Người đưa đò trên sông Thu

04.09.2020
Truyện ngắn TÚY TÂM

Người đưa đò trên sông Thu

Tháng sáu miền Trung là mùa nắng nóng. Nhiều nơi buổi trưa lên trên bốn mươi độ C, cái nóng hầm hập như đổ lửa xuống thôn xóm, ruộng đồng, đó đây cạn khô, nứt nẻ. Ngọn nồm trưa  cũng tịnh dừng, hiếm hoi phơ phất trên hàng  cây lả ngọn, hanh vàng. Cả không gian, thời gian như nung trong chảo rang. Ban đêm cũng không khá mấy, ngọn gió Lào từ sườn Tây triền miên thổi, mang hơi đá núi xuống đồng bằng hừng hực, khốc khô, oi bức.

Đêm đầu tiên  ngủ lại căn phòng nhỏ vừa nóng lại vừa lạ chỗ, dù chỉ còn mỗi bộ đồ lót mặc trên người cho mát nhưng Tùng vẫn không thể nào dỗ cho mình giấc ngủ qua một ngày, một đêm ngồi trên xe  vượt gần tám trăm cây số đường dài mệt mỏi. Anh nằm thao thức nghe tiếng gà trên cành mít sau vườn nhà mấy lượt gáy sang canh. Ngó đồng hồ trong điện thoại đã hơn một giờ khuya, cái nóng vẫn chưa hạ nhiệt. Vừa tắt máy  nằm đâu được vài phút, bỗng nghe bên vách dường như có tiếng bước chân người đi rất nhẹ và có cả tiếng thì thầm của ai đó nữa. Giật mình, anh đứng dậy  vừa mở cửa định xuống nhà sau xem thử  thì một bóng người chạy tới ôm anh run cầm cập:

- A... nh... ơ... i!  Bên... vách phòng... em  có ai đó... đang rình, em sợ...

Thì ra cô Út đã thức nghe có bước chân kẻ lạ như anh nên chạy qua phòng cho bớt sợ. Thấy cô chủ nhà hoảng hốt ôm mình như tình nhân, bờ ngực con gái cọ sát vào ngực trần nóng bỏng, cả hơi thở dồn dập và giọng nói đứt quãng nữa,  cứ như là... anh hơi ngượng, lúng túng  gỡ  nhẹ  hai cánh tay trần nõn nà của Út , giọng anh cũng không được tự nhiên:

- Em... em đừng sợ gì... cả. Có... anh. Cứ để xem ai... định... làm gì.

 Biết mình vì sợ quá nên đã vô ý vô tứ ôm người bạn trai của anh mình mới về thăm, nên thầm mắc cỡ, đỏ lừng lựng đôi gò má, cô buông tay. May mà trong ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ chắc anh không nhìn thấy...

Ngoài vách, một tiếng động mạnh. Con chó xích sau bếp bỗng sủa rân như cắn nát đêm. Út cẩn trọng bước nhẹ theo người đàn ông về  phía tiếng động.

 

Chiếc xe khách nhà xe Xuân Hải thả anh xuống Phong Thử khoảng ba giờ rưỡi sáng. Thị trấn quê hương nằm khiêm tốn trên quốc lộ một trăm còn đang đắp màn đêm say giấc ngon lành. Ngó tới ngó lui hai bên dãy phố kín cửa, đường sá  vắng hoe, anh khoác ba lô lên vai vừa bước thì thình lình ở đâu trong ngõ tối một người đàn ông chui ra:

- Anh Hai về đâu? Tui chở cho.

Anh hơi giật mình tưởng kẻ bất lương, nhưng khi nghe hỏi biết là  bác xe ôm nên bình tĩnh lại:

- Không anh. Nhà tôi ở gần đây.

Bác xe ôm có lẽ nhà đâu đây nên nghe tiếng xe dừng đổ dậy chạy ra kiếm khách. Anh ta nấn ná một lát biết chẳng được gì nên rồ ga chạy vào ngõ tối mất dạng.

