Theo đấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa _ Trường Sa - Trần Đức Anh Sơn
TƯ LIỆU VÀ BẢN ĐỒ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA Ở LISBON
VÀ TẤM LÒNG CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN BỒ ĐÀO NHA
Sau Hà Lan, đoàn quay phim tiếp tục hành trình ở Bỉ và Bồ Đào Nha. Tại Lisbon (Bồ Đào Nha), đoàn làm phim đã “bội thu” tư liệu nhờ sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Bồ Đào Nha.
Trước khi lên đường sang châu Âu, đạo diễn Lâm Thành Quí giao cho tôi nhiệm vụ là phải “kết nối” cho bằng được với các kho lưu trữ ở Bồ Đào Nha. Bởi lẽ, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì Bồ Đào Nha là nơi lưu giữ nhiều bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa bậc nhất châu Âu.
Do chưa từng tới Bồ Đào Nha, lại không có người quen ở đó nên tôi tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè ở Pháp và Mỹ. Họ cho biết có nhiều tài liệu liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa trong Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha và Văn khố quốc gia Bồ Đào Nha ở Lisbon và chỉ cho tôi cách thức liên hệ với những nơi này. Ngoài ra, nhờ những chỉ dẫn trong biên khảo Les Portugais sur la côte du Vietnam et du Champa (Những người Bồ Đào Nha trên bờ biển Việt Nam và Champa) của Pierre-Yves Manguin (do EFEO xuất bản tại Paris năm 1972), tôi đã lập một danh mục các bản đồ cần tìm kiếm ở Bồ Đào Nha, gửi cho những người có trách nhiệm ở Văn khố quốc gia Bồ Đào Nha và Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha, cùng với danh mục 102 ấn phẩm do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX có liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa để nhờ họ tìm giúp. Hai tuần trước khi lên đường tôi nhận được e-mail từ hai nơi này, thông báo là họ đã tìm được một số bản đồ và tư liệu theo yêu cầu của tôi và sẵn sàng đón đoàn làm phim của HTV đến quay phim và sao chép.
Hai bản đồ cổ nhất về Paracel ở Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha
Từ Brussels (Bỉ) chúng tôi “bắt” chuyến bay đêm sang Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha giao thương với Việt Nam từ thế kỷ XVI. Họ đã vẽ nhiều bản đồ về vùng biển Đàng Trong và Paracel/Pracel. Các nhà địa lý và hàng hải người Bồ Đào Nha cũng để lại nhiều ghi chép quan trọng về hoạt động của họ ở Đàng Trong và trong vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa vào các thế kỷ XVI - XVII.
Đón chúng tôi ở Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha là anh Rui Pires, quản thủ kho bản đồ. Anh cho tôi biết trong kho bản đồ của Văn khố quốc gia Bồ Đào Nha có hai bản đồ liên quan đến Paracel. Đó là bản đồ do João da Lisboa vẽ năm 1560 và bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e Note in Atlas nằm trong bộ bản đồ thế giới gồm 18 bức do Fernão Vaz Dourado vẽ năm 1571. Đây là hai bản đồ có thể hiện hình ảnh Paracel sớm nhất do người châu Âu vẽ. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, Rui Pires mời tôi và ba thành viên của HTV vào kho bản đồ. Anh cho biết quy định nơi đây chỉ cho phép mỗi lần tối đa hai người được vào kho bản đồ. Chúng tôi là trường hợp được ưu tiên.
Những bản đồ này cất giữ trong các kho riêng, được Rui Pires đưa về phòng sao chụp để chúng tôi tiện nghiên cứu và quay phim. Đó là hai bản đồ gốc, màu sắc còn tươi mới, dù đã được vẽ cách đây hàng trăm năm. Hình vẽ quần đảo Hoàng Sa trên hai bản đồ này được thể hiện như một lưỡi dao dài và cong, điểm đầu ở phía bắc ghi là I. de Pracel (Hoàng Sa), điểm cuối ở phía nam ghi là Pulo Sissi (Cù Lao Thu). Giữa hai điểm đầu và cuối này còn có các cụm đảo được định danh rõ ràng như Pulo Campello (Cù Lao Chàm), Pulo Catão (Cù Lao Ré), Pulo Cambi (Cù Lao Xanh)... Vùng đất trong bờ song song với Pracel được ghi chú là Costa da Pracel. Cách ghi danh này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã chỉ ra mối liên hệ về mặt địa lý giữa vùng bờ biển Đàng Trong với các đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Cù Lao Xanh… và quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi quay phim và chụp ảnh, tôi xin phép làm các bản sao kỹ thuật số của hai tư liệu quý này. Rui Pires vui vẻ giúp chúng tôi làm thủ tục sao chép hai bản đồ này và thu phí tượng trưng là 25 euro.
