Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Người gắn bó với văn nghệ Liên Khu V - Trần Hồng

11.11.2014

Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Người gắn bó với văn nghệ Liên Khu V  - Trần Hồng

Phạm Văn Đồng là nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hoá lớn của Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Tôi ở xã Đức Hoà, gia đình tộc họ Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức cách nhà tôi hơn một cây số theo đường chim bay. Năm 1947, Phạm Văn Đồng là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ, Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên Khu Năm đóng tại các xã phía Tây Bồng Sơn, tỉnh Bình Định do ông Nguyễn Duy Trinh làm Chủ tịch. Khi ông Phạm Văn Đồng về Khu Năm, ông Lê Văn Hiến, bộ trưởng Bộ Tài Chánh có gửi con gái là Lê Thị Ái ở vùng bị chiếm Quảng Nam vào vùng tự do Liên Khu Năm để học văn hoá. Ông Phạm Văn Đồng đưa Lê Thị Ái về ở nhà các anh em ruột trong tộc họ Phạm của ông. Lê Thị Ái học trường Phổ thông Mộ Đức với tôi. Học trò từ Thi Phổ, Đức Tân thường đi qua nhà rủ Ái cùng đi học. Có những lúc Phạm Văn Đồng từ Bồng Sơn về thăm nhà, chúng tôi có dịp gặp ông. Là người rất hiền hoà, luôn niềm nở, hỏi han việc học hành của chúng tôi, rất gần gũi và tình cảm.

Phạm Văn Đồng là người sáng lập ra Trường trung học Bình dân Liên khu V đóng tại xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và là Hiệu trưởng danh dự lúc ấy. Ông đề ra việc xây dựng Trường Trung học Phổ thông Lê Khiết để đào tạo nhân tài cho lực lượng cách mạng chủ chốt của nước nhà. Ông cũng là người đề xướng và trực tiếp chỉ đạo các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để đào tạo nhân tài cho Tổ quốc. Các học sinh, sinh viên ở các trường Trung học Bình dân, Trung học Lê Khiết, Trường học sinh miền Nam đã có nhiều người trở thành các cán bộ cao cấp trong Chính phủ, là Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu quốc hội, các tướng lĩnh trong quân đội, các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, các nhạc sĩ, văn hoá nghệ thuật tài năng, các nhà nghiên cứu khoa học, bác sĩ chuyên khoa tài giỏi của Việt Nam . Ông luôn có ý thức xây dựng nền giáo dục từ tiểu học đến đại học, ông chăm lo đề xuất: "Cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Trong kháng chiến chống Pháp, ông là tác giả cuốn sách đầu tiên viết về Bác Hồ: "Hồ Chủ tịch hình ảnh của dân tộc". Cuốn sách này đã xuất bản lần đầu năm 1947 ở Liên Khu V. Được mấy trăm đồng tín phiếu nhuận bút, ông giao hết cho Hội văn nghệ Liên Khu V gửi vào ngân hàng làm giải thưởng tặng cho các tác phẩm văn nghệ. Anh chị em yêu quí gọi là "Giải thưởng Phạm Văn Đồng". Năm 1951 và 1953 đã tặng cho tiểu thuyết "Con Trâu" của Nguyễn Văn Bổng, "Bài ca Tự túc" thơ Lưu Trùng Dương, nhạc Dương Minh Ninh, "Tăng gia sản xuất" thơ Nguyễn Viết Lãm, nhạc Văn Đông , Tuồng Chi Ngộ của Nguyễn Lai, Hát mừng Giải phóng Kon Tum của Huỳnh Văn Cát... Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Tế Hanh, Phan Thao, Phan Xuân Hoàng đều ca ngợi và quý trọng ông. Các cuộc họp của Văn nghệ, giáo dục hồi ấy không cuộc họp nào ông vắng mặt. Ông là người rất chăm lo đời sống cho nhân dân, chăm sóc nhân tài, quan tâm đến đời sống, thông cảm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em Văn nghệ sĩ và đội ngũ các tri thức, nhà giáo của đất nước.

