Tươi Nguyễn: “Thơ là ánh sáng, nhựa đời”
Sau đại dịch Covid-19, Tươi Nguyễn (tức Nguyễn Như Tươi) lặng lẽ cho ra mắt tập thơ đầu tay Chút ánh sáng trong tim (NXB HNV 2022). Đây có thể coi là món quà tinh thần, trước hết Tươi Nguyễn dành tặng chính mình, sau nữa là bạn bè - những người yêu thơ ca.
Giữa Sài Gòn, ngồi lại với nhau sau những tan tác, đau thương; lúc này thơ ca chẳng có ý nghĩa gì nhiều, nếu nó chỉ là son phấn hay trang sức. Nhưng với Tươi Nguyễn, tôi hiểu, thơ đối với anh là tất cả những gì ruột gan và chân thật nhất. Đã hơn một lần Tươi Nguyễn bộc bạch: “Với tôi thơ là sự cứu rỗi. Thơ giúp tôi thoát khỏi những tâm trạng bức bách, những suy nghĩ u ám và giúp tôi tìm thấy niềm tin vào cuộc sống. Thơ cũng là công cụ giúp tôi thể hiện được những cảm xúc sâu thẳm của mình một cách chân thật và tự do nhất”.
Nghĩ cũng lạ, hầu hết những người làm thơ viết văn, dù ít dù nhiều, hồn nhiên hay toan tính, cũng đều nghĩ tới chuyện danh vọng; thì Tươi Nguyễn đến với thơ khi căn thể chừng bặt những hư danh.
Bây giờ chẳng buồn vui chi nữa
Hứng khởi từ bi sống trọn đời
Không mơ danh vọng trong trời đất
Ngồi giữa vườn thiền nghe lá rơi.
(Quy ẩn; tr 20)
Tôi không hẳn là thích giọng thơ Tươi Nguyễn, nhưng vô cùng chia sẻ với anh về tinh thần sống, vừa nhập thế vừa lánh đời. Tinh thần trung đạo trong thơ Tươi Nguyễn thể hiện khá rõ nét và tôi đồ chừng rằng đây cũng chính là tinh thần sống của anh. Thơ với đời là một. Những choáng động không khẩu phần tục lụy mà đã dịch chuyển sang miền từ bi. Diễn ngôn thì dễ nhưng thực hành rất khó.
Từ dạo ẩn mình quanh quán chợ
Đọc thêm dăm cuốn Vệ kinh đà
Trú tạm nơi cõi miền bi lụy
Nghe gió ta bà thổi khiếp kinh.
(Hành giả; tr 31)
Càng sống, tôi càng nhận ra mình không biết nhiều thứ, có những điều tưởng chừng sáng rõ rồi chợt mịt mù vô minh. Thế sự đảo điên. Nhưng có một thứ, tôi luôn biết chắc chắn, đó là sự tổn thương nơi con người là vô cùng nhiều. Thời cuộc này, dường như ai cũng bị tổn thương. Sự tổn thương không có mẫu số chung. Nhưng mỗi khi nghĩ về tâm hồn thi sĩ, tôi lại liên tưởng đến sự tổn thương của thiên nhiên. Có rất nhiều loài cây khi bị tổn thương thì tiết ra dòng nhựa. Có thể gọi nhựa là nước mắt của cây. Nhưng ngẫu duyên, nhựa cây cũng là thức ăn cho côn trùng và thảo dược cho con người.
Cho nên ở một khía cạnh nào đó thì thơ ca được sinh ra từ tâm hồn đầy tổn thương và thao thức của thi sĩ cũng chính là liều thuốc giảm đau dành cho con người. Tôi tìm thấy vị thuốc đó nơi những câu thơ chân thật của Tươi Nguyễn. Cho nên, với tập Chút ánh sáng trong tim, có thể nói thơ Tươi Nguyễn vừa là ánh sáng vừa là nhựa đời.
Nói tới Tươi Nguyễn, nhiều người thường nhắc tới cha anh, ông Xuân Thống - một nhân vật văn nghệ “vang bóng một thời”. Thời nay, khi cuộc sống trở nên quá thực dụng, thật không dễ gì tìm thấy một con người bạt mạng mà hồn nhiên như ông Xuân Thống. Nhưng có điều nghịch lý mà Tươi Nguyễn từng tâm sự với tôi: “Nói thật, khi cha còn sống, tôi luôn cảm thấy lo sợ, tôi muốn mình phải sống khác đi, có trách nhiệm hơn”.
Nhưng đó là nói về phương cách sống trên bình diện công dân, còn trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ, Tươi Nguyễn thấy mình gần gũi với cha hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi anh tạm gác gánh nặng áo cơm: “Người cha của tôi đã ra đi khi tôi còn rất trẻ, nhưng ảnh hưởng của ông đối với tôi rất lớn. Ông là người đã truyền cho tôi niềm đam mê với nghệ thuật, đặc biệt là với thơ. Tôi luôn cảm thấy sự hiện diện của ông trong tâm hồn mình và niềm tin vào tình thương và sự tồn tại của một thế giới khác”. Đó là tâm sự rất thật lòng của Tươi Nguyễn.
