Văn xuôi nữ lưu đương đại Nhật Bản - Hoàng Thị Xuân Vinh
Từ thập niên 80, khi Việt Nam mở cửa, đổi mới để hội nhập với thế giới và có quan hệ đa phương với nhiều nước trong khu vực Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, tình hình giao lưu văn hóa văn học Việt - Nhật có nhiều đổi thay theo hướng mở rộng và đi vào chiều sâu. Nhờ việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Nhật cho người Việt, việc nghiên cứu và dịch thuật văn học Nhật Bản trở nên rầm rộ. Số lượng tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch ở Việt Nam nhanh chóng tăng lên. Chỉ trong vòng khoảng 30 năm mà số lượng tác phẩm dịch và số công trình nghiên cứu về văn học Nhật Bản cũng đã lên đến hàng trăm. Trên các quầy sách văn học dịch và trên mạng, sách văn học Nhật thật sự “lên ngôi” với sự xuất hiện liên tục của các tác phẩm được dịch mới và tái bản, cho thấy nhu cầu thưởng thức văn học Nhật của độc giả Việt Nam, cũng như sự trưởng thành của đội ngũ dịch giả tiếng Nhật. Trong số tác phẩm dịch đó, nổi bật lên tên tuổi nhiều nhà văn nữ trẻ thuộc thế hệ 5X, 6X, 7X, 8X. Rõ ràng trên văn đàn Nhật Bản và Việt Nam, số lượng nhà văn nữ có xu thế áp đảo các nhà văn nam.
Trên bản đồ văn chương nữ lưu đương đại thế giới, Nhật Bản có một vị trí đặc biệt. Từ khởi thủy của nền văn học dân tộc, giới nữ đã có vai trò nhất định trong văn chương nghệ thuật. Trải qua thăng trầm của lịch sử, qua bao biến động và đổi thay, thời kỳ văn học nào phụ nữ cũng có đóng góp tích cực cho nền văn học dân tộc. Đặc biệt có hai thời kì văn học lớn trong tiến trình văn học Nhật Bản mà phụ nữ có vai trò quyết định, là lực lượng sáng tác chủ yếu vẽ nên bức tranh văn học thời đại, đó là thời kì Heian (794-1185) và đương đại.
Và ở chặng đường cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, có thể khẳng định có sự trở lại của văn học Heian, với sự xuất hiện của rất nhiều tác gia nữ tài năng được biết đến trên toàn thế giới, với nhiều giải thưởng văn học quốc gia và quốc tế mà chúng tôi xin được giới thiệu ở phần tiếp theo dưới đây.
Chân dung các nhà văn nữ Nhật Bản đương đại:
Bộ phận văn học Nhật Bản hiện đại được dịch ở Việt Nam chỉ tập trung ở các thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Thơ mới và kịch hiện đại gần như vắng bóng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ thống kê các tác phẩm của các nhà văn nữ đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam thuộc thể loại văn xuôi tự sự. Sự phân biệt ranh giới tiểu thuyết và truyện ngắn ở đây cũng chỉ là tương đối.
