Một lòng vì người bệnh - Huỳnh Lê

11.11.2014

Một lòng vì người bệnh - Huỳnh Lê

Về nhận công tác tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu thành lập (2008), Bác sĩ Trần Thanh Thủy được lãnh đạo và đồng nghiệp quý mến bởi sự nhiệt tình trong công tác chuyên môn, sẵn sàng trở thành tư vấn viên khi có khách hàng yêu cầu dù chị đang giữ cương vị Phó Giám đốc. Với chị, đó không chỉ là trách nhiệm của người thầy thuốc, mà còn là trách nhiệm của nghề tư vấn viên, công việc đã theo chị từ khi rời khỏi ghế nhà trường.

            Dù Đà Nẵng không phải là địa bàn nóng về nạn ma túy, mại dâm và người nhiễm HIV/AIDS nhưng con số thống kê tính đến thời điểm này cho thấy, tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn là 1.263 trường hợp, trong đó có 554 người gốc Đà Nẵng. Đối tượng lây nhiễm HIV tại đây đang trẻ hóa, tập trung chủ yếu từ 20 đến 39 tuổi, lây lan chủ yếu qua con đường tình dục không an toàn, chiếm 89,8% trong năm 2013. Những con số trên là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.

Gắn bó với công việc tư vấn ở Đà Nẵng từ năm 1997, nữ bác sĩ Trần Thanh Thủy hiểu rằng, muốn hạn chế căn bệnh HIV/AIDS lây lan nhanh trong cộng đồng thì công tác tuyên truyền, giáo dục được ví như vaccin dự phòng lây nhiễm và phải được đặt lên hàng đầu. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng ra đời cũng vì mục đích đó. Trung tâm là địa chỉ tìm đến của bệnh nhân có “H” và những ai muốn tìm hiểu thông tin về căn bệnh ác nghiệt này. Ở đây, bệnh nhân hay người dân đều được cán bộ trung tâm truyền thông, tư vấn các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS cùng với việc hướng dẫn cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm HIV.

Đặc biệt, người có “H” sẽ nghe hướng dẫn cách chăm sóc bản thân như thế nào để có thể sống khỏe, sống có ích; được giới thiệu đến các cơ sở y tế và các nhóm hỗ trợ người nhiễm để điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, dùng thuốc kháng virut (ARV) và nhận sự giúp đỡ cũng như tư vấn cách phòng lây truyền HIV cho người khác; cân nhắc các kế hoạch cho tương lai như lập gia đình, quyết định sinh con… Chị Thanh Thủy tâm sự: “Ở trung tâm, chúng tôi vừa là người điều trị, vừa là nhà tâm lý bởi hầu hết ai đến đây đều mang theo câu chuyện đời tư với nhiều mảng sáng, tối. Họ khá nhạy cảm và thường để ý đến thái độ của nhân viên y tế, chỉ cần người tư vấn có một chút kỳ thị, xa lánh là hiệu quả của công tác tư vấn điều trị và dự phòng có khả năng bị thất bại. Không phải ai cũng biết rằng, với bệnh nhân có “H” hoặc người nghi ngờ nhiễm “H” thì sự liên kết giữa thầy thuốc và bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng”.

 Một nhân viên y tế giỏi cần hiểu rằng, công tác tư vấn phải lấy người bệnh làm trung tâm, bởi điều mình muốn chưa chắc là điều bệnh nhân muốn và có thể làm được, từ đó đưa ra những phương pháp hỗ trợ tích cực, hợp lý. Mặt khác, để việc tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AID đạt kết quả tốt khả quan, trong năm 2013, chị Trần Thanh Thủy cùng Ban Giám đốc Trung tâm vận động thành lập Đội Văn nghệ truyền thông lưu động gồm 20 người, chủ yếu là cán bộ trẻ của đơn vị. Trong thời gian ngắn, bằng sự quyết tâm và lòng yêu nghề, toàn Đội tổ chức dàn dựng, luyện tập những tiết mục hò vè, ca múa lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tham gia biểu diễn tại 11 xã thuộc địa bàn huyện Hòa Vang, Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06… giúp người dân tiếp cận đầy đủ kiến thức về HIV/AIDS, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa văn nghệ tại vùng nông thôn. Sát cánh cùng đứa con tinh thần của đơn vị, không đêm diễn nào vắng mặt chị Thủy, nhiều hôm chị ở lại cùng đội đến hơn 11 giờ khuya mới trở về nhà. Chị bảo, thông qua trình diễn văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền về HIV mang lại hiệu quả tốt, được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Hoạt động văn nghệ truyền thông lưu động được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, là kết quả đề tài nghiên cứu “Khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư 15-49 tuổi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do chị Trần Thanh Thủy và đơn vị thực hiện. Đề tài này sau đó được Hội đồng nghiên cứu khoa học Sở Y tế xét công nhận và xếp loại A trong năm 2013.

Ngoài công tác quản lý, chị Trần Thanh Thủy còn phụ trách bộ phận giúp việc của Cấp ủy triển khai Chỉ thị 03-CT/TW, tổ chức việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng. Nhiệm vụ này được chị triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Hằng năm, 100% cán bộ viên chức lao động của trung tâm đăng ký các nội dung  học tập và làm theo, cuối năm viết bài thu hoạch. Sau đó, công đoàn sẽ tổ chức chấm điểm, chọn ra những bài viết có nội dung, ý nghĩa thiết thực để tuyên dương, khen thưởng và báo cáo trước toàn đơn vị. Cách làm này đẩy phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác tại trung tâm diễn ra sôi nổi, đi sâu vào từng nội dung, phần việc cụ thể. Bản thân là một đảng viên, chị Thủy tự nhủ phải hiểu sâu sắc lời Bác dạy: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, nhắc nhở mình ý thức tự giác, nêu gương trong việc học tập và làm theo, từ đó hình thành phong cách làm việc tận tụy, chuyên nghiệp.

Cùng với nỗ lực trong công tác chuyên môn, sôi nổi trong hoạt động phong trào và được đồng nghiệp tin tưởng, năm 2013, bác sĩ Trần Thanh Thủy tham gia Hội thi cấp ủy viên tuyên truyền “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố tổ chức. Tại hội thi này, chị chọn chủ đề Y đức làm nội dung thuyết trình, kể một số câu chuyện, tình huống chị gặp phải trong quá trình hành nghề. Chị bảo, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu” luôn mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là kim chỉ nam giúp chị phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống cứu người của nghề y.

Công tác phòng, chống cũng như hạn chế số ca nhiễm HIV/AIDS mới trong cộng đồng là cách mà những người làm công tác tuyên truyền, tư vấn như chị Trần Thanh Thủy đã, đang làm để góp phần gìn giữ hình ảnh Đà Nẵng thành phố đáng sống, thân thiện và trong lành. Với chị, chiếc áo blouse trắng gợi cho chị nhiều suy nghĩ, trăn trở về y đức và lòng quyết tâm sống xứng đáng với nghề.

 

H.L