Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân với Phan Khôi

28.03.2023
Phan Nam Sinh

Nhà nghiên cứu  Lại Nguyên Ân với Phan Khôi

Các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi

Khoảng năm 1958 tôi học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Vào những dịp nghỉ hè hoặc nghỉ Tết tôi thường về Hà Nội thăm ông (Phan Khôi), có khi một hai tuần, có khi cả tháng.

Một đôi lần tôi thấy ông ngồi trước một chồng báo cũ dày cộp, đâu như là Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, Đông Pháp thời báo, Trung lập..., không rõ là ông mượn từ thư viện hay từ bạn bè, cặm cụi sao chép thứ gì đó. Những lúc ông vắng nhà hoặc vì đọc sách hay làm việc mệt quá rồi thiếp đi, tôi tò mò xem trộm mới biết là ông đang sao chép những bài báo ông từng đăng trong các tờ báo hoặc tạp chí nói trên. Từ việc đó và cũng từ ngày ấy, tôi từng có suy nghĩ hình như là ông có ý định sưu tập các bài báo ông đã viết từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, còn mục đích để làm gì thì thú thật là cho tới nay tôi vẫn còn chưa rõ.

Nhớ đâu như là ông sưu tập chưa được nhiều lắm, chỉ mới mươi, mươi lăm bài là cùng, mà đâu như là những bài ông ưng ý nhất và đối với ông là có giá trị nhất. Tiếc là những bản chép tay ấy về sau đều thất lạc cả.

Lần đầu tiên tôi được xem các bài Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta, Chữ trinh: cái tiết với cái nết, Chuyện bà cố tôi, Xóa một cái án trong lịch sử: Thân oan cho Võ hậu, Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim... là từ những bản chép tay ấy.

Chính vì nhận ra cái ý định Phan Khôi định sưu tập các bài báo cũ ấy mà từ khi còn dạy học tôi đã từng nuôi cái tham vọng là lúc về hưu sẽ đi khắp các thư viện trong Nam, ngoài Bắc để sưu tập các bài báo của ông, và nếu có thể thì tới một dịp nào đó thuận tiện sẽ đưa xuất bản.

Nhưng trước khi tôi về hưu hai năm, tức năm 2003 thì nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân đã cho ra đời cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1928 và theo như lời ông nói trong Vài lời về việc biên soạn in ở đầu sách ấy thì đây chỉ mới là việc làm chuẩn bị cho một tuyển tập Phan Khôi trong tương lai. Và đúng như tác giả bộ sách, chỉ bốn, năm năm sau các cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1929; Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930; Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1931; Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1932; Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1933 - 1934… lần lượt ra đời khiến tôi từ bỏ hẳn cái ý định nói trên. Bởi tôi tự nghĩ mình không đủ tài năng và điều kiện như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân để thực hiện cái sứ mệnh khó khăn, phức tạp; riêng đối với tôi và con cháu Phan Khôi là vô cùng thiêng liêng ấy!

Cho tới năm 2014, sau 11 năm kể từ cuốn đầu tiên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã cho xuất bản gần như toàn bộ các bài báo của Phan Khôi trước và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, kể cả các tác phẩm Phan Khôi dịch của các tác giả Trung Quốc, trong có Lỗ Tấn từ trong kháng chiến chống Pháp và sau hòa bình lập lại năm 1954. Tất cả là 12 cuốn, cộng 8187 trang. Nếu kể lại cả các cuốn có tính chất chuyên đề như Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn thì tổng cộng cả bộ sách có đến 9755 trang.          

Quả là một công trình vô cùng đồ sộ mà nếu nhà sưu tập thiếu đức kiên trì, tính nhẫn nại; không có phương pháp làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, khoa học thì không làm sao có thể hoàn thành được.  

Bởi, nếu chỉ sưu tầm ở các thư viện trong nước, kể cả các thư viện lớn trong Nam ngoài Bắc thì cũng không sao đủ được mà phải sang cả các thư viện bên Pháp, bên Mỹ thì may ra mới tìm lại tương đối đủ. Rồi chụp lại ảnh từ các microfilm, rồi đánh máy văn bản, rồi soát xét lại để loại đi những sai sót... Đúng là cả một núi công việc vừa phức tạp, ngổn ngang vừa tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian và sức lực mà kể.