1. Banana Yoshimoto: Kitchen (Kitchen), “Vĩnh biệt Tugumi” (Tugumi), “Say ngủ” (Shirakana Yofune), “N.P” (N.P), “Thằn lằn” (Tokage), “Amrita” (Amurita)… 2. Yoko Ogawa: “Khi con bướm gãy cánh”, “Giáo sư và công thức toán”(Hakase no aishita sushiki), “Quán trọ Hoa diên vi” (Hoteru Airisu), “Nhật ký mang thai” (Nishin Karenda), “Ký túc xá” (Domitari), “Nhà ăn chiều tà và bể bơi dưới mưa” (Yugrure no Kyushokushitsu to ame no puru... 3. Yamada Amy: “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường” (Bedtime Eyes), “Sống lưng của Jesse” (Jesi no sebone), “Trò đùa của những ngón tay” (Yubino tawamune), tập truyện ngắn “Phong vị tuyệt vời” (Fumizekka)... 4. Tetsuko Kuroyanagi: “Totto-chan cô bé bên cửa sổ” (Mandogiwa no Totto-chan)... 5. Kazumi Yumoto: “Khu vườn mùa hạ” (Natsu no niwa)... 6. Rei Kimura: “Đàn ông và đàn ông”... 7. Riyu Miri: Full House, Cuộc săn vàng, Cô bạn nữ sinh... 8. Tawada Yoko: “Mắt trần”... 9. Meiko Kawakami: "Ngực và Trứng"... 10. Ekuni Kaori: "Tháp Tokyo”, “Lấp lánh” “Hoàng hôn rơi xuống”... 11. Mitsuyo Kakuta: “Bản năng”... 12. Wataya Risa:“Cái lưng muốn đá”... 13. Kito Aya: "Một lít nước mắt".... 14. Hayashi Mariko: “Đi mua xong run run rồi về”, “Nếu kịp chuyến bay cuối”, “Cho đến Kyoto”... 15. Hachikai Mimi: " Chông chênh cõi trần"....16. Takagi Nobuko: “Bóng cây phong lan” năm 201... 17. Junko Hasegawa: “Qủa trứng không thụ tinh”... 18. Rio Shimamoto: “Bên trong”... 19. Tamaki Daido: “Khoả thân”, “Con đường mặn”, “Sữa"... 20. Yuzuki Muroi: “Giấc mơ”.... 21. Chiya Fujino: “Lời hứa của mùa hè”, “Phòng ngủ của Kitahara”... 22. Shungiku Uchida: “Đôi môi non trẻ”...
Trong thời gian gần đây, trên văn đàn văn học dịch của Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng có sự phong phú vượt trội của các gương mặt nữ, đặc biệt là những gương mặt rất trẻ. Không chỉ đóng góp về số lượng, sự trưởng thành của đội ngũ các nhà văn nữ còn thể hiện ở tài năng và sở trường trong nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại. Các nữ tác giả nổi tiếng như Banana Yoshimoto, Yoko Owawa, Mitsuyo Kakuta, Ekuni Kaori, Yamada Amy,... không chỉ nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết, mà còn xuất sắc cả trong lĩnh vực truyện ngắn với nhiều tập truyện đã được xuất bản. Các chị còn am hiểu sâu sắc và tài hoa trong một số lãnh vực khác như tiểu thuyết lịch sử (Rei Kimura), thơ ca (Hachikai Mimi), báo chí (Juno Hasegawa), kịch bản truyền thanh, truyền hình (Tamaki Daido), MC truyền hình (Tetsuko Kuroyanagi),...sân khấu (Riyu Miri, Yuziki Murui), . ..
Những đóng góp của các nhà văn nữ Nhật Bản đương đại trên phương diện đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng:
Tìm hiểu nội dung này chính là để trả lời câu hỏi được đặt ra là tại sao bạn đọc Việt Nam ngày nay thật sự yêu thích và lựa chọn tác phẩm của các nhà văn nữ Nhật Bản giữa vô số tác phẩm văn chương nữ lưu của trong nước và nước ngoài? Trong các tác phẩm của các tác gia nữ được giới thiệu trên, dù là truyện ngắn cô đọng hay một tiểu thuyết dài hơi, đa tuyến, đa âm đều toát lên những giá trị nhân văn sâu sắc, đều quan tâm đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề có tính muôn thuở của con người, đặc biệt là của nữ giới.
* Nỗi cô đơn: Bản chất con người là luôn ý thức muốn được hiểu và hiểu được người khác. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, con người không thể có sự cảm thông với thế giới bên ngoài, thì con người sẽ rơi vào trạng thái cô đơn. Trong hiện thực đời sống và trong văn học, chưa bao giờ hiện tượng con người cô đơn lại phổ biến như một căn bệnh tinh thần của xã hội như trong suốt chiều dài thế kỉ XX, kéo sang cả những ngày ta đang sống và không có một hứa hẹn sáng sủa nào ở tương lai, khi mà những nguyên nhân nội sinh và ngoại lực của xã hội hậu hiện đại đẩy con người đến vực thẳm cô đơn chỉ ngày càng gia tăng.
