Ghi nhận từ Đại hội - Hoài Ngân

11.11.2014

Ghi nhận từ Đại hội -  Hoài Ngân

Những ngày này Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đang được triển khai thực hiện. Bằng những kế hoạch hoạt động thiết thực và hiệu quả, văn học nghệ thuật cũng đồng hành với cả nước nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là đời sống văn học nghệ thuật. Hòa cùng với thực tế sôi động đó, Đại hội kết thúc nhiệm kỳ 2008-2013 của các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật thành phố cũng đã thành công tốt đẹp, tạo sinh khí mới trong hoạt động sáng tạo của giới văn nghệ Đà Nẵng. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi văn nghệ sĩ Đà Nẵng lại trang trọng tổ chức Đại hội Văn học-Nghệ thuật thành phố lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

Đại hội được chính thức khai mạc vào sáng ngày 24/9/2014 tại Khách sạn Công Đoàn thành phố Đà Nẵng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, đồng thời cũng là sinh hoạt nghề nghiệp của những người hoạt động văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng.

Gần hai trăm năm mươi đại biểu của 9 Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật thành phố đã về dự Đại hội. Những mái đầu đã ngả màu sương gió bên những mái đầu xanh cùng nhau sẻ chia những vui buồn, nỗi niềm của người cầm bút, cầm máy lặng lẽ sáng tác làm nên tác phẩm dâng tặng cho đời trong chặng đường năm năm qua.

Hội trường trở nên ấm áp hơn khi được vinh dự đón tiếp Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng,Vụ phó Vụ văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn-Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; đại diện lãnh đạo một số Hội chuyên ngành Trung ương và các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, thành phố Hải Phòng kết nghĩa đến chúc mừng Đại hội. Còn mong gì hơn thế nữa về trách nhiệm, sự quan tâm, niềm động viên và ghi nhận của các cấp lãnh đạo và giới văn học nghệ thuật anh em trong nước dành cho văn nghệ sĩ Đà Nẵng trong dịp trọng đại này.

Văn học nghệ thuật là quá trình chắt lọc những cái đẹp trong cuộc sống và sáng tạo nên những tác phẩm phục vụ công chúng, và người làm nên những sáng tạo ấy là văn nghệ sĩ. Hoạt động văn học nghệ thuật và thực tế sáng tạo của văn nghệ sĩ Đà Nẵng những năm qua là mối quan tâm và ray rứt không chỉ với người cầm bút mà còn đối với những ai lưu tâm đến văn học nghệ thuật. Những điều đó đã được giải trình qua Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2009-2014 và phương hướng nhiệm vụ trong 5 năm đến.

Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn-Phấn đấu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật xứng đáng với thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại”, báo cáo đã nêu rõ trong năm năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật diễn ra sôi nổi ở Đà Nẵng. Mặc dù phải khắc phục những khó khăn, thử thách về nhiều mặt, văn học nghệ thuật vẫn giữ được bản sắc dân tộc cùng với những tìm tòi sáng tạo mới phục vụ thị hiếu đa dạng của công chúng thành phố. Các Hội chuyên ngành đã tăng cường hoạt động thể hiện dưới nhiều hình thức hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu tác giả-tác phẩm, triển lãm, thực tế sáng tác, trại sáng tác, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, phối hợp hoạt động, giao lưu, quảng bá tác phẩm…dẫu bên cạnh đó những tác phẩm lớn, phản ánh sâu sắc về con người tiêu biểu ở các tầng lớp, sự chuyển biến của xã hội và sự đấu tranh với những tiêu cực tồn tại chưa nhiều; sự thiếu vắng của những văn nghệ sĩ trẻ trong sáng tạo và tham gia điều hành các Hội; việc xã hội hóa trong hoạt động chưa đạt hiệu quả cao…Song với những hoạt động đi vào thực chất và những thành tựu đạt được, văn học nghệ thuật Đà Nẵng đang phát triển tiến bộ và lành mạnh, gắn bó với cuộc sống sôi động của thành phố, thể hiện được tính chất chính trị-xã hội-nghề nghiệp của Hội.

