Về một bài thơ của Nguyễn Du có nhắc đến một địa danh ở Đà Nẵng
Trong cuộc đời của mình, đại thi hào Nguyễn Du từng đi nhiều nơi. Nhiều lần về quê cha ở Hà Tĩnh, lánh nạn ở quê vợ Thái Bình, nhiều lần vào kinh đô Phú Xuân, làm Tri huyện Phù Dung, Tri phủ Thường Tín, Cai bạ Quảng Bình, nghinh sứ ở Lạng Sơn, đi sứ Trung Quốc... đến đâu, hầu như nhà thơ cũng có những bài thơ hay về nơi đó. Nguyễn Du chưa một lần ra khỏi địa phận Thừa Thiên để vào Nam. Tuy nhiên ông lại có một bài thơ nhắc đến một địa danh ở Đà Nẵng. Đây cũng là tác phẩm khá đặc biệt, thể hiện được nhiều phương diện trong tư tưởng, tình cảm của thi nhân. Đó là bài Ức gia huynh, bài thứ 29 trong Thanh Hiên tiền hậu tập. Nguyên văn bài thơ như sau:
Lục Tháp thành nam hệ nhất quan
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan
Cùng tưu lam chướng tam niên thú
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn
Nhất biệt bất tri hà xứ trú
Trùng phùng đương tác tái sinh khan
Hải thiên mang diểu thiên dư lý
Thần phách tương cầu mộng
diệc nan.
Dịch nghĩa:
Nơi phía Nam thành Lục Tháp, một chức quan ràng buộc
Đêm vượt Hải Vân, [đường đi] đá lởm chởm
Nơi heo hút lam chướng đi thú ba năm
Chốn quê cũ hoa khói trong tiết tháng hai lạnh
Một lần từ biệt không biết trú ở nơi nào
Gặp lại nhau chắc chỉ thấy trong kiếp sau
Trời biển mênh mang, [cách nhau] hơn nghìn dặm
Hồn phách tìm nhau, cả trong mộng cũng khó khăn.
Đây là bài thơ Nguyễn Du viết về người anh cùng cha khác mẹ của mình là Nguyễn Nễ (1761 - 1805), còn có tên Nguyễn Đề. Trong thơ chữ Hán, ngoài một lần họa thơ với anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, vài dòng thơ nhắc đến người thân, Nguyễn Du có ba bài thơ viết riêng về cha, vợ và anh. Nhà thơ viết về cha và vợ khi họ đã mất. Chỉ riêng Nguyễn Nễ là người được ông đưa vào thơ khi còn sống. Điều này cho thấy Nguyễn Nễ có một vị trí đặc biệt đối với đại thi hào của chúng ta.
Thật vậy, trong số các anh em, Nguyễn Nễ là người thân thiết nhất với Nguyễn Du, dù không cùng con đường chính trị (Nguyễn Nễ làm quan cho nhà Tây Sơn). Họ còn là bạn thơ tri âm của nhau và thường viết thơ cho nhau. Trong lúc anh em li tán, Nguyễn Nễ viết bài Hoài Tố Như để nói lên nỗi lòng nhớ người em Tố Như (tức Nguyễn Du). Năm 1793, Nguyễn Du vào Phú Xuân thăm anh, Nguyễn Nễ viết bài Tống Tố Như tự Phú Xuân kinh Bắc hoàn (Tiễn Tố Như từ kinh đô Phú Xuân về Bắc). Ngoài ra, ông còn “có hàng chục bài thơ viết cho Nguyễn Du với tất cả tình cảm yêu thương của một người anh dành cho một đứa em trai có số phận khá vất vả, long đong”1 của mình. Nguyễn Du cũng hết sức kính trọng, yêu quý anh. Bài thơ Ức gia huynh (Nhớ anh trai) nói lên điều này.
