Bước thời gian qua “Giới hạn” của Phan Hoàng Phương

04.09.2020
Nguyễn Thị Thu Thủy

Bước thời gian qua “Giới hạn” của Phan Hoàng Phương

Chỉ mong sao khi thật cần, thơ luôn đâu đó như vạt cỏ, như cánh đồng, như hoàng hôn, như sen ngày hạ, như cúc ngày thu, cho mình chạm với”. Đó là lời tâm sự của Phan Hoàng Phương khi nghĩ về thơ. Dù cuộc sống tất bật, rộn rã bao nhiêu thì thơ ca vẫn mãi là niềm khát vọng trong trái tim đầy thổn thức của người thi sĩ. Từ tập thơ đầu tay “Giữa thời gian” (in năm 1994) đến “Giới hạn” vừa ra mắt (cuối tháng 6 năm 2020), Phan Hoàng Phương chắt chiu từng con chữ, dâng tặng cuộc đời những món quà tinh thần vô giá. Người đọc hòa điệu cùng những thao thức, khát khao đi tìm vẻ đẹp thi ca đích thực của Phan Hoàng Phương, vừa ngậm ngùi cùng những vần thơ giàu suy ngẫm về cuộc đời, con người trước bước chân vội vã của thời gian.

“Giới hạn” của Phan Hoàng Phương, do NXB Đà Nẵng ấn hành vào cuối tháng 6 năm 2020, gồm 45 bài thơ, khoảng 100 trang bao gồm cả phần trang trí;  đây là một tập thơ đẹp, trang bìa là tranh vẽ của họa sĩ Hoàng Đặng. Lật bên trong, người đọc khá ấn tượng với cách trình bày đầu đề cùng những minh họa khá lạ của Thanh Huyền; đến với trang thơ Phan Hoàng Phương, độc giả bị dẫn dụ cùng dòng tâm sự sâu kín của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn. Mỗi bài thơ của chị là sự chắt lọc kĩ lưỡng những cảm quan sát tinh nhạy hòa điệu cùng nhịp rung ngân của cảm xúc. Mỗi khoảng đời chị từng trải đều in dấu trong thơ dù Phan Hoàng Phương viết kiệm lời; đọc thơ chị, ta nhận ra bước đi hối hả của thời gian nhẹ nhàng như cơn gió thoảng nhưng để lại những dư vị không thể nào quên. Trước hết, bước thời gian hiện lên bởi đầu đề của từng bài thơ: Năm 93, Rằm tháng Bảy, Mùa xuân, Buổi tối, Đã lâu rồi... Với những tiêu đề giản dị như thế, dường như, Phan Hoàng Phương muốn đánh dấu những cột mốc thời gian đáng ghi nhớ trong cuộc đời gắn cùng những trải nghiệm không bao giờ quên được. Đến với 45 cung bậc tâm trạng trong tập thơ, yếu tố thời gian xuất hiện khá đậm đặc qua giọng điệu thì thầm, chầm chậm rót vào tai người đọc những rung âm như cà phê đắng đót đang nhỏ từng giọt: Một giờ hai giờ ba giờ/ Một tuần hai tuần ba tuần/... Qua được hai mươi năm là đến ngày gặp lại/ Lạ như gặp người dưng/ Lạ như đứng chôn chân trước căn nhà cũ/ Lòng người vấp gió mở toang (Lời từ biệt). Thời gian với Phan Hoàng Phương là phương thuốc hữu hiệu nhất để xóa nhòa đi cả những niềm đau, xóa đi cả những kỉ niệm ngọt ngào; chỉ gió mây hiểu được sự bí ẩn trong hồn người mà thôi.

