Câu chuyện một giờ
Kate Chopin (1850-1904) là một trong những nhà văn Mỹ tiên phong viết về nữ tính và nữ quyền. Bà viết một số tiểu thuyết như At Fault (Có lỗi, 1890) và The Awakening (Tỉnh thức, 1899), sau đó chuyển sang viết khoảng 100 truyện ngắn. Bà ít được người cùng thời đánh giá cao do tác phẩm của bà không ngần ngại nói tới những ẩn ức tình dục, lột trần những góc khuất trong tâm hồn và tư duy sâu kín của người phụ nữ trước thói độc đoán rất phổ biến của đàn ông thời ấy. Tài năng và sự cống hiến của bà được công chúng quan tâm như đối với nhà văn Louisa May Alcott kể từ khi nhà phê bình văn học Per Seyersted, một học giả người Na Uy, khám phá các tác phẩm của bà gần 70 năm sau đó. Truyện ngắn “Câu chuyện một giờ” là một trong những thí dụ điển hình liên quan tới chủ đề phụ nữ và lối viết phóng khoáng của bà.
Biết chị Louise khổ sở vì bệnh tim, người ta đã hết sức thận trọng khi báo tin cho chị về cái chết của chồng chị.
Chính Josephine, em gái chị, đã tiết lộ cho chị bằng những câu úp mở; có lẽ cô nghĩ càng che giấu được nhiều thì càng hay. Bạn chồng chị, anh Richards cũng có mặt lúc đấy bên cạnh chị. Trước đấy, khi nhận được tin về tai nạn đường sắt, chính anh ta đang ở trong tòa soạn của một tờ báo. Tên của anh Brently Mallard được liệt kê đầu danh sách những người bị thương vong. Richards đã dành thời gian để xác nhận thông tin bằng một bức điện thứ hai, rồi nhanh chóng loan tin tới mọi người.
Louise không nghe đủ câu chuyện như những người vợ khác đã nghe để rồi bất lực chấp nhận sự thật đau buồn. Chị khóc ngất một lúc, rồi sà vào cánh tay của cô em gái. Khi cơn bão sầu não vơi đi, chị lê gót về phòng. Chị về phòng riêng mà không có ai đi cùng.
Tại phòng chị, đối diện với khung cửa sổ mở toang là một cái ghế bành rộng và thoải mái. Tại đó, chị chìm đắm trong nỗi ê chề, yếu đuối cả thể xác lẫn linh hồn.
Chị lau nước mắt, ngắm nhìn nơi quảng trường rộng mở trước ngôi nhà của mình những ngọn cây xanh mướt, dường như toàn là cây thủy sinh với cuộc sống mùa xuân mới. Mưa bay la đà trong gió. Dường như mưa đang thở, cái hơi thở thơm tho của nó. Dưới mặt phố, một người bán hàng rong đang cất tiếng rao. Từ xa xăm vọng lại, dường như có tiếng ai hát vang những nốt nhạc dịu êm. Trên mái hiên nhà bên, vô số chim sẻ ríu rít, nhảy nhót.
Ở phía tây, những mảng trời xanh hiện lên đây đó đằng sau những đám mây chập chùng.
Chị thư thả ngồi một mình, ngửa cổ thoải mái lên tấm đệm, toàn thân gần như không nhúc nhích; có lúc chị nấc lên một tiếng như tiếng trẻ con nức nở trong lúc ngủ rồi tiếp tục với giấc mơ êm đẹp của mình.
Trông chị trẻ trung, nét mặt bình thản, ít nếp nhăn và dường như có một sức mạnh nội tâm toát lên đâu đó. Song giờ đây, bỗng dưng mắt chị trở nên lờ đờ; ánh nhìn của chúng như thể đang dần dần rời xa những mảng trời xanh. Đấy không phải là cái nhìn phản chiếu bầu trời, mà là sự ngưng trệ thế nào đó của trí tuệ.
Có điều gì đó đang đến với chị, và chị đang phập phồng lo sợ về sự xuất hiện của nó. Đấy là gì? Chị không rõ; vì nó quá vi tế, rất mơ hồ, chẳng thể nào gọi tên. Song chị có thể cảm nhận được nó; nó đang sà xuống khỏi bầu trời, càng lúc càng tiến gần về phía chị qua những âm thanh, mùi hương, màu sắc choáng ngợp không gian.
Giờ đây, ngực chị chuyển động hỗn loạn. Chị bắt đầu cảm nhận rằng sự bất thường đó sẽ dần dần chiếm lấy chị, và chị cố sức chống trả bằng nghị lực của mình - một thứ nghị lực đang lụi tàn như đôi cánh tay nhợt nhạt và mảnh khảnh của mình.