Trong hai câu đề của bài thơ, có hai địa danh được nhắc đến là Lục Tháp thành2 và Hải Vân. Thành Lục Tháp tức thành Quy Nhơn, nơi Nguyễn Nễ đến giữ chức Hiệp tán nhung vụ năm 1794. Hải Vân ở đây chính là đèo Hải Vân (tên chữ là Hải Vân quan), là địa giới tự nhiên giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng hiện nay. Đèo nằm trên con đường từ kinh đô Phú Xuân vào Nam, cho nên, khi nào Quy Nhơn nhậm chức, Nguyễn Nễ phải đi qua con đèo này. Là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, đèo Hải Vân nổi tiếng hiểm trở, khó đi. Câu thơ Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan (đêm vượt Hải Vân, đá lởm chởm) cho ta hình dung được phần nào điều này. Hơn nữa, từ câu thơ này có thể thấy, trong phỏng đoán của Nguyễn Du, anh trai mình qua đèo trong đêm.
Hơn cả nỗi nhớ, Ức gia huynh còn là tấm lòng yêu thương, lo lắng của nhà thơ dành cho anh trai của mình. Trong suy nghĩ của Nguyễn Du, Nguyễn Nễ vào Bình Định nhậm chức, làm quan cho nhà Tây Sơn coi như nửa đời còn lại bó thân nơi này. Cho nên nhà thơ mới viết “Lục Tháp thành nam hệ nhất quan”. Ông lo lắng nơi lam sơn chướng khí xa xôi ngoài ngàn dặm, anh mình không biết sẽ trú ngụ nơi nào (Nhất biệt bất tri hà xứ trú). Ông thảng thốt vì biết lần cách biết này có thể không có ngày gặp lại, ngày trùng phùng có lẽ chỉ còn thấy ở kiếp sau (Trùng phùng đương tác tái sinh khan). Với Tố Như, vắng anh thì
quê nhà dù đang giữa mùa xuân cũng đìu hiu, lạnh lẽo (Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn). Trông về phương Nam xa mù mịt, nhà thơ ngậm ngùi nhớ thương anh vì biết rằng gặp nhau rất khó, cả tìm nhau trong mộng cũng chẳng dễ gì (Thần phách tương cầu mộng diệc nan). Bài thơ thật cảm động. Ở đó, tình cảm anh em được thể hiện một cách đẹp đẽ, chân thành. Đây có thể xem là một trong những bài thơ viết về anh hay nhất trong văn học trung đại Việt Nam.
Có thể nói, là một chặng trên hành trình vào Bình Định nhậm chức của Nguyễn Nễ, địa danh Hải Vân xuất hiện trong thơ chữ Hán Nguyễn Du một cách khá đặc biệt. Thứ nhất, đây là địa danh được Nguyễn Du nói đến khi nhà thơ chưa từng đặt chân đến (khác với hầu hết các địa danh còn lại trong thơ ông). Thứ hai, địa danh này gắn với một trong ba bài thơ ít ỏi (trong tổng số 250 bài thơ chữ Hán) mà nhà thơ viết riêng về người thân của mình với tất cả tình cảm yêu thương, kính trọng. Kỷ niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), chúng ta tưởng nhớ đến nhà thơ cùng những đóng góp lớn lao của ông đối với nền văn học, văn hóa nước nhà. Càng ý nghĩa hơn khi Đà Nẵng có một địa danh được nhắc đến trong tác phẩm ông viết về anh trai mình với những tình cảm thật tốt đẹp.
-
Tài liệu tham khảo:
- Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2008, tr.190.
- Lục Tháp thành, tức thành Hoàng Đế thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định) hiện nay. Thành này nguyên tên Vijaya hay Đồ Bàn, Chà Bàn; vốn là kinh đô của nước Chăm Pa, có từ thế kỷ IX. “Năm 1604, chúa Nguyễn đổi là thành Quy Nhơn, đời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đổi là thành Hoàng Đế. Thành mở năm cửa và có sáu tháp canh” (theo Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính, Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr.633). Tên gọi “lục tháp” là do thành có sáu tháp canh này.
P.T.V