Tiến trình vận động của đề tài gia đình trong văn xuôi Việt Nam
Nhìn vào tiến trình vận động của văn học nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng, đề tài gia đình cũng là một trong những đề tài truyền thống, chỉ sau đề tài chiến tranh và nông thôn. Đề tài gia đình trong văn xuôi đã và đang hiện diện xuyên suốt cùng với dòng chảy của văn học qua mỗi thời kỳ, chặng đường nhưng ở mỗi thời kỳ, chặng đường thì đề tài này lại có cách tiếp cận, phản ánh hiện thực đời sống gia đình từ những góc độ, cảm hứng,... khác nhau, vì thế khuôn diện cũng như thành tựu có sự riêng khác. Đề tài gia đình trong văn học dân gian chủ yếu hiện diện trong truyện cổ tích và ca dao. Đề tài gia đình trong ca dao thường đề cập đến những tình cảm gần gũi, thân thương về gia đình qua những câu hát ngọt ngào, đầy sâu lắng của các bà, các mẹ. Đó là sự ngợi ca, đề cao tình nghĩa vợ chồng (Chồng em áo rách em thương/Chồng người áo gấm sông hương mặc người); tình cha, nghĩa mẹ (Ơn cha nặng lắm ai ơi/Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang); sự hiếu lễ, ghi nhớ công lao sinh thành của cháu con đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ (Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu). Còn ở thể loại truyện cổ tích thì đề tài gia đình có những chủ đề khác nhau, với nội dung rất phong phú, đa dạng, trong đó chủ đề về thân phận người phụ nữ trong gia đình được các tác giả quan tâm, phản ánh nhiều nhất. Những cô Tấm (Tấm Cám), người vợ của anh học trò nghèo (Lấy vợ cóc), cô Út (Sọ Dừa),... đều là những người phụ nữ bất hạnh, bi thảm, thấp cổ bé họng nhưng lại luôn ngời sáng những phẩm chất truyền thống tốt đẹp như nhân hậu, chăm chỉ, hiền dịu, nết na, thương người,... Cuộc đời của họ đầy giông bão, khó khăn, thử thách nhưng rồi cuối cùng họ cũng đã vượt qua, chiến thắng và được hạnh phúc mỹ mãn. Như vậy, trong văn học dân gian các tác giả có chú trọng, đề cao vai trò cũng như những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, đặc biệt là với những người phụ nữ có những nỗi niềm đong đầy thương cảm, sẻ chia sâu sắc bởi thân phận quá nhỏ bé, yếu đuối trước lễ giáo, tư tưởng nam quyền trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên thì đề tài gia đình vẫn chưa phải là một đề tài mang tính chủ đạo, xuyên suốt trong văn học dân gian.
Đề tài gia đình trong văn học trung đại chủ yếu in đậm dấu ấn ở giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều; Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Độc Tiểu Thanh kí, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu của Nguyễn Du, thơ văn của Hồ Xuân Hương,... Các tác phẩm viết về đề tài này chủ yếu tập trung xoay quanh vấn đề thân phận con người, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ với những cảm xúc, nỗi niềm, khát vọng, mưu cầu được ái ân, hạnh phúc,... Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã đề cập đến thân phân của người phụ nữ sống trong thời đại phong kiến không được tự do, không có tình yêu và hạnh phúc đôi lứa. Nàng là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn những mong dựng xây cùng nhà vua sẽ được hạnh phúc tràn đầy. Thuở đầu nàng rất được nhà vua yêu thương hết mực, ái ân mặn nồng, thắm thiết nhưng về sau nàng đã bị chính người chồng của mình - nhà vua ruồng bỏ, phụ bạc. Đau buồn, xót xa cho thân phận của mình, nàng đã oán trách nhà vua, rồi nàng khát khao muốn “đạp tiêu phòng mà ra” để trở về với cuộc sống “cục mịch nhà quê” rất được an vui, hạnh phúc đong đầy muôn phần. Nhưng tuyệt vọng thay khi xung quanh nàng vẫn bốn bức tường đầy lạnh lẽo, đơn độc trong sự đợi chờ đến tuyệt vọng. Trong Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn cũng đề cập đến số phận nghiệt ngã của người phụ nữ trong đời sống gia đình nhưng lại ở một hoàn cảnh khác. Người chinh phụ vốn là dòng dõi trâm anh, lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng tham gia vào cuộc chiến tranh do triều đình phong kiến chủ xướng. Nàng động viên chồng và tiễn chồng ra trận với mong muốn sẽ lập được công danh và trở về với phú quý, vinh hoa. Thế nhưng ngay sau buổi tiễn đưa, nàng sống trong tình cảnh lẻ loi, ngày đêm lo lắng, xót xa cho chồng và thân phận của mình. Thấm thía nỗi khổ, sự cô đơn nàng thức nhận ra tuổi xuân của mình đang qua đi nhanh chóng và cảnh lứa đôi ái ân, đoàn tụ hạnh phúc ngày càng quá xa vời vợi. Người chinh phụ vì thế đã rơi vào tâm trạng cô đơn, đau khổ đến cùng cực. Đề cao quyền sống và khao khát lứa đôi hạnh phúc gia đình của con người cũng được nữ sĩ Hồ Xuân Hương cất lên tiếng nói một cách mạnh mẽ, khẳng định cái tôi của mình - một cái tôi nữ nhi mang khát vọng đổi phận: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”. Tiếng nói ấy cũng được cất lên trong tác phẩm Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh kí,... của đại thi hào Nguyễn Du về những vấn đề quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, ái ân của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Những vấn đề về đời sống, thân phận của người phụ nữ với thế giới xúc cảm đầy phức tạp được các tác giả viết về đề tài gia đình quan tâm, khai thác nhưng các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như số phận của gia đình trong dòng chảy xã hội thì vẫn còn đó một khoảng trống mà văn học thời kỳ này còn bỏ ngỏ. Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội văn học thời kỳ này chủ yếu sáng tác dựa trên cảm hứng yêu nước, với âm hưởng hào hùng mang hào khí Đông A sục sôi; với những nỗi niềm, tâm sự của cá nhân (Văn dĩ tải đạo và Thi dĩ ngôn chí) nên vấn đề gia đình với những vai trò cũng như ý nghĩa của nó vẫn chưa phải là đối tượng và cảm hứng chính của các tác giả.
Đề tài gia đình trong văn xuôi hiện đại Việt Nam thể hiện đậm/nhạt khác nhau qua mỗi giai đoạn. Những năm đầu thế kỷ XX (1990 - 1930) đề tài gia đình được các tác giả như Nguyễn Bá Học (Câu chuyện gia đình - truyện ngắn), Vũ Đình Long (Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm - kịch bản), Hồ Biểu Chánh (Cha con nghĩa nặng - tiểu thuyết),... quan tâm, thể hiện trong tác phẩm của mình về những vấn đề phước tạp của hiện thực đời sống xã hội nước ta với những biến chuyển của trào lưu Âu hóa (những mặt trái) đã tác động đến đời sống gia đình; ngợi ca nghĩa tình cha con, vợ chồng và những nỗi bất hạnh của con người,... Giai đoạn 1930 - 1945, đề tài gia đình được các nhà văn khai thác và để lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có một số tác phẩm được bạn đọc lúc bấy giờ yêu mến như Làm lẻ của Mạnh Phú