Đà Nẵng trong trận chiến chống dịch Covid-19

01.09.2020
Hoàng Hương

Đà Nẵng trong trận chiến chống dịch Covid-19

Từ ngày 28/7/2020 thành phố Đà Nẵng chính thức bước vào trận chiến chống dịch bệnh Covid-19: Phong tỏa 3 bệnh viện lớn của thành phố; Phong tỏa các tuyến đường chung quanh các bệnh viện: Hải Phòng, Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Ông Ích Khiêm... Toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay lập tức các chiến binh áo trắng từ các bệnh viện Bạch Mai, Từ Dũ... hành quân vào tâm dịch Đà Nẵng. Rồi các đoàn Y, bác sĩ từ Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế tiếp tục bay về Đà Nẵng với quyết tâm tiêu diệt dịch Covid đang hoành hành. Và thật xúc động khi đất nước Cu Ba anh em đã cử đoàn chuyên gia sang Đà Nẵng - Việt Nam cùng góp tay chống dịch và Cu Ba đã tặng hàng ngàn lọ thuốc sản sinh kháng thể chống virus Sars - Cov-2.

Ngay sau khi có lệnh phong tỏa, giãn cách người dân Đà Nẵng một mặt nghiêm túc chấp hành mọi quy định về giãn cách xã hội, đồng thời góp sức ủng hộ vật chất, tinh thần kịp thời cho các y bác sĩ, người dân trong vùng phong tỏa; tại các bệnh viện; các sinh viên trong ký túc xá và người dân đang gặp khó khăn... Ủy ban MTTQ các cấp vận động và tiếp nhận hàng cứu trợ trong khắp nước. Đặc biệt các đơn vị Vingroup và Sungroup đã kịp thời hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư y tế, góp công, góp của... cho Đà Nẵng kịp thời chống dịch.

Văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng không thể ngồi yên. Các nhạc sĩ ngay lập tức viết nhiều ca khúc mới, dưới nhiều hình thức đã dựng clip truyền đi thông điệp yêu thương thành phố trong đại dịch. Nghe các bái hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, Đinh Gia Hòa, Nguyễn Đức, Phan Văn Nhi, Nguyễn Minh Châu, Lê Nam An, Cao Tâm... như được truyền lửa, truyền niềm tin trong “cuộc chiến sinh tử” này.

Các nhà văn, nhà thơ tiếp tục có nhiều sáng tác mới mang tính nhân văn khi nghĩ về dịch bệnh toàn cầu hiện nay; Các nhà báo lao vào tâm dịch phản ánh từng phút, từng giờ thông tin dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Các họa sĩ lặng lẽ vẽ tranh về đề tài chống dịch Covid như họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Duy Ninh, Nguyễn Tấn Kiệt, Phan Văn Thành, Trần Hữu Cân... Các tác phẩm mỹ thuật này đã kịp gửi về Gia Lai tham dự liên hoan mỹ thuật các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên. Không chỉ sáng tác, một số văn nghệ sĩ Đà Nẵng còn tham gia kêu gọi và trực tiếp vận động hỗ trợ, giúp đỡ các y bác sĩ, những hoàn cảnh khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid, như ca sĩ Trần Quang Hào, nhà thơ Phượng Hoàng, MC Lệ Chi...

Đặc biệt, vào đêm 9/8/2020 trên 60 nghệ sĩ trong cả nước, tổ chức chương trình nghệ thuật livestream “Đà Nẵng, Quảng Nam triệu con tim hướng về”, chương trình thu hút hàng triệu lượt người xem. Tấm lòng nối kết tấm lòng, chương trình đã góp được tỷ đồng cho quê hương xứ Quảng...

