Văn học, nghệ thuật Đà Nẵng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc
Hoàng Sa yêu thương
Đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thì quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa và hàng ngàn đảo lớn nhỏ nữa như Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... đều gắn bó máu thịt với tất cả người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, chứ không riêng gì với người Đà Nẵng. Có điều, như là duyên phận của lịch sử, người Đà Nẵng gắn bó nhiều hơn với quần đảo Hoàng Sa. Và do vậy, khi thường xuyên lao động sáng tạo nghệ thuật ở một địa phương đang thay mặt cả nước quản lý Hoàng Sa, văn nghệ sĩ Đà Nẵng rất nhạy cảm với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà trước hết là chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo quê mình, thường xuyên ý thức về trách nhiệm của văn học nghệ thuật và của những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật” - theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đầu năm 1952 - trên hành trình thực hiện sứ mệnh “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
*
Trước hết có thể kể đến hai hội viên Phân hội Điện ảnh - nay là Hội Điện ảnh - thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã sớm có đóng góp cho hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa trên sóng truyền hình là đạo diễn Huỳnh Hùng và đạo diễn Trí Trung với bộ phim tài liệu Nhớ đảo công chiếu năm 2006, kể về những người Việt từng sinh sống ở Hoàng Sa lúc quần đảo này trực thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trong bài Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo! trên Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 23 tháng 5 năm 2020, nhà báo Thái Bá Dũng nhận xét: “Năm 2006, một bộ phim tài liệu kể về những người Việt từng sinh sống gắn bó ở Hoàng Sa được công chiếu trên đài truyền hình, đã làm thổn thức trái tim hàng triệu dân Việt Nam. Bộ phim này tới nay là tài liệu hiếm để công bố sự thật Hoàng Sa”. Thật ra trước Nhớ đảo mấy năm, còn có bộ phim tài liệu Về thăm dấu tích Hoàng Sa của đạo diễn Trương Vũ Quỳnh - hội viên Phân hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng - cũng rất hay nhưng thời điểm ấy chưa được phép công chiếu.
Bìa tập sách "Những con mắt biển"
Hoàng Sa luôn hiện diện trong trái tim văn nghệ sĩ Đà Nẵng, nhưng sôi động và bùng cháy hơn cả là ở thời điểm tháng 5 năm 2014 - thời điểm Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý về phía Đông nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà còn và chủ yếu là khoan thăm dò lòng yêu nước và sức chịu đựng của người Việt. Và thông qua cuộc vận động sáng tác mang chủ đề Hướng về biển đảo quê hương, văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã vào cuộc với tất cả tình yêu Tổ quốc cùng trách nhiệm công dân - Tạp chí Non Nước số 199 ra tháng 6 năm 2014 đã đăng bài Sự phẫn nộ lương tri của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Công Minh cùng nhiều tác phẩm văn chương nói lên tình yêu và ý thức chủ quyền biển đảo của văn nghệ sĩ Đà Nẵng.
Các tác phẩm văn chương này đã được tuyển chọn và in lại trong Những con mắt biển - tập sách viết về biển đảo do Hội Nhà văn thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng xuất bản tháng 10 năm 2015. Mở đầu bằng bút ký Biển Đông - biển của hòa bình của Bùi Văn Tiếng và khép lại bằng truyện ngắn Đảo gọi của Phan Trang Hy - như một cách khái quát thông điệp của cả tập sách, Những con mắt biển đã chuyển tải khát vọng hòa bình của người Đà Nẵng nói chung, của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật” - nói riêng, đồng thời đã thể hiện quyết tâm bảo vệ hòa bình trên Biển Đông theo như lời dặn của nhà thơ trung đại Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 500 năm trước: Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình - Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình (bài thơ Cự ngao đới sơn).
Và từ nguyên tiêu năm 2015 trở đi, không ít bài thơ về biển đảo của văn nghệ sĩ Đà Nẵng được tiếp tục vang ngân qua giọng đọc/giọng ngâm cũng như qua các ca khúc phổ thơ trong Đêm Thơ Nguyên tiêu Ất Mùi 2015 với chủ đề Đà Nẵng hướng về biển đảo Tổ quốc, Đêm Thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 với chủ đề Mắt Biển - được gợi ý từ chính tên sách Những con mắt biển - và để nhân đôi hiệu quả nên cùng một kịch bản nhưng kết hợp diễn một đêm trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương để đảm bảo tính chuyên nghiệp và diễn một đêm trên sân khấu ngoài trời tại quận Ngũ Hành Sơn nhằm thu hút đông đảo khán giả là nhân dân của một địa phương từng là nơi “kéo Hoàng Sa vào đất liền” từ năm 1969, Đêm Thơ Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019 với chủ đề Khúc tráng ca biển - được tổ chức ngay tại Công viên Biển Đông và đúng vào ngày 17 tháng 2, tức tròn 40 năm ngày quân và dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất ở biên giới phía Bắc, hay Đêm Thơ Nguyên tiêu Canh Tý 2020 với chủ đề Nhớ Hoàng Sa - tên một sáng tác của nhà thơ Lưu Trùng Dương (tuy nhiên do đại dịch Covid-19 nên Đêm Thơ Nguyên tiêu Canh Tý 2020 và cả Đêm Thơ Nguyên tiêu Tân Sửu 2021 cũng như Đêm Thơ Nguyên tiêu Nhâm Dần 2022 không thể tổ chức công diễn được).
Chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa là nguồn cảm hứng nghệ thuật không chỉ của văn nghệ sĩ Đà Nẵng mà còn của một kiến trúc sư Nhật Bản - kiến trúc sư Fuminori Minakami - và cộng sự là hai kiến trúc sư Việt Nam Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang, thể hiện qua Đồ án kiến trúc mang tên Con dấu và dấu mốc chủ quyền - sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi là một trong ba đồ án đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa do Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa phát động vào năm 2014 và là đồ án được chọn để xây dựng nhà trưng bày này. Nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa, kiến trúc sư Fuminori Minakami và các cộng sự đã đưa vào đồ án hình tượng con dấu vua Minh Mạng trong sắc chỉ phái một đoàn thuyền với 24 lính thủy ra canh giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm Giáp Ngọ 1834.
Và từ năm 2018 tới nay, sau khi khánh thành và chính thức hoạt động, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã trở thành nơi truyền cảm hứng nghệ thuật về chủ quyền biển đảo cho các học sinh phổ thông được tham dự Trại Sáng tác Mỹ thuật thiếu nhi hè do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức hằng năm. Đây là tiền đề để Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức Triển lãm tranh thiếu nhi với chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa của chúng em, trưng bày hơn 100 tác phẩm hội họa của 27 tác giả là học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố, chủ yếu là tác phẩm của các học sinh tham gia Trại Sáng tác Mỹ thuật thiếu nhi hè 2019. Vào cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2023, Hội Mỹ thuật thành phố đang chuẩn bị phối hợp với Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức một trại sáng tác với chủ đề Hoàng Sa dành cho các họa sĩ của ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế - đây là hoạt động nhằm bổ sung những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa.
Ngoài những ca khúc phổ thơ về biển đảo (trình diễn trong các đêm thơ nguyên tiêu hằng năm, trong Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật với chủ đề Âm vang Hoàng Sa - Trường Sa do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tại miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với Nhà Xuất bản Văn học tại Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên, cùng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức vào ngày 27 tháng 7 năm 2014 và trong Chương trình nghệ thuật Hướng về Hoàng Sa, Trường Sa do Công ty cổ phần Truyền thông quốc tế Skylight tổ chức tối ngày 26 tháng 9 năm 2014, đều tổ chức ở Đà Nẵng), cũng như những ca khúc ra đời trong cuộc vận động sáng tác mang chủ đề Hướng về biển đảo quê hương năm 2014 (trong đó Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn 5 tác phẩm để in trong Tuyển tập ca khúc Dậy sóng Biển Đông phát hành toàn quốc), một số nhạc sĩ Đà Nẵng còn đóng góp cho hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa bằng loại hình hợp xướng, chẳng hạn như nhạc sĩ Phan Ngọc - hội viên Hội Âm nhạc thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, qua đời năm 2017 - đã sáng tác hợp xướng Tình yêu Hoàng Sa gồm ba phần: Tình yêu Hoàng Sa, Ra khơi và Cát vàng (được in trong Album nhạc Tác phẩm mới - Trại sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2011 do Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng phối hợp với Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành năm 2012).
Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng góp phần đáng kể vào hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa, chẳng hạn tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Đà Nẵng toàn cảnh do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức chấm chọn vào trung tuần tháng 12 năm 2014, trong 11 tấm ảnh được trao giải, có 3 tấm phản ánh cái nhìn nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng về biển đảo quê hương: Hướng về biển đảo của Phan Ngọc Hợi - giải Khuyến khích, Vươn ra biển lớn của Quách Lực - giải Ba và Lễ hạ thủy của Nguyễn Quang - giải Nhì (tác phẩm đoạt giải Nhì của cuộc thi thể hiện khoảnh khắc tàu Cảnh sát biển 8002 - một trong những con tàu hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam và có công suất lớn nhất do Tổng Công ty Sông Thu đóng trên địa bàn quận Sơn Trà thực hiện, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam - hạ thủy sáng ngày 4 tháng 10 năm 2014 tại Đà Nẵng).
*
Thời gian tới, cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - và không chỉ Đà Nẵng - đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt cần trân trọng với những sáng tác hiện có về Hoàng Sa, bởi đối với người
Việt Nam nói chung và người Đà Nẵng nói riêng, “còn nhớ đến Hoàng Sa là chưa thể mất Hoàng Sa, Hoàng Sa chỉ mất khi chúng ta vĩnh viễn quên rằng Bãi Cát Vàng chính là hương hỏa thiêng liêng của ông cha ta bao đời truyền lại” (Bùi Văn Tiếng trả lời phỏng vấn Báo điện tử Tuổi Trẻ Thủ Đô), và chính những sáng tác hiện có về Hoàng Sa đã và sẽ “giữ lửa” cho tình yêu và nỗi nhớ thiêng liêng ấy. Và thực ra, những gì chúng ta đang hiểu biết về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa liên tục từ thời các chúa Nguyễn tới nay vẫn chưa được văn nghệ sĩ Đà Nẵng - và không chỉ Đà Nẵng - khai thác bao nhiêu (theo cách nói của Mai Anh Tuấn trong một bài báo là vẫn chưa “thức tỉnh được những góc nhìn mới mẻ”), ở tất cả các loại hình nghệ thuật, nhất là ở thể loại có thế mạnh trong khai thác thông tin từ nhân chứng và thư tịch là phim tài liệu. Nên chăng ngày 17 tháng 1 năm 2024 tới đây - tròn nửa thế kỷ Hoàng Sa bị ngoại bang chiếm đóng trái phép - Đà Nẵng có thể tổ chức một sinh hoạt nghệ thuật quy mô lớn không chỉ để trình diễn/triển lãm những tác phẩm/tiết mục đã có xưa nay mà còn và quan trọng hơn là để trình diễn/triển lãm những tác phẩm/tiết mục mới vừa sáng tạo.
B.V.T