Tư, Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan, Hai đứa trẻ của Thạch Lam,... Đặc biệt, đề tài này được các nhà văn Tự lực văn đoàn rốt ráo hưởng ứng, sáng tác, góp phần đem lại một khuôn diện mới mẻ như Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Gia đình (1936), Thoát ly (1937) của Nhất Linh; Gánh hàng hoa (1934) của Nhất Linh và Khái Hưng,... Các nhà văn Tự lực văn đoàn được học hành, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, thích lối sống phóng túng, yêu mến tư tưởng tự do, cá nhân, bình đẳng,... Chính vì thế các tác phẩm của họ chủ yếu tập trung phản ánh, chống lại đại gia đình phong kiến, chế độ đa thê, chống hủ tục, tập tục lạc hậu; đấu tranh giải phóng cá nhân, tự do yêu đương, tự do kết hôn và dân chủ, bình đẳng của con người, nhất là quyền sống của người phụ nữ. Trong Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã miêu tả cuộc xung đột giữa hai thế hệ cũ và mới trong một gia đình. Tác giả đã cổ súy quyền tự do cá nhân trong chuyện tình yêu nam nữ. Tình yêu chính là một không gian điển hình của tự do, vì thế tác giả đã lên án một cách mạnh mẽ trong việc mưu toan, xâm phạm tự do cá nhân của con người, cụ thể như quyền được yêu đương, được kết hôn với chính người mình yêu. Thế nhưng, cái quyền ấy đã bị bà Án - mẹ của Lộc tước đoạt và tự quyết định số phận, hạnh phúc tương lai cho Lộc - con trai của bà. Không những bà Án đại diện cho gia đình mà còn nhân danh cả dòng họ để đòi Mai bằng được phải trả đứa cháu nối dõi tông đường hòng tước đi cái quyền làm mẹ của một người phụ nữ. Trong Đoạn tuyệt, Khái Hưng đề cập đến những xung đột trong đời sống gia đình thường ngày. Tác phẩm kể về nhân vật Loan bị cha mẹ cô ép gả cho Thân - một chàng trai giàu có ngay từ khi cô mới để tóc, cô không hề yêu Thân nên không muốn kết hôn với Thân. Nhưng Loan hiểu rằng trong cái xã hội bấy giờ thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên không tới lượt mình quyết định hạnh phúc tương lai. Là một người con ngoan, hiếu thảo vì thế nếu Loan chống lại ắt sẽ có sự rắc rối trong gia đình nên đành chấp nhận lấy Thân để gia đình được trong ấm ngoài êm, cha mẹ không phải bẽ mặt. Thông qua câu chuyện này, Nhất Linh đã mạnh mẽ lên án lề thói cổ hủ, lạc hậu về hôn nhân, gia đình, đó là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, gả cưới theo môn đăng hộ đối; sự thấp kém của người phụ nữ trong gia đình nhà chồng như mẹ chồng hà khắc nàng dâu, sinh con trai cho nhà chồng để nối dõi tông đường,... Giai đoạn 1945 - 1975, đất nước ta phải trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ để giải phóng dân tộc. Cả dân tộc vì thế cùng chung một mục đích, nhiệm vụ trước vận mệnh của đất nước phải đặt lên hàng đầu, còn những vấn đề riêng tư thì tạm thời gác lại. Văn học nghệ thuật cũng cùng chung một đích, nhiệm vụ là phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, cổ vũ chiến đấu làm trọng tâm. Nhà văn trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, sử dụng vũ khí văn chương để phục vụ cách mạng, phụ vụ kháng chiến. Đề tài gia đình đã nhường chỗ cho đề tài công - nông - binh. Hay nói cách khác thì đề tài gia đình nằm trong đề tài chiến tranh. Những vấn đề cá nhân, gia đình vì thế trở thành thứ yếu, có thể hiện cũng chỉ là mờ nhạt, làm nền để nhằm tô đậm, khắc họa sâu