Từ các cuộc bút chiến của Phan Khôi - Huỳnh Hùng

11.11.2014

Từ các cuộc bút chiến của Phan Khôi  -   Huỳnh Hùng

Ở nước ta, thập niên 30 của thế kỷ trước xảy ra nhiều cuộc bút chiến tưng bừng, nảy lửa mà trước và sau đó rất hiếm thấy. Các cuộc bút chiến này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà thực tiễn và lý luận đang đặt ra lúc bấy giờ... Trong quyển Phê bình văn học Thế hệ 1932 (Phong trào Văn hóa, Sài Gòn, 1972), Thanh Lãng gọi các cuộc bút chiến này là các Vụ án. Và theo ông, giai đoạn này có đến 10 vụ án - bút chiến đã diễn ra. Đó là: 1/ Báo chí, 2/Cái cũ cái mới, 3/Phan Khôi- Trần Trọng Kim, 4/Tản Đà- Phan Khôi, 5/Quốc học, 6/Thơ cũ- Thơ mới, 7/Duy tâm- Duy vật, 8/Nghệ thuật vị nghệ thuật- Nghệ thuật vị nhân sinh, 9/Cô giáo Minh và Lá ngọc cành vàng, 10/Hàn Mặc Tử.

 

            Các nhà nghiên cứu cho rằng, có hai người chủ yếu xây dựng sự nghiệp của mình thông qua các cuộc bút chiến, đó là nhà văn, nhà báo Phan Khôi và nhà văn, nhà báo Hải Triều. Tìm hiểu trong 10 cuộc nói trên thì Hải Triều chỉ tham gia 2 cuộc (số 7 với Phan Khôi và số 8 với Thiếu Sơn), còn Phan Khôi tham gia đến 7 cuộc (từ số 1 đến số 7). Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, năm 1928, Phan Khôi còn tham gia một cuộc bút chiến khác về quan hệ Việt- Pháp thời Gia Long. Điều đáng lưu ý là phần lớn các cuộc bút chiến này do Phan Khôi châm ngòi. “Phan Khôi có thể được coi là một tay chiến sĩ đáng sợ đã khua động cái cảnh bình lặng tù hãm của văn đàn Việt Nam” (Thanh Lãng, sđd).

 

Đối tượng bút chiến của Phan Khôi hầu hết là bậc thức giả nổi tiếng đương thời như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Lê Dư…Ông bút chiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đến tư tưởng, triết học; từ lịch sử, xã hội đến ngôn ngữ, văn chương, thơ phú…Khi đã vào cuộc thì ông tranh luận quyết liệt, đến cùng, nhiều lần đẩy đối phương đến chỗ đuối lý. Qua bút chiến với ông, Trần Trọng Kim buộc phải chỉnh sửa bộ sách Nho giáo của mình khi tái bản năm 1932; còn Huỳnh Thúc Kháng phải thừa nhận (sau khi tranh luận với Phan Khôi về một số vấn đề lịch sử cận đại): Nói cái lỗi của ta là điều may mắn cho ta… (Tiếng Dân, 20/5/1928). Vậy điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy ở Phan Khôi qua các cuộc bút chiến là một học giả uyên bác, thâm sâu về kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau!

 

Để có được khối lượng kiến thức uyên bác, thâm sâu như vậy, Phan Khôi đã thể hiện khả năng tự học rất đáng khâm phục. Bởi ông chỉ tốt nghiệp tú tài Hán học, sau đó bị tù tội, rồi vào Nam ra Bắc vừa hoạt động xã hội vừa mưu sinh chủ yếu  bằng nghề viết báo.

