Ấn tượng Trường Hải Chu Lai

28.03.2023
Bùi Công Minh

Ấn tượng Trường Hải Chu Lai

Khu công nghiệp Thaco Chu Lai

Thông báo về chuyến tham quan thực tế Tập đoàn Thaco Trường Hải đúng vào những ngày cuối năm bận rộn, nhưng thực ra kế hoạch thì đã ấn định từ giữa năm. Chi hội trưởng Bùi Xuân tâm sự trên zalo: Chuyến đi thực tế sáng tác một ngày mà công tác chuẩn bị 5 tháng, suốt từ tháng 7/2022 đến giờ, rất mong anh chị em hưởng ứng để chuyến đi thành công! Nhà văn Thái Bá Lợi gửi tin nhắn báo vắng mặt không đi được vì sức khỏe không cho phép, nhưng tác giả Câu chuyện Đà Nẵng không quên kèm theo lời động viên “anh chị em nên đi để thấy được sự phát triển hiện đại ngay trên quê hương đất Quảng”. Thế là hủy mọi kế hoạch, quyết tâm lên đường. Mặc dù không biết có viết lách gì được không, có khi lại làm phiền cho chủ nhà phải tiếp đón trong khi kế hoạch kinh doanh cuối năm đang đòi hỏi chắt chiu thời gian từng giờ từng phút.

Cũng có chút háo hức “không hề nhẹ”. Bởi cách đây ngót hai mươi năm, nhân theo đoàn công tác của thành phố đến 3 nước Bắc Âu, có ghé thăm một hãng ô tô lớn của Thụy Điển mang tên Tập đoàn Scania. Nghĩ bụng, bao giờ xứ Quảng mình có được một cơ ngơi hoành tráng sản xuất được các loại xe ô tô made in Vietnam như ở trời Tây thế này. Nên cứ muốn được một lần tận mắt chứng kiến cái tên Trường Hải mới chỉ được xem trên ti vi. Hơn nữa, được biết đây là tập đoàn công nghiệp ô tô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực ASEAN, đồng thời phát triển thêm các lĩnh vực cơ khí, logistics. Lại càng thêm hào hứng.

Xe của tập đoàn đến đón đúng giờ; lại có cán bộ phụ trách truyền thông đi cùng đoàn để tranh thủ giới thiệu trước trên đường đi. Đến nơi bắt tay vào công việc ngay. Kế hoạch có đảo lại tí chút do đoàn đến hơi muộn. Xin mời các anh chị ra xe, chúng ta đi tham quan trước rồi về nghe báo cáo tổng hợp sau. Quả thật, tác phong công nghiệp không cho phép dềnh dàng như kiểu văn nghệ sĩ được. Hơi có chút áy náy vì làm lỡ kế hoạch của chủ nhà, nhưng không sao, cứ vui vẻ, nghe trước nhìn sau hay nhìn trước nghe sau, cuối cùng cũng vào thơ vào văn được cả!

Hai chiếc xe buýt mi-ni chạy điện đang đợi sẵn ngoài sảnh lễ tân. Thoáng nghĩ mấy ông bà làm nhân sự ở đây khéo chọn người. Lái xe toàn những thanh niên điển trai, lại thêm có khiếu ăn nói, gây thiện cảm với khách ngay từ đầu. Ngồi một lát lại có thêm hai cô chuyên viên ở bộ phận truyền thông lên xe cùng đi. Thôi thì rôm rả đủ chuyện. Kể cả chuyện Covid. Có ai đó mở đầu bằng một câu hỏi rất thời sự: Hai năm chống chọi Covid-19, THACO Chu Lai có bị ảnh hưởng gì không. Được trả lời ngay: THACO Chu Lai chúng em có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, không để Covid thâm nhập, dây chuyền công nghiệp vẫn vận hành trôi chảy nhịp nhàng, vẫn xuất khẩu các lô hàng cơ khí, linh kiện phụ tùng đi các nước. Nói như dân gian, vậy là đã “vào cầu” rồi! Trong khi nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng của không ít doanh nghiệp trong nước và thế giới bị đứt gãy do đại dịch Covic-19 gây ra thì THACO lại tìm kiếm được đối tác và ký kết hợp tác chiến lược với một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài. Trước đó, Trường Hải Chu Lai đã xuất khẩu xe du lịch KIA sang một số nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar, hay xuất khẩu xe bus sang Philippines.