Xét trong phạm vi và bối cảnh của xã hội Nhật Bản thời kỳ hậu hiện đại, để trở thành siêu cường quốc đứng vào vị trí thứ hai trên thế giới, cái giá mà Nhật Bản phải trả trong đời sống tinh thần không phải là nhỏ và sự nỗ lực để cân bằng đời sống vật chất – tinh thần của người Nhật không phải là ít. Những thanh niên nam nữ của Nhật Bản hôm nay vừa là chủ nhân vừa là sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại và xã hội hàng hóa. Bị cuốn vào dòng chảy của cuộc sống và va đập, cọ xát với những gai góc phong ba của cuộc sống, nhiều người đã không tránh khỏi những tổn thương ghê gớm về cả thể xác lẫn tinh thần.
Trong văn học Nhật Bản hiện đại, kiểu con người cô đơn là kiểu nhân vật phổ biến nhất. Có lẽ ngoài yếu tố bối cảnh chung của thời đại, Nhật Bản còn mang nét riêng của một quốc đảo khép kín và một nền văn hóa hướng nội. Thế giới nhân vật của các tác gia nữ là thế giới của số đông nhưng thầm lặng. Trong hành trình ngắn ngủi của cuộc đời và sự ngắn ngủi của câu chuyện kể, họ hiện sinh trong sự cô đơn tuyệt đối. Sakurai Mikage trong “Kitchen”, Sui trong “N.P”, giáo sư trong “Giáo sư và công thức toán”, Mari trong “Quán trọ hoa diên vĩ”, Hasegawa trong “Cái lưng muốn đá”, Maria và Tugumi trong “Vĩnh biệt Tugumi”... là những mảnh đời tiêu biểu.
Thế giới nghệ thuật của Yoko Ogawa cũng là thế giới của những tâm hồn cô đơn mà không nỗi cô đơn nào giống nhau cả. Có những người đàn ông sống trong cô đơn và cô độc như Giáo sư, như Dịch giả, như Ông giáo già… những con người “Không liên quan tới ai và cũng không thuộc về nơi nào”, chị giúp việc trong tác phẩm "Giáo sư và công thức toán" của Yoko, bà Michiko trong "Bóng cây phong lan"....
Có thể khẳng định rằng thế giới của văn học Nhật hiện đại là thế giới của những con người cô đơn, trong đó đặc biệt là những người nữ. Hình như, người nữ dễ bị rơi vào cô đơn và khó thoát ra khỏi cô đơn hơn nam giới chăng? Tại sao? Cuộc sống luôn tiềm ẩn những tai họa, những điều bất trắc và bất an. Người phụ nữ vốn là phái yếu. Cái yếu về thể chất, cái yếu về sự phụ thuộc dễ dẫn đến cái yêu đuối về tinh thần. Người phụ nữ sống thiên về nội tâm hơn hành động như nam giới. Đó cũng là một con đường dễ dẫn đến cô đơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, những con người cô đơn trong các tác phẩm mà chúng tôi khảo sát thuộc phạm vi bài viết này, đều có nhiều duyên may để thoát ra khỏi sự cô đơn khủng khiếp thường dẫn đến cái chết như trong nhiều tác phẩm hiện đại khác. Tại sao? Đơn giản chỉ là vì họ cô đơn nhưng không cô độc. Cho dù họ cô đơn do tính cách hay do hoàn cảnh, nhưng với thiên tính nữ tự