Một chuyện tình ở Tam Hải

04.09.2020
Võ Duy Dương

Một chuyện tình ở Tam Hải

Cách đây hơn 25 năm, Tam Hải là một vùng quê biển đẹp nhưng còn rất nghèo. Do đò giang cách trở, khó khăn, trở ngại việc đi lại, nên việc học hành con em người dân ít được quan tâm. Các chàng trai lớn lên thường gắn bó quê hương làm nghề biển, các cô gái thì buôn bán, họa hoằn lắm gia đình nào có điều kiện thì gởi con lên thị trấn An Tân để học.

Trong số những người con Tam Hải làm nghề biển giã thời ấy nổi lên 2 em có nghị lực, vượt khó, quyết tâm học hành và 2 em đã đỗ đại học. Chàng trai tên Quang đỗ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và cô gái tên Ngọc đỗ Đại học Sư Phạm Đà Nẵng. Thành tích của hai em là điều tự hào vinh dự chung của cả xã đảo Tam Hải lúc bấy giờ.

 Đôi bạn cùng quê ra Đà Nẵng học hai trường gần nhau, biết nhau từ thuở nhỏ, do đó từ tình bạn, tình đồng hương đã dẫn đến đơm hoa kết quả tình yêu.

Vào mùa hè năm 1995 đôi bạn có dịp nghỉ, Hải và Ngọc cùng về quê thăm cha mẹ và phụ giúp công việc gia đình.

Hôm đó đúng ngày rằm, trăng tròn vành vạnh với sóng biển dịu êm, bãi cát trắng sáng chiếu xuống lung linh, rừng dừa xanh lao xao tạo nên khung cảnh rất đẹp và đầy thơ mộng. Sau ngày làm việc, cơm tối xong cặp tình nhân chậm rãi bước sóng đôi trên bãi biển quê hương dưới ánh trăng rằm mát rượi để tận hưởng những tháng ngày ở phố đầy ngột ngạt căng thẳng. Họ đi và tâm sự với những bàn luận dự định cho tương lai của mình và cho quê hương. Thả bộ một chặng đường dài trên bờ biển đến rặng dừa đôi tình nhân dừng lại và bắt đầu ngồi xuống bên một gốc dừa ngã nghiêng về phía biển. Trăng rằm chiếu qua các khe vòm lá dừa đung đưa trước làn gió biển chao qua, chao lại tạo nên những vệt sáng tối trông như một người phụ nữ dùng chiếc lược ngà chải suối tóc óng mượt dưới ánh trăng  rằm.

 Gió nồm biển thổi mát rười rượi, đôi trai thanh nữ tú đang mãi mê tâm sự, bất chợt ánh trăng rằm bị mây đen che phủ, cơn giông bất ngờ ập đến. Gió lốc cuồn cuộn thổi và chuyện chẳng may đến với đôi bạn. Một quả dừa khô rơi thẳng xuống trúng ngay đầu chàng trai trong lúc hai người đang ôm hôn nhau. Quang bị chấn thương đầu và Ngọc cùng bị thương . Đôi bạn đã được người nhà và bà con hàng xóm nhanh chóng sơ cứu và đưa đi cấp cứu bệnh viện Tam Kỳ.     

Đầu tháng 9 năm 1995 Công ty Bảo Việt tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm tai nạn thân thể sinh viên Quang và Ngọc. Hồ sơ thiếu rất nhiều chứng từ thuốc men điều trị. Là người đứng chân trên địa bàn Tam Kỳ - Núi Thành, tôi được Giám đốc phân công đi thu thập hồ sơ điều trị và kiểm tra thông tin tai nạn. Chặng đường từ Đà Nẵng vào Núi Thành xuống Tam Hải dài gần 115km. Thời ấy đi công tác  bằng xe đò. Tôi đi xe đạp lên bến xe liên tỉnh. Quẳng xe đạp lên mui xe đò ọc ạch và ngồi gần bốn tiếng rưỡi đồng hồ trên xe, sau đó mới đến thị trấn An Tân, huyện Núi Thành. Từ An Tân tôi đạp xe trên con đường đất quanh co về Tam Hải 15 km. Chờ phà gần 30 phút qua sông Trường Giang là xã Tam Hải. Tôi đến trạm biên phòng Kỳ Hà gặp anh Dinh trạm trưởng trời cũng nhá nhem tối. Bữa cơm tối hôm đó tôi được thết đãi món cá nục Chuối cuốn bánh tráng với rau muống là món ăn đặc sản của người xứ Quảng, mà lâu ngày tôi có dịp thưởng thức. Năm đó ngư dân được bội thu mùa cá nục, những con tàu ra khơi xa trở về khoang thuyền đầy ắp cá và cá. Nhìn những ánh mắt, khuôn mặt rạng rỡ của mọi người sau chuyến ra khơi lâu ngày lòng tôi khỏe hẳn sau một chặng đường dài  thấm mệt.