Nghĩ lan man thế, trong câu chuyện ngoài lề, trước khi xe chạy êm lướt qua các phân xưởng đang ca sản xuất. Những người công nhân, nam có nữ có thấp thoáng sau các cỗ máy cồng kềnh, chăm chú làm việc. Họ là một mắt xích trong guồng máy chung, không thể dừng lại để chào hỏi khách, và cũng không thể mời họ phỏng vấn rồi ghi ghi chép chép được theo kiểu nhà văn nhà báo hay làm, nếu chưa được chuẩn bị trước. Mở ngoặc nói vui: Trong khi các công nhân đang làm việc nghiêm túc tại các phân xưởng, duy nhất chỉ có những người bảo vệ tại các bốt gác theo phận sự của mình, khi thấy xe chở đoàn khách đi qua, rất niềm nở mỉm cười chào khách; lại đưa tay chào theo kiểu quân sự khiến ông đại tá nhà thơ nhà báo ngồi cạnh tôi, con nhà lính chính cống mà cũng phải giật mình ngạc nhiên một cách thú vị. Phải chăng đây cũng là một nét văn hóa doanh nghiệp mà những lãnh đạo Tập đoàn đã dày công xây dựng.

Lãnh đạo Thaco Chu Lai tiếp các nhà văn Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng

Tuy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, chưa kịp tiếp xúc chi tiết với các công đoạn sản xuất, nhưng có một cảm giác rất rõ ràng là mình đang sống trong một nhịp sống công nghiệp hiện đại trong một không gian rộng lớn thoáng đãng, hạ tầng kỹ thuật bề thế. Chỉ riêng khu sản xuất lắp ráp ô tô đã là một tổ hợp bao gồm 7 nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… với hệ thống máy móc tự động, ứng dụng số hóa trong quản trị sản xuất. Điều thú vị là khách đi thăm các phân xưởng, dù là sản xuất, gia công, cơ khí, điện, linh kiện điện tử, sản xuất gương kính… đều ngồi trên xe điện để tiết kiệm thời gian. Hệ thống giao thông nội bộ ở đây thông suốt, từ ngoài đường vào bên trong các nhà xưởng. Hệ thống này không chỉ là những con đường nhựa nối các tòa nhà với nhau mà ngay trong từng phân xưởng của một tòa nhà, chiếc xe điện cũng nhẹ nhàng len lách bên cạnh những cỗ máy đồ sộ; khách tham quan ngồi nguyên trên xe mà vẫn có cảm giác có thể chạm tay vào các sản phẩm. Chỉ cần tinh ý một chút là có thể hình dung ra cả một dây chuyền công nghệ hiện đại, biết được quy trình hình thành một chiếc xe ô tô như thế nào, hiểu được những thiết bị phụ trợ làm nên một chiếc xe tải, xe buýt chở khách, xe du lịch, xe chuyên dụng… ra sao. Lại nhớ lần đến thăm hãng sản xuất ô tô của Thụy Điển năm ấy. Tuy là nhà máy lớn nhưng không thể có đường giao thông nội bộ rộng thoáng trong các nhà xưởng như ở đây, khách tham quan phải đi bộ, chỉ thăm được một vài phân xưởng chính. Chả trách được. Một hãng sản xuất ô tô ra đời từ thế kỷ XIX, có tuổi đời hơn 300 năm, không thể có mặt bằng ưu việt như thế này, mặc dầu kỹ thuật, trình độ sản xuất rất tiên tiến. Ưu thế của mặt bằng-  đó là một trong những điều mà Chủ tịch THACO Trường Hải - doanh nhân Trần Bá Dương đã nhìn ra ngay khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để chọn địa điểm này.

Nhà máy lắp ráp xe du lịch cao cấp

Mưa lâm thâm đủ làm ướt áo người đi ngoài trời nhưng không hề gì, vì công nhân tất cả các phân xưởng đều làm việc trong các tòa nhà hiện đại, tường bao mái che kiên cố. Trong các tòa nhà ấy, nhịp điệu lao động vẫn diễn ra sôi sục. Ấn tượng về những chiếc xe vừa hoàn thiện, trông không khác gì các hãng xe tại các nước Âu Mỹ, chỉ có điều có thêm những thiết bị phụ tùng thiết yếu được nội địa hóa để chủ động trong cạnh tranh với thị trường ô tô khu vực và thế giới.