Tháng 10 năm 1954, Đoàn văn công nhân dân Liên Khu V tập kết ra miền Bắc. Các năm đầu ở Hà Nội được các lãnh đạo ở Liên Khu V trước đây như các ông Nguyễn Côn, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn, Phạm Văn Đồng, Phan Thao, Tế Hanh, thường xuyên đến với Đoàn động viên, nhắc nhở, quan tâm chăm sóc, góp ý xây dựng nghệ thuật cho Đoàn Tuồng Liên Khu V, Đoàn ca múa miền Nam, riêng Đoàn Dân ca kịch Bài chòi Liên Khu V là đơn vị còn non trẻ. Đoàn ra sức học tập, nghiên cứu để xây dựng Bộ môn nghệ thuật Bài chòi thành đơn vị sân khấu của Việt Nam trên miền Bắc. Trong lúc khó khăn Đoàn cố gắng ngày đêm để tập luyện nghệ thuật dựng vở Thoại Khanh Châu Tuấn thì có một số ý kiến của lãnh đạo Vụ nghệ thuật và các nhà nghiên cứu sân khấu nói "Bài Chòi là trò chơi cờ bạc" không nên lấy Bài Chòi làm nòng cốt xây dựng thành đơn vị nghệ thuật sân khấu được.

Để chứng minh Bài Chòi là môn ca hát dân ca từ nhân dân sáng tạo để vui chơi trong ngày Tết, không có hiện tượng cờ bạc như một số người nhầm lẫn, khi Đoàn tập vở ca kịch Thoại Khanh Châu Tuấn xong, đã liên hệ với Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc xin được diễn tập để lãnh đạo Trường với hơn 300 học viên Trung cao cấp và mời các lãnh đạo quê hương Liên Khu V đến xem góp phần chỉ đạo cho Đoàn trước khi Vụ nghệ thuật xem duyệt chính thức. Buổi diễn vở Thoại Khanh Châu Tuấn hôm đó đã được các đông đảo các anh ở Văn nghệ Liên Khu V như Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Phan Thao, Huỳnh Chinh, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Mạnh Hào, Vân Đông... đặc biệt có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Côn, Nguyễn Duy Trinh... đến thăm Đoàn và xem.

Diễn xong cán bộ và diễn viên tập trung để nghe góp ý. Tất cả người xem và các vị lãnh đạo đều khen vở Dân ca Kịch Bài Chòi Thoại Khanh Châu Tuấn có đề tài dân gian, lấy chữ Trung chữ Hiếu làm đầu, lấy chuyện xưa để giáo dục lòng Trung với Đảng, Hiếu với dân trong thời kỳ đất nước  phân chia Nam Bắc, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sống trong xã hội dân chủ tự do có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo; còn vợ con, đồng bào đang ở miền Nam sống trong chế độ nguỵ quyền, nhưng vẫn giữ lòng trung thành với Đảng, với Cách mạng. Thủ tướng đồng ý với các nhận xét về nội dung vở diễn, Thủ tướng khen vai Thoại Khanh, Tuấn Mẫu, Châu Tuấn và Tương Tử đã diễn xuất tốt. Thủ tướng góp thêm vài ý rất quan trọng: về ngôn ngữ, thơ lục bát và lời thoại cần gọt sửa có tính văn học, nhất là hai bài thơ Đường xướng hoạ của Châu Tuấn và Công chúa Tề ở màn V chưa hay và chưa đúng niêm luật (sau này tác giả Nguyễn Tường Nhẫn nhờ nhà soạn Tuồng Tống Phước Phổ viết lại và chỉnh sửa văn thơ, lời đối thoại toàn vở) Thủ tướng còn nhắc nhở xem lại toàn bộ phục trang, áo mão của Châu Tuấn, Vương sứ, công chúa, Tương Tử, lĩnh hầu, cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp với thời đại đó, vì đây là đề tài dân gian đã ăn sâu trong tiềm thức của dân tộc ta đã từ lâu đời.

