Nhu cầu hưởng thụ âm nhạc hiện nay của công chúng Đà Nẵng? - Trần Ái Nghĩa

11.11.2014

Nhu cầu hưởng thụ âm nhạc hiện nay của công chúng Đà Nẵng? -  Trần Ái Nghĩa

 

 

Tôi đã sống ở thành phố này hơn bốn mươi năm. Gắn bó với phong trào âm nhạc Đà Nẵng gần ba mươi lăm năm. Yêu Đà Nẵng và say sưa với âm nhạc đến tận bây giờ...Tôi có thể kể rành mạch  về đời sống âm nhạc của cư dân Đà Nẵng, có thể đọc tên vanh vách những người của nhiều thế hệ, là tài năng âm nhạc, đã cống hiến và thành công ở Đà Nẵng mấy chục năm  qua.. Nhưng hôm nay , khi viết những dòng này, bất giác tôi nhìn thấy những điều mới lạ về: nhu cầu hưởng thụ âm nhạc hiện nay của công chúng Đà Nẵng, để cùng biết và cùng chia sẻ.

Rất nhiều lần tôi được mời làm Giám khảo của những cuộc Liên hoan, Hội diễn, Hội thi, xem những chương trình hoành tráng, có chủ đề, nội dung tốt, tiết mục được đầu tư công phu , đa dạng về hình thức, phong phú  về màu sắc, chất lượng về nghệ thuật và đông đảo quần chúng tham gia ... Những chương trình như thế kinh phí cũng như công sức đầu tư tập luyện của các đơn vị và lực lượng văn nghệ quần chúng không  ít tốn kém. Đó là chưa nói đến tốn kém của Ban tổ chức về trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang trí, giải thưởng v.v... Thế nhưng… khi ngoái nhìn lại phía sau mình là một hội trường với toàn những ghế  trống, không có người xem mà chỉ  có Ban giám khảo, Ban tổ chức và diễn viên!  Những lúc ấy tôi như bị mất phương hướng, mất niềm tin, thất vọng vì niềm đam  mê âm nhạc  mà mình đã dấn thân… Tôi thầm hỏi đâu rồi những khán giả nhiệt tình của Đà Nẵng một thời ?  Ở lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật có thu, chuyên nghiệp, các nhà tổ chức với quy mô còn hoành tráng hơn, lực lượng diễn viên toàn những ngôi sao, biên đạo, đạo diễn chương trình toàn nghệ sĩ tên tuổi, thiết bị âm thanh, ánh sáng , trang trí, sân khấu hiện đại mang tầm quốc gia, quốc tế... Và tiền đầu tư một chương trình như thế ít nhất phải từ 2,3 tỉ trở lên... có chương trình lên đến 10 tỉ... Quy mô là thế ! Lực lượng tài năng là thế ! Tiền nhiều thế ! Nhưng nhiều nhà tổ chức cũng vẫn  hớt hơ, hớt hải... lo đến mất ăn, mất ngủ khi tổ chức chương trình...Nhiều Đoàn nghệ thuật đến Đà Nẵng diễn, phải dùng đến công văn Bộ này, giấy giới thiệu cơ quan nọ, tổ chức những ê kíp có kinh nghiệm trong việc kinh doanh đến tận từng hộ dân để mong bán được vé,... Đáp số cuối cùng là vẫn vắng khán giả và nhiều nhà tổ chức đã bị khánh kiệt đến nợ nần... Giới nhạc sĩ chúng tôi, một số người có tác phẩm và đứng được trong lòng công chúng, có người được số nhà tài trợ ủng hộ kinh phí tổ chức để làm chương trình: Giới thiệu tác giả - Tác phẩm, kinh phí lên tới 7, 8 trăm triệu... Nhưng rồi tính tới, tính lui... vẫn không đủ tự tin để thực hiện chương trình, khi đã nhìn thấy một số nhạc sĩ trước đó  làm và kết quả sau đó là gì...!  Dẫu biết rằng đã là một nhạc sĩ sự kiện ấy chính là dấu ấn nghề nghiệp của đời người.

Có phải người Đà Nẵng bây giờ không còn yêu thích âm nhạc được đầu tư, dàn dựng công phu? Cho âm nhạc là một sản phẩm tinh thần xa xỉ  và lạ lẫm? Hay âm nhạc quá nhiều đến mức dư thừa trên các kênh truyền hình? Hoặc quá bận rộn công việc làm ăn nên không có thời gian giải trí âm nhạc? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra là bấy nhiêu nỗi niềm không thể lý giải!.  Nhưng đâu hẳn  thế, bởi  có trường hợp chỉ cần nghe đến tên tuổi một thần tượng thôi thì người ta đã chen nhau mua vé, mà có khi phải mua vé chợ đen.

Thế nhưng ở một góc khác của đời sống âm nhạc tại Đà Nẵng, người yêu nhạc lại có cách khác, quy mô khác trong sinh hoạt âm nhạc của mình.