Từ khu Tổ hợp sản xuất lắp ráp ô tô ra Cảng Chu Lai của Tập đoàn Trường Hải chỉ khoảng gần 3 cây số. Trên đường đi thăm Cảng, xe đưa đoàn ngang qua khu vực Văn phòng Nhà điều hành, bên đó là khu đô thị, chung cư, nhà ở xã hội đã được quy hoạch, sẽ xây dựng nay mai. Trường Cao đẳng nghề của Tập đoàn cũng nằm trong khu vực này. Có lẽ diện tích 1.200 ha cũng chưa thỏa mãn với khát vọng vươn lên mở rộng không gian hoạt động của “hệ sinh thái” công nghiệp thế hệ mới đa ngành đa lĩnh vực của Trường Hải Chu Lai. Một khi đã “thâm canh” đạt hiệu quả thì phải nghĩ đến “quảng canh”. Cảng Chu Lai là một ví dụ. Được đưa vào hoạt động vào tháng 5/2012, Cảng Chu Lai, là công trình được đầu tư từ nhu cầu “tự thân” của Tập đoàn THACO Trường Hải nhằm tìm “giải pháp trọn gói” để giải quyết bài toán tạo thuận lợi cho việc giao nhận - vận chuyển và xuất nhập khẩu khi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có cả vấn đề chủ động được giá các dịch vụ cảng biển trong tình hình giá cả biến động hiện nay. Nhìn những container được xếp lớp cao chất ngất bên những cần cẩu hiện đại dưới bàn tay điểu khiển của những công nhân cảng, chúng tôi càng tin vào hiệu quả hoạt động của một cảng biển mới chỉ hơn mười năm tuổi, cùng với các lĩnh vực hoạt động khác của  một Tập đoàn tư nhân mà người đứng đầu là một ông chủ Việt Nam trăm phần trăm, càng hiểu thêm tính đúng đắn của những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thời kinh tế hội nhập thế giới. Đọc báo Quảng Nam, được biết trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam hồi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến kiểm tra hoạt động của THACO Trường Hải, đánh giá cao hướng đi đúng đắn và hiệu quả của tập đoàn, trở thành một tập đoàn đa ngành, có cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, có khả năng tham gia được vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu của THACO. Thủ tướng cũng khẳng định sứ mệnh 25 năm qua của THACO cơ bản đã đạt được; bây giờ, sứ mệnh 25 năm tới phải là một THACO thế hệ mới trong cuộc cách mạng 4.0, tiếp tục phát triển công nghiệp cơ khí xứng tầm, đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp nền tảng.

Trường Cao đẳng Thaco

Bữa cơm trưa ấm cúng thân mật tại phòng ăn dành cho khách, ngay cạnh phòng họp. Tiếp chúng tôi vẫn là Phó Giám đốc phụ trách hành chính Trần Nhật Quang, người đã chủ trì cuộc tiếp kiến ban đầu để các thành viên trong đoàn nghe báo cáo và xem phim tư liệu về lịch sử Tập đoàn. Quang dân Điện Phương Điện Bàn, trước công tác ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, trực tiếp phụ trách nhà máy sản xuất gạch men, cũng từng quen quản lý doanh nghiệp. Cùng có mặt từ đầu còn có thầy giáo Phan Tiềm, Hiệu trường Trường dạy nghề  của riêng Tập đoàn, tên chính thức là Trường Cao đẳng THACO. Phan Tiềm vốn cùng công tác ở Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, cũng là chỗ quen biết. Tiềm cho biết anh vừa đi Lào về. Bên ấy cũng có một phân hiệu của Cao đẳng THACO, đào tạo nhân lực cho nước bạn. Ngồi một lúc thì cô Phan Thị Lựu, Phó trưởng phòng truyền thông THACO Chu Lai vui vẻ đến chạm ly chúc mừng. Tự giới thiệu em là học sinh chuyên văn Lê Quý Đôn, từng học nhiều thầy giáo của ngành giáo dục Đà Nẵng, kể tên nghe quen thân cả. Thật vui. Như không khí gia đình. Bỗng liên tưởng một cách thú vị về chọn nhân sự của lãnh đạo Tập đoàn. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Một, cây bút văn xuôi có tiếng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được mời làm Giám đốc truyền thông của toàn Tập đoàn, dưới đó lại có cả những cán bộ chuyên viên cũng xuất phát từ dân văn chương. Chẳng thế, đọc những Tầm nhìn, Sứ mệnh, Văn hóa Tập đoàn vẫn thấy rõ “chất văn” của một doanh nghiệp lớn chuyên làm ăn kinh tế! Cái “chất văn” ấy còn hiển hiện trong biểu tượng cây xương rồng khắc khổ - đặc trưng của vùng cát cằn khô - nở một bông hoa đỏ tươi rực rỡ, được xây dựng ngay tại con đường dẫn vào Tập đoàn, tạo ấn tượng mạnh cho người mới đến về sức sống, về khát vọng vươn lên vượt khó của con người nơi đây để có được thành tựu gây dấu ấn trong hiện tại và tương lai!

