Đọc Trường ca “Giữa mùa đại dịch” của Lê Anh Dũng

04.09.2020
Thanh Quế

Đọc Trường ca “Giữa mùa đại dịch” của Lê Anh Dũng

Nhà thơ Lê Anh Dũng đến nay anh đã xuất bản 5 trường ca, 8 tập thơ và hai tập ký văn học.

Trong đại dịch Covid-19, với tư cách nhà thơ, Lê Anh Dũng đã tả xung hữu đột dấn thân vào tâm dịch, viết được hơn 100 trang về trường ca mang tên Giữa mùa đại dịch.  Có thể nói, anh là nhà thơ đầu tiên viết thành công về trường ca với đề tài khó, dễ khô khan, dễ bị thống kê như kiểu vè (phòng bệnh thế nào, chữa bệnh ra sao, giãn cách xã hội...) nhưng được tình cảm hóa, làm cho việc chống dịch sinh động, không khô khan. Anh rất thông minh khi lấy những lời nhạc, lời thơ của nhiều tác giả, có nhiều bài ngộ nghĩnh để nói lên những việc phòng chống dịch dễ đi vào lòng người:

Nhà phê bình Nguyên An nôn nao/ Nói vè, hát thơ ngẫm nghĩ: Giật mình và thảng thốt/ Dịch Covid rập rình/ thội, ở nhà giữ chốt/ tốt cho người cho ta.  Dịch giả Bùi Xuân mềm lòng/ như khối rubic quay vòng tri ân: Xin cảm ơn chiếc khẩu trang/em tặng tôi với lời nói dịu dàng/ xin cảm ơn vũ điệu rửa tay/ như lời nhắc bàn tay này phải sạch. Giãn cách, nhạc sĩ Thu Thủy rỉ tai: Em như gấu bông nhỏ/ ngày cách ly ngủ đông/ qua đại dịch khốn khó/ chầm chậm mình, thích không!...

Tác giả đã có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình, suy nghĩ, xen kẽ giữa những công việc khô khan diễn ra ở nhiều địa phương Đà Nẵng (Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Nam Hải Vân, Thanh Khê...), Quảng Nam (Hội An, Mỹ Sơn, Duy Xuyên), Thừa Thiên Huế (đèo bắc Hải Vân, Lăng Cô, Hương Thủy, Dương Hòa...), Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Nguyên.. vừa mở rộng không gian cho diễn tiến, vừa giàu chất thơ, giàu bản sắc văn hóa từng vùng miền, gợi nên những liên tưởng và xúc động cho người đọc:

Giãn cách trong ngày hội sách/ ta ngồi làm mọt nhà ta/ lịch sử, văn chương đủ cả/ giật mình thiếu sách corona. Tránh dịch lên Sơn Trà/ đánh cờ cùng Tiên ông/ đánh đu đa cổ thụ/ bạn cùng lau, sim, mua. Giãn cách, chợt nhớ Đào Tiềm/ xa xăm khói sóng lim dim mắt cười/ thôi về, ta cứ về thôi/ núi cao rừng thẳm dại/ chi không về/ chập chùng đèo dốc sơn khê/ thong dong trà đạo bốn bề đất nâu. Tránh dịch, ta về Dương Hòa/ chiến khu xa vẫn đậm đà tình xưa/ một thời bom đạn nắng mưa/ một thời thiếu đói rau dưa lót lòng...

Từ vấn đề phòng và chống dịch, nhà thơ Lê Anh Dũng đã nói lên thành những quan niệm sống, ngẫm nghĩ về khẩu trang, về cồn sát khuẩn, ngẫm nghĩ về cái miệng: Chiếc khẩu trang/ đâu chỉ chống nước bọt lây lan/ còn nhắc ta giữ mồm giữ mũi/ trung thực chân thành ái ngữ, tin yêu, về giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người với thiên nhiên, giữa cuộc sống hiện tại và tương lai, giữa các quốc gia, giữa trái đất và vũ trụ: Quả đất tròn/ mẹ toàn cầu nhiễm bệnh/ virus trẻ hóa già công phá/ các châu lục không trừ ai cả/ xe nhà binh chờ người nườm nượp hỏa thiêu. Thế giới cộng đồng, không của riêng ai/ không là một là riêng là thứ nhất/ trước cái chết mọi người đều bình đẳng/ lẽ sống là cộng hưởng, cộng sinh. Do đó nâng cao tính tư tưởng làm cho không gian, thời gian của trường ca có tính chất mở để người đọc ngẫm nghĩ sau khi trường ca kết thúc.

Việc chia cắt các trường đoạn giúp tác giả nói được nhiều sự việc, nhiều loại người, nhiều vùng đất, nhiều tâm trạng, nhiều cách tiếp cận, nhiều bản sắc văn hóa... làm cho người đọc luôn thay đổi không khí, đỡ nhàm chán, lại mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, mở rộng các tâm trạng... tạo nên một trường ca sinh động và sâu sắc.

Trường ca đã mang đến cho người đọc không những hiểu biết, cảm xúc về việc phòng, chống dịch và cuộc sống của nhân dân trong những ngày chống dịch, cũng như tình cảm, sự đùm bọc, xẻ chia, lòng nhân hậu của nhân dân trong nước với nhau và giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới.

Trường ca cũng cho ta biết được cảnh sắc của nhiều vùng đất, bản sắc của nhiều dân tộc và nhiều địa phương:

Dịch về, vắng hoắc, vắng hoe/ nhà, vắng trầm lắng, sáo che, then cài/ thuyền neo lặng bến sông Hoài/ An Bàng, Cửa Đại mệt nhoài bãi trơ/ một mình tôi đón bơ vơ/ Cù Lao Chàm ngóng về bờ thuyền xa. Một mình tôi một Mỹ Sơn/ và đền tháp cổ nắng dờn dợn phai/ chiều vàng ươm nỗi nhớ ai/ chiêm nương thảng thốt saranai nỗi niềm. Tĩnh lặng như sáng mồng Một Tết/ trời đất trong veo trinh bạch xuân thì/ biển Lăng Cô tít tắp vòng cung/ tinh dầu tràm thơm suốt chiều Phú Lộc/ sóng êm đềm ngút ngát Chân Mây.

Trường ca được viết sinh động, giàu cảm xúc hình tượng thẩm mỹ, giúp ta suy nghĩ thêm nhiều vấn đề trong cuộc sống, giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

 T.Q