Để các bạn có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về tình hình phòng chống dịch bệnh tại Đà Nẵng, chúng tôi xin trích gửi đến bạn đọc Tạp chí Non Nước một số nghĩ suy, trao đổi, thông tin của các nhà văn, nhà báo, người làm quản lý và người dân về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19:

THỜI KHẮC PHONG TỎA 3 BỆNH VIỆN

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng tham mưu Công an thành phố, người bám sát các hoạt động của công an thành phố ngày đêm tham gia chống dịch đã chia sẻ với tất cả tấm lòng:

“Kim đồng hồ chỉ 1h15 ngày 28 tháng 7 là lúc rào chắn cuối cùng được lực lượng công an khớp nối để hình thành vành đai phong tỏa khu vực 3 bệnh viện Đà Nẵng từ đường Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Quang Trung đến Nguyễn Thị Minh Khai. Các tổ công tác lập tức triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ cần thiết đặc biệt mới được phép vào ra với trang bị phòng dịch nghiêm ngặt. Thành phố vào cuộc chống dịch với tinh thần khẩn trương cùng quyết tâm cao độ và trách nhiệm. 10 chốt chặn khu vực phong tỏa với sắc phục xanh quen thuộc của công an, quân đội, dân phòng, dân phố, họ lại vào cuộc với tinh thần và trách nhiệm của người lính vì sự bình an của nhân dân trước dịch bệnh hoành hành. Dưới ánh đèn đêm ở thời khắc bắt đầu ngày mới, hình ảnh những chiến sĩ công an như có thêm nguồn năng lượng tỏa sáng.

Đã mấy ngày bám cơ quan, tổ thường trực chống dịch Công an thành phố vẫn ngày đêm vùi đầu vào công việc. Liên lạc từ các chốt qua bộ đàm để xin ý kiến xử lí các vấn đề phát sinh ở khu vực phong tỏa; Công an các quận, huyện báo cáo tình hình triển khai chống dịch ở cơ sở; Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Công an, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nội dung cấp bách triển khai chống dịch; Các sở ngành đề nghị phối hợp... Bên cạnh trực tiếp xử lí tình huống. Tổ công tác còn nắm tình hình, diễn biến thực tế, từ đó tham mưu Giám đốc các kế hoạch điều hành phối hợp chống dịch. Chuông điện thoại, bộ đàm liên tục đổ, thông tin liên lạc luôn được kết nối xử lí. Mệnh lệnh chỉ đạo của lãnh đạo công an thành phố luôn bắt nhịp với yêu cầu chống dịch với nhịp độ khẩn trương, quyết liệt. Anh em Tổ công tác xác định luôn sát cánh cùng thành phố trong cuộc chiến chống dịch đầy thách thức trước mắt”.

ĐÀ NẴNG ƠI, TÌNH NGƯỜI!

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, nguyên Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung - Tây Nguyên. Tuy đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn tham gia giảng dạy các lớp báo chí, cộng tác cho nhiều báo trong nước. Trang facebook của anh thường xuyên cập nhật thông tin thời sự trong nước. Dưới góc nhìn “Đà Nẵng ơi, tình người” nhà báo Nguyễn Thế Thịnh có nhận định.

“Đà Nẵng ơi, tình người là tựa đề của một bài hát viết về Đà Nẵng, theo thời gian, càng làm mê đắm lòng người. Ca từ hay, giai điệu đẹp, nhưng chạm đến trái tim mọi người, chính là nó đã nói được bản chất căn cơ của con người nơi thành phố này: Có qua bao lận đận/ mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến/ Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”.

Những ngày tháng khó khăn do đại dịch Covid gây ra mà Đà Nẵng là nơi hứng chịu nặng nề nhất, càng minh chứng điều đó.

Thanh Phạm là người mà tôi biết rõ nhất, chứng kiến từ đầu đến cuối, nên mới bắt đầu câu chuyện từ đây.

Ngay từ khi  Đà Nẵng có ca nhiễm virus đầu tiên cho đến khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng Thanh đã bỏ ra 3 tỷ đồng để mua khẩu trang (lúc đó khá khan hiếm, giá cao), mua lương thực, thực phẩm phát cho những gia đình gặp khó khăn.

Thanh cầm điện thoại trên tay, gọi điện cho bạn bè, làm “người ăn xin”, được 800 triệu đồng nữa. Suốt ngày lo hỏi han thông tin, nơi nào cần gì để cho anh em mua sắm và chuyển đến tận nơi. Thiếu xe vận chuyển thì gọi điện xin xe, thiếu người bốc vác thì gọi điện kêu người. Miệt mài như thế.