Khi Thoại Khanh dắt mẹ chồng đi ăn xin vượt qua núi đèo nguy hiểm đi tìm chồng trên đất Tề, để cứu mẹ khỏi chết đói, nàng đã cắt thịt mình để nuôi mẹ. Diễn cảnh này, họa sĩ Đoàn Văn Na đã làm một kẹp tre, lấy cát tông cắt thành miếng thịt hình chữ nhật to bằng bàn tay, dùng sơn phết đỏ, đen như thịt nướng, Thoại Khanh đau đớn cho mẹ ăn. Thủ tướng và nhiều người ngoảnh mặt đi. Qua đó, Thủ tướng bảo không nên tả sự việc như thật, tự nhiên quá gây phản cảm cho người xem, rất thô thiển, phản nghệ thuật, cần phải bỏ hẳn, trong nghệ thuật phải đưa cái đẹp, cái thẩm mỹ trên sân khấu bằng tượng trưng và cách điệu rất có hiệu quả như sân khấu Hát bội đã thể hiện.

Được sự góp ý của Thủ tướng và cán bộ Trường đảng Nguyễn Ái Quốc, cùng các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật và sân khấu. Đoàn ca kịch Bài Chòi Liên Khu V đã chấn chỉnh, nâng cao mọi mặt về trang phục, âm nhạc, mỹ thuật sân khấu, kịch bản văn học cho hoàn chỉnh. Vụ nghệ thuật đã duyệt đồng ý cho biểu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận để nghe dư luận đánh giá về toàn bộ nghệ thuật của vở trước khi đưa Hội diễn Nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 1956. Qua hội diễn, vở Thoại Khanh Châu Tuấn được Ban Giám khảo Bộ Văn hoá tặng Huy chương Vàng,  nghệ sĩ Thanh Cảnh vai Tuấn mẫu, vai Thoại Khanh của nghệ sĩ Lệ Thi, nghệ sĩ Nguyễn Kiểm vai Tương Tử được tặng Huy chương Vàng; vai Xích Phạm bạn Châu Tuấn, vai công chúa Tề được Huy chương Bạc. Sau đó, tháng 9 năm 1956, Bộ Văn hoá đã quyết định Nghệ thuật ca kịch Bài Chòi Liên Khu V chính thức là đơn vị nghệ thuật sân khấu dân tộc trong đại gia đình sân khấu Việt Nam. Giới nghệ sĩ Ca kịch Bài Chòi Liên Khu V rất thành tâm biết ơn các vị lãnh đạo Liên Khu V, nhất là Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có công chỉ đạo phương hướng đường lối nghệ thuật của Đảng, từ khi Đoàn bước đi còn chập chững nay đến khi trưởng thành là một bộ môn nghệ thuật sân khấu của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đồng hương luôn theo dõi các Đoàn nghệ thuật miền Nam, nghệ thuật Liên Khu V trên đất Bắc, các Đoàn thường mời Thủ tướng đến xem và cho ý kiến chỉ đạo về nghệ thuật sân khấu.

Đoàn Cải lương Nam bộ dựng vở mới: Chị Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn. Đoàn Hát bội Liên Khu V dựng vở Má Tám. Đoàn Ca kịch Liên khu V diễn vở Kiều - Từ Hải , vở Nguyễn Huệ, vở Chuyện Tấm Phà tại Rạp Hồng Hà, Thủ tướng đều đến xem, có những vở dính đến quân Tàu, Bộ văn hoá mời ông Trường Chinh, Tố Hữu, Cù Huy Cận cùng xem. Chúng tôi rất quý trọng những nhận xét và đánh giá về nghệ thuật của Thủ tướng và các vị lãnh đạo, rất chính xác, sâu sắc và uyên bác.