Khi chị thõng người xuống, một lời thì thào nhỏ nhoi thoát ra khỏi đôi môi hé mở của chị. Chị thì thầm: “Thoải mái rồi đây! Thoải mái rồi đây!” Từ đôi mắt chị toát ra một cái nhìn trống rỗng, rồi cái nhìn ấy dần dần trở nên khiếp hãi. Tim chị đập tưng bừng. Dòng huyết lưu như thể đang ấm lên và doãi ra khắp cơ thể.
Chị không ngừng thắc mắc liệu đó có phải là một niềm vui quái dị đang chiếm lấy linh hồn chị hay không. Nhưng rồi ý chí kiên định của chị loại bỏ ngay suy nghĩ vớ vẩn đó.
Chị biết mình sẽ khóc trở lại khi trông thấy đôi bàn tay gập lại trong tư thế chết; gương mặt xám xịt, bất động và chết chóc của người đàn ông chưa từng để dành tình yêu cho chị. Nhưng ngoài những phút giây đắng xót đó, chị mơ hồ trông thấy những chuỗi ngày hoàn toàn thuộc về chị đang lại gần. Rồi chị sẽ dang rộng vòng tay đón nhận những chuỗi ngày ấy.
Sẽ không có ai để phải sống cho nhau hoặc vì nhau trong những năm tháng tới; chị sẽ thoải mái sống cho chính mình. Sẽ không có ý đồ hung bạo nào khư khư bẻ cong suy nghĩ của chị bởi một gã đàn ông hay bất cứ ai vì họ tin rằng họ có quyền áp đặt ý chí riêng tư của họ lên đồng loại. Một ý định tử tế hoặc một ý đồ đen tối đã khiến hành động đó dường như không còn là một tội ác khi chị chợt nhận ra nó trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó.
Vậy mà chị lại yêu anh ta - đôi khi là thế. Nhưng thường thì chị không hề yêu một chút nào cả. Chuyện gì đã xảy ra! Những gì có thể yêu, bí ẩn chưa được giải quyết khi đối mặt với sự tự khẳng định bản thân mà chị đột nhiên nhận ra đó là sự thôi thúc mạnh mẽ nhất từ bản thân mình! “Tự do rồi! Tự do cả thể xác lẫn tâm hồn!” chị vẫn thì thào.
Josephine quỳ trước cửa, môi dán vào lỗ khóa, thúc giục: “Chị Louise, mở cửa ra nào! Em van chị! Không khéo chị trở bệnh nặng đấy! Chị đang làm gì trong đó? Vì Chúa, xin chị mở cửa cho em vào!”
“Thôi, về phòng đi em! Chị vẫn khỏe mà!” Chẳng bệnh hoạn gì cả; chị đang hớp lấy những giọt thuốc thánh từ bầu trời xanh nơi khung cửa mở. Chị không sao cả.
Lòng háo hức của chị đang tung tăng dọc theo những tháng ngày mở ra trước mắt. Những ngày xuân, những ngày hè, và một loạt những ngày thảnh thơi của riêng chị. Chị thở phào cầu nguyện cho một cuộc sống lâu dài. Đó là điều mà mới hôm qua đây, mỗi khi nghĩ tới, chị lại thấy rùng mình.
Chị vươn người ngồi dậy mở cửa cho cô em gái bước vào. Ánh mắt chị như bừng nở một chiến công; và chị, tự mình vô tình mang dáng vẻ của một vị nữ thần Chiến thắng. Chị ôm ngang hông cô em gái và dìu nhau cùng bước xuống cầu thang. Richards chờ cả hai ở bên dưới.
Có ai đó đang mở chốt nơi cửa chính. Tay cầm túi xách và chiếc dù, với dáng dấp của một tay du lịch trở về từ phương xa, anh Brently, chồng chị, bước vào. Ồ! Hóa ra, anh đã ở rất xa so với hiện trường vụ tai nạn; thậm chí anh chả hay biết gì về vụ ấy. Anh đứng ngớ người kinh ngạc thấy cô em vợ la lên; đồng thời, anh ngạc nhiên thấy Richards cố tình đứng choán chỗ để vợ anh khỏi thấy anh.
Nhưng hành động của Richards muộn mất.
Khi các bác sĩ đến, họ kết luận chị Louise mất mạng vì bệnh tim - nỗi vui mừng bất ngờ khiến chị đột tử.
Trần Như Luận (dịch)