Tản mạn với hương Chăm
Katê là lễ hội có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận
(Thân tặng những người bạn Chăm - Lễ hội Katê Ninh Thuận 2022)
Như là sự tình cờ, như là một cơ duyên hiếm hoi trong cuộc sống, tôi đến với vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận bắt đầu bằng công việc để mưu sinh. Ở đó tôi được gặp rất nhiều đồng nghiệp, những người anh em với tấm chân tình, nồng hậu. Vẻ thuần hậu đến như thuần khiết được lưu truyền từ bao thế hệ của tất cả các dân tộc anh em trên mảnh đất này, trong đó có những anh em người Chăm vô cùng đáng quý, đáng yêu, những người đã xóa đi cái khoảng cách giữa tôi và họ bằng những câu chuyện mộc mạc chân tình, bằng ly rượu, bằng chén trà ấm lòng trong cơn mưa chiều ray rắt của một lễ Katê đầy màu sắc. Vâng, một lễ hội truyền thống từ ngàn đời hội tụ đầy đủ những tinh hoa của sắc màu văn hóa.
Tôi vốn dĩ thích sách từ thuở bé và tôi mang niềm đam mê ấy đi đến bất cứ đâu trong cuộc đời mình. Trong góc riêng sách vở của mình, tất nhiên không bao giờ thiếu những đầu sách về văn hóa Chăm, một nền văn hóa dù ít nhiều đã mai một theo dòng thịnh suy của thời cuộc, một nền văn hóa dẫu đã lùi sâu vào quá khứ thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn còn nguyên dấu tích hào hùng, còn nguyên hào quang trên những tầng tháp cổ, những bi ký ẩn tàng sự huyền bí thâm sâu.
Tôi đã từng có dịp viếng thăm những di tích, phế đô, những đền đài cổ kính là chứng nhân của một nền văn hóa rực rỡ thời quá khứ. Những tháp ngà trầm mặc bên dòng lịch sử, những vũ điệu hoang sơ tái hiện cả khung trời dĩ vãng, hòa lẫn với thiên nhiên cây cỏ. Kinh đô Trà Kiệu, đền tháp Mỹ Sơn, phế tích Phật viện Đồng Dương cho đến những đền tháp nổi tiếng trải dài trên nẻo đường thiên lý: Tháp Bánh Ít, tháp Nhạn, tháp Hòa Lai, tháp Pô Klong Grai, tháp Po Rôme… tất cả đều hiện lên trong tôi một cảnh sắc huy hoàng, tráng lệ của những vương triều lừng lẫy trong nhiều thế kỷ đã qua.
Văn hóa Chăm, những tượng thần Shiva, tượng vũ nữ Chăm, những “đường không, diễm ảo”, yoni và linga sống động đến ngỡ ngàng, mộc mạc mà thanh cao, phiêu bồng mà chân thực. Hồn Chăm ẩn sâu trong từng bức vẽ, bức phù điêu sa thạch, hồn Chăm trong từng viên gạch trường tồn, thách thức thời gian kết dính nhau không lẫn vào đâu được và hồn Chăm thăng hoa trong vũ điệu Apsara của người vũ nữ bên bếp lửa bập bùng đã mê hoặc biết bao tao nhân mặc khách.
Không phải chỉ suy tính cần phên giậu vững bền để cùng nhau chống giặc ngoại xâm phương Bắc, giữ an nguy cho non sông gấm vóc đã đổ bao xương máu giống nòi gầy dựng mà Phật hoàng Trần Nhân Tông bất chấp miệng thế gian, bất chấp những dè bỉu của quan lại và hủ nho đương thời để gả đi một Huyền Trân bé bỏng, một đóa hoa tinh khiết cho một Chế Mân anh dũng và si tình sẵn sàng dâng sính lễ bằng hai châu Ô Lý. Ở đó, ắt con người vĩ đại ấy, sau những tháng ngày viếng thăm trên đất Chăm đã nhận chân được những giá trị vĩnh hằng của một vương triều vĩ đại, rực rỡ văn minh. Bằng tuệ nhãn và cả tâm nhãn của một Thiền sư liễu ngộ, ông đã thấy sức mạnh của dân tộc Chăm, ngoài tài năng kiệt xuất của những chiến binh dũng mãnh trên sa trường, đó là sức mạnh ẩn tàng của cái nôi văn hóa nghìn đời - sức mạnh ấy có thể khiến thiên binh vạn mã kiêng dè. Và Huyền Trân, nàng công chúa như con chim loan trong lầu son gác tía cũng chưa hẳn vì đất đai của Tổ quốc để dấn thân vào nơi “lam sơn chướng khí” nếu không có được tuệ tâm của vị vua cha vĩ đại soi đường, nếu không có cái khát khao khám phá miền văn hóa, tâm linh và cả một tấm chân tình đến si dại của Chế Mân để rồi vỡ òa trong vòng tay hạnh phúc của đấng quân vương rất kiêu hùng nhưng cũng rất mực đa tình.