 

Qua bút chiến, Phan Khôi thể hiện một tinh thần đổi mới mạnh mẽ cùng với cái nhìn vượt thời đại. Tinh thần đổi mới của ông thể hiện trước hết ở chỗ tự đánh giá, tự nhận thức về chính đất nước mình, dân tộc mình. Chống lại những người tự tôn dân tộc một cách thiếu cơ sở, ông cho rằng thực tế dân tộc mình chưa có một nền quốc học (bút chiến về với Phạm Quỳnh, Lê Dư). Ông còn cho người Việt mình có một số thói xấu, kém văn minh hơn người phương Tây (bài Cái cười của con Rồng cháu Tiên. Từ bài này dẫn đến bút chiến với Tản Đà). Tranh luận về triết học, ông chỉ ra cho mọi người thấy là trình độ của người mình đang ở đâu: Chúng ta, người Việt Nam đây, phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất là bởi thua kém về tinh thần. Ta nên biết cái trình độ của ta nằm vào khoảng Trung thế kỷ của châu Âu, còn tối tăm lắm, còn vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách! Nghe lời ba cái anh nói dóc ấy mà thêm hại (Phụ nữ Thời đàm, 04/10/1933).

 

Từ chỗ nhìn thẳng vào thực tế như vậy, ông là người đi tiên phong đổi mới trên nhiều lĩnh vực: ngay từ năm 1929, ông là người đầu tiên ở nước ta đặt vấn đề nam nữ bình quyền. Trước Khái Hưng, Nhất Linh của Tự lực văn đoàn, từ 1931, ông đã công kích chế độ gia đình phong kiến, chống lại sự cưỡng bức hôn nhân. Sau đó, với bài viết: Một lối thơ trình chánh giữa làng thơ cùng với bài thơ Tình già (Phụ Nữ Tân Văn, 10/3/1932), ông đã nổ phát súng đầu tiên làm cuộc cách mạng long trời lở đất trên lĩnh vực thi ca: khai sinh ra phong trào Thơ mới! Chính vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều người có tư tưởng đổi mới thời bấy giờ cũng phải thốt lên rằng: Phan Khôi mới quá!

 

            Là người say mê Luận lý học (logique), cho rằng luận lý học cai trị mọi sự ở đời, Phan Khôi luôn coi trọng lý lẽ, lấy lý lẽ làm vũ khí để tranh luận nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Khi bút chiến, ông không kiêng dè, vị nể bất cứ người nào, không để tình cảm riêng chi phối vấn đề đang tranh luận. Như nhà báo Huỳnh Thúc Kháng là người đồng hương, là bậc đàn anh trong phong trào Duy Tân, nhưng ông vẫn tranh luận quyết liệt cả thảy đến 5 lần. Như học giả Lê Dư là người em rể trong nhà, nhưng khi tranh luận thì ông vẫn “đấu” đến cùng. Bấy giờ, các học giả Phạm Quỳnh, nhà báo Trịnh Đình Rư và Phan Khôi đều chống lại quan điểm của học giả Lê Dư về quốc học. Khi bút chiến, Lê Dư chỉ nhắc đến Phạm Quỳnh, Trịnh Đình Rư nhưng không nhắc đến Phan Khôi. Thế là ông thẳng thừng lên tiếng ngay: Ông Lê có lòng tốt với tôi như vậy nỡ nào tôi đi phụ cái lòng của ông ấy. Song tôi nghĩ, cái chân lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc này, tôi phải để mình về bên hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài này cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy (PNTV, /1931). Đặt chân lý lên trên tình cảm, quan điểm Phan Khôi bắt gặp quan điểm của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristote: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!”. Và ở Xứ Quảng, cũng từ khá lâu, đã xuất hiện một thành ngữ: Lý sự quá Phan Khôi!