nhiên của người nữ là sinh ra để thương yêu người khác, vì vậy ngay cả khi họ bị rơi vào cảnh ngộ cô đơn không mong đợi, họ vẫn quan tâm và chăm sóc những người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhặt nhất mà họ không hề tính toán. Chính vì vậy, mà phần lớn họ đều nhận lại được một năng lượng yêu thương từ bên ngoài để kéo họ về với cuộc sống ấm áp tình người. Các nhân vật nữ của các tác gia nữ mà chúng tôi khảo sát là những người phụ nữ đủ mọi thành phần xã hội, sống trong mọi hoàn cảnh, thuộc mọi lứa tuổi, mọi tính cách, xấu có, đẹp có, nhưng nét đẹp chung của họ đều là những người nhân hậu, bao dung, vị tha, đầy nữ tính và khao khát được yêu được sống. Sâu thẳm bên trong hoặc phát lộ ra bên ngoài họ đều có bản chất tốt đẹp, cho dù họ có nấp trong cái vỏ đanh đá, lạnh lùng, cay nghiệt, phóng đãng, buông thả, vô tâm…thậm chí nhiều khi tàn nhẫn và ác độc. Vì vậy, qua khảo sát chúng tôi thấy các tác giả nữ không nỡ để cho nhân vật nữ của họ phải tìm đến cái chết, hay chính các nhân vật nữ của họ đã khước từ cái chết trước cuộc sống quý giá này, ngay cả trong những cảnh ngộ khiến độc giả phải hồi hộp lo sợ như hoàn cảnh của Sui, của Tugumi, của Kiwako Nomomiya? Có vẻ như ở đây, trong thế giới nữ tính đẫm chất Nhật này, cái chết như một nét văn hóa truyền thống Nhật Bản không còn là một nỗi ám ảnh làm độc giả thót tim và rơi lệ nữa! Bản ngã và tình yêu thương trong người nữ chính là cứu cánh tự thân của họ giữa cuộc đời đầy bất trắc. Tất cả các nhân vật nữ của các tác gia nữ đều sống trong mối quan hệ dịu ngọt nhưng đầy phức cảm của tình yêu.
* Tình yêu và tình dục: Tình yêu, đó chính là một đề tài xuyên suốt và đem lại sức hấp dẫn kỳ lạ cho các tác phẩm của các tác gia nữ. Có nguồn gốc từ những huyền sử xa xưa của thời sơ sử, qua dòng chảy của thơ ca, tiểu thuyết, tùy bút, nhật ký, sân khấu của văn học đời sau, tình yêu của những người phụ nữ Nhật Bản vừa thể hiện vẻ đẹp trong tính cách, tâm hồn phụ nữ Nhật Bản vừa mang sức sống và hơi thở của văn hóa Phù Tang. Phụ nữ yêu khác đàn ông nên viết về tình yêu cũng có cách viết khác. Mạnh mẽ mà kín đáo, say đắm và chung tình, người phụ nữ Nhật mang theo tình yêu của mình bước vào trong thơ văn để lại những làn hương vấn vương qua nhiều thế kỷ. Đọc những trang văn do người phụ nữ Nhật Bản viết về tình yêu và cách thể hiện tình yêu của những người con gái xứ sở hoa anh đào, bạn đọc thật sự bị cuốn hút bởi cách viết chân thực, sinh động, đằm thắm và đam mê được bộc lộ trực tiếp từ cái nhìn, từ trái tim người nữ, không phải bằng sự tưởng tượng hay sự quan sát, sự hóa thân như của các tác giả nam.