Với tình cảm thân thiết và trách nhiệm giữa những người anh em trong ngôi nhà chung của văn học nghệ thuật, đại biểu văn nghệ sĩ tham dự Đại hội đã đồng thuận với nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ đến “Phấn đấu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng thành một trong những nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố. Tập trung đầu tư để có nhiều tác phẩm có chất lượng, phản ánh sinh động quá khứ hào hùng và hiện thực năng động của thành phố nhằm động viên, cổ vũ sự nghiệp xây dựng Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh, hiện đại; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao theo hướng chân-thiện-mỹ”.

Năm năm của chặng đường phát triển văn học nghệ thuật 2009-2014 đã trôi qua, những năm sắp đến cần phải có sự đổi mới và bứt phá để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Những suy tư, trăn trở trong hoạt động văn học nghệ thuật đã được bày tỏ qua nhiều ý kiến phát biểu và tham luận của các chuyên ngành văn học nghệ thuật trình bày tại Đại hội. Mỗi tham luận như một lời tâm tình, chia sẻ với tinh thần xây dựng về những điều đã đạt được cùng những gì còn chưa trọn vẹn của người làm văn nghệ và đặt ra những vấn đề đáng quan tâm không chỉ cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa với tham luận “Nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của công chúng hiện nay?” nhấn mạnh vai trò của âm nhạc trong đời sống “Ở đâu, lúc nào âm nhạc cũng có thể vang lên, giải trí và giãi bày, chia sẻ và kết nối, thiết thân và hữu ích, ngợi ca và tâm tình, quý trọng và yêu thương…” và từ đó nêu lên vấn đề mà người nhạc sĩ cần phải quan tâm trong hoạt động âm nhạc “…ngoài những loại hình truyền thống và phổ biến trong đời sống âm nhạc, cần chú ý đến những loại hình mới, cách hưởng thụ và tiêu khiển mới của công chúng như: âm nhạc đường phố, âm nhạc gia đình, âm nhạc nhóm bạn, âm nhạc của học sinh-sinh viên, âm nhạc cho người cao tuổi, âm nhạc trong cơ quan, âm nhạc của tôn giáo…”. Vậy là hơn ai hết, những nhạc sĩ Đà Nẵng phải ý thức điều này để từ đó tạo ra môi trường, hướng dẫn, tiếp sức và phát triển cho phù hợp với nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của người Đà Nẵng hiện nay.

    “Thực trạng của sân khấu Tuồng với diễn viên trẻ và khán giả trẻ hôm nay” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng là nỗi niềm suy tư trước sự dậm chân của  một loại hình nghệ thuật dân tộc“Sân khấu dân tộc của cả nước và của Đà Nẵng hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn và thử thách. Khán giả đang mất dần thói quen đến rạp, mất dần thói quen đi xem tuồng đặc biệt là khán giả trẻ”. Theo nhìn nhận của một diễn viên từng sống chết với nghề, thì “Ngoài những yếu tố khách quan bản thân sân khấu còn thiếu những tài năng thật sự, thiếu những kịch bản hay, những vở diễn mới, bên cạnh đó công tác đào tạo còn bất cập, chế độ đãi ngộ của nhà nước chưa thỏa đáng...Phải chăng cần có chính sách chế độ đãi ngộ phù hợp để họ có điều kiện phát huy hết năng lực sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân”. Đó hẳn cũng là niềm mong ước không chỉ riêng của những người hoạt động trên lĩnh vực sân khấu Đà Nẵng.