 

Đoàn Nhà văn Đà Nẵng chụp ảnh kỷ niệm cùng các anh chị Thaco Trường Hải.

 Lúc này đã thân mật hơn, chúng tôi nói nhiều về công việc đã qua và tương lai của THACO Trường Hải. Càng nghe, càng thấy mình còn biết quá ít về nơi này. Cảm thấy thật thiếu sót. Đã biết bao lần qua lại tuyến đường này, khi thì tàu Thống Nhất, lúc ô tô cơ quan đi công tác phía Nam, nhưng thường chỉ nhìn về phía tượng đài Núi Thành, hình dung và tự hào về một huyền thoại thời chúng ta đã sống mà ít khi hướng về phía biển. Phía ấy, từ rất lâu, chỉ được biết đến là một căn cứ quân sự thời chiến tranh, sau ngày đất nước thống nhất, là những trảng cát trắng với nắng chói chang. Cho dù đã đọc nhiều thông tin về các dự án, nhưng nghĩ nó còn thật xa vời. Bây giờ tận mắt đến đây, mới thấy, trên cái nền cát trắng mênh mông kia, đã có những công trình lớn được mọc lên, không phải là “lâu đài trên cát”, mà là một bức trường thành kinh tế công nghiệp vững chắc bên bờ biển. Có thể tin vào điều này. Hơn 60 ngàn nhân sự Trường Hải đang làm nên thương hiệu THACO Việt Nam. Nhưng trước hết là người đứng đầu Tập đoàn. Một trí thức trong kinh doanh. Điều này rất cần thiết để phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức hiện đại. Tiếc là không gặp doanh nhân Trần Bá Dương dịp này, nhưng được biết ông là người được đào tạo bài bản, là kỹ sư, nhưng không phải “kỹ sư bàn giấy”. Khi mới ra trường, số phận đã thử thách người kỹ sư trẻ này với bài học đầu đời là phải làm thợ sửa chữa xe. 25 năm trước, đứng ra lập doanh nghiệp chủ yếu là buôn bán ô tô, tiến tới có chút lưng vốn, thành lập xưởng sản xuất nhỏ, cứ thế mà đi lên cho đến ngày hôm nay, THACO trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, ông chủ tập đoàn thành tỷ phú đô la, doanh nhân thành đạt với cơ ngơi bề thế, được tổ chức Ernst & Young trao giải “Doanh nhân xuất sắc ASEAN 2020” nhờ đóng góp lớn vào kinh tế và cộng đồng khu vực. Ông Max Loh - Tổng giám đốc tổ chức uy tín nói trên, trong phát biểu chào mừng, còn nhận định vị chủ tịch Tập đoàn của Việt Nam là “tấm gương tạo nhiều cảm hứng” cho những doanh nhân khác. Đó có thể được coi là một lời động viên đúng lúc, ở thời điểm này, khi mà chúng ta đang nói nhiều đến hai từ “khởi nghiệp”. Có thể nói, bước vào cơ chế thị trường, cơ hội của một doanh nhân cũng giống như cơ hội của một đất nước còn nghèo như nước ta. Không phải ai cũng khởi nghiệp bắt đầu từ “vạch đích”. Không có cơ hội nào bày sẵn một cách dễ dàng. Phải trải qua thử thách, phải nắm bắt cơ hội, thậm chí tạo ra cơ hội từ trong thách thức, mới mong đi tới thành công thực chất. Tôi nhớ đã đọc đâu đó câu nói này của ông chủ tập đoàn Trường Hải khi chọn Chu Lai làm một đại bản doanh cho mình: Ngày đó, có lẽ khoảng năm 2002 chăng, khi Tập đoàn THACO chuẩn bị đầu tư vào Chu Lai, tôi nói anh em trong công ty rằng, một là mình sẽ thành công và kéo dài đến 2018. Hai là mình sẽ chết tại Chu Lai, thất bại tại Chu Lai. Nhưng, thực tế đã chứng minh sau 25 tồn tại và trưởng thành lớn mạnh của Trường Hải, mảnh đất Chu Lai từng là mồ chôn những kẻ đến xâm lược đất này, nhưng sẽ không để cho những người có tâm huyết trong xây dựng đất nước phồn vinh bị thất bại. Sự thật như thế. Đạo lý ở đời là vậy. Không những phát triển tự thân mà những thành công của Tập đoàn cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước và có những đóng góp lớn cho cộng đồng. Ngoài việc tài trợ cho các hoạt động xã hội, cấp học bổng cho các đối tượng khó khăn và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, năm 2020 THACO cũng đã hỗ trợ tài chính lẫn thiết bị y tế để chung tay trong cuộc chiến chống Covid-19. Lại nhớ, mỗi lần xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam thường gặp câu: THACO hân hạnh đồng hành cùng chương trình này. Chương trình Cất cánh VTV1 nói về khát vọng Việt Nam, về những thành công và bài học sống của những người nổi tiếng, cũng lại gặp THACO đồng hành. Lại mở tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng gặp thêm câu này ở trang cuối của tờ báo: THACO hân hạnh đồng hành cùng văn học trẻ Việt Nam. Chưa hết: Tập đoàn THACO hân hạnh tài trợ cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2022-2024 v.v... và v.v…