 

            Mặc dù khi bút chiến thì Phan Khôi luôn tranh luận quyết liệt, nảy lửa nhưng trước sau ông vẫn kiểm soát ngòi bút của mình. Ông chỉ dùng lý lẽ chứ không ngụy biện. Trên văn đàn thời kỳ này đã xảy ra hiện tượng là không ít cây bút thể hiện sự tự do quá trớn, lợi dụng phê bình, tranh luận  để công kích, chế diễu, chê bai, mạt sát đồng nghiệp hoặc đối thủ trên văn đàn. Ví như nhóm Tự lực Văn đoàn đã chế diễu hai ông chủ bút của Đông Dương Tạp chí và Nam Phong Tạp chí là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh: Nước ta có hai người tài/ Thứ nhất sừ  Ĩnh thứ hai sừ Uỳnh/ Một sừ béo núng rung rinh/ Một sừ lẻo đẻo như hình cò hương/ Không vốn liếng, chẳng ruộng nương/ Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu…(Phong Hóa, 22/11/1932). Ngay cả Phan Khôi cũng bị Tứ Ly (Hoàng Đạo) cà khịa qua bài Trẻ con hay người lớn (Phong Hóa số 75); còn nhà thơ Tản Đà thì quá mất bình tĩnh, dùng lời lẽ nặng nề: Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi! (An Nam Tạp chí, 23/1/1932). Ngược lại, Phan Khôi luôn có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Lúc thì sử dụng lối văn chính luận sắc sảo, khi thì  bông đùa bằng tiểu phẩm, nhưng ông chỉ tranh luận ở góc độ học thuật chứ tuyệt nhiên không bêu xấu cá nhân.

 

            Sở dĩ ngòi bút Phan Khôi tả xung hữu đột trên nhiều mặt trận như vậy, không thể không nói đến môi trường xã hội khá thông thoáng thời kỳ này. Bấy giờ, báo chí phát triển tương đối mạnh; một tầng lớp trí thức, học giả tài năng trên nhiều lĩnh vực xuất hiện; và mọi người có thể tự do tranh luận, tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, nhất là về các vấn đề xã hội, văn hóa, văn học…Chính nhờ những cuộc tranh luận - bút chiến này mà nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, chân lý được khẳng định.

 

            Sau năm 1954, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở miền Bắc, Phan Khôi tham gia Nhân văn - Giai phẩm, trở thành một trong những người chủ chốt của phong trào này. Qua bài viết Phê bình lãnh đạo văn nghệ, ông phân tích thực chất tình hình hoạt động văn nghệ thời bấy giờ, đề nghị văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo… Có thể nói đây là bài viết tiêu biểu nhất cho tính cách hay cãi của Phan Khôi, tiêu biểu nhất cho sự trung thực, thẳng ngay, bản lĩnh, không kiêng nể một ai của ông. Nếu trong một bối cảnh khác thì đây có thể là một đề tài bút chiến sôi nổi, hấp dẫn, thu hút nhiều người tranh luận. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể lúc này, không có cuộc tranh luận nào, không có cuộc bút chiến nào diễn ra, không có thêm một vụ án văn học mà chỉ có vụ án cuộc đời. Ông bị quy cho là phản động (?), là thành phần từng là tay sai với mật thám Pháp (?), nghĩa là người ta bỏ bóng đá người- điều mà một người đề cao luận lý học như ông chẳng bao giờ nghĩ đến. Và rồi từ đấy, ông bị thân bại danh liệt, mất hết mọi quyền lợi, gây ra hệ lụy cho cả gia đình, con cái suốt một thời gian dài!

 

            Ngày nay, với độ lùi cần thiết của thời gian, chúng ta cần bình tĩnh đánh giá lại một số vấn đề tồn đọng của lịch sử, trong đó có trường hợp của nhà báo, nhà văn, nhà tư tưởng Phan Khôi. Cái đúng, cái sai cần phải được minh định một cách cụ thể, công bằng, khách quan. Làm được như vậy là trách nhiệm của chúng ta chứ thực tế thì ông Phan Khôi có cần gì đâu. Sinh thời, trước mọi biến động của thế sự, trước các hiểm họa của cuộc đời, ông vẫn bình tâm, ung dung, tự tại, ngâm nga câu vè tự sáng tác rằng:

 

            Làm sao cũng chẳng làm sao,

            Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.

            Làm chi cũng chẳng làm chi,

            Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!

 

                                                                        H.H