Chưa dứt đợt này thì đến đợt khác, lần này khó khăn hơn, Thanh lại cầm điện thoại và điện, lại “làm người ăn xin”. Sáng sớm đã dậy lấy thông tin, đi siêu thị mua, vận chuyển hàng đến từng địa chỉ. Từ tấm nệm, chai nước đến giấy vệ sinh, đủ thứ trên đời.

Chưa hết, mỗi ngày lại lo 2.000 suất cơm. Từ ngày này sang ngày khác, Thanh cùng nhóm bạn bè đã làm vô khối việc.

Đi từ sáng sớm đến chiều tối, đến nỗi vợ bảo ra khách sạn mà ngủ, đi thế, lỡ dính, lại mang dịch về nhà.

Đó là gì? Là ý thức công dân, là tình người!

Còn bao nhiêu người khác nữa, người có của, người có công. Đó là anh Nguyễn Trung Hiếu, Lê Phi Hải (những người làm báo), Nguyễn Hữu Quốc Bảo... rất, rất nhiều cá nhân và các nhóm từ thiện xã hội khác mà tôi biết nhưng không kể hết và cả chưa biết.

Mỗi người chung một tay, không chỉ làm từ thiện mà còn nhiều việc khác. Như: Lê Phi (Báo PL TP.HCM), Nam (Truyền hình Quốc hội) chạy vạy, lo cho đồng nghiệp từng cái khẩu trang, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn để an toàn cho anh em tác nghiệp.

Bản thân người viết bài này cũng là một kênh tiếp nhận sự ủng hộ của bạn bè, cũng tự tay đẩy xe mua băng vệ sinh, nước sát khuẩn của phụ nữ... đặng không phụ lòng sự ủy thác của bạn bè.

 

Trong bài này, tôi không có điều kiện đề cập hết những tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ qua kênh của Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng, đơn vị chủ trì 3 điểm tiếp nhận. Ở đó, bạn bè cả nước, người dân thành phố đang hằng ngày gửi gắm tấm lòng của mình, tiếp sức cho những người tiên phong trên mặt trận chống dịch và cả người dân đang gánh chịu hậu quả của nó.

Không chỉ thế, hàng trăm chuyên gia, người có chuyên môn, hàng ngàn chiến sĩ lực lượng vũ trang, hàng ngàn sinh viên, thanh niên tình nguyện từ khắp mọi miền đã và sẵn sàng lên đường đến Đà Nẵng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã ủng hộ vật lực cho thành phố. Cả nước bên Đà Nẵng”.

HÃY TÌM NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng biên tập báo Quảng Nam, ngay từ những ngày đầu dịch quay trở lại Đà Nẵng đã chia sẻ:

“Dịch bệnh Covid đang vây bủa. Làn sóng trở lại của con vi-rút thật đáng sợ, lây lan nhanh trong cộng đồng. Lịch sử oái ăm khi chọn Đà Nẵng rồi đến Quảng Nam đi tiên phong chống dịch

lần nữa.

Năng lượng nạp pin điện thoại quá nóng, “cháy máy” những cuộc gọi, truy cập, nhắn tin, truyền tai nhau về các vụ rượt đuổi truy bắt người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà không kiểm soát được dịch bệnh. Rồi bắt đầu đếm mỗi sáng chiều. Đếm ca nghi nhiễm tới công bố đã bị nhiễm. Đếm các địa chỉ người bệnh đi qua. Đếm từng vùng bị phong tỏa, chốt chặn... Những dòng tin tức kéo mây xám xịt với tin đồn, tin giả, loạn đả người chạy trốn cách ly, mấy kẻ khùng điên khoe đã tìm được cách thoát khỏi Đà Nẵng. Cùng với cái nắng nóng nung người, nụ cười khô héo, tin tức đẩy sự tình quá ảm đạm dễ ám vào người ta mà đổ bệnh. 

Nhưng sau những cú lướt mạng với tiếng thở dài, bực bội vì có sự chủ quan ít nhiều sau 99 ngày hoan hỉ, chép miệng nỉ non than trách sự lơi lỏng phòng dịch, thì một trạng thái xã hội rất khác lần trước xuất hiện với tâm thế chấp nhận thực tế và lên gân dây cót tinh thần quyết chiến với “giặc” Covid. Dường như có nhiều người muốn đi tìm năng lượng tích cực hơn để bước tiếp những ngày vui sống.