Bội thu tư liệu và bản đồ ở Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha
Đầu buổi chiều, chúng tôi đến Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha, cũng là nơi lưu trữ nhiều tư liệu và bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đón chúng tôi tại tiền sảnh thư viện là bà Maria Joaquina Feijão, Trưởng kho bảo quản bản đồ cổ. Phải đi qua ba lớp cửa có khóa điện tử, chúng tôi mới đến được kho bản đồ. Những người bạn Bồ Đào Nha của thư viện này đã mang đến cho chúng tôi một sự ngạc nhiên đầy xúc động: 20 bản đồ cổ và 12 tư liệu thành văn xuất bản trong các thế kỷ XVI - XVIII đã được bày sẵn trong phòng đọc đặc biệt để chúng tôi tiện quay phim, chụp ảnh và khảo cứu. Những bản đồ này phần lớn do các nhà hàng hải và nhà địa lý nổi tiếng ở châu Âu như Van Langren, Jodocus Hondius, Willem Janszoon Blaeu, Gerard Mercator, Van Lochem… vẽ.
Tôi dành sự quan tâm nhiều nhất cho tấm bản đồ do anh em Van Langren, người Hà Lan, vẽ vào năm 1595. Đây là bản đồ được vẽ rất chi tiết, phong phú và toàn diện. Trên bản đồ này cũng có ghi dòng chữ I. de Pracel để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Costa de Pracel để chỉ vùng bờ biển miền Trung Việt Nam. Nhiều địa danh khác ở trong đất liền và những hòn đảo ven bờ biển Việt Nam cũng được ghi chú rất rõ ràng trên bản đồ này. Bản đồ của anh em Van Langren đã được giới thiệu trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài như Fournereau (1666), G.Maspéro (1929), P.Boudet và A.Masson (1931)… và được nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam trích dẫn, giới thiệu. Song đó chỉ là những hình ảnh được sao chép nhiều lần, “mờ mờ, ảo ảo” và khó kiểm chứng nguồn gốc. Còn giờ đây, trước mắt tôi là tấm bản đồ 418 năm tuổi đang trải rộng, với nếp gấp thời gian như vẫn in hằn.
Trong số những tư liệu thành văn có các cuốn sách rất quí viết về địa dư, địa lý, con người, phong tục Việt Nam trong các thế kỷ XVI - XVIII như: cuốn Relatione della bouua missione delli PP. della Compagnia di Giesu, al regno della Cocincina của Cristoforo Borri, xuất bản ở Roma năm 1631; cuốn Delle missioni de’ padri della Compagnia di Giesu nella Provincia del Giappone, e particolarmente in quella di Tumkino của Givanni Filippo de Marini, xuất bản ở Roma năm 1663; cuốn Noticias summarias das perseguições da missam de Cochinchina, principiada and continuada plos Padres da Compania de Jesu của Manuel Ferreira, xuất bản ở Lisbon năm 1700; cuốn Flora Cochinchinese: sistens plantas in regno cochichina nascentes của João de Loureiro, xuất bản ở Lisbon năm 1790; cuốn A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793 của John Barrow, xuất bản tại London năm 1806… Đặc biệt, Thư viện này đang lưu giữ bản chép tay một cuốn từ điển đối chiếu các từ dùng trong nghi lễ bằng ba ngôn ngữ: Quốc ngữ - Nôm - Latin, nhan đề Ritual em Latin e Vietnamita. Với tôi, đây là tư liệu quí nhất mà tôi thu thập được trong chuyến đi này.
Những người Bồ Đào Nha nơi đây rất tốt bụng. Họ cho phép chúng tôi khảo sát, đo đạc, chụp ảnh và làm bản sao tất cả những bản đồ và tư liệu lịch sử quý giá này vì một lý do rất cao cả: “Chúng tôi muốn giúp các bạn những tư liệu giá trị và xác thực để các bạn có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình”. Quả là một hành động hào hiệp và đầy nghĩa cử của những người bạn Bồ Đào Nha. Chia tay những người bạn mới quen, tôi thầm ước ao: “Giá mà nơi nào cũng may mắn gặp được những người bạn nghĩa hiệp như ở Bồ Đào Nha thì hành trình tìm kiếm tư liệu chủ quyền biển đảo của chúng tôi sẽ bớt đi nhọc nhằn và tăng thêm hiệu quả biết nhường nào”.
TÌM TƯ LIỆU HOÀNG SA TRONG TU VIỆN Ở TORINO (ITALY)
Ở Torino (Ý) có Tu viện Santa Maria al Monte nằm trên ngọn đồi Cappuccini. Nơi đó đang lưu giữ cuốn sách Compendio di geografia universale do nhà địa lý học người Ý Adriano Balbi biên soạn, xuất bản ở Livorno năm 1850, khẳng định Paracel thuộc về vương quốc Annam. Đó là điểm đến kế tiếp của chúng tôi trong hành trình xuyên nước Ý.