Văn hóa Chăm! Hồn Chăm! Dòng máu của những con người kiệt hiệt, tài hoa như Chế Bồng Nga, Chế Mân lúc sục sôi với ý chí quật cường, lúc đa tình trắc ẩn dẫu đã thuộc về quá khứ nhưng âm thanh của tiếng trống Ginăng, Baranưng, của tiếng kèn Saranai như bản hòa tấu của đất trời vang lên trong những đêm trăng, cuộn trào trong mùa lễ hội khiến gã hành khất yêu Chăm như lạc về một miền ký ức xa xăm đầy kiêu hãnh. Và kia, đôi mắt cô gái Chăm vừa huyền hoặc hút hồn, vừa hoang dại bí ẩn đã thôi miên bao đấng mày râu, lữ khách ghé thăm. Ôi đôi mắt, vũ điệu apsara, những đôi chân trần trên dải cát hoang sơ, những bàn tay thăng hoa trên gốm đã làm lạc lối khách về.
Văn hóa Chăm? Đó là tiếng Chăm, là chữ Chăm và còn là gốm, là Ramuwan, là Katê đầy màu sắc, thiêng liêng và cao cả nhưng thấm đẫm tình người, thấm đẫm hồn dân tộc, bình lặng nhưng huy hoàng, trang nghiêm mà hồn hậu giữa dòng thời đại nhiều ồn ào tục lụy. Tôi đã đi qua những Hữu Đức, Phước Đồng, Văn Lâm, Phú Quý, tôi đã dạo trên triền sông Dinh, sông Quao trong những chiều cuối hạ, dạo trên cung đường ven biển Cà Ná, mũi Dinh những sớm đầu thu….để cảm nhận hương Chăm trong nắng sớm mưa chiều, trong bảng lảng hoàng hôn, trong sương khói chiều hôm và mây trời lãng đãng và tôi đã từng cảm tác:
“Hoa cỏ đượm màu thu mắt biếc
Làng quê êm ả nếp sông xưa
Vườn cũ gom chiều thu gửi phố
Ngỡ ngàng vạt nắng cuối hiên trưa”
và:
“Đất khách, thu còn vương mắt cúc
Quê người, đông nhớ gửi tin hương
Nhớ nơi biển biếc trăng đùa sóng
Thương chốn đền xưa, núi giữa sương”
Thành quách giang san xưa dẫu chỉ còn phế tích hoặc tháp đền tịch mịch, hoang vu bởi lớp bụi thời gian, bởi trùng trùng thế kỷ phơi gan cùng tuế nguyệt nhưng còn đó hương Chăm, hồn Chăm trường tồn từ đời này đến đời khác, tỏa hương trong sông núi, đất trời.
Tôi không phải là nhà truyền giáo văn hóa, càng không phải là người am hiểu văn hóa của một dân tộc và không phải là một nhà văn hay nhà thơ lãng mạn với ngòi bút của mình. Tôi chỉ là gã lữ hành, một gã mưu sinh nơi xa xứ, quê người, rất tình cờ và cũng rất cơ duyên được tận hưởng những ngày Katê của xứ Chăm huyền diệu. Cơ duyên từ sách, cơ duyên từ những người bạn, cơ duyên từ những chuyến đi đã cho tôi được hòa mình, được nếm trải những dư vị thiêng liêng và độc đáo của một miền văn hóa, để tôi lạc trôi vào không gian tâm linh vô tận, tận hưởng và đam mê.
Văn hóa Chăm xưa và hôm nay dẫu ít nhiều phôi pha nhưng hồn Chăm còn quyện mãi, hương Chăm còn lẫn quất hương đời! Tôi yêu những điều đó biết bao! Rồi sẽ một ngày trở lại để được tắm mình trong những cung bậc tình yêu, cảm xúc ngập tràn và vẫn ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng cái đẹp nơi đây!
N.L.H