Hãy nghe xem video clip về tiếng hát của một bác sĩ trong Bệnh viện C Đà Nẵng, hát cho bệnh nhân vui và cả mình được vui mà tiếp tục công việc chăm sóc y tế.

Hãy nhìn những cô bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang cắt tóc để dễ mặc đồ bảo hộ, rưng rưng nước mắt mà vẫn thấy đáng yêu. Những lọn tóc gói lại đó sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời trăm năm mới có.

Hãy lướt qua đây đó những bảng biển viết dòng thông tin cảnh báo hàng xóm láng giềng đừng đến gần vì người nhà tự cách ly sau khi vừa đi du lịch Đà Nẵng về. Như một làn sóng, việc tự khai báo y tế và yếu tố dịch tễ đã diễn ra khắp từ Hội An, lên miền núi Hiệp Đức, rồi đến cả Quảng Ngãi, Vũng Tàu...

Hãy dừng lại trước cổng các khu vực gửi đồ tiếp tế cho các bệnh viện, cho y bác sĩ và bệnh nhân, thấy những “núi hàng” với khẩu trang, cồn khử khuẩn, thực phẩm các loại. Đặc biệt cảm động khi có cả những đồ tiếp tế với thứ hàng “tế nhị” dành cho phụ nữ, các y tá, điều dưỡng...

Và những băng rôn, slogan được gắn lên tấm hình người, ảnh phố, phong cảnh điểm đến du lịch, các danh lam thắng cảnh... Nào “bình tĩnh, đoàn kết, chung tay đẩy lùi Covid”, “Đà Nẵng cố lên!”, “bên nhau, cùng nhau chống dịch - Đà Nẵng together”, “Đà Nẵng tôi yêu”... Dòng trạng thái mới của xã hội đã và đang cuộn đến tuyến đầu, vang lên tha thiết “Đà Nẵng ơi tình người!” và “Quảng Nam yêu thương”. Đáp lời kêu gọi chi viện cho “chiến trường” Đà Nẵng, ngay lập tức các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu ở các bệnh viện lớn trong nước đã “đi ngược bão dông” vào vùng tâm dịch. Một tấm ảnh không mặt người, không nụ cười, chỉ toàn thấy những tấm lưng trắng toát đang đi vào một bệnh viện ở Đà Nẵng, song lại gợi lên bao cảm xúc, niềm tin yêu.

Phải chăng, nếu thay đổi góc nhìn một cách tích cực, chính trong cơn giặc giã hay bệnh tật ngặt nghèo như Covid, năng lượng của lòng nhân ái với nghĩa đồng bào thể hiện bằng hành động chia sẻ yêu thương đã được giải phóng tích cực, triệt để hơn. Về phía các nhà chức trách quản lý nhà nước và xã hội, điển hình là  các cán bộ y tế, năng lượng vì dân, tâm thế gần dân đã được kích hoạt thành điểm tựa mạnh mẽ. Vậy nên, một niềm tin rằng dù cơn đại dịch này diễn biến tồi tệ thế nào, tác oai tác quái đến đâu rồi cùng sẽ phải lùi bước trước sức mạnh cộng hưởng từ năng lượng tích cực của cả cộng đồng”.   

TRONG VÙNG PHONG TỎA

Nguyễn Lâm có gia đình ba má trên con đường bị phong tỏa đã viết trên facebook những dòng tâm sự ấm áp tình người:

“Hôm nghe tin khu vực ba má mình đang ở bị phong tỏa, mình hơi hoảng vì ba đã gần 90, má mình trên 80 lại bị tim mạch, huyết áp cao. Lúc mình biết tin thì đã 6 giờ chiều, chợ búa đã dẹp. Mình vội vã lục lọi tủ lạnh vơ hết những đồ thực phẩm mang về cho ba má.

Rồi những ngày sau đó, gọi messenger chừng chừng và mang thức ăn nấu sẵn qua, tuy nhiên ba nói dừng vì ba muốn an toàn cho mình. Ba má vẫn ổn, không có vẻ gì là lo lắng.