Sở dĩ tôi nhắc tới câu chuyện người cha trong cuộc đời thơ ca của Tươi Nguyễn vì quan sát, tôi nhận ra mối dây bền chặt của tình yêu thương và lòng trắc ẩn hiện ra trong thế giới thơ của anh rất nhiều. Nhà thơ Vương Huy thật có lý khi nhận định: “Nhìn bao quát tập thơ, Tươi Nguyễn đi tìm ý nghĩa sống trong cuộc đời dâu biển vô thường, với những phận đời nghệ sĩ hẩm hiu heo hắt. Dấu vết của những cuộc chơi tàn canh còn lại trong thơ như mớ tàn tro đốt sưởi hoang vu núi lạnh”…
Quả vậy, thơ với Tươi Nguyễn không phải là những cuộc “ngậm ngải tìm trầm”, mà nhiều khi đơn giản chỉ là thắp lên bên đời một ánh lửa cho bớt hoang vu giá lạnh. Ở một khía cạnh khác, tôi thấy thơ Tươi Nguyễn gần gũi với mình khi phổ vào đó tinh thần Phật giáo. Tính kiệm lời và tinh thần của im lặng, khiến mỗi bài thơ như một hồ nước, một công án để mỗi người tự soi chiếu theo cách của mình.
Đời lạc trôi bến lỡ
Mộng cũng tàn bên song
Ta ôm đầu tóc rối
Nghe gió lùa hai vai.
(Buông; tr 41)
Lứa chúng tôi, hầu hết sinh ra ở nông thôn và mưu sinh nơi phố thị, ít hay nhiều đều mang bi kịch của những đổ vỡ hồn nhiên. Những miền trong trẻo dạt trôi. Sự đánh đổi, trả giá. Gánh nặng chứng minh. Nói như vậy để hiểu chữ “buông” trong thơ Tươi Nguyễn nó nằm trong trường nghĩa nào. Họa sĩ Hà Hùng, khi nói về thơ Tươi Nguyễn đã cho rằng đó là những vần thơ rất chân thật, đi từ nỗi đau thật: “Vì đọc thơ theo mình là thấy nó thật, thì mới ra thơ, đó chính là “hơi hương” của cuộc đời được chưng cất, chắt lọc ra từ những nỗi đau vô bờ bến của con người. Chứ thơ không như những môn nghệ thuật khác, là có thể lấy mấy cái khác mà che đậy cái không thật bên trong. Vì thế đọc thơ là biết thật giả liền. Cho nên những ai thành danh (thực tài) về thơ thì sẽ biết cái gọi là "hơi hương cuộc đời" là nó được sinh ra từ đâu, là từ cái chỗ "hồn phiêu phách tán" mà ra cả. Là sự cô đơn "trụi lủi" khi giáp mặt với cuộc đời, nên họ bắt buộc phải “độc sáng”, phải "tỏa hương", phải "dâng hiến" mà có lý do để tồn tại trong cuộc đời thương đau dâu bể của mình. Thơ của Tươi Nguyễn, tôi nghĩ là một trường hợp hiếm hoi để được gọi là thơ như thế”.
Hà Hùng là một họa sĩ thực tài, từng dấn thân cuộc đời rồi bỏ đời mà đi tu. Trong tập thơ đầu tay của Tươi Nguyễn, toàn bộ phụ bản minh họa là của Hà Hùng, theo tôi đó là những bức tranh tuyệt đẹp. Đó cũng là giá trị kép trong tập thơ này.
Cái hay của Tươi Nguyễn là anh không bị gánh nặng chứng minh, cũng không bị áp lực bởi các bạn thơ cùng lứa đã quá nổi tiếng. Tươi Nguyễn đi riêng một lối. Đó là “lối mộng vào đời” mà chính Tươi Nguyễn tự xác lập cho mình: “Tôi không bị áp lực bởi những bạn bè nổi tiếng của mình, bởi với tôi, việc làm thơ là một hành trình cá nhân và không phải là cạnh tranh hay so sánh với người khác. Tôi luôn tin rằng mỗi người có một cách sáng tạo riêng, và điều quan trọng là tôi phải đồng hành cùng cảm xúc của mình”.
Trong tập thơ của Tươi Nguyễn, có một bài nhẹ nhàng mà tôi rất thích, đó là bài:
Nựng sớm mai (tr 174).
Sáng ra đi nựng biển trời
Cơn gió sớm
Những gọi mời trần gian
Nựng đồng lúa
Nựng mùa vàng
Nựng phố cổ
Nựng cô nàng thơm thơm.
Dường như ở bài này, chất thi sĩ của Tươi Nguyễn bộc lộ trọn vẹn và đáng yêu nhất. Và, tôi mong rằng, bạn đọc cũng muốn được “nựng” những đứa con tinh thần của thi sĩ như thế.
Sài Gòn, 27/02/2023
T.N.T