Bản hùng ca trên cát
Một góc Bình Dương hôm nay
Đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, người dân Bình Dương vẫn còn lưu truyền câu “Đường về Bình Giang, đàng về Bình Dương”. Lối lái chữ đậm chất Quảng ấy sinh ra từ một thời khói lửa. Con sông Trường Giang nối từ cửa biển An Hòa (Núi Thành) ra Cửa Đại (Hội An) như “đường mòn” 70 cây số trên nước, là lối đi về quen thuộc của cách mạng, để tránh đồn bốt dày đặc của địch. Đoạn giữa Trường Giang chảy qua Bình Giang và Bình Dương của vùng đông khốc liệt của Thăng Bình, phân đôi bờ Đông - Tây. Từ đây, cán bộ cách mạng về cơ sở ở Bình Giang, Chợ Được (Bình Triều) hay về Bàu Bính, Lạc Câu (Bình Dương), một “đường” một “đàng” là thế.
“Đàng về Bình Dương”, phía đông Trường Giang, không chỉ có cán bộ đi cơ sở, mà còn đón nhiều cây bút chiến sĩ Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Thái Bá Lợi… ở những giai đoạn cam go nhất. Chính từ Bình Dương, “Cát cháy”, “Mặt biển - Mặt trận”, “Gương mặt thách thức” của Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý ra đời, trở thành hợp khúc hùng ca trên cát. Cũng chính Bình Dương, sau chiến tranh, lần lượt in dấu chân của những tên tuổi lớn như các đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy, Nguyễn Khắc Lợi, Huỳnh Hùng, các nhà thơ nhà văn Xuân Diệu, Trinh Đường, Trung Trung Đỉnh, Thanh Quế, Nguyễn Khắc Phục, Thu Bồn, Thanh Thảo… để tiếp nối những khúc tráng ca về mảnh đất sinh ra những con người mà “còn một cái đinh nó còn làm cách mạng”.
Ngày 19-12-2022, về với Bình Dương trong dịp kỷ niệm 50 năm căn cứ lõm Bàu Bính, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng, khi chứng kiến những cựu binh Thành Cổ Quảng Trị kết hoa trải kín sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội, anh đã liên tưởng đến một “nghĩa trang trên nước”. Khi ra thăm Trường Sa, cũng những dải hoa rải trên mặt biển, anh nghĩ đến một “nghĩa trang trên sóng”. Bây giờ, đến Bình Dương, anh nghĩ ngay đến một “nghĩa trang trên cát”. 3 lần được phong tặng Anh hùng của Bình Dương (1969, 1972, 1985), đánh đổi bằng sự hy sinh của 72 cán bộ, bộ đội, du kích, đội công tác và dân bám trụ hy sinh ở căn cứ lõm Bàu Bính chỉ sau một trận bom; góp 130 tấn lương thực, sản xuất 2.672 quả mìn, lập 4.523m rào chiến đấu; đánh, tập kích, phục kích 1.672 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay địch. Cũng đã có 2.500 nam thanh, nữ tú Bình Dương tòng quân tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có hơn 4.700 người đã ngã xuống. Trong đó, được Nhà nước công nhận 1.430 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, hơn 300 thương binh, bệnh binh, hàng trăm chiến sĩ tù đày, trẻ em mồ côi. Nhiều gia đình, tộc, họ không còn người nhang khói bởi các vụ thảm sát man rợ của lính Đại Hàn, Mỹ, ngụy…
“Sống trên cát chết vùi trong cát/ những trái tim như ngọc sáng ngời”, câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu như vận vào chính Bình Dương. Và đây, “Thôn Sáu Bình Dương bãi cát sóng dồi/ Nắng long lanh trong mắt người bám biển/ Giặc mới lui càn khi em vừa đến/ Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng/ Quanh những bờ dương bị giặc san bằng/ Đã mở lại những chiến hào gan góc/ Những em bé, dưới mưa bom vẫn đi làm đi học…”, là chính hiệu Bình Dương trong bài thơ “Hạnh phúc” của nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