sắc hơn về hiện thực của cuộc chiến tranh, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong các tác phẩm Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Gia đình má Bảy (Phan Tứ), Một chuyện ghi chép ở bệnh viện (Bùi Đức Ái),... đã đề cập đến vấn đề gia đình nhưng vấn đề gia đình được các nhà văn miêu tả như một “tổ chức” thống nhất, vì thế mọi thành viên trong gia đình đều phải cùng chung sức, chung lòng giúp đỡ nhau, ủng hộ nhau để hoàn thành tốt những công việc của tập thể và xã hội giao phó. Sự thể hiện về vấn đề gia đình như thế là do yêu cầu của lịch sử, của hoàn cảnh, vì thế những vấn đề thế sự - nhân sinh về tình yêu, hôn nhân, gia đình không thể trở thành một mảng đề tài riêng trong dòng chảy chung của văn xuôi thuộc giai đoạn này.
Sau năm 1975, đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất đã mở ra một bước ngoặt lớn cho đời sống xã hội cũng như văn học. Những năm tiền Đổi mới (1975 - 1985) văn học vẫn trượt theo quán tính cũ nên đề tài chiến tranh vẫn là đề tài chiếm ưu thế, được các văn nghệ sĩ yêu thích, tiếp tục khai thác. Sau 1986 với làn gió Đổi mới đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nên nhà văn đã được “cởi trói”, được tự do sáng tác. Khuynh hứng sử thi, cảm hứng lãng mạn đã được thay thế bằng cảm hứng thế sự - nhân sinh, vì thế đề tài không còn bó hẹp mà đã mở rộng biên độ, rất đa dạng và phong phú như đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn, đề tài thành thị, đề tài gia đình, đề tài đồng tính,... Nhưng dẫu viết về đề tài nào thì các nhà văn vẫn nhìn từ cái nhìn phản tư. Những góc khuất, mặt trái, phần chìm trong đời sống xã hội và con người được mổ xẻ, phản ánh một cách chân thực, sinh động và sâu sắc. Nổi lên trong số những đề tài ấy thì đề tài gia đình trong văn học nói chung và văn xuôi sau Đổi mới nói riêng đã trở thành một trong những đề tài lớn, được đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước đến từ “ba làn sóng” thế hệ quan tâm, sáng tác và đã trở thành một khuynh hứng sáng tác chính trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Một tín hiệu đáng mừng, đó là thế hệ các nhà văn trẻ 8x, 9x - thuộc “làn sóng thứ ba” dẫu có dành nhiều thời gian cho sáng tác viết về những vấn đề riêng của bản thân nhưng đã dần có sự quan tâm thể hiện đề tài gia đình. Đề tài gia đình trong văn xuôi đương đại hiện diện ở đủ các thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn,...), với một mật độ dày đặc, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt giải thưởng cao, để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc cũng như giới nghiên cứu, phê bình văn học như Mùa lá rụng trong vườn, Nhan sắc đàn bà của Ma Văn Kháng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Cha và con và..., Một cõi nhân gian bé tí của Nguyễn Khải; Thời xa vắng, Hai nhà của Lê Lựu; Bến không chồng của Dương Hướng; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Tướng về hưu, Tâm hồn mẹ của Nguyễn Huy Thiệp; Phố, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai; Một nửa cuộc đời, Nước mắt đàn ông của Nguyễn Thị Thu Huệ; Gia đình bé mọn của Dạ Ngân; Người đàn bà gánh nước thuê, Ngày không mút tay của Võ Thị Hảo; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; Người đàn bà có ma lực (tập