  Vụ tai nạn của hai em Quang và Ngọc sau khi tôi thu thập đầy đủ chứng từ thuốc men, được Bảo Việt giải quyết nhanh chóng. Tôi và một đồng nghiệp đem số tiền bảo hiểm thân thể sinh viên đến tận trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm chi trả trực tiếp cho hai em.  Hồi đó hai em nhận được khoản tiền bồi thường bảo hiểm rất vui mừng, đã bù đắp được những khó khăn, động viên và tiếp sức năm cuối cùng của giảng  đường đại học.

Từ khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, tôi ít có dịp đi vào Núi Thành đặc biệt xã đảo Tam Hải. Trong thời gian gần đây trong chuyến công tác Núi Thành, tôi tranh thủ về thăm Bàn Than. Quang cảnh bây giờ đổi khác so trước nhiều, tất cả nhà dân đều mái ngói khang trang, điện thắp sáng mọi thôn, xóm. Đường liên thôn bê tông hóa thay cho những con đường cát trắng trước đây, rồi khách sạn, resort... khách tham quan, du lịch đông vui tấp nập. 

Bất ngờ tôi gặp lại Quang đi chung chuyến đò qua xã Tam Hải. Quang mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, bao nhiêu hồi ức, kỷ niệm dâng trào.

Rồi Quang lấy điện thoại điện ngay cho vợ, bảo vợ cơm trưa đãi khách đặc biệt. Ngọc hỏi lại ai vậy anh? Quang trả lời “một ân nhân” đã giúp vợ chồng mình thời sinh viên. Bữa cơm trưa vợ chồng Quang - Ngọc đãi tôi toàn món đặc sản xứ Tam Hải, chính vợ chồng đang nuôi trồng trên mảnh đất của mình. Qua chén rượu Hồng đào, Quang kể cho tôi về  công việc và gia đình. Sau tốt nghiệp hai em về lại quê hương, Quang làm phòng Nông Lâm Ngư huyện, còn Ngọc thì dạy trường THCS Tam Hải. Sau hai năm công tác thì hai em tổ chức đám cưới. Lần lượt sinh hạ hai cháu, đầu là gái đặt tên Ngọc Hải, đứa sau trai đặt tên Bàn Than. Hiện Ngọc Hải theo nghề của mẹ học Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Bàn Than học Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Làm được 5 năm tại huyện Núi Thành, với đam mê nghề nuôi trồng thủy sản, Quang đã xin nghỉ việc và chuyển ra làm nghề nuôi tôm và cá lồng trên sông Trường Giang. Ban đầu ít vốn, thiếu kinh nghiệm nên thất bại liên tục, nhiều lúc chán nản muốn bỏ nghề. Nhờ sự động viên của Ngọc và bà con, được nhà nước khuyến khích phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và trời không phụ lòng người những năm kế tiếp Quang thành công liên tiếp.

Quang thành lập công ty và cung ứng xuất khẩu hải sản. Công việc phát triển, bây giờ có cả đối tác nước ngoài, công nhân trên 300 người. Quang cười tươi, có như vậy em mới xây được ngôi nhà khang trang và nuôi hai cháu học đại học. Quang chuẩn bị khai trương một khách sạn tại Bàn Than - Tam Hải. Còn Ngọc bây giờ làm hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tam Hải. Nhìn ngôi nhà khang trang, công việc làm tất bật của công nhân, tôi biết vợ chồng Quang - Ngọc đã đầu tư biết bao tâm huyết, mồ hôi và nước mắt cho các vựa tôm, vựa cá. Có những đêm thức trắng chống dịch, canh bão lũ, cấy con giống, vệ sinh thay nước, kiểm tra nhiệt độ, cho cá ăn... Vợ chồng Quang phải lăn lộn không lúc nào ngơi tay mới có được cơ ngơi ngày hôm nay.

Mảnh đất Tam Hải tuyệt đẹp cùng với câu chuyện tình thơ mộng đã trên 25 năm rồi mà tôi và người dân Tam Hải  còn nhớ mãi. Nhớ về một kỷ niệm đẹp với câu chuyện tình có rủi ro, có may mắn hiếm thấy. Tôi ấp ủ, canh cánh trong lòng và hôm nay nhân có thời gian “giãn cách xã hội” phòng chống đại dịch Covid,  tôi viết lại chuyện này, xin chia sẻ cùng bè bạn.

 

Đà Nẵng mùa dịch Covid, 01/8/2020

V.D.D