Đêm Phong Thử lại chìm trong im vắng. Anh lặng lẽ rẽ vào con đường đất xuyên qua cánh đồng. Dưới trời sao rờ rỡ, những ruộng lúa hai bên đã gieo sạ đang lú nhú lên xanh, tiếng côn trùng,  ếch nhái, ễnh ương xúm nhau kêu uềnh oang, râm ran như một bản hòa tấu muôn thuở của ruộng đồng nghe buồn lê thê.  Đang lầm lũi bước bỗng anh khựng lại. Một bóng người từ chân ruộng đi lên có vẻ gấp gáp, anh hơi chột dạ không biết có phải người hay ma? Quen hay lạ? Ra đồng làm gì giờ này?

- Ai đó - Anh mạnh dạn lên tiếng.

Bóng người phía trước cách chừng ba mươi mét dường như không nghe hoặc có thể cố tình không nghe nên không trả lời vẫn lầm lũi đi nhanh. Tò mò, anh cũng bước nhanh hơn mong tiếp cận xem thử ai quen hay lạ, người phía trước có lẽ biết anh đang đuổi theo nên cũng bước nhanh, cự ly khoảng cách dần xa hơn lúc ban đầu. Mãi lo đuổi theo nên vô tình anh dẫm lên vũng sình  trượt chân té cái “huỵch”, tiếng cười phía trước bỗng vang trong khuya khoắt nghe ma mị như trong truyện Liêu trai. Người đi trước chắc chắn là đàn bà rồi, anh thầm nghĩ như thế khi nghe thanh âm giọng cười. Mà đàn bà, con gái nào lại đi ra đồng giờ này? Làm gì nhỉ? Anh đứng lên phủi bùn đất dính quần áo, không thèm  quan tâm đến người kia nữa. Cánh đồng lúa sạ lúc nãy đã lùi lại phía sau lưng, trước mặt hai bên là những tấm bia mộ chi chít trắng hếu dưới trời sao tưởng như những khuôn mặt người cõi âm đang nhìn anh thấy rờn rợn anh biết mình đang ngang qua cồn Muồn, nơi chôn cất người chết lâu đời của thôn Bì Nhai, Kỳ Lam, Phong Thử... nên cũng hơi sờ sợ. Tiếng cười lúc nãy lại vang lên đâu gần bờ sông vọng lại như chọc ghẹo. Khi đến bến Hục thì trời hưng hửng sáng, biết qua sông giờ này chưa có người đưa đò nên anh ngồi bên bờ cỏ nghỉ ngơi ngắm nhìn cảnh  quê.

 - Hi hi. Anh Tùng mới về hả? Về  làm chi mà sớm rứa? Có phải anh định qua Tư Phú thì em chở cho. Mà anh qua bên đó làm gì?

 Cô Sáu Trâm, con gái của dì hai Trinh, từ trong xóm đi ra thấy anh vừa hỏi vừa cười khúc khích khi nhìn quần áo anh dính bê bết bùn. Nghe tiếng cười  quen quen giống lúc anh bị trợt.

- Có phải người từ dưới ruộng đi lên trước anh là em không?

 - Hì hì. Khuya, nước mới xuống. Em đi trổ nước vào ruộng.

- Sao anh gọi em không lên tiếng?

- Lúc đầu em tưởng người lạ nên đề phòng, khi đến cồn trời sáng mới biết là anh. Hì hì. Bộ đội như anh mà cũng sợ ma hả?

 Sáu Trâm chọc quê anh vì biết lúc còn nhỏ anh là chúa sợ ma mỗi khi đêm hôm qua đoạn Cồn Muồn này, cô như  dắt tiếng cười giòn tan  xuống bến.

- Nào mời anh bộ đội lên ghe em đưa sang sông.