Ngày 19-12-2022, về với Bình Dương còn có nhiều tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nhà hoạt động chính trị, xã hội và văn nghệ sĩ từng chiến đấu, công tác, sáng tác… vì Bình Dương, cho Bình Dương, yêu và ngưỡng mộ Bình Dương như Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng; các nhà thơ, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm; các nhạc sĩ Minh Đức, Trần Quế Sơn… Đây cũng là những tác giả, đồng tác giả góp mặt trong 2 cuốn sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm căn cứ lõm Bàu Bính: “Bình Dương - Vùng đất anh hùng” và “Vườn Mẹ”. Nếu như “Bình Dương - vùng đất anh hùng” tái hiện, “giải nghĩa” cụ thể, chi tiết hơn vùng đất gian lao mà anh dũng trong tiểu thuyết “Cát cháy” của nhà văn Nguyên Ngọc với sự góp mặt của hơn 70 tác giả, trong đó có Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Trung Trung Đỉnh… thì “Vườn Mẹ” là tập hợp của gần 70 ý kiến, nhận xét, bài viết, bài báo, sáng tác cho một miền ý tưởng, một bảo tàng trên cát, một không gian mở về công trình tri ân “Vườn Mẹ” được xây dựng trên chính mảnh đất ôm ấp căn cứ lõm Bàu Bính, sản sinh ra sự tích của cây dương thần và biết bao nhiêu chiến công oanh liệt khác ở một vùng đất tiêu biểu của “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Đọc “Bình Dương - Vùng đất anh hùng”, đọc “Vườn Mẹ”, ngắm nhìn những trảng, nổng cát Bình Dương, cứ cảm giác như lồng ngực những người mẹ, em bé ngày nào còn phập phồng. Bước qua một mảng xương rồng, cụm cỏ lông chông, cứ e sợ mình phạm vào điều linh thiêng nào đó. Cát Bình Dương thấm đẫm bao da thịt, máu xương những người đã ngã xuống. Nhiều tướng lĩnh từng chiến đấu, được người dân Bình Dương sát cánh, chở che, đùm bọc những ngày nào đã thầm thì như thế bên Dương Ông, Dương Bà, trước bảng lảng khói nhang nơi bờ tre, góc vườn và mong muốn làm một điều gì đó cho “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”. Và không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong mùa đông rét mưa tầm tã, vẫn cứ để chân trần vùi trong cát Bình Dương. “Đất và người Bình Dương, trang sử oai hùng Bình Dương không chỉ phải được ghi lại, tạc lại, mà phải làm nó sống mãi với thời gian. Không chỉ là 11 di tích cấp tỉnh như hiện nay, Bình Dương xứng đáng được quy hoạch như là di tích quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt, có thế mới bảo vệ được điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng này”, tác giả của “Hạt gạo làng ta”, của trường ca “Khúc hát người anh hùng” khẳng khái. Nhà thơ cho biết, lần này anh về Bình Dương cũng vì giấc mơ “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn, cậu bé Út Nhạn năm xưa xuất hiện trong “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Chu Cẩm Phong. “Không phải đơn giản khi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các tướng lĩnh, Anh hùng như Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thượng tướng Lê Chiêm, Trung tướng Nguyễn Trung Thu ủng hộ kế hoạch xây dựng công trình tri ân “Vườn Mẹ”. Thật thú vị khi bên cạnh những công trình kinh tế, văn hóa quy mô đã và đang triển khai trên cát cháy Bình Dương, một công trình ý nghĩa tâm linh, văn hóa, nhân văn như “Vườn Mẹ” được kiến tạo để nhắc nhở chúng ta không quên quá khứ, tri ân những người đã ngã xuống, trong đó có cả những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, văn công chiến sĩ… Đó chính là cái kết trọn vẹn nhất cho Bình Dương - “bản hùng ca trên cát”, như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa đầy khao khát khi về đất Bình Dương.
T.S