Ngày 16/5/2010, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 19-2010 (1368) có in bài viết Đi tìm Hoàng Sa trong… tu viện cổ Ý của Lê Đức Dục kể về một Việt kiều ở Ý phát hiện một cuốn sách cổ có viết về Hoàng Sa trong một tu viện ở thành phố Torino. Ngoài ra, khi xây dựng fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tôi cũng thu thập được 11 tư liệu liên quan viết bằng tiếng Ý. Tuy nhiên, đó chỉ là những bản e-file, còn các tư liệu gốc thì đang lưu trữ trong các thư viện ở Ý và châu Âu. Do vậy mà ước nguyện đi đến nước Ý để “tận mục sở thị” các tư liệu này luôn là một khao khát cháy bỏng ở trong tôi. Vì thế, khi đạo diễn Lâm Thành Quí cho biết đoàn làm phim sẽ đến Ý để phỏng vấn một số học giả do Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, thì tôi đã lên một “kế hoạch đính kèm”: đi đến các thư viện ở Roma và Torino để tìm kiếm tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa.
Bà Lãnh sự người Ý trong Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino
Chiều ngày 26/9/2013, sau mấy ngày tìm kiếm tư liệu và quay ngoại cảnh ở Roma, đoàn làm phim “bắt” tàu tốc hành đi Torino. Thành phố này là thủ phủ của vùng Piedmont ở miền bắc nước Ý và là quê hương của hãng xe hơi FIAT nổi tiếng.
Trước khi đến Ý, tôi đã liên lạc nhiều lần với bà Sandra Scagliotti, Lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Việt Nam tại Torino để tìm kiếm sự giúp đỡ. Sandra là người Ý nhưng lại phụ trách Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino. Khi tôi hỏi bà về Tu viện Santa Maria al Monte, nơi đang lưu giữ một cuốn sách cổ có viết về Hoàng Sa của Việt Nam, Sandra cho biết tu viện ấy nằm trên một ngọn núi ở ngoại ô thành phố Torino. Bà viết: “Tôi có biết cuốn sách ấy và cũng quen biết ông Trần Doãn Trang, người đã phát hiện cuốn sách này và kể về nó trên báo chí Việt Nam”. Rồi bà gửi cho tôi số điện thoại và địa chỉ e-mail của ông Trang để tôi liên lạc. Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi đến Torino thì ông Trần Doãn Trang bận việc riêng nên không thể đưa đoàn làm phim đến Tu viện Santa Maria al Monte.
Đến Torino vào lúc chiều muộn, tôi gọi cho Sandra. Bà hẹn sẽ đón đoàn vào lúc 9g sáng ngày 27/9/2013 tại Lãnh sự quán và sẽ bố trí người đưa chúng tôi đến Monte dei Cappuccini, nơi Tu viện Santa Maria al Monte tọa lạc. Khi chúng tôi đến tòa Lãnh sự quán, Sandra đón từ ngoài cửa. Trên ngực bà lấp lánh tấm Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng. “Xin chào những người bạn Việt Nam. Tôi là Sandra Scagliotti, Lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino”. Sandra chào chúng tôi bằng tiếng Việt.
Tuy chỉ là Lãnh sự danh dự nhưng Sandra Scagliotty làm việc như là một lãnh sự thực thụ, điều hành mọi hoạt động của Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino, kể cả việc làm thủ tục cấp visa vào Việt Nam cho những người nộp đơn ở Torino (ngoại trừ việc ký phê chuẩn visa là do Đại sứ Việt Nam ở Roma thực hiện).
Sau khi mời trà, Sandra nói: “Bây giờ các bạn đi đến Tu viện Santa Maria al Monte để tìm tư liệu và quay phim ngay trong sáng nay. Tôi đã liên hệ với tu viện trưởng để nhờ tìm kiếm tư liệu theo yêu cầu của các bạn. Vanni, nhân viên Lãnh sự quán, và Hạnh, cộng tác viên của Lãnh sự quán, sẽ đi cùng các bạn để hỗ trợ. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây vào buổi chiều”.
Sandra còn chuẩn bị sẵn những tài liệu về mối quan hệ giữa Ý với Việt Nam trong lịch sử và những tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa do người Ý biên soạn để chúng tôi tham khảo và quay phim. Bà còn mời TS. Monica Parola, giáo sư sử học tại Đại học Torino, chuyên gia về các sử liệu của Ý có liên quan đến vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa để đoàn làm phim phỏng vấn vào buổi chiều.