Mình chỉ hết lo khi nghe ba nói sáng nào cũng có nhân viên y tế đến đo nhiệt độ. Ngày thứ ba, ba má được thông báo ra trường Nguyễn Huệ để xét nghiệm Covid-19. Mình nghe vậy cứ trêu ba má rằng bây giờ ba má không thua gì thủ tướng nha: Ngày cũng như đêm luôn có đội ngũ công an, dân phòng canh gác, không sợ trộm cắp, sáng sáng có nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe.

Và hôm qua, má báo cho mình biết là có người mang rau xanh đến cho má gồm mướp, su su, bắp cải trắng, đậu cô ve.

Nghe vậy mình hơi cảm động. Biết đó là trách nhiệm của nhà nước nhưng mình hiểu đó còn là cả sự nỗ lực của thành phố trong hoàn cảnh dịch đang diễn ra phức tạp ở Đà Nẵng. Lời cảm ơn trong lúc này theo mình nghĩ không bao giờ thừa. Xin cảm ơn tất cả!”.

CỰC KHỔ, HIỂM NGUY NHÀ BÁO CHẲNG SỜN

Trong trận chiến chống Covid bên cạnh đội ngũ y bác sĩ phải kể đến lực lượng báo chí trên tuyến đầu truyền thông của cả nước. Các nhà báo đã lăn vào vùng dịch để lấy tin bài, chụp ảnh kịp thời gửi về tòa soạn. Nhà báo Nguyên Khôi, Phó trưởng Văn phòng đại diện miền Trung, báo Sài Gòn Giải Phóng là một trong những người tác nghiệp tích cực, đồng thời tham gia cùng Hội Nhà báo thành phố làm công tác vận động xã hội đóng góp cùng thành phố. Về tình hình chống dịch trên địa bàn thành phố, anh cho biết:

“Hơn hai tuần qua, Đà Nẵng trở thành tâm dịch với số ca nhiễm mỗi ngày một tăng. Lo ngại hơn là rất nhiều ca được phát hiện ngoài cộng đồng khiến người tiếp xúc gần (F1, F2...) ngày một tăng lên.

Qua theo dõi các ca nhiễm, phần lớn các ca nhiễm đều liên quan đến một số khoa bệnh nặng của Bệnh viện Đà Nẵng. Người nhiễm chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và F1 của các ca này.

Những ngày qua là những ngày nặng nhọc của các lực lượng như bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội,... cho đến cán bộ, lãnh đạo, ban nhân dân thôn, ban tự quản từ thôn xóm, tổ dân phố cho đến cấp thành phố. Ai cũng làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường. “Dịch mà”, đó là câu giải thích cũng là câu động viên nhau trong những ngày này. Dịch mà! Phải cố thôi.

Đồng hành với lực lượng tuyến đầu chống dịch là lực lượng báo chí. Anh em đã lăn xả từ sáng sớm cho đến rạng sáng hôm sau để cung cấp về tòa soạn những bản tin, những tấm ảnh, những bài viết từ hiện trường. Anh em phóng viên vạ vật khắp nơi, từ vỉa hè, yên xe hay một góc hẻm nào đó để viết bài, để chạy đua từng phút cho kịp tiến độ cơ quan giao.

Để có những bức ảnh, những bản tin về đến tòa soạn, rồi xuất bản để đến với bạn đọc, ít ai có thể hiểu hết nỗi vất vả, mồ hôi, nước mắt và cả sự uất ức của anh em phóng viên ở hiện trường. Thậm chí, anh em phóng viên xông pha vào tận khu vực cách ly, phong tỏa với hy vọng có tấm ảnh có giá trị để cung cấp cho bạn đọc. Không khác gì bác sĩ, nhân viên y tế, anh em phóng viên cũng đối mặt với rủi ro cao. Mặt cũng hằn in vết dấu khẩu trang. Người cũng đẫm ướt trong những bộ đồ bảo hộ giữa cái nắng thiêu đốt miền Trung.

Bao giờ cũng thế, anh em báo chí Đà Nẵng rất máu lửa, từ bão lũ, biển giã cho đến bây giờ là dịch. Bao giờ họ cũng hừng hực khí thế. Có tin là bật dậy chạy đến hiện trường, dù lúc ấy là bao nhiêu giờ của ngày đi nữa... Cực khổ, hiểm nguy, anh em chẳng sờn.