Nói tới tác dụng của công trình đó thì phải kể là vô cùng lớn. Tôi và con cháu Phan Khôi phần nào hiểu thêm được về ông là nhờ công trình đó. Bạn đọc ngày nay hiểu biết Phan Khôi và ngày càng thêm yêu mến, nể phục ông cũng từ đó. Các cuộc tọa đàm, hội thảo quy tụ tới vài trăm khách mời cả trong Nam ngoài Bắc, với hàng chục tham luận, để có cuốn kỷ yếu dày hơn 700 trang khổ lớn như cuốn Kỷ yếu Phan Khôi, những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam xuất bản sau lần tổ chức Hội thảo tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam năm 2014, nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Phan Khôi cũng sinh ra từ đó. Hàng chục luận văn, luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ cấp Trường, cấp Học viện cũng nhờ đó mà có. Vài ba đầu sách được xuất bản, trong có bộ 2 tập Tác phẩm Phan Khôi, đọc và suy ngẫm của Ngô Quang Huy, cháu ngoại ông, dày gần 1200 trang khổ lớn cũng từ đó mà ra đời. Không nhờ có nó, có thể khẳng định là không thể có hoặc chưa thể có tất cả những gì như chúng ta từng thấy hiện nay. Tất cả là nhờ công lao sưu tầm của nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân.

Tôi đã đôi ba lần công khai phát biểu điều này tại các cuộc tọa đàm, hội thảo hoặc trong các bài viết của mình. Nay, nhân sắp tới 64 năm ngày giỗ Phan Khôi (16/01/1959 - 16/01/2023), tôi xin nhắc lại một lần nữa để tỏ lòng biết ơn của riêng tôi và của con cháu Phan Khôi đối với nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân. Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cám ơn tới các Nhà xuất bản Tri thức, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Phụ nữ... đã tạo điều kiện để bộ sách Phan Khôi, tác phẩm đăng báo và vài ba công trình có tính chất chuyên đề của Phan Khôi được nhanh chóng đến với đông đảo bạn đọc trong nước và ngoài nước.

Với một bộ sách đồ sộ, dày gần mười ngàn trang in như Phan Khôi, tác phẩm đăng báo, việc có lẫn vào đó một vài hạt sạn cũng không có gì là khó hiểu. Có điều nên nói ra hay không nên nói ra là việc cần phải suy nghĩ. Tôi đã suy nghĩ và chọn cách nói ra. Nói ra, không nhằm mục đích gì khác hơn là để nếu sau này sách được tái bản hay khi làm Tuyển tập Phan Khôi như mong muốn của nhà sưu tập, tác phẩm sẽ thêm hoàn chỉnh hơn mà thôi. Tất nhiên những điều tôi nói ra dưới đây không chắc đã đúng cả nên nếu có điều gì sai sót, rất mong được tác giả bộ sách và bạn đọc lượng thứ.

1. Bộ sưu tập còn thiếu một số bài thơ chữ Quốc ngữ và chữ Hán của Phan Khôi.

Một là, bài thơ Phan Khôi viết từ Thái Nguyên gửi Vũ Hoàng Chương, khi nhà thơ họ Vũ đang tản cư ở phủ lỵ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc Liên khu Ba, hồi cuối năm 1946 hoặc đầu năm 1947, về sau đã được Vũ Hoàng Chương đưa vào tập bút ký Ta đã làm chi đời ta, Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký xuất bản, Sài Gòn năm 1974.

Hai là, chùm thơ chữ Hán hai bài Xuân Áng tức cảnh Phan Khôi viết tại xã Xuân Áng thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đầu xuân 1947, về sau được tác giả Đông Xuyên đưa vào Tuyển tập thơ Hán Việt, Nhà Xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn, năm 1975.

