tham quan, ông vẫn được mời đến để tiếp khách hoặc trao đổi về chuyên môn.

Mặc dù được làm việc với ông trong một thời gian không đủ dài nhưng tôi luôn cảm phục tình yêu sâu thẳm của ông dành cho nghệ thuật Champa. Ông chưa từng công bố những công trình nghiên cứu của riêng ông về lãnh vực này; nhưng kiến thức và kinh nghiệm của ông về nghệ thuật Chàm, nhất là kiến thức từ thực địa Mỹ Sơn và Cổ Viện Chàm, thì không thể tìm đâu trong sách vở.

- Ông vừa nhắc đến tình yêu nghệ thuật Chàm, có phải vì thế mà NXĐ đã  viết thư báo tin cho nhà lịch sử nghệ thuật Philippe Stern ở Paris về việc di tích Mỹ Sơn bị đánh bom vào tháng 9 năm 1969?

TKP: Đúng vậy. Chính vì tình yêu nồng nàn của ông dành cho nghệ thuật Chàm mà ông luôn tỏ thái độ chăm chút và trách nhiệm với từng tác phẩm từ di tích đền-tháp cho đến từng mảnh vỡ của nền nghệ thuật này. Đó thực sự là một tình yêu nghệ thuật cao cả.

Vào tháng 9 năm 1969 khi khu di tích Mỹ Sơn bị máy bay B52 của Mỹ đánh bom, thì lập tức ông được những người cộng sự cũ là cư dân ở làng Mỹ Sơn ra đến tận nhà ông ở Đà Nẵng để báo hung tin này. Ngay sao đó, với tinh thần trách nhiệm bảo vệ di tích Mỹ Sơn, ông đã viết thư cho Philippe Stern, là quản thủ Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Guimet tại Paris và là một chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á, để báo tin này. Khi được biết Mỹ Sơn bị tàn phá, Stern đã viết thư cảnh báo đến Nhà Trắng. Như vậy, chính NXĐ là người có công lớn trong việc bảo vệ các di tích Champa không chỉ riêng tại Mỹ Sơn. Vì sau khi có thư cảnh báo của Stern,

Nhà Trắng đã ra lệnh cho các hoạt động quân sự của Mỹ tránh xa các di tích lịch sử và nghệ thuật của miền Nam cũng như của miền Bắc Việt Nam.

Trong bức thư gửi cho Tổng thống Nixon đề ngày 8 tháng 12 năm 1969 của Stern có đoạn, “Ngài Tổng thống kính mến, là cựu tổng quản thủ của Bảo tàng Quốc gia Pháp, đặc trách về nghệ thuật Đông Nam Á (Bảo tàng Guimet), bao gồm nghệ thuật Việt Nam, tôi muốn nêu lên cùng ngài về tình trạng báo động của những di tích lịch sử Champa như một phần của lịch sử thế giới...” Ngay sau đó, vào tháng 01 năm 1970, Tổng thống Nixon đã gửi thông điệp chính thức đến Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam, “Nhà Trắng mong muốn rằng trong phạm vi có thể, có biện pháp thực hiện để bảo đảm rằng những thiệt hại cho các di tích không phải là do các chiến dịch quân sự.”

Năm 1972, như để bày tỏ thái độ quan tâm đến việc bảo vệ các di tích nghệ thuật Chàm của Chính phủ Hoa Kỳ, Carl Hefley, Giám đốc Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, đã thực hiện một cuốn sách ảnh có tựa The Art of Champa (Nghệ thuật Champa) bao gồm hơn 140 bức ảnh của các hiện vật tiêu biểu trưng bày tại Cổ Viện Chàm. Đây là sách ảnh đầu tiên của bảo tàng trong thời chiến, 1946-1975. Để thực hiện công trình này, Hefley đã nhờ sự giúp đỡ tích cực của NXĐ trong việc tuyển chọn tác phẩm để chụp ảnh cũng như nhờ ông ký họa những bức phù điêu Champa rất sinh động để minh họa.

Sau năm 1975, cũng vì tình yêu nghệ thuật Chàm nên ông đã không quản ngại tuổi cao mà đã tích cực tham gia những hoạt động còn yếu kém của Cổ Viện Chàm sau khi chiến tranh vừa kết thúc.

- Là người từng kề cận với NXĐ, ông học được gì ở ông ấy?

TKP: NXĐ là người làm việc rất chăm chỉ và cẩn trọng cùng với một tấm lòng đam mê nghệ thuật, đặc biệt, ông viết chữ rất đẹp. Ở ông, tôi học được rất nhiều điểm đáng quý, nhưng có lẽ nhiều nhất là tính thận trọng, kiên nhẫn, chính xác khi tiếp cận với tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, cũng nhờ những chuyện ông kể về Trường Viễn Đông Bác cổ; về tính cách và cuộc đời của các học giả Pháp làm việc tại đây mà tôi được bổ sung nhiều hiểu biết không thể tìm thấy trong sách. Chẳng hạn, qua lời kể của ông tôi được biết Henri Parmentier là người “khỏe như một con cọp” và làm việc rất bền bỉ; George Coedes là một nhà bi ký học nhưng có năng khiếu thẩm mỹ cao; Paul Mus là một học giả có kiến thức quảng bác và rất yêu văn hóa Việt Nam; Nguyễn Văn Tố là một nhà sử học được nể trọng, một nhà biên tập giỏi và nghiêm khắc của tạp chí BEFEO v.v... nên khi đọc tác phẩm của họ, tôi thấy sinh động hơn và thẩm thấu được sâu hơn.

Xin cảm ơn ông!

H.S