truyện), Thế giới xô lệch, Cung đường vàng nắng, Oxford thương yêu của Dương Thụy; Công ty của Phan Hồn Nhiên; Đôi bông cưới của Huỳnh Mẫn Chi; Mẹ con đậu đũa của Nguyên Hương,... Những vấn đề được các nhà văn viết về đề tài này quan tâm, luận bàn, phản ánh là những vấn đề liên quan đến văn hóa truyền thống gia đình, đời sống sinh hoạt và những mối quan hệ đa chiều, phức tạp của gia đình trong thời cơ chế thị trường, cuộc sống cá nhân trong mối quan hệ với gia đình, với xã hội,... Trong đó vấn đề văn hóa truyền thống gia đình Việt bị rạn nứt, phá vỡ trước thách thức của nền kinh tế thị trường và vấn đề tình yêu, tình dục - gia đình được các nhà văn quan tâm, trở trăn nhiều nhất. Mô hình văn hóa về mái ấm gia đình đong đầy hạnh phúc, thủy chung trọn đời được ca tụng: “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” được coi là có giá trị, ý nghĩa to lớn trong đời sống gia đình người Việt đã trở nên “lỗi thời”, chông chênh trước cơn bão lớn của thời đại kinh tế thị trường. Tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) đề cập đến một thực trạng đáng báo động về vấn đề gia đình trong đời sống xã hội hiện nay. Chính lối sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo dục vọng cá nhân, chạy theo đồng tiền, thoát ly truyền thống văn hóa gia đình cũng như những lối sống thủ cựu, lạc lậu đã làm băng hoại, kìm hãm mọi mối quan hệ gia đình, phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội. Đại gia đình ông Bằng là một bằng chứng cụ thể. Sống với nhau trong một đại gia đình nhưng mỗi người lại có một cách nghĩ, cách hành động và cách nổi loạn khác nhau. Lý và Cừ là hai thành viên trong gia đình luôn nổi loạn, muốn phủ định sạch trơn mọi chuẩn mực đạo đức truyền thống. Vốn dĩ là một người phụ nữ “thông minh, quyền biến, đầy ý tự lập” nên Lý lấy Đông làm chồng không phải vì tình yêu mà chỉ vì thích lấy một thần tượng mà mình thích. Nhưng sau ngày giải phóng, về chung một mái nhà thì Lý bị vỡ mộng nên đã thay đổi hẳn, muốn bứt ra khỏi một cách dứt khoát của cuộc sống chung với Đông đầy vô vọng, tẻ nhạt, để rồi chạy theo tiếng gọi của dục vọng cá nhân, xa rời mọi chuẩn mực, đạo đức và tỏ thái độ coi thường, nanh nọc với mọi người trong gia đình ông Bằng, thậm chí kể cả với con Cừ: “Chị đẹp biết bao khi mua cây quất biếu ông bố chồng. Nhưng cũng ở hành vi ấy chị bộc lộ thói ngông ngạo rất đáng ghét. Chị nhiều năng khiếu, giàu ý chí nhưng thấp hèn hẳn địa vị vì thói háo danh, thói đố kị, lòng ích kỉ và thái độ vụ lợi, trắng trợn,...”, “từ nay, tôi không phải hầu hạ con nào, thằng nào hết”, “buồng này là của tôi! Là của tôi! Là của thằng Dư!... Đây là nhà vô chủ hả? Đây là quán chợ hả,... Chẳng phải lụy thằng nào con nào hết! Đây tay trắng lập nên cơ đồ. Đây phải có quyền. Đạo đức giả mãi!”. Càng ngày Lý càng trâng tráo, sống phóng túng, trác tán, sa đọa với tay trưởng phòng vật tư thoái hóa biến chất. Nguyên nhân khiến Lý sống buông thả, hư hỏng, không chăm lo cho gia đình chỉ vì thiếu sự giáo dục, chỉ dẫn, định hướng và nâng đỡ về mặt tinh thần của người chồng, người thân và tập thể; đồng thời Lý thiếu một nền tảng, căn cốt văn hóa, lại chịu tác động mạnh mẽ những mặt trái của kinh tế thị trường khiến Lý không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền, danh