    Tham luận “Thơ và sự tồn tại của Thơ”của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy nêu lên một thực tế trong đời sống văn chương hiện nay mà chúng ta không thể không nhìn thấy “Thơ đang dần vắng bóng trên các trang báo ra hàng ngày, hàng tuần…Thế nhưng số lượng những người làm thơ, số lượng các tập thơ được xuất bản hằng năm thì ngày lại càng tăng. Thơ và người làm thơ nhiều lên trong khi sự yêu thích, mến chuộng, đam mê thơ ở người đọc lại gần như không còn…”. Từ thực tế đó, đã có lúc nhà thơ tự đặt ra câu hỏi: “Thơ có vai trò gì trong đời sống chúng ta? Và chúng ta phải làm gì để thơ còn tồn tại như một nâng đỡ cứu chuộc cho đời sống con người?”, và tác giả đã bày tỏ quan điểm về sáng tác thơ “Để thơ thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo thì những người làm thơ chúng ta không có quyền dễ dãi. Cả trong suy tư cảm xúc. Cả trong tư tưởng. Và nhất là trong lao động để tạo ra ngôn ngữ thơ...”. Có thể nói rằng giá trị của tác phẩm Thơ được tạo nên bởi sự cộng hưởng của nhiều cá thể: người sáng tác, người thưởng thức, người biên tập và người phê bình tác phẩm nhưng trong đó người sáng tác là quan trọng nhất. Một điều cũng không thể khinh xuất là hãy định giá những tác phẩm Thơ trong sự vận động, thể nghiệm và đa chiều để có được sự đổi mới có giá trị thật sự của thơ ca.

      Điều trăn trở không chỉ của riêng đạo diễn Dương Mộng Thu- đại diện cho thế hệ làm phim tài liệu hôm nay, mà còn là nỗi trăn trở của những bậc đàn anh, đàn chú trong lĩnh vực phim tài liệu từ nhiều năm trước là “Làm thế nào để phim tài liệu Việt Nam hòa nhập với phim tài liệu thế giới”. Tham luận đã bóc tách rõ sự khác biệt giữa phim tài liệu Việt Nam với thế giới “Phim tài liệu Việt Nam thường chú trọng nhiều về kỹ thuật, được quay rất tốt, rất trau chuốt về mặt hình ảnh, thường đưa vào quá nhiều lời bình, hầu như lời bình dẫn dắt bộ phim và định hướng luôn cho người xem.Với thế giới thì kỹ thuật không phải là điều quan trọng nhất mà quan tâm nhiều đến câu chuyện bằng hình ảnh trong phim, lời bình thậm chí ngay cả lời nói của nhân vật cũng chỉ là yếu tố bổ sung. Hình ảnh và âm thanh mới là thứ mà người làm phim muốn cống hiến cho bộ phim”. Một quan niệm làm phim mới cần phải nghiên cứu trong thời kỳ mà phim tài liệu đang bùng nổ và phát triển trên thế giới. Điều đó có nghĩa là để hòa nhập với thế giới thì trước hết cần phải thay đổi quan niệm và cần có sự đầu tư thích đáng đối với phim tài liệu.

    Bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của thế hệ nghệ sĩ cao niên, NSND Lê Huân qua tham luận “Văn nghệ sĩ cao tuổi thành phố Đà Nẵng với công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc” vừa bày tỏ niềm say mê sáng tác của những tác giả văn nghệ sĩ Đà Nẵng lứa tuổi U80 – U90 “…vẫn chưa đến nỗi đi ba chân hoặc bò bốn cẳng; vẫn còn rong ruổi trên xe đạp, xe máy hàng ngày và đầy ắp những dự định sáng tạo” vừa thể hiện sự quan tâm, bồi dưỡng, chia sẻ với lớp trẻ trong nghệ thuật “…nên biết yêu chúng và gần chúng, cần phải biểu dương ngay những khám phá, những thành công của lớp trẻ và đừng nghĩ là mình đã hoàn thiện” và xác định niềm tin vào đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, xem đó là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Đến với Đại hội này, đâu chỉ có văn nghệ sĩ mới nặng lòng mà các cấp lãnh đạo cũng luôn quan tâm về sự phát triển của văn học nghệ thuật thành phố trong những năm tới.