Nghe ba từ “đưa sang sông” tự nhiên xoáy vào lòng anh như vết cứa. Anh  thấy chập chờn bóng một người con gái nơi xóm Kỳ Bắc năm nào đã khăn áo theo chồng, mấy năm rồi không thấy trở lại?  Không biết bây giờ người ấy đang ở  đâu, cuộc sống ra sao? Có còn nhớ về chốn cũ?

Khi  anh  yên vị  trên chiếc ghe nhỏ như con thuyền độc mộc, Sáu  Trâm lặng lẽ chèo ra giữa dòng mênh mông con nước. Thu Bồn mùa này đang chính hạ.  Thường mấy năm thì vơi cạn, có khi lòi cả ghềnh cát, nhưng năm nay phía thượng nguồn chiều, đêm thường hay mưa núi, cả dãy Trường Sơn và Tây Nguyên cũng trong mùa mưa nên lượng nước tích tụ  ăm ắp đổ về, nhất là đập A Vương - Vĩnh Trinh cũng đang xả lũ, nhờ vậy mà những cánh đồng  ven sông trong mùa gieo cấy đầy đủ nước tưới .

Nhìn dáng Sáu Trâm đứng chèo đò, tà áo bà ba bay phất phơ trong gió sớm, nổi bật trên nền trời đẹp như tranh vẽ.  Anh biết cô em con bà dì ruột là gái không chồng, từ nhỏ đến giờ ở vậy nuôi mẹ già khi các anh, chị, em đều có gia đình làm ăn phương xa. Sáu Trâm lam lũ quanh năm với mấy sào ruộng, quen thức khuya dậy sớm như cánh cò cánh vạc lặn lội bến quê. Bao lần chống chèo thuyền đưa tiễn người sang sông đi tìm những ước mơ hạnh phúc, sang giàu mà cô chưa một lần tự tiễn đưa mình qua khỏi lũy tre làng, qua những khổ nghèo cơ cực, lênh đênh số phận.

- Anh qua thăm ai bên Gò Nổi? - Sáu  Trâm lại hỏi anh.

- Có anh bạn cùng đơn vị gửi ít tiền và quà về biếu mẹ ảnh. Em biết nhà bà Thu đầu dốc bến đò Tư Phú chứ?

- Bà Thu thì ai không biết. Bà có cô Út xinh gái nhất làng phải không? Cô ấy cũng thường chèo ghe đưa khách bên đó sang bên này. Sáu đưa tay chỉ:

 - Nhà bà Thu dưới lùm tre xanh kia kìa anh.

Anh gửi tiền đò trước khi lên bờ, nói gì Sáu Trâm vẫn không nhận, bảo mấy khi anh về thăm quê. Rồi theo lời chỉ, anh băng qua cồn cát còn nhòe sương, bước về phía căn nhà lợp mái tôn nép dưới rặng tre đầu xóm bãi. Nắng sớm đã hừng lên cả xóm quê Gò Nổi óng ánh vàng mơ trông đẹp lạ lùng. Anh ngoái lại nhìn con sông Thu Bồn cũng sáng trưng như tấm gương trong xanh ngập ánh ban mai. Bóng con thuyền và cả bóng Sáu Trâm như nhỏ xíu xiu giống chiếc thuyền giấy tuổi thơ xưa anh thường xé vở học trò xếp thả con mương nước chảy, đang lênh đênh đơn độc giữa dòng. Chợt lòng nghe rưng rức thương quá những phận người quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Bên kia là xóm Kỳ Bắc, Phong Thử của gia đình, họ hàng anh cũng vừa thức dậy tất bật tơi nón ra đồng. Một miền quê quanh năm tảo tần, lam lũ, hiền như mẹ, như em, như Sáu Trâm suốt một đời tay bùn, chân lấm.