vọng,... Cừ cũng là một dạng khác của bi kịch gia đình. Cừ - một đứa con của ông Bằng rất hư hỏng, có những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm khiến Cừ trở thành một người nhỏ nhen, ích kỉ, coi thường mọi giá trị của chuẩn mực đạo đức. Chính cách suy nghĩ, lối sống đó dẫn đến Cừ thất bại thê thảm và sa ngã của cuộc đời. Cuối cùng Cừ quyết định phải giải thoát bế tắc đời mình bằng cái chết đầy oan nghiệt nơi đất khách quê người. Độc giả không khỏi băn khoăn, suy nghĩ về cuộc đời của Cừ - một cuộc đời đầy bi kịch xuất phát từ việc giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc, có phần áp đặt của ông Bằng. Nếu như ông Bằng hiểu được tình cảm, tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, ấm ức của Cừ được giải quyết, được nâng đỡ từ những tháng ngày niên thiếu thì cuộc đời Cừ sẽ được tươi đẹp biết dường nào. Còn ông Bằng - hạt nhân của gia đình, người đại diện cho lớp người có lối sống cổ xưa, có tư tưởng thủ cựu, cố duy trì, níu kéo những gì không còn hợp thời. Đối với ông Bằng, danh dự gia đình là trên hết nên đã đặt ra hàng trăm điều nhỏ nhặt để nhằm xây dựng gia đình hòa thuận, kính trên nhường dưới, trọng nghĩa khinh tài, hướng về sự phát triển đạo đức tinh thần theo kiểu qui phạm: “Gia đình trí thức còn giữ nhiều nếp cổ truyền - tứ đại đồng đường, dù không thật điển hình”. Từ biến cố chuyện Cừ ra đi sang Canada xa xôi sau khi đào nhiệm, đến sự việc những năm tháng cuối đời sống bên cạnh người bạn già lang Chí và bên các con,... thì ông Bằng thức nhận được sự việc của mình nên dẫn đến có tâm trạng lo lắng, lơ lững giữa hai trạng thái: tin cậy và lo sợ, an toàn và bất ổn của sự tồn tại kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống với nhau mà ông Bằng đã dày công vun đắp, dựng xây nên. Từ đó ông Bằng suy nghĩ về gia đình - một tế bào của xã hội nhỏ nhoi “có thể vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này” không? Trong khi “tình cha con, vợ chồng, anh em, những quy tắc luân lí bất thành văn, bám rễ sâu vào huyết mạch, tâm cảm, giằng níu mọi người trong những giao kết, liên hệ vừa nghiêm chỉnh vừa thân mật”. Qua ngòi bút miêu tả sâu sắc, tài tình của Ma Văn Kháng độc giả thấy được sự rạn nứt, xáo trộn dữ dội của xã hội thời cơ chế thị trường, làm ảnh hưởng đến mô hình văn hóa gia đình truyền thống của dân tộc. Đồng thời, thông qua hình ảnh gia đình ông Bằng tác giả muốn gửi đến độc giả một thông điệp rằng: Những gì của ngày xưa nếu không hợp thời thì không nên giữ lại nhưng những gì của truyền thống tốt đẹp, nề nếp thì không nên phá vỡ, loại bỏ. Vì thế phải mềm dẻo, biết gạn đục khơi trong, cần tiếp thu tinh hoa của quá khứ, phải đổi mới nhưng không được lãng quên văn hóa truyền thống của dân tộc. Phố (Chu Lai) cũng là một tác phẩm đặc sắc đề cập đến vấn đề bi kịch gia đình trong bước chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Kết thúc chiến tranh, sau bao năm xa cách Nam trở về quê hương sống bên Thảo và cùng nhau làm ăn, xây dựng nhà cửa khang trang, tiền bạc dồi dào,... Những tưởng gia đình Nam sẽ được hạnh phúc mỹ mãn nhưng ngờ đâu sóng gió lại ập đến với Nam. Càng ngày giữa Nam và Thảo xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột vì lối sống, tư tưởng quá ư khác nhau. Nam vốn dĩ là một người lính