Người Nhật vốn tôn thờ cái Đẹp như một tín ngưỡng tuyệt đối. Ăn đẹp, mặc đẹp, ở đẹp, sống đẹp và dĩ nhiên họ yêu cũng đẹp. Bắt đầu từ tình nhân ái và sự đồng cảm sâu sắc của tình bạn, Sakurai Mikage và Yuichi Tanabe đã cùng nhau đi đến tình yêu đầu đời một cách trong sáng, dễ thương và cảm động. Chưa hề có một lời yêu được phát đi từ cả hai phía, nhưng một làn hương dịu dàng, ngọt ngào, ấm áp đã bao trùm lên khoảng trời trong xanh bình yên của đôi bạn trẻ tội nghiệp trên đời. Lạ lùng là nhân vật Tugumi trong “Vĩnh biệt Tugumi”. Ta đã được giới thiệu ngay từ đầu một Tugumi phải nhập viện bất cứ lúc nào vì luôn luôn đau ốm. Nhưng ẩn đằng sau cái thân xác mỏng manh yếu đuối, cái tính tình khó ưa ấy là cả một nghị lực sống và khát khao yêu thương mãnh liệt. Chính bệnh tật và dự cảm về cái chết, về sự ngắn ngủi của cuộc đời đã đưa cô đến với tình yêu một cách nồng nhiệt. “Em yêu anh”, chính Tugumi đã nhìn thẳng vào mắt Kyoichi và nói với mắt sáng, má đỏ, môi hồng và cả trái tim yêu. Kyoichi được đặt trước ba cô thiếu nữ là Tugumi, chị gái cô là Yoko và chị họ là Maria. Cô thiếu nữ nào cũng đáng yêu. Nhưng nếu chỉ căn cứ về ứng xử bên ngoài thì Tugumi thật đáng ghét bên cạnh Yoko và Maria đằm thắm, dịu dàng, tốt bụng. Thế nhưng tình yêu của Kyoichi chỉ trao cho Tugumi với một sự đồng cảm tuyệt vời. Tình yêu dâng hiến của Kiwako trong tiểu thuyết “Bản năng” của Mitsuyo Kakuta khiến lòng ta cảm động lẫn cảm thương. Tình yêu đã khiến nhân vật nữ tỏa sáng với vẻ đẹp nữ tính dịu dàng. Tình yêu khiến con người vốn bao dung càng thêm cao thượng. Một cô gái yêu đầy bản năng như Kobo trong “Sống lưng của Jesse” mà khi yêu một người đàn ông thực sự, cô cũng biết yêu luôn những gì thuộc về anh ấy, dù đó là Jesse – đứa con trai tai quái, bướng bỉnh của anh ta. Dù chưa thật sự là một người mẹ, cô đã tự nguyện chăm sóc Jesse mà không miễn cưỡng. Sự chăm sóc tận tình của cô dành cho đứa con riêng của người yêu một cách tự nguyện và đầy cố gắng khiến người đọc dần có cảm tình với cô.
Tình yêu trong văn học nữ lưu Nhật Bản đương đại cũng có nhiều màu sắc, sắc thái và cung bậc của nó. Có cả những tình yêu không bình thường gây “shock” cho độc giả như tình yêu đồng tính nữ, đồng huyết, loạn luân trong “N.P” (Banana Yoshimoto), tình yêu đồng tính nam trong “Đàn ông và đàn ông” (Rei Kimura) giữa một samurai kiêu dũng và vị tướng quân cao quý thật đầy xót xa. Có tình yêu lừa dối và lợi dụng trong “Bản năng” của Mitsuuo Kakuta và có cả bạo dâm, khổ dâm trong tác phẩm của Yoko Ogawa, của Yamada Ami… Người Nhật hình như không lên án nó một cách gay gắt như trong quan niệm của người Việt hay một số quan điểm đạo đức phương Đông khác. Họ chỉ thấy đó là hiện thân của cái đẹp. Sống đích thực, yêu đích thực là vượt ra khỏi giới hạn của vô thường, là sự tồn tại đích thực của bản ngã và là hiện thân tuyệt mỹ của vẻ đẹp nhục cảm. Phải vượt qua ranh giới khắt khe của chuẩn mực văn hóa truyền thống và chạm đến chiều sâu văn hóa duy mỹ của Nhật Bản, bạn đọc Việt Nam mới thấy sự có đồng cảm, đồng tình với các mối tình không bình thường trong các trang sách.
