Từ trong ký ức của một nghệ sĩ được sống gần Bác - Bùi Công Minh

26.05.2020

Từ trong ký ức của một nghệ sĩ được sống gần Bác - Bùi Công Minh

Một lãnh tụ vĩ đại đồng thời lại là một tác gia văn học kiệt xuất, một tâm hồn nghệ sĩ lớn, kể ra, trên thế giới, không nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta - là một Con Người như vậy. Nhận xét này không chỉ của người Việt Nam mà còn là tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Người. Những ai đã được tiếp xúc với Người, dù chỉ một lần, đều có những ấn tượng không thể phai mờ.

Trong số các văn nghệ sĩ Việt Nam có may mắn được gần gũi Bác Hồ trong thời gian khó khăn gian khổ ở chiến khu Việt Bắc có họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 - 2002). Năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, từ bưng biền Nam Bộ, ông trải qua hành trình dài gian nan để được ra Việt Bắc sống gần Bác Hồ 6 tháng trước khi được đi học về hội họa, điêu khắc tại Tiệp khắc(1) để sau này hòa bình trở về phục vụ nhân dân trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Diệp Minh Châu được công chúng yêu nghệ thuật và những người trong giới mỹ thuật biết đến và yêu mến bởi trong số tác phẩm nghệ thuật của ông có bức tranh nổi tiếng vẽ bằng máu hình ảnh “Bác Hồ và 3 cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc” trên nền lụa chiến lợi phẩm của bộ đội Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp trong một trận đánh ở Giồng Dừa vào năm 1947. Kèm theo bức tranh là những dòng thư thống thiết của họa sĩ nói lên tình cảm với vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc.

Vào khoảng năm 1970 thế kỷ trước, tôi có đôi lần được theo các thầy và bạn đồng nghiệp trong tổ Văn học Việt Nam hiện đại khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội đến gặp gỡ họa sĩ để tìm hiểu, khai thác tư liệu về đời sống và hoạt động của Bác, phục vụ chuyên đề nghiên cứu Thơ văn Hồ Chí Minh. Nơi ở của vợ chồng ông nằm trong khuôn viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũ ở 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội, tuy không rộng rãi - như trong hoàn cảnh chung thời ấy, nhưng ông trưng bày đủ các loại tranh tượng, có cái hoàn chỉnh, có cái dạng phác thảo, trong đó có những bức tranh ông vẽ về Bác từ khi còn ở Việt Bắc và những tranh tượng về nhiều đề tài khác nhau, nhất là những tác phẩm về đề tài miền Nam. Ông nhiệt tình tiếp chúng tôi và sôi nổi kể về quá trình học hỏi để theo nghề hội họa của mình từ khi còn rất trẻ, kể về những năm tháng tham gia kháng chiến ở Nam Bộ và chuyện học tập, sáng tác ở nước bạn. Khi nói về quãng thời gian được sống bên Bác ở chiến khu Việt Bắc, ông trở nên sôi nổi hẳn lên, nhưng cũng xen lẫn một nỗi xúc động khó tả. Những câu chuyện của ông sau này được ông viết đăng trên một số báo chí. Dưới đây là tổng hợp những mẩu chuyện về Bác qua ghi chép của chúng tôi cộng với tư liệu từ một số bài báo hồi ký ‎ của họa sĩ Diệp Minh Châu.

Những ngày tháng được sống bên Bác đã giúp cho nhà họa sĩ nhận ra nơi Bác đúng là một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Trước khi kể về những chi tiết trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của Bác, họa sĩ Diệp Minh Châu bồi hồi: “Bác là một nhà nghệ thuật lớn, có một tâm hồn lớn về nghệ thuật mang đầy tính chất nhà thơ Á Đông”. Nói về một lãnh tụ, một nhà chính trị, nhưng Diệp Minh Châu lại chú ý nhiều đến phẩm chất nghệ sĩ trong tâm hồn Bác. Theo ông, trong cuộc sống thường ngày, Bác rất chú ý đến Cái Đẹp. Trong việc tìm nơi ở và làm việc tại những địa điểm bí mật của chiến khu kháng chiến, ngoài việc bảo đảm an toàn, Bác còn chú ý đến cảnh đẹp thiên nhiên chung quanh. Bác thích nơi có tre trúc rủ trước nhà, trông xa mây vờn lưng núi, suối khe róc rách gần bên. Có lần