gắn bó với súng đạn, chiến tranh, sống trong môi trường quân đội kỷ luật nghiêm khắc (cách xưng hô, trọng danh dự, dũng cảm,...). Nam vì thế thích giữ những nếp xưa, với những chuẩn mực, giá trị đạo đức vốn tĩnh tại, bất biến của môi trường đó. Còn Thảo thì nghiêng về đời sống mới nên đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về tình yêu, hạnh phúc và về giá trị cuộc sống, vì thế mà Thảo buông thả, sống theo bản năng của mình. Chính suy nghĩ, lối sống khác biệt đó đã dẫn đến gia đình bị rạn nứt, đổ vỡ. Đỉnh điểm của nỗi đau khổ, nhục nhã vô cùng khi Nam bị Thảo phản bội, cặp bồ, đi chơi với tình nhân ở biển Sầm Sơn và Thảo đã bị một cơn giông cuốn trôi ra biển. Chính cái chết ấy đã hé lộ tất cả về sự bội bạc của Thảo khiến Nam trở nên điên loạn, phẫn uất vô cùng. Độc giả cũng sẽ bị ám ảnh về không khí gia đình trong truyện ngắn Nước mắt đàn ông của Nguyễn Thị Thu Huệ. Tác giả miêu tả về một gia đình giàu có, đủ đầy vật chất, từ đồ đạc, bàn ghế đều đồ cổ hoặc giả cổ đắt tiền, các phòng đều lắp điều hòa nhiệt độ, tivi và tủ lạnh, dàn cát-sét,... Nhìn vào ai cũng ước mơ, mong muốn gia đình của mình có được như thế. Nhưng mấy ai hiểu chính cái gia đình ấy giàu về vật chất nhưng lại nghèo về tinh thần. Một gia đình sống không có tình yêu, sự sẻ chia lẫn nhau và tình thương, tình người thì vô cùng lạnh lùng và nhạt nhẽo. Người chồng sống trong sự giàu có, vợ con đề huề nhưng luôn cảm thấy cô đơn, bất hạnh, như một ốc đảo chơ vơ giữa biển trời mênh mông. Người chồng đã rơi vào bi kịch, đau khổ vì giữa ông ta và vợ như hai thái cực, nhìn “thấy nhau nhưng không đến được với nhau”, vì “con cái không ai theo nghề và hiểu cậu, chúng không có nổi mười lăm phút tâm sự với cậu ngoài câu chuyện tiền bạc”. Sống trong hoàn cảnh đó, ông rất xa xót, chua chát và thốt lên nỗi niềm tâm sự: “Tiền của, ăn mặc, tất cả mọi nhu cầu vật chất đến một lúc nào cũng sẽ chán ngấy. Ai nhìn cậu cũng thấy cậu sung sướng. Còn bản thân cậu, cậu thấy cô độc”. Sự cô đơn, chán chường cuộc sống gia đình của người chồng đến tột cùng khi không thể xoay vần, không thể thay đổi được số phận nên đành cam chịu, buông xuôi. Nhưng đâu chỉ có ông ấy sống trong không khí gia đình ngột ngạt, đơn độc mà còn vợ của ông ta nữa. Bà là một người vợ đầy nanh nọc, chua ngoa, chỉ biết bản thân, không lo vun vén hạnh phúc gia đình, mặc kệ chồng làm gì, hả hê với những trò trả thù lố bịch (giết thịt con chó của tình địch),... Thế nhưng bà ta cũng thật đáng tội nghiệp, bất hạnh bởi chính bà cũng rơi vào thảm kịch, chết mòn khi trái tim của chồng không trú ngụ hình ảnh của bà. Bi kịch gia đình của người đàn ông chăn vịt trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư ngược lại với hoàn cảnh trên. Tác giả viết về cuộc đời nổi nênh của một người đàn ông chăn đàn vịt thả trên những cánh đồng bất tận. Và rồi một hôm người đàn ông chăn vịt đã “nhặt” được một cô gái xinh đẹp “có cái cười lấp lánh cả khúc sông” về làm vợ. Những tưởng thế là hạnh phúc lại đến với ông ta, nhưng rồi bao biến cố, bi kịch lại xảy ra. Chính cuộc đời nghèo đói, túng thiếu khiến người đàn ông chăn vịt không giữ được hạnh phúc khi người vợ xinh đẹp lại dứt áo ra đi. Người phụ nữ này ước mơ về cuộc đời của mình chỉ khoác “những khúc vải rực rỡ lên người” nên việc