Đến Chu Lai Trường Hải, thấy khái niệm lòng yêu nước ở đây được biểu hiện cụ thể lắm. Yêu nước là làm gì cũng phải nghĩ đến những sản phẩm made in Vietnam đủ sức cạnh tranh tầm quốc gia. Sản xuất được ô tô là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm xe phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, sản phẩm phải có sức thu hút, sức cạnh tranh trên thị trường khu vực, dần dần vươn ra thế giới. Yêu nước, khẳng định vị thế đất nước là phải phấn đấu để tiến tới nội địa hóa phụ tùng thiết bị, giảm nhập siêu thiết bị phụ tùng nước ngoài. Và nhất là, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam phải có tư duy kỹ thuật, sáng tạo, cải tiến, làm việc với tinh thần tỉ mỉ, kỷ luật và có tính tuân thủ cao. Toàn là những bài toán hóc búa, những câu hỏi không dễ trả lời, phải có thời gian. Nhưng khát vọng thì đã rõ. Lộ trình cũng đang được thiết kế. Nói riêng về tỷ lệ nội địa hóa, đến nay có những dòng xe mới đạt 30-40%, cao nhất 60%. Con đường phía trước vẫn còn dài, không thể chủ quan tự mãn, mặc dù đi dọc bãi xe mới ra lò, thấy dáng dấp của một nền công nghiệp sản xuất ô tô hiện đại đã hiện ra trước mắt. Nghĩa là người Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ô tô. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô Việt Nam mới bắt đầu phát triển, hòa nhập vào thị trường khu vực và thế giới.

Tò mò một chút, tôi gọi điện hỏi nhà văn Nguyễn Một “Vì sao lại đặt tên Tập đoàn là Trường Hải?”. Nhà văn Nguyễn Một trả lời: Vào năm 1997, lúc khai sinh Công ty anh Dương đặt tên Trường Hải với mong muốn vươn ra biển lớn hội nhập. Năm 1998 con trai anh Dương ra đời và anh lấy tên Công ty đặt cho con trai. Chà, lại thêm một điều thú vị nữa. Ông chủ tập đoàn này gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ theo cách thật là độc đáo. Thật ra là tin tưởng vào tương lai của Tập đoàn, tương lai của vùng quê vốn nghèo khó này, nhưng cũng chính là đặt trách nhiệm thật nặng nề cho thế hệ trẻ: không làm mất đi cái truyền thống anh hùng trong quá khứ, đồng thời không làm mất đi một trong những thương hiệu của ô tô Việt Nam và cả thương hiệu của nhiều ngành hàng khác mà Tập đoàn đang mở rộng kinh doanh. Lại nhớ đến Hãng ô tô ở xứ Bắc Âu từng đến thăm năm nào. Trường Hải Chu Lai giờ mới 25 tuổi mà cái hãng xe mình đến thăm dạo đó đã có tuổi đời trên 300 năm. Làm sao có thể dự cảm được những gì sẽ diễn ra trên vùng đất này với sự phát triển vũ bão của công nghệ và trí tuệ thông thái của con người văn minh. Mặc dầu vẫn biết chặng đường trước mắt còn nhiều thử thách, nhưng biết đâu lại sẽ có một loại ô tô thông minh smart auto vượt trội mang thương hiệu Việt Nam được ra đời trên vùng đất Chu Lai đầy chiến tích này! Cứ đặt cho mình một niềm tin như thế, khi chứng kiến những gì Trường Hải đang có hôm nay…  

Tháng 1-2023
B.C.M