Một lần tình cờ, tôi gặp nhóm các anh chị có tuổi từ 50 trở lên, họ đi mua hai đàn guitar, một mandolin và một trống ca- dong. Thái độ của họ rất hào hứng và vui vẻ. Tôi được biết họ mua về lập nhóm để hát với nhau trong xóm và họ cho biết: “ Nhóm của bọn tôi lập hơi trễ vì đến nay mới có đủ kinh phí ! Thực ra chúng tối đã sinh hoạt với nhau những khi rỗi việc, những ngày lễ, những dịp vui chơi trong khu dân cư của mình từ lâu rồi và thỉnh thoảng giao lưu với các nhóm bạn ở khác xóm , khác xã v.v…”.  Lần khác, tôi ghé chơi nhà riêng của một kỹ sư ở đường 2/9 , trước đây anh học ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Thấy tôi ngạc nhiên khi trong nhà anh gần như sắm đủ trang thiết bị và nhạc cụ của một ban nhạc. Anh bảo: “ Ngày xưa đi học mê nhạc lắm nhưng không có điều kiện… Bây giờ công việc và đời sống gia đình tạm ổn, tôi thực hiện niềm đam mê, yêu thích của mình..như một số bạn bè tôi đã làm.  Để những lúc cần thư  giãn cả nhà chơi với nhau, có khi cả bạn bè tụ tập tham gia nữa, vui và tiện lắm anh ạ.”  Mùa hè vừa qua, có dịp loanh quanh các điểm du lịch và giải trí như : Sơn Trà, Suối Đá, Tiên Sa, Non Nước… Xa hơn như Hòa Phú Thành, Suối Lương, Phước Nhơn, Suối Hoa, Bà Nà… Tôi bắt gặp từng nhóm nam nữ thanh niên,  học sinh - sinh viên với đàn guitar và trống cadong vui vẻ hát hò…  rất say sưa và hào hứng . Họ hát đủ thể loại âm nhạc tùy theo “gu” của mình. Ở các cuộc Liên hoan ban – nhóm nhạc do trường hay Đoàn , Hội Liên hiệp Thanh niên tổ chức, các em lại rủ nhau lập nhóm, tập luyện, thể hiện và tôi thấy rằng nó đa dạng về hình thức và phong phú về thể loại âm nhạc. Ngoài những đối tượng trên, thỉnh thoảng tôi cũng có dịp gặp gỡ những nhóm cán bộ - công nhân viên tụ tập hát hò, tâm tình những dịp cuối tuần, những ngày nghỉ lễ tại nhà riêng, trong khoảnh vườn xinh xắn của nhóm hoặc trong những nhà hàng, quán nhậu yên tĩnh và thích hợp. Thành phố chúng ta còn có đối tượng mà mới thoạt nghe, cứ ngỡ họ không thể nào vui chơi và hào hứng với âm nhạc nữa, trái lại họ lại rất say sưa và nhiệt tình, đáng nể phục đó là những người cao tuổi mà tiêu biểu là CLB Thái Phiên qua các Hội thi, Hội diễn.  Các cụ ông, cụ bà nhiệt tình và nghiêm túc từ sưu tầm tìm kiếm bài vở, đến tập luyện và biểu diễn... Ở  đây,  tôi chưa đề cập đến những nhóm nhạc, các ca đoàn của các tôn giáo, Âm nhạc đường phố diễn ra thời gian qua trong các dịp lễ hội…

Qua những sự việc, những đối tượng nêu trên, cho chúng ta thấy rằng công chúng vẫn còn một tình yêu nồng nàn và say sưa với âm nhạc. Chỉ có điều họ đang đi tìm cái cách tiêu khiển  âm nhạc đúng với nhu cầu và sở thích của họ, gần gũi, giản đơn, thiết thân, cơ động, gọn nhẹ, bình dân… Không cầu kỳ, không hoành tráng, không xa lạ… và quan trọng nhất họ không chỉ là người thưởng thức, người cảm thụ mà muốn mình trở thành người thể hiện, người biểu diễn âm nhạc, theo cái “ gu”âm nhạc mà mình yêu, mình thích.

Cuộc sống hiện nay “Cái mặc”,“Cái ăn” không còn là vấn đề quá bận tâm lo nghĩ. Bây giờ chúng ta còn phải chọn lọc, tìm cách hạn chế sự dư thừa, ảnh hưởng đến sức khỏe… Thế nhưng đối với những loại hình văn học – nghệ thuật trong đó có  âm nhạc, với cuộc sống hiện nay  là một nhu cầu không giới hạn, nó cần thiết cho con người ở lĩnh vực giải trí, giáo dục, hướng đến CHÂN – THIỆN – MỸ và không có điểm dừng...  Ở đâu, lúc nào  âm nhạc cũng có thể vang lên, giải trí và giãi bày, chia sẻ và kết nối, thiết thân  và hữu ích, ngợi ca và tâm tình, quý trọng và yêu thương… Vì thế đối với công chúng yêu nhạc hiện nay, ngoài những loại hình truyền thống và phổ biến trong đời sống âm nhạc, chúng ta cần chú ý đến những loại hình mới, cái cách hưởng thụ và tiêu khiển mới của công chúng Đà Nẵng như: Âm nhạc đường phố, Âm nhạc gia đình, Âm nhạc nhóm bạn, Âm nhạc của Học sinh – Sinh viên, Âm nhạc cho người cao tuổi,  Âm nhạc trong cơ quan, Âm nhạc của tôn giáo… Để từ đó chúng ta tạo ra môi trường, tiếp sức,hướng dẫn, định hướng và phát triển cho phù hợp với nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của người Đà Nẵng hiện nay.

                                                                             Đà Nẵng, tháng 9 năm 2014

 

T. A. N