Dấu ấn Đà Nẵng trong quá trình thành lập báo Tiếng Dân
Ảnh chụp lưu niệm trước trụ sở báo Tiếng Dân
Khi nói đến báo Tiếng Dân là nói đến Huỳnh Thúc Kháng - một nhà báo xứ Quảng, đồng thời chúng ta liên hệ ngay đến Huế - nơi đặt trụ sở báo. Tuy nhiên, có một chi tiết liên quan đến Đà Nẵng là Huỳnh Thúc Kháng khi vận động và xin thành lập báo Tiếng Dân thì muốn lập trụ sở tại nhượng địa Tourane (Đà Nẵng) để hầu mong dễ hoạt động hơn sau này.
Nhà sử học Đào Duy Anh, là một trong những người trực tiếp tham gia thành lập báo Tiếng Dân những năm 1926-1927 cho biết: Vào mùa hè năm 1926, khi Đào Duy Anh đến Tourane thì gặp Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Xương Thái, “trong khi ăn cơm, cụ Huỳnh hỏi đến tình hình tôi nghỉ mát ở Mỹ Khê. Sau khi tôi bày tỏ ý định vào Sài Gòn làm báo, thì anh Nguyễn Xương Thái, người sau này sẽ từ chức Thư ký Thương chính mà theo báo Tiếng Dân, ngắt lời tôi rằng: “Việc gì anh phải đi Sài Gòn, cứ ở đây khắc có báo cho anh làm thôi”. Thế là anh khuyên tôi ở lại cùng với anh em giúp cụ Huỳnh xây dựng tờ báo Tiếng Dân”.
Khi đánh giá các công việc thành lập báo Tiếng Dân trong hơn một năm (mùa hè 1926 đến mùa hè 1927), Đào Duy Anh cho biết: “Công việc chuẩn bị thành lập tờ báo ở Tourane đã thu hút sự quan tâm có thể nói là của tất cả các phần tử tiến bộ ở trong các tỉnh Trung kỳ từ Bắc đến Nam. Ở Tourane thì hằng ngày ở nhà anh Nguyễn Xương Thái là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở có các thanh niên và nhân sĩ ở Tourane và Quảng Nam lui tới thăm cụ và trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề ra báo. Thỉnh thoảng lại có người trong các nhóm tiến bộ tự nhiên hình thành ở các tỉnh thay mặt cho “anh em” đến thăm và báo cáo với cụ Huỳnh về tình hình ủng hộ của đồng bào tiến bộ ở mỗi nơi. Có thể nói rằng, đồng bào đêm ngày chờ đợi báo ra để thực sự “có tờ báo của mình” mà đọc, do đó tự nhiên ở mỗi tỉnh đã có những người tự nguyện tuyên truyền cho báo Tiếng Dân và kêu gọi góp cổ phần để thành lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng”. Như vậy, ngay từ đầu khi chủ trương vận động thành lập báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã quyết định trụ sở báo phải được đặt tại Đà Nẵng để thuận tiện hoạt động.
Một câu hỏi được đặt ra là trong khoảng thời gian mùa hè năm 1926 đến mùa hè năm 1927 - khi chuẩn bị cho số báo đầu tiên, thì cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những động thái nào nhằm thuyết phục nhà chức trách Pháp trong việc xin phép thành lập báo Tiếng Dân, trong đó có đề nghị đặt trụ sở tại Đà Nẵng.
Theo các tài liệu lưu trữ, ngày 8-10-1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng có đơn gửi Toàn quyền Đông Dương Pasquier xin phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ, có tên là Tiếng Dân và đặt trụ sở tại Đà Nẵng, nhằm phổ biến tư tưởng yêu nước, canh tân ôn hòa. Ngày 18-10-1926, Khâm sứ Trung kỳ có công văn gửi Toàn quyền Đông Dương báo cáo: “Tôi hân hạnh gửi kèm theo đây một lời yêu cầu do ông Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ soạn, nhằm xin phép ra một tờ báo ở Trung kỳ. Tuân theo chỉ dẫn của ngài, tôi đã triệu tập ông này để hỏi một số thông tin về vấn đề đội ngũ điều hành của tờ báo, các cộng tác viên, nguồn tài chính... Thật sự mà nói, theo lời tuyên bố của ông Huỳnh Thúc Kháng thì tổ chức này vẫn chỉ là một dự án và muốn hiện thực hóa nó thì phải có sự cấp phép. Ngoài ra, ông này không hề phản đối việc đặt trụ sở tương lai (của tờ báo) tại Huế. Tôi hân hạnh đề nghị ngài trả lời cho ông Huỳnh Thúc Kháng, phê chuẩn yêu cầu của ông ta sau khi ông ta đáp ứng một số điều kiện, thông tin đầy đủ cho chính quyền, chịu sự giám sát về nội dung bài vở, tuân theo các quy chuẩn... Giấy phép đơn giản này về mặt nguyên tắc sẽ cho phép ông ta mở tờ báo. Ông ta có thể sẽ thông tin cho chúng ta về các nhà báo, phương thức hoạt động và mục đích. Sau đó giấy phép xuất bản sẽ được chấp thuận hoặc từ chối tùy theo tình hình”.