Nhiều ngày trước, trước khi kết thúc cuộc điện thoại phân việc cho anh em phóng viên là câu: “Nhớ mặc bảo hộ vào cho kỹ!”. Dặn là vậy. Anh em mặc đồ bảo hộ kỹ là vậy. Nhưng vẫn không yên tâm. Có lẽ nó thiêu thiếu cái gì đó. Đó là phải kề vai sát cánh cùng anh em. Do tính chất công việc, người chạy, người ngồi nhà mới ra sản phẩm tốt. Nhưng, nhiều lúc phải cố, phải tranh thủ ra cùng với anh em mới yên tâm, mới hết khó chịu trong lòng.

Cuộc chiến chống dịch còn lâu dài và chưa biết ngày kết thúc. Điều ấy đồng nghĩa với việc anh em báo chí sẽ phải đồng hành với “chiến địa” Đà Nẵng, với Quảng Nam còn dài. Và, trong chuỗi ngày dài ấy, có thể rủi ro sẽ đến với anh em báo chí. Có thể có ca nhiễm trong quá trình anh em tác nghiệp. Đó là điều khó tránh khỏi.

Cố gắng lên anh em. Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ sớm trở lại như xưa. Rồi anh em lại bù khú với nhau tán dóc chứ không phải ngày nào cũng lao vào chốn hiểm nguy rình rập như hiện nay”.

SỐNG TRONG KHU CÁCH LY TẬP TRUNG...

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Long - Trưởng đại diện Báo Công an Nhân dân tại miền Trung - Tây Nguyên - không may vợ dương tính vởi virus Sars - Cov-2, nên cả gia đình anh gồm mẹ, con trai, con dâu, cháu nội đều phải vào khu cách ly. Từ khu cách ly Trường tiểu học Lê Đình Chinh, phường Hòa Cường Nam, anh chia sẻ:                               

“Ở trong khu cách ly tập trung tôi và gia đình được chăm sóc khá chu đáo: Ngày 3 bữa ăn được cung cấp miễn phí, ăn ngon hơn cả... sĩ quan.  Sáng khi thì mì tôm trứng, khi thì bánh cuốn chả, khi thì bún chả cá. Cơm trưa, chiều thịt bò, thịt gà, thịt heo. Ăn xong có bánh, hoặc trái cây tráng miệng. Nước uống, nước sát khuẩn, xà phòng, sữa, nước trái cây...  được cấp phát hằng ngày.

Hôm qua chị Bích Trợ điện thoại bảo, cần gì chị gửi vào. Chị bảo để chị nấu cháo mang đến cho cu Beer... Mình phải từ chối. Vì trong này các nhân viên phục vụ đem cháo cho cháu hằng ngày, thậm chí còn cho những bữa ăn chay cho mẹ mình. Tối chị Thắng lại điện thoại, thiếu gì chị gửi. Bảo cho số tài khoản chị gửi tiền để cần gì thì mua. Mình phải giải thích, trong khu cách ly khá đầy đủ, có tiền cũng chẳng dùng được. Cuối cùng chị bảo, thiếu gì nhớ điện thoại để chị mua đem tới. Chị Thắng là chủ Công ty Phước Đức Thắng chỗ cạnh chợ Hàn. Chị là cựu du kích Cẩm An, đã nhiều lần đồng hành với Báo Công an nhân dân trong những chuyến xã hội từ thiện...

Mà không chỉ chị Trợ, hay chị Thắng. Những ngày qua có rất nhiều bạn bè, người thân điện thoại chia sẻ, nhắn cần gì sẽ mua mang tới cho mình. Em Trang ở tận Hòa Phước chạy xe ra gửi cho chai mật ong, chanh, gừng, muối...  điện thoại dặn dò cách pha chế để uống diệt virus.

Những ngày ở khu cách ly càng cho thấy sống ở đời cái cuối cùng đọng lại là nghĩa tình. Một câu thăm hỏi, động viên trong lúc hoạn nạn, một ít mật ong, chanh, muối... mình nhận được từ bên kia hàng rào gửi vào khu cách ly đã là nghĩa, là tình cả đời phải mang theo...”.