Với tình cảm nồng nhiệt, đầy trách nhiệm của người lãnh đạo - người anh cả trong giới văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam đã bày tỏ niềm vui trước sự khởi sắc trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu phê bình, xây dựng và phát triển đội ngũ của văn học nghệ thuật Đà Nẵng qua lời nhận định về thành tựu: “ Đồng thuận, yên ấm, phát triển, hiệu quả” và ân cần nhắc nhở về nhiệm vụ nặng nề của văn nghệ sĩ làm sao khắc phục ngày càng hiệu quả tính nghiệp dư trong sáng tác, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng nghiên cứu phê bình, ngày càng có nhiều tác phẩm có chất lượng với nội dung, phong cách đổi mới để góp phần đưa văn học nghệ thuật đi vào lòng người, tạo được sự đồng điệu giữa người nghệ sĩ và công chúng, tiến đến chiếm lĩnh công chúng mới...

Trách nhiệm của văn nghệ sĩ thành phố một lần nữa được xác định thêm khi Đại hội được đón nhận sự quan tâm nhắn nhủ của đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng trong không khí hân hoan của ngày hội của những người hoạt động văn học nghệ thuật: “Tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của văn học nghệ thuật trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Thành ủy Đà Nẵng; đề cao trách nhiệm văn nghệ sĩ trước dân tộc và thời đại, tập trung sức sáng tác để có nhiều tác phẩm hay,thấm nhuần tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh hiện thực sinh động của thành phố, đất nước; tăng cường rèn luyện bản lĩnh nhất là đối với văn nghệ sĩ trẻ; chú trọng xây dựng, củng cố về tổ chức, thực hiện trách nhiệm là đầu mối đoàn kết và tập trung năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ các Hội chuyên ngành; đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động của Hội nhằm hoàn thành phương hướng nhiệm vụ Đại hội đã đề ra, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng thành phố phát triển bền vững. Đảng bộ và chính quyền thành phố sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động tốt hơn nữa ...”.

Ghi nhận và trân trọng. Gần gũi và chân tình. Những người hoạt động văn học nghệ thuật thành phố hiểu rõ được điều đó qua sự gửi gắm và định hướng của lãnh đạo Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam và Thành ủy Đà Nẵng. Cảm nhận ấy như lan tỏa khắp hội trường, tạo nên sự thôi thúc trong lòng người sáng tạo.

Tại Đại hội, nhiều khen thưởng cao quí Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, Cờ thi đua xuất sắc năm 2014 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nhân văn” của Thành ủy Đà Nẵng, Bằng khen của Ủy ban nhân thành phố ghi nhận về thành tích hoạt động trong nhiệm kỳ qua đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, đồng chí Võ Công Trí và đồng chí Văn Hữu Chiến trao tặng cho văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Đón nhận sự khen thưởng này cả Đại hội đều tự hào bởi niềm vui và vinh dự ấy không chỉ dành cho những người hoạt động văn học nghệ thuật mà còn thuộc về Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.

Sau hai ngày làm việc đầy trách nhiệm và thống nhất cao, Đại hội đã thành công tốt đẹp. Một Ban Chấp hành mới gồm 15 thành viên và Ban Thường vụ gồm 5 thành viên được bầu đã ra mắt Đại hội. Những gương mặt rạng rỡ, những bàn tay nắm chặt thân tình, những bó hoa tươi thắm được trao tay giữa lãnh đạo Hội của hai nhiệm kỳ đã thể hiện sự chuyển giao, đồng tâm, gắn bó, chia sẻ và tin tưởng vào sự đổi mới, sự phát triển của Hội.

Văn học nghệ thuật thành phố đã bước sang một giai đoạn mới, từ những ngày cuối tháng Chín-khởi nguyên mới của lịch sử dân tộc này.

 

 

H.N