Ba là, bài thơ được tôi tạm đặt tên là “Canh Dần khai bút”, Phan Khôi viết tại Việt Bắc năm 1950, được nhà thơ Thế Lữ dịch nghĩa, nhà phê bình Thiếu Sơn đưa vào “Bài học Phan Khôi” đăng Thần chung số 316, ra ngày 23-7-1967 tại Sài Gòn; năm 1993 được Nhà xuất bản Lao động, năm 2006 lại được Nhà Xuất bản Công an nhân dân đưa vào cuốn Những văn nhân chính khách một thời và tôi đã dịch thơ đăng ở một hai tờ báo và tạp chí.

Bốn là, bài thơ chữ Hán “Tụng Lỗ Tấn” in trong “Lời phát biểu của cụ Phan Khôi trong buổi khai mạc đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc)” bị Tòa soạn báo Văn nghệ số 145, ra ngày 2-11-1956 cắt bỏ. Về việc này, từ mấy năm trước, tôi đã có lần khôi phục lại toàn bộ bài viết, đăng trên tạp chí Non Nước, trong có dịch nghĩa và dịch thơ bài Tụng Lỗ Tấn từ chữ Hán ra tiếng Việt, tiếc là sách của nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân chưa đưa vào được.

Còn một hai bài nữa chưa đăng báo (như chùm hai bài Bảy mươi tự thọ) mà con cháu Phan Khôi cũng không nhớ được trọn vẹn. Hy vọng một khi sách được tái bản, các nhà nghiên cứu sẽ khôi phục được và tác giả sẽ đưa vào bộ sưu tập.

2. Mục Câu chuyện hàng ngày ký tên Tân Việt đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1928 hay trên Trung lậpnhững năm 1929 - 1930 như chúng ta từng biết qua lời tự bạch của chính Phan Khôi là do ông và Diệp Văn Kỳ cùng viết. Khi đọc tới mục này trong các cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báotâm lý của người đọc nào cũng rất muốn biết câu chuyện nào chính xác là của Phan Khôi, câu chuyện nào chính xác là của Diệp Văn Kỳ nhưng... đành chịu!

Vẫn biết, để phân biệt chính xác ai là tác giả của từng câu chuyện trong mục Câu chuyện hàng ngày đăng trên Đông Pháp thời báo và Trung lập là điều rất khó, gần như là bất khả thi. Nhưng nếu chịu bỏ thêm thời gian, tìm hiểu kỹ từng chi tiết, từng sự kiện trong bài, trọng tâm là phong cách ngôn ngữ của từng tác giả thì may ra cũng có thể phân biệt được ít nhiều.

Mong sao sau này, khi sách được tái bản, với những nghiên cứu tiếp theo, tác giả bộ sưu tập sẽ loại bỏ được những bài biết chính xác không phải là của Phan Khôi.

3. Một số bài viết của Phan Khôi có chú thích chữ Hán ở cuối trang hoặc chỉ có phần phiên âm Hán Việt, khi cài chữ Hán vào hoặc phiên âm Hán Việt còn có khi thừa, khi thiếu, đôi khi cả sai nữa. Về việc này, tôi cũng đã đôi ba lần chỉ ra trên facebook. Sửa những lỗi này không khó nhưng đòi hỏi phải có thời gian và phải hết sức cẩn thận. Một hai bài thơ chữ Hán của Phan Khôi như bài Khai bút có chữ bị in sai hoặc phiên âm sai khiến bài thơ thành ra thất niêm, thất luật và bản dịch nghĩa, dịch thơ cũng khác đi đôi chút so với nguyên bản.

4. Phần lớn các bài viết của Phan Khôi trước cách mạng tháng tám dùng nhiều chữ Hán, nhiều khi lại có cả tiếng địa phương Bắc, Trung, Nam nên đối với nhiều người đọc ngày nay không phải là ai cũng có thể hiểu được. Vẫn biết nhà sưu tập đã bỏ nhiều công sức để chú thích, giải nghĩa nhưng chưa hết. Điều này gây không ít khó khăn, phiền phức cho người đọc, nhất là với các bạn đọc trẻ.

Nếu được sửa chữa, bổ sung những điều tôi nói trên, khi tái bản Phan Khôi, tác phẩm đăng báo hay khi ra mắt Phan Khôi tuyển tập như nhà sưu tập có lần nói, chắn chắn tác phẩm sẽ đầy đủ và hoàn mỹ hơn.

P.N.S