Sau đêm xua  đuổi  mấy tên rình mò trộm chó. Lúc anh rượt theo, sơ ý bị chúng  ném ớt bột bay vào mắt trước khi chạy thoát thân. Anh được cô chủ nhà chở lên trạm y tế xã lo thuốc men cứu chữa. Mẹ Út bảo xức thuốc cũng tốt nhưng theo kinh nghiệm của người xưa, lỡ bị ớt bay vào mắt thì lấy tóc lau vài lần sẽ khỏi. Anh nghe theo, nhờ cô chủ nhà cho mượn mái tóc dài mượt như tóc người con gái Gò Nổi chăm sóc đôi mắt mình đang sưng đỏ. Thú thiệt, có phải nhờ  kinh nghiệm của mẹ Út chỉ dẫn hay là nhờ mái tóc cô gái chưa chồng mềm mại mát rười rượi mà anh mau khỏi.  Hôm anh định khoác ba lô trở lại Tây nguyên thì mẹ và Út chân tình mời anh  ở lại chơi thêm mấy ngày nữa và xem thử bọn trộm có còn quay lại quấy nhiễu nữa không? Thế là anh không nỡ đi sớm. Út  vui mừng, líu lo, dẫn anh đi tham quan khu di tích Mỹ Sơn rồi chở nhau xuống thăm chơi phố cổ Hội An, sông Hoài chụp hình, chụp bóng. Đêm, hai người lại rủ ra bờ Thu Bồn ngắm trăng, đón gió, ngắm con nước vơi đầy nghe dòng sông kể chuyện. Út thẹn thùng nhớ nửa khuya hôm đó đang ngủ, nghe tiếng người xầm xì ngoài vách, hoảng sợ, chạy qua phòng mẹ thấy đóng cửa đang ngủ ngon, cô chạy sang phòng anh, không biết ai xui khiến mà tự nhiên ôm chầm người đàn ông đang đứng cởi trần, còn mình thì  phong phanh áo ngủ. Lần đầu tiên tiếp xúc da thịt người khác phái giờ còn nghe ấm áp, là lạ, rồi cả mái tóc  mượt dài trinh nữ của mình cũng cho anh mượn vuốt ve đôi mắt nữa chứ,  cứ như là của nhau.

Một bóng thuyền câu từ phía Vân Ly đang thong thả xuôi dòng dưới đêm sũng nước. Nghe sương khuya chảy xuống  lành lạnh cả màu trăng, Út nép vào ngực anh tìm hơi ấm, vòng tay người lính ôm chặt cô vào lòng, một trận mưa hôn đổ xuống... Trái tim người con gái Gò Nổi bỗng mềm mại chìm trong vòng tay và nụ hôn của người sĩ quan trường lục quân

Đà Lạt, người chiến sĩ Tây Nguyên trải qua nhiều gian khổ, gió sương.

Sáng hôm đưa Tùng sang Bến Hục  trở lại đơn vị. Út  nhìn anh bịn rịn khi biết sắp phải chia  xa. Cô thỏ thẻ:

- Khi nào anh trở lại?  Em chờ...

Đôi mắt bồ câu lại nhìn về phía xa xăm:

- Em sẽ xin phép mẹ vào Đà Lạt - Lâm Đồng tham quan xứ sở xinh đẹp một lần cho biết. Nghe nói ở đó quanh năm mát mẻ không nắng nóng như ở quê mình.  Ở đó rất  thơ mộng, có thung lũng Tình yêu, có đồi mộng mơ, có ngàn hoa bốn mùa khoe hương sắc. Ở đó em còn có gia đình  anh chị ruột kính yêu nữa.

Giọng Út lại ngập ngừng, e lệ, hai  má đỏ hây hây trong nắng:

 - Ở đó, em cũng có một người mà trái tim em vừa trao thương gửi nhớ.  Anh Tùng có biết ai không?

Buổi sáng ấy Thu Bồn im lặng lắng  nghe lời ước mong thật dễ thương của người con gái lái đò xinh đẹp. Con nước sông quê xanh trong cũng xôn xao như làm  nhân chứng in dấu bóng hai người.

T.T