Cách đếm thời gian của Phan Hoàng Phương thật lạ, tựa như chị đang ngồi bấm đốt để tự nhẩm với mình, tự nhấm nháp những nỗi buồn niềm vui và cả những đắng cay mình đã từng. Nhà văn Huỳnh Văn Hoa nhận xét: “Đọc thơ Phan Hoàng Phương cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ của cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, mất mát”. Ta thổn thức cùng những ngổn ngang, tiếc nhớ trong chị khi thời gian cứ vùn vụt trôi. Người xưa thường ví thời gian như bóng câu qua cửa sổ, như nước chảy qua cầu; còn với Phương: Nay 15 năm như chớp mắt/ như mới vừa hôm qua (Tựa). Yếu tố thời gian xuất hiện với mức độ dày đặc trong thơ Phan Hoàng Phương không hề là ngẫu nhiên. Người phụ nữ ấy lặng thầm với những dòng thơ, dòng thời gian để gửi trao những tâm sự của lòng mình. Mỗi mùa trong năm đi qua được chị cảm nhận theo mỗi cách khác nhau. Đó là mùa xuân bắt đầu khi lớp lá bàng chín thẫm: Ngoài hiên sấp ngửa tiễn mùa đi; mùa hạ với hoa gạo chín đỏ rụng rơi từng lớp: Như tình yêu vời vợi của chúng mình/ Nhẫn nhịn giữa cao xanh; thu về cùng em: Thả ánh mắt nhìn vào đâu cũng thấy/ Gương mặt đất trời khi từ giã mùa đi; mùa đông đến cùng nỗi nhớ và hương sắc ngọc lan Một mình ngắm một mình giơ tay với/ Nụ cuối cùng chót vót giữa chiều đông. Thời gian trong thơ chị được đo bằng những mùa hoa nở và nỗi rưng rưng của lòng người trước buổi giao mùa, là hương vị tiếc nhớ của những mối tình đã đi qua, niềm cô đơn trước không gian bao la, rợn ngợp. Nhưng ở Phan Hoàng Phương, thời gian không chỉ là một phương tiện để chị gửi trao những nỗi buồn mà còn là những ý niệm suy ngẫm về thân phận con người. Đọc thơ chị, tôi ám ảnh với những người phụ nữ lầm lũi nơi làng quê nghèo khó gùi những khát khao của mình/ ném bừa xuống ruộng đồng khô khốc và tuổi xuân họ trôi đi cùng bước chân thời gian vội vã. Mùa xuân của những người đàn bà ấy là những chờ đợi đằng đẵng: Kiếm tìm quay quắt một hình dong (Đơn thân).

Đêm vốn là thời khắc người - thơ tự đối diện để sống thật với chính mình. Với Phan Hoàng Phương, đối diện với khoảng thời gian khi bóng tối ngập đầy, tâm trạng chị đầy phức tạp: Khi không còn sự tỉnh táo của ngày/ Đêm bật khóc (Buổi tối). Đêm cũng là khoảng lặng để chị ý thức được nỗi cô đơn của bản thể: Mảnh trăng non côi cút/ Nghiêng mình sau lưng núi (Năm 93). Dù đêm đầy sao hay ngập tràn ánh trăng, chị đều thức, ngân rung cùng nhịp bước của thời gian. Trăng không chỉ là biểu tượng của thời gian, không gian mà còn là nơi Phương ngẫm đến cái mong manh, chênh vênh của phận mình: Đã lâu rồi, tôi không nhìn ánh trăng khuất sau mé núi/ Để thấy mình cheo leo (Đã lâu rồi). Và cũng chính thời điểm đêm về, tâm trạng chị đắng chát khi nghĩ về giới hạn của kiếp người. Có tất bật bon chen bao nhiêu đi nữa, đời người chỉ còn lại một “nấm cỏ xanh”. Cuộc đời vô thường nên con người thơ ấy chới với, hẫng hụt đuổi theo chuyến tàu như chuyến thời gian lao vụt trong đêm tối hãi hùng: Con sấp ngửa chạy theo mà không ai hay biết/ Con biết sẽ có ngày được cùng người quay trở lại/ Kiếm tìm ý nghĩ trần gian (Rằm tháng Bảy)...

Thời gian là một phạm trù của nghệ thuật, kết tinh ý thức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ. Đọc những trang thơ, ta tiếp xúc nhiều bình diện thời gian: có thời gian của hiện tại, của quá khứ; có thời gian tâm tưởng để hồi ức; lại có thời gian hiện thực để tự vấn với lương tâm.“Giới hạn” giúp ta hình dung khoảng thời gian mà ở đó người thơ tự đóng khung đời mình, tự gò mình vào khuôn khổ, để biết dừng lại trước những lằn ranh giới; là ý thức về sự hữu hạn của  đời người trước cái vô hạn, vô chung. Để chuyển tải những xung động của lòng mình, Phan Hoàng Phương sở trường với thể thơ tự do, giọng thơ giàu suy tư, sâu lắng, nhiều ý thơ lạ, giàu thi ảnh. Dẫu rằng, đâu đó trong những tập sách vẫn còn vài câu thơ khó hiểu bởi thơ ca đôi khi là sự mênh mang, mơ hồ của tâm trạng. Đằng sau, nỗi đau đáu của tiếc nuối, ngậm ngùi, niềm cô độc ở thơ Phan Hoàng Phương là tâm hồn giàu nữ tính, sâu sắc, ý nhị, luôn thao thức với vẻ đẹp với cuộc đời và con người.

N.T.T.T