Những Kỷ lục ở một cuốn sách
1. MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI từ góc nhìn thống kê học
MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI dày 567 trang khổ in 16 x 24cm được nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ viết trong quãng thời gian gần 9 năm, từ 19/5/2010 đến 10/11/2018 tại nhà thờ họ Nguyễn, thôn An Hà, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi và được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019.
Tác phẩm được viết theo thể thơ lục bát, có độ dài 12.668 câu. Theo trao đổi của nhà văn Nguyễn Thế Khoa tại buổi ra mắt tác phẩm MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI vào ngày 13/12/2019 tại Hà Nội, hiện đây là tác phẩm được viết bằng thơ lục bát có kỷ lục dài nhất
Việt Nam!
MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI có 84 bức ảnh, hình minh họa được tác giả sưu tầm từ nhiều nguồn, kể cả từ mạng internet, có chú thích rõ ràng, được xếp xen lồng theo diễn tiến cấu trúc của tác phẩm, từ cảnh Bến Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến cảnh trường Dục Thanh (Phan Thiết), cảnh Bác trong ngục tối nhà tù ở Trung Hoa, cảnh làm việc ở chiến khu Việt Bắc, cảnh làm việc tại Phủ Chủ tịch; cảnh gặp các nguyên
thủ nước ngoài như Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc), Hoàng thân Xuphanuvông (Lào), cảnh Bác làm việc với các đồng chí Bộ Chính trị... và sau cùng là cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt thế giới này.
Cuốn sách có ghi 45 tư liệu tham khảo chính. Đó là những trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là những tác phẩm kể về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp, những tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng, thơ văn của Người; là hồi ký của các tướng lĩnh có những năm tháng được làm việc bên Người. Thống kê cho thấy có 40 người làm việc ở các cơ quan trung ương và địa phương phụ trách về công tác lưu trữ đã nhiệt tình cung cấp tư liệu cho tác giả. Và chính nguồn dữ liệu khá phong phú này đã giúp Nguyễn Thế Kỷ chọn lựa, chắc lọc những chi tiết độc đáo đưa vào trong tác phẩm của mình.
Cuốn sách có tất cả 1174 chú thích để làm rõ thêm về ngày tháng, địa điểm; tên đầy đủ của các danh nhân, chiến sĩ, đơn vị, sự kiện; phiên âm, chú giải tiếng nước ngoài, chỉ dẫn các tác phẩm thơ văn liên quan...
Đó mới chỉ là những thống kê bên ngoài, thống kê bên trong với các tiêu điểm để tạo dựng hình tượng thơ; với cách liên kết ý; với tần suất âm vần và hệ từ lặp lại; với các nhịp chính của thơ; với hệ thống sử dụng dấu câu với các dấu chấm lửng, dấu chấm than, dấu hỏi, dấu gạch ngang... để biểu đạt nội dung cũng là điều rất hấp dẫn của tác phẩm.
- MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI từ góc nhìn tác giả học
Dưới góc nhìn tác giả học, có thể thấy cho đến khi đặt bút viết và hoàn chỉnh trường thiên thơ và lịch sử này, Nguyễn Thế Kỷ đã là một nhà thơ, nhà biên kịch tên tuổi. Ông đã xuất bản 23 tác phẩm với các thể loại văn xuôi, thơ, kịch bản sân khấu với cảm hứng chủ đạo là tinh thần ngợi ca, tự hào. Đáng lưu ý là tác phẩm Vị thượng khách đến Paris về Hà Nội - Gian lao ngàn dặm viết về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm đầu thập kỷ 40 ở Trung Hoa.
Nguyễn Thế Kỷ viết về Bác trong niềm ngưỡng vọng lớn: “Thăng Long -Văn hiến - Tiên rồng/ Bốn nghìn năm hóa Núi sông MỘT NGƯỜI”, ông đặt cái nhìn về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cái nhìn chiều dài của lịch sử dân tộc với ý thức tri ân những cống hiến, dấn thân “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Bởi vậy, khi tác phẩm kết thúc cái cảm giác thành kính trước Bác, trước đất nước bốn nghìn năm vẫn còn bàng bạc nơi tác giả: “Sách này xin để dành trang/ Dòng thơ, thay những dòng vàng biết ơn”.