Hoàng Sa trong cuốn sách của Adriano Balbi
Tu viện Santa Maria al Monte ở ngoại ô Torino. Con đường dẫn lên tu viện nhỏ và dốc nhưng cảnh quan rất đẹp. Mới đầu thu nhưng cây hai bên đường đã lác đác lá vàng. Cuối con đường hiện ra một ngôi nhà thờ xinh xắn với cánh cửa gỗ to nặng, áp lưng vào bức tường thâm kín của tu viện. Vanni nói với chúng tôi: “Nơi đây có hai thư viện, một do Tu viện Santa Maria al Monte quản lý, một do cộng đồng dân cư ở Cappuccini quản lý. Cuốn sách các anh cần tìm nằm trong thư viện của tu viện”.
Tôi giật mạnh chiếc vòng sắt treo trước cửa tu viện. Một tiếng “keng” vang lên. Chừng vài phút sau, một vị tu sĩ trẻ xuất hiện. Vanni nói vài câu với vị tu sĩ. Cánh cửa được mở ra đưa chúng tôi đi vào một hành lang dài và hẹp, có các hàng hiên làm bằng đá cẩm thạch và những ô cửa hình vòng cung.
Chúng tôi được mời vào nhà khách của tu viện, được mời ăn bánh ngọt do tu viện tự làm và dùng trà do tu viện tự sao, theo lời của vị tu sĩ trẻ. Chừng 15 phút sau, Tu viện trưởng và nữ thủ thư của tu viện bước vào. Họ cho biết là đã nhận được thông tin từ Sandra về lý do và mục đích của cuộc viếng thăm này. “Cuốn sách mà quí vị cần đã sẵn sàng trong phòng đọc, nhưng do nơi ấy có nhiều người đang đọc sách và phòng đọc lại nhỏ, nên chỉ có hai người được vào đó để quay phim”. Cô thủ thư nói. Tôi quay sang Tu viện trưởng, giải thích với ông rằng phải có bốn người vào đó thì mới đủ người để tra cứu tư liệu, quay phim, chụp ảnh và ghi chép các cảnh quay. Chần chừ một lúc, Tu viện trưởng đồng ý và dặn thêm: “Xin quý vị tuyệt đối giữ yên lặng”.
Phải qua hai lớp cửa và hai lần rẽ trái, một lần rẽ phải, chúng tôi mới đến được nơi đặt cuốn sách. Đó là cuốn Compendio di geografia universale (Tóm lượt địa lý thế giới) của nhà địa lý học nổi tiếng người Ý Adriano Balbi. Cuốn sách này được viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần đầu ở Livorno năm 1824, tái bản ở Paris năm 1838 (tiếng Pháp), ở Persth năm 1842 (tiếng Đức), ở London năm 1845 (tiếng Anh); tái bản có bổ sung ở Livorno năm 1850 (tiếng Ý) và ở Milano năm 1865 (tiếng Ý). Cuốn sách nơi đây là bản in năm 1850 ở Livorno. Cả nước Ý chỉ còn lưu được vài bản sách này.
Tôi nhanh chóng lật đến các trang 437-438, nơi Adriano Balbi đã dành một trang rưỡi để viết về vị trí địa lý, địa dư, diện tích và dân số Việt Nam vào thế kỷ XVIII, mà Balbi gọi là “l’impero di An-nam” (đế chế Annam). Sau khi cung cấp các thông tin tổng quát về Việt Nam, Balbi viết: “Appartengono pure a quest impero l’ Arcipenlago di Paracels, il gruppo dei Pirati, ed il gruppo di Pulo Condor” (Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Hải Tặc và quần đảo Côn Sơn).
Adriano còn dành cả trang sách bên dưới để miêu tả về đế chế Annam, nói rõ đây này là một nhà nước độc lập, giáp với China (Trung Quốc) ở phía bắc, với Siam (Thái Lan) ở phía tây, từng thâu phục các lãnh thổ Tsiampa (Champa), Kankao (Chân Lạp) hay Athien (Hà Tiên) xưa; có những dòng sông chính như sông Mai-kong (Mékong), sông Donai (Đồng Nai), sông Sang-koi (Sài Gòn?)…; có dân số khoảng 12 triệu người và mật độ dân cư trung bình 57 người trên một dặm vuông...
Vậy là, Adriano Balbi thừa nhận Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc về Việt Nam trong một cuốn sách có tựa đề Tóm lượt địa lý thế giới, được xuất bản từ đầu thế kỷ XIX và tái bản nhiều lần bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức trong suốt mấy chục năm sau đó.
Một thực tế được một nhà địa lý học nổi tiếng nhất châu Âu công nhận cách đây gần 200 năm và được cả châu Âu thừa nhận như một sự thật hiển nhiên. Vậy mà…
T.Đ.A.S
(còn tiếp)