Lúc 12giờ 30 tháng 9 năm 1960, tôi ở nhà của Đoàn tại Khu Văn Công Trung ương xã Dịch Vọng Cầu Giấy, để vừa học lớp chỉ huy nhạc vừa trực Đoàn. Lúc này Đoàn Ca Kịch Liên Khu V đang biểu diễn ở Nam Định. Có tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhắc máy lên: A lô - Tiếng đầu giây bên kia hỏi: Đoàn Ca kịch Khu V phải không?. Tôi nói: Phải, ai gọi đó? - Bên kia: Tôi, Đồng đây! Tôi hỏi: Đồng nào? Bên kia: Phạm Văn Đồng đây. Tôi giật mình vì bất ngờ, tôi ấp úng: Kính chào Thủ tướng. Thủ tướng nói: Tôi muốn đọc kịch bản Tiếng sấm Tây Nguyên của Thanh Nha - Thế Lữ, anh có giúp tôi được không? Tôi thưa: Thưa Thủ tướng được ạ! Thủ tướng tiếp: Thế thì ngay bây giờ anh đem kịch bản đến trạm gác Chủ tịch phủ phía đường Hoàng Hoa Thám, tôi dặn họ nhận và đưa cho tôi!. Tôi dạ.

Kịch bản Tiếng sấm Tây Nguyên, bản thảo chữa Morát lần cuối đưa nhà in xong tôi đang giữ ở phòng tư liệu của Đoàn, nên tôi mở tủ lấy ra, vội vàng đạp xe xuống Hà Nội giao kịch bản đúng như lời Thủ tướng dặn.

Đoàn biểu diễn ở Nam Định, Hà Nam, đêm diễn, ngày dựng vở Tiếng sấm Tây Nguyên. Đợt công tác xong, Đoàn về tập xong 7 màn kịch và ráp từ đầu đến cuối nhiều đêm. Đêm tổng duyệt tại Rạp Hồng Hà, Thủ tướng đến xem và có ý kiến: Nội dung vở Tiếng sấm Tây Nguyên là chống việc dời làng, là âm mưu thâm độc của bọn Mỹ - Diệm chia rẽ hai làng dân tộc Ba Na và dân tộc Gia Rai. Dân tộc Gia Rai có già làng là ông Liêu, bị tên xếp đồn và tên Việt gian tổng Lang lừa gạt, ông Liêu rất lo và vô cùng hoang mang chưa có biện pháp chống lại, còn Dân tộc Ba Na có già làng là ông Ên và con trai là Đinh Ên nhất quyết không nghe theo bọn Mỹ Nguỵ, một lòng theo Bác Hồ, được ông Tin cán bộ chính trị, ông Long cán bộ người Kinh cùng chung sống trong làng để lãnh đạo. Còn phía ông Liêu bị bọn Mỹ Diệm lũng đoạn lại không có cán bộ nào ở đó để giúp ông Liêu phải sửa ngay. Còn tiếng nói ở miền Bắc và miền Nam có những từ ngữ không hiểu đúng, ta biểu diễn cho đồng bào miền Bắc xem nên câu nói của ông Ên có thể hiểu sai: "Tội nghiệp cho các ông bà già và lũ nhỏ không có muối phải ăn lạt mấy tháng nay". Ăn lạc miền Bắc là ăn đậu phụng thì sướng quá còn gì? Nói rồi Thủ tướng cười rất sảng khoái. Đúng là tiếng cười nổi tiếng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Phạm Văn Đồng là nhà nghiên cứu, lý luận, có những công trình, bài viết rất sâu sắc, hiểu rộng. Ông luôn chăm lo cho nền văn hoá, giáo dục đào tạo, trau dồi đạo đức, lối sống, nâng cao tư tưởng chính trị lên hàng đầu.

Suốt 41 năm là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là uỷ viên Bộ chính trị, hơn 30 năm là Thủ tướng chính phủ, là nhà lý luận chính trị và văn hoá xuất sắc, tình cảm luôn chan hoà với nhân dân., Phạm Văn Đồng là người giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta luôn kính yêu, quí mến, biết ơn và vô cùng thương nhớ thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương Mộ Đức, Quảng Ngãi.

                                                                                                   T.H