Nguyễn Thế Kỷ viết MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI trong sự động viên của gia đình, bè bạn. Đặc biệt từ người vợ - là nhà thơ Trần Thị Hà Thanh và con trai trưởng Nguyễn Thế Diễn. Trong Mấy lời tâm sự cuối sách, ông cho biết nếu không có sự động viên, chăm lo của gia đình, con cái, bè bạn thì ông không thể nào sống và hoàn thành tốt trường ca này.
Nguyễn Thế Kỷ bắt đầu khởi bút viết tác phẩm này vào tháng 5 năm 2010 - lúc đó đã 75 tuổi, và hoàn thành tác phẩm vào cuối năm 2018 - khi tác giả bước vào tuổi 84. Cái khoảng độ tuổi 75 - 84 để nói về sự trải nghiệm trong đời, độ chín trong nghề ở một nhà văn.
- MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI từ góc nhìn liên văn bản
Hơn nửa thế kỷ qua, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã là một trong những nguồn cảm hứng lớn của nhiều tác giả. Và đã có nhiều tác phẩm thành công, đi vào lòng người đọc.
Tố Hữu có nhiều tác phẩm viết về Hồ Chí Minh hay, cảm xúc. Tác phẩm Hồ Chí Minh viết năm 1945 khắc họa cái cốt cách mạnh mẽ, hào hùng ở một người lãnh đạo “Hồ Chí Minh/ Người lính già/ Đã quyết chiến hy sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình!/...Người xông lên/ Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên/ Rập bước tiến bên người Cha anh dũng”. Sáng tháng Năm (1951) xây dựng điểm nhìn về Bác vừa cao rộng vừa ân tình ấm áp: “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ”; “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/ Người ngồi đó với cây chì đỏ/ Vạch đường đi, từng bước, từng giờ...”. Bác ơi (1969) là tiếng khóc nghẹn ngào khi nghe tin Bác mất, Theo chân Bác (1970) là ước nguyện, lời thề son sắt nguyện ước theo con đường của Bác.
Về thơ, còn có nhiều tác phẩm hay, cảm động khác như Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Gởi lòng con đến cùng Cha của Thu Bồn, Bác Hồ của Trinh Đường, Viếng lăng Bác của Viễn Phương... Các tác phẩm đậm chất chính luận, hồi ký có các tác giả Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phùng Thế Tài. Về truyện ký nổi bậc nhất có tác giả Sơn Tùng.
Giáo sư Phong Lê, người có công trình nghiên cứu khá hệ thống Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, H. 2019 cho biết, vào năm 1970, nhân ngày giỗ đầu của Bác, nhà thơ Lê Đạt đã viết trường ca Bác (Trường ca này mãi đến năm 1990 mới ấn hành). Trường ca dài 43 trang cỡ nhỏ, khổ 17,5 x 10cm, gồm 33 trang in thơ, 3 tranh minh họa và 7 trang lời bạt. Trường ca có độ dài 626 dòng, theo lối thơ leo thang, mỗi dòng thường 1, 2, 3, 4 chữ, thỉnh thoảng mới có dòng dài hơn, thường là một số trích dẫn lời Bác hoặc lời thế giới viếng Bác.
MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI có chọn dịch những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Bác. Vấn đề này vừa tạo mạch nối tư tưởng chung cho toàn tác phẩm, vừa tạo nhịp chuyển thể tạo tính đa dạng, linh hoạt trong nghệ thuật. Đây là tác phẩm có dung lượng lớn, có khả năng rộng trong việc tiếp biến một số vấn đề về thể loại, âm hưởng, ý tưởng, cách tạo dựng hình tượng.
4.MỘT NGƯỜI - THƠ - TÊN GỌI có thể được tiếp cận từ những góc nhìn khác như thi pháp học, lịch sử, xã hội học, logic học... Nhưng đây là những chuyên luận lớn mà người viết sẽ tiếp tục đề cập, trong một dịp khác.
N.Đ.V