lấy chồng đối với chị chỉ là “quá giang một khúc đời rồi đi”, vì thế chị ta không hề yêu đương, không xác định ăn đời ở kiếp với người đàn ông chăn vịt. Sau khi chị ta bỏ nhà ra đi, người đàn ông chăn vịt đã trở nên điên dại, thiêu trụi ngôi nhà, rồi đi lang thang trên những cánh đồng bất tận để trả thù đời. Trong truyện ngắn Tàu ngầm xuyên đại dương, Trần Thùy Mai lại đề cập đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sự đảo lộn trong mối quan hệ của gia đình thời hiện đại. Chính niềm khát khao hạnh phúc, ái ân đã đẩy người vợ vượt ra khỏi khuôn khổ của một gia đình truyền thống. Chính cuộc sống của người chồng đầy khô khan, lạnh lùng, không dịu dàng âu yếu với vợ nên đã vô tình giết chết tình yêu, hạnh phúc khiến cô ta lạc lối trong men tình với chàng nhà văn có “khuôn mặt gầy, mái tóc dợn sóng bồng bềnh, đôi mắt khinh bạc”. Cô ta thích thú, thỏa mãn khi người tình mang lại một cảm giác dịu ngọt, hưng phấn khi bàn tay sờ lên trán mềm và âu yếm, lấy từng chiếc khăn lau bàn chân,... trước sự ngạc nhiên của cậu bé phục vụ quán. Hành động, cử chỉ ngọt ngào, lãng mạn ấy như một dòng nước mát trong tưới vào tâm hồn chai lì, khô cằn của cô ta sau bao nhiêu năm tháng đã hồi sinh trở lại. Cô ta cảm thấy rất tuyệt vời, được đắm mình trong tình yêu, được yêu thương, vỗ về và bỏ mặc chồng, để rồi nó đã kéo tuột cô ta ra khỏi con người của bổn phận, trách nhiệm của một người vợ trong gia đình. Mối tình vụng trộm đó cũng không ở cùng bên cô ta mãi mãi. Cô ta vì thế đã rơi vào bi kịch, đau khổ, chết lặng khi nhận được tin từ mail của người tình là “những hẹn hò từ nay khép lại,... Anh rất hạnh phúc vì bắt đầu với tình yêu đầu tiên ở Huế và nay lại quay về có mối tình cuối cùng ở Huế. Vĩnh biệt em”. Chính sự bất chấp luân thường đạo lí vợ chồng để đi tìm niềm vui thú bên ngoài gia đình - ngoại tình sẽ đánh mất đi hạnh phúc, mái ấm gia đình nhỏ, từ đó rơi vào bi kịch, đau khổ.
Chủ nghĩa đề tài trong sáng tác văn học hiện nay không còn được đặt ra một cách cấp thiết như trước nữa. Việc nhà văn lựa chọn đề tài vì thế không hẳn có ý nghĩa trong việc tạo nên sự thành công cho tác phẩm nhưng cũng không thể phủ nhận việc tác phẩm trực tiếp hay gián tiếp viết về đề tài gia đình đã trở thành một dòng chảy trong văn học và văn xuôi Việt Nam nói riêng. Quan sát tiến trình vận động của văn xuôi, độc giả có thể thấy đề tài gia đình cũng là một trong những đề tài truyền thống (chỉ sau đề tài chiến tranh và nông thôn), in đậm dấu ấn (đậm/nhạt) qua mỗi thời kỳ, giai đoạn và đã trở thành một cảm hứng chính trong văn xuôi đương đại. Các nhà văn viết về đề tài này luôn có sự trăn trở, trách nhiệm trước những đổi thay của lịch sử để tái hiện lên bức tranh hiện thực về những gia đình khác nhau trong những bối cảnh xã hội khác nhau, góp phần gìn giữ, bồi đắp và phát huy mô hình văn hóa gia đình truyền thống của dân tộc cho hôm nay và mai sau. Là một trong những đề tài lớn nhưng với khuôn diện, thành tựu có được như hiện nay vẫn chưa thật sự tương xứng với vị thế, tầm vóc của nó. Chúng ta vì thế có quyền tin, hi vọng vào sự phát triển của đề tài gia đình trong sáng tác của các nhà văn đến từ “ba làn sóng”, đặc biệt làn sóng thứ ba - thế hệ nhà văn trẻ đang miệt mài cày xới trên mảnh đất tươi tốt, màu mỡ này.
B.N.H