THƯƠNG VỀ ĐÀ NẴNG

Nhà thơ Lê Thanh My, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, gốc người An Giang hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nghe dịch tràn về Đà Nẵng đã không nguôi lo lắng, nơi thành phố xinh đẹp ấy chị có những người bạn. Chị đã thương về Đà Nẵng tràn đầy cảm xúc:

“Phố ở đây chứ phố ở đâu. Sao bỗng dưng lòng nghe nhớ phố. Đêm qua mưa làm một nhành cây nghiêng đổ, xác hoa rũ xuống hiên nhà. Màu hoa thiêm thiếp buồn trong buổi sáng tinh sương. Ngõ vắng. Người vắng. Vài nơi đâu đó xa xôi phố phường cũng vắng. Tất cả đi vắng ư? Không. Cuộc sống đôi khi vô thường.

Tôi nhớ con đường như thể đã yêu thương, mỗi bước chân chạm vào là nghe tiếng ngân lên của đất. Phố hiền lành như ánh mắt người đàn ông ngỏ lời yêu thương rất thật. Lá cứ reo. Gió khéo đuổi những âm thanh bộn bề đi xa khuất. Có bao nhiêu con đường mang tên mộng mơ. Chúng ta là hai kẻ tình cờ.

Đừng kỳ thị ngày qua đi chóng vánh. Ngày qua nhanh như cái chết qua nhanh. Chúng ta dẫu chưa kịp hôn nhưng tâm hồn đã quấn quýt. Nhiều ngày nhớ rơi vào thâm u tĩnh mịch, mùi của bàn tay bỗng thức dậy nồng nàn. Đường Bạch Đằng ngọn đèn vàng thơ thẩn. Và trong trí tưởng tượng ngoi lên một bóng hình.

Đêm. Sông Hàn vẫn sáng lung linh. Bàn tay nâng đỡ khiến ta nghĩ đến điều cần nhau hơn là cho nhau. Im lặng để lắng nghe con tim mình đang run rẩy. Có đi đến cuối đất cùng trời thì nơi ta đứng bên nhau bình yên là thật. Những bất trắc có thể sẽ hất tung con người ra xa. Nhưng ta biết, ta chính là một nửa.

Phố xá không người. Quán cà phê Da Vàng lặng im khép cửa. Thanh âm vẫn chờ. Ký ức trắng hòa quyện mùi hương cỏ cây và khói thuốc. Trên góc chiếc bàn nhỏ có bức tranh tương phản. Xuyên qua ngàn kí lô mét nhớ. Tôi đi trong tưởng tượng. Phía trước, người đàn ông nhặt nắng phủ lên chiều”.

Bài viết đã khá dài mà còn bao nhiêu điều cần nói. Xin khép lại bài viết ở đây bằng suy nghĩ của bạn Phượng Hoàng, biên tập của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng: “Tôi luôn tự hào tôi là người con Đà Nẵng. Thành phố tôi sống vô cùng xinh đẹp với những bãi biển nước xanh trong vắt và những bãi cát trải dài bất tận từ Bán đảo Sơn Trà cho đến bãi biển Non Nước. Đà Nẵng quê tôi còn có nhiều khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng làm say đắm lòng người như: Khu du lịch sinh thái Bà Nà Hill, Bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Đà Nẵng...

 Con người Đà Nẵng quê tôi mộc mạc, đơn giản, đôn hậu, thân thiện, hiếu khách. Nét đẹp từ trong tâm hồn của người dân Đà Nẵng sẽ lan tỏa tới mọi người, mang lại cho bạn cảm giác tốt đẹp nhất.

Hiện nay, người dân Đà Nẵng cùng cả nước đang bước vào giai đoạn chống dịch Covid lần 2 vô cùng gian nan. Nhưng với tinh thần không chịu khuất phục, cùng đồng sức, đồng lòng, chung tay cùng nhau chống dịch. Cùng với tinh thần lạc quan, bình tĩnh, tự tin tôi tin Thành phố Đà Nẵng sẽ chiến thắng, đẩy lùi được dịch bệnh.

Đà Nẵng sẽ bình yên trở lại, sẽ hân hoan chào đón các bạn ở khắp mọi nơi đến với chúng tôi, đến với thành phố biển vô cùng xinh đẹp, đáng sống”.

H.H