Trong công văn này cho thấy một điểm quan trọng khi nêu: “Ngoài ra, ông này không hề phản đối việc đặt trụ sở tương lai (của tờ báo) tại Huế” - có nghĩa là vấn đề nơi đặt trụ sở của Tiếng Dân trở thành một vấn đề có tính mấu chốt trong việc có đồng ý cấp phép cho tờ báo hay không. Tuy nhiên, trong thư cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ ngày 14-12-1926 nêu rõ điểm thứ hai về việc đề xuất chọn Đà Nẵng làm trụ sở như sau: “Tôi xin ngài cho phép Tiếng Dân được xuất bản tại Đà Nẵng. Hiện tôi không rõ các biện pháp kiểm duyệt mà chính quyền sẽ thi hành là gì, sẽ khiến cho tờ báo gặp rắc rối ra sao, nhưng tôi sẽ rất biết ơn nếu như ngài có thể dùng các biện pháp cần thiết để xử lý mọi rắc rối, giúp tờ báo non trẻ với nguồn vốn eo hẹp này tránh được các khó khăn lớn về kinh tế”.
Để lập luận lý do chọn Đà Nẵng làm trụ sở báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng nêu rõ: “Sau đây là một số khó khăn trong muôn vàn khó khăn: trang thiết bị tới Đà Nẵng lại phải chịu một khoản phí vận chuyển để ra Huế, nhà in mà tôi tính mở để phục vụ cho tờ báo ở Huế bằng vốn riêng của báo sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với một nhà in lớn đã tồn tại trước. Để hoàn thành
sứ mệnh khai hóa của nước Pháp, ngài đã đồng tình phải có với một cơ quan ngôn luận định kỳ tại xứ bảo hộ mà một trong số tay chân của ngài sẽ cộng tác với tờ báo này bằng các tác phẩm Pháp ngữ. Tôi rất mong ngài tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan xuất bản này phát triển và giúp đỡ tôi về mặt trang thiết bị để tôi có thể hiện thực hóa nguyện vọng của bản thân cũng như của đồng bào tôi. Ngoài ra còn có nhiều lý do khác buộc tôi phải đặt trụ sở báo tại Đà Nẵng. Đây là một thành phố thương mại, trong khi Huế lại là một thành phố trí thức nơi các luồng tư tưởng chính trị rất đa dạng và chắc chắn có những trường phái không phù hợp với quan điểm ôn hòa cũng như mục tiêu giáo dục đại chúng của tờ báo. Bản chất của tôi muốn tôi chạy trốn khỏi môi trường hỗn loạn và làm việc ở một chốn yên tĩnh. Song ý thức được sự hạn chế về phương tiện, tình trạng lạc hậu của dân chúng An Nam, tôi quyết định tránh mọi ảnh hưởng chính trị càng xa càng tốt bằng cách đặt trụ sở của Tiếng Dân tại Đà Nẵng, nơi tôi có thể tập trung theo đuổi con đường đã vạch ra”.
Có thể thấy rõ, lập luận của cụ Huỳnh Thúc Kháng nhằm thuyết phục nhà cầm quyền thuộc địa bằng cách khéo léo lồng ghép vào các luận điểm phù hợp với quan điểm của chính quyền thuộc địa. Ngoài việc nêu bài toán kinh tế, thì quan trọng hơn là yếu tố về chính trị khi chọn Đà Nẵng làm trụ sở với 2 luận điểm chính: 1- Để hoàn thành sứ mệnh khai hóa của nước Pháp và 2- Tờ báo này có quan điểm ôn hòa, chọn sự yên tĩnh, tránh xa mọi ảnh hưởng chính trị. Rõ ràng, đây là một lập luận sắc bén trong bối cảnh chính trị đương thời và cụ Huỳnh Thúc Kháng hiểu rất rõ: muốn được việc lớn hơn cần phải hiểu thời thế để chọn phương án ít bất lợi nhất nhằm thực hiện mục tiêu của mình và của các cộng sự đề ra.
Tuy nhiên, với sự e ngại đối với Huỳnh Thúc Kháng, một cựu tù chính trị, có sức ảnh hưởng lớn không chỉ riêng Trung kỳ mà toàn Việt Nam nói chung, nhà chức trách Pháp ở Đông Dương kiên quyết chọn phương án an toàn khi yêu cầu trụ sở phải đặt tại Huế hơn là đáp ứng đề nghị của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Qua nhiều lần nghiên cứu, ngày 12-2-1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier mới ký Nghị định số 112-S cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân. “Ông Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ được phép phát hành tại Huế một tờ báo ra 2 lần/ tuần, bằng chữ “quốc ngữ’, có tên là TIẾNG DÂN. Nội dung bằng chữ “quốc ngữ” của mỗi số báo TIẾNG DÂN và bản dịch toàn vẹn ra tiếng Pháp phải được trình cho văn phòng Khâm sứ ít nhất hai ngày trước khi xuất bản”1.
Chính quyền Pháp ở Đông Dương đồng ý thành lập báo Tiếng Dân nhưng với điều kiện tiên quyết tòa soạn phải đặt tại Huế và phải đến tháng 4-1927, báo Tiếng Dân mới chính thức được đặt tại Huế, ở địa chỉ số 123 đường Đông Ba. Chính vì mục tiêu cao cả vì dân theo hướng chấn hưng đất nước của Tiếng Dân mà chính quyền thuộc địa Pháp luôn có sự kiểm soát gắt gao, mà việc yêu cầu trụ sở thay vì tại Đà Nẵng phải chuyển ra Huế, gần Khâm sứ Trung kỳ là điều dễ hiểu. Và trong quá trình thành lập báo Tiếng Dân, Tourane - Đà Nẵng có vị trí quan trọng, đánh dấu một điểm nhấn trong lịch sử của báo Tiếng Dân nói riêng và về người Quảng Nam làm báo nói chung trong dòng chảy lịch sử báo chí Việt Nam.
V.H