Tình dục là một biểu hiện cao nhất của cảm xúc yêu thương và của nhân tính. Con người vừa là một sinh vật tự nhiên vừa là một sinh vật xã hội. Vì vậy, tình dục là một nhu cầu tất yếu của con người trên cả hai phương diện. Trong phạm vi khảo sát hẹp này, chúng tôi thấy có những người nữ sống cân bằng giữa tình yêu và tình dục, cũng có những người nữ có đời sống tình dục thật táo bạo. Ở họ, tình dục luôn đi trước cái gọi là tình yêu, như hầu hết các nhân vật nữ của Yamada Amy. Theo chúng tôi, vấn đề không phải là đề cập hay không đề cập chuyện tình dục. Lảng tránh hay lạm dụng nó đều là cực đoan và sai lầm. Bản chất của vấn đề là ở chỗ chúng ta bàn đến tình dục với mục đích gì? Mức độ và liều lượng ra sao? Và cách thức phản ánh nó như thế nào? Việc tranh cãi về hiện tượng Yamada Amy không phải là vô cớ. Rõ ràng, để đạt được mục đích ca ngợi tình yêu, chị đã độc tôn vai trò của tình dục và lạm dụng nó. Không khó để giải thích nguyên nhân hiện tượng đậm đặc chất sex trong văn học nữ chất Nhật Bản. Trong truyền thống văn học Nhật Bản, tình dục đã xuất hiện trong những huyền thoại cổ xưa, những đỉnh cao văn học đời sau đều đậm đặc chất liệu sex. Đến thời hiện đại và đương đại, sự xâm nhập của cách mạng văn hóa tình dục từ văn hóa phương Tây tạo nên một sự cộng hưởng với thẩm mỹ cái đẹp của mỹ học tính dục nữ truyền thống. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền và cuộc vận động của nó trong đời sống cùng nghệ thuật hiện đại cũng là một nguyên nhân, đồng thời là động lực cho sự phát triển của dòng văn học tính dục nữ Nhật Bản.
* Hôn nhân - gia đình và những mối quan hệ tình cảm cao quý khác: Một thực tế đáng báo động là qua các tác phẩm của các tác gia nữ Nhật Bản, ta nhận ra sự tồn tại mong manh của khái niệm gọi là hôn nhân và gia đình, là tổ ấm vĩnh cửu của con người. Có những nhân vật cô đơn do hoàn cảnh mồ côi, mất hết người thân là bởi số phận, mà họ không có quyền quyết định, như Sakurai Mikage, Tanabe Yuichi trong "Kitchen", khi mà những người thân: cha, mẹ, ông, bà của họ lần lượt ra đi để họ - những đứa trẻ bơ vơ cô đơn giữa cuộc đời. Nhưng đó chỉ là một gia đình mong manh chứ chưa phải là gia đình tan vỡ. Phần lớn các nhân vật trong tác phẩm đều có gia đình không hạnh phúc. Số phận của Sui trong "N.P" với những cuộc tình loạn luân với cha và anh ruột… là hệ lụy của nỗi đau từ cuộc hôn nhân tan vỡ, cha mẹ chia tay, con cái bơ vơ trên đời. Và trong tuyệt vọng đơn côi, họ cũng dễ bị ám ảnh bởi cái chết. Mary trong “Quán trọ Hoa diên vĩ” sống cùng mẹ trong ngôi nhà của gia đình cũng là quán trọ, như một cõi tạm thiếu vắng tình thương và hơi ấm của người cha. Kiwako trong “Bản năng” khao khát một gia đình có vợ có chồng, nhưng lại bị người yêu đã có vợ phụ bạc. Đau khổ, cô đã gây ra tội ác, để phải lẩn trốn pháp luật, rồi phải ngồi tù và ra tù cũng mãi kiếp cô đơn. "Cuốn phim gia đình" của Ryuu Miri nổi tiếng về đề tài gia đình ly tán. Tạo dựng nên một tình huống truyện độc đáo là sau hai mươi năm gia đình tan tác, các thành viên lại gặp nhau trong một bộ phim đóng chung và nhận ra nhau nhờ sự thổ lộ tâm tư thầm kín. Các tác gia nữ chỉ kể chứ không luận bàn, phân tích, thế nhưng độc giả vẫn đón nhận được cái thông điệp về sự nghiêm túc trong quan niệm hôn nhân, mang đi khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc, từ câu chuyện vui buồn của cuộc đời những người phụ nữ.
Làm nên hơi ấm của tình người trong tác phẩm còn là những tình cảm chân thành ấm áp giữa người và người. Đó là “tình bạn” kì lạ của ba đứa trẻ lớp sáu Kiyama, Yamashita, và Wakabe với “ông cụ” trong “Khu vườn mùa hạ”. Đó là sự đùm bọc lẫn nhau của Sakurai, Eriko Yuichi, sưởi ấm cho nhau những ngày bất hạnh nhất của cuộc đời. Đó là Aya bạc mệnh trong "Một lít nước mắt", nhưng cô may mắn được sống cuộc đời dù ngắn ngủi - giữa vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội. Đó là Tugumi thương yêu cuộc sống và người thân theo cách kì cục của một con người bệnh tật, nhưng đầy khát vọng sống khỏe mạnh hồn nhiên. Đó cũng là Kiwako trong “Bản năng” đã thương yêu đứa trẻ, con người tình phụ bạc mà cô bắt cóc, bằng một tình mẫu tử đớn đau và ngọt ngào. Ngay cả Koko - nhân vật nữ của Y.Ami trong "Sống lưng của Jesse" cũng làm ta bất ngờ. Ta những tưởng cô chỉ biết những cuộc làm tình bất tận. Thế nhưng, trước những cố gắng chăm sóc đứa con riêng khó dạy bảo của tình nhân mà cô hoàn toàn tự nguyện đón nhận, người đọc phải thay đổi cách nhìn về cô. Cảm động nhất là câu chuyện về giáo sư toán học và hai mẹ con người giúp việc: “niềm vui, đam mê toán học, sự ân cần, lòng kiên nhẫn, tình yêu và niềm tin…đã hòa quyện trong mối quan hệ kì lạ giữa ba con người, để rồi vĩnh viễn thay đổi cuộc đời họ…” [5, trang bìa]. Tác phẩm “Totto - chan cô bé bên cửa sổ” là một tác phẩm có vị trí đặc biệt ở Việt Nam và trên thế giới. Có lẽ do có quá nhiều truyện tranh (manga) dành cho thiếu nhi, nên truyện chữ viết về giáo dục trẻ thơ trong văn học Nhật được dịch ở Việt Nam rất ít. Thế nhưng, chỉ cần một tác phẩm “Tottochan” đáng yêu là đã bằng nhiều cuốn sách hay về thiếu nhi và giáo dục thiếu nhi cộng lại. Mang đậm yếu tố tự truyện, tác phẩm đã được biêt bao trẻ em hồn nhiên và các bậc phụ huynh cùng thầy cô giáo khả kính yêu thích.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, khi mà vấn đề nữ quyền ngày càng được quan tâm, khi mà phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí của mình trên mọi lãnh vực thì văn học nữ lưu ngày càng có những thành tựu mới. Nhật Bản là một đất nước có truyền thống văn chương nữ lưu độc đáo nhất trên thế giới, nên sự đóng góp to lớn của bộ phận văn xuôi nữ lưu đương đại Nhật Bản gần như là một điều hết sức tự nhiên, không hề gây ra sự bất ngờ cho độc giả toàn cầu, trong đó có bạn đọc Việt Nam.
Có thể khẳng định sự xuất hiện của dòng văn chương nữ lưu đương đại trên thế giới là một hiện tượng văn học độc đáo trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mỗi một dòng văn học nữ lưu đương đại của mỗi dân tộc đều có nguyên nhân khách quan và nội tại để phát sinh và phát triển. Chúng ta không thể không thấy sự tương tác, ảnh hưởng, kế thừa, tiếp thu có sáng tạo, và tất nhiên, có cả sự cạnh tranh giữa các hiện tượng văn học này như một động lực thúc đầy đầy thú vị. Trong đó, dòng văn chương nữ lưu đương đại Nhật Bản nổi bật lên như một trong những điểm sáng nhất của văn chương nữ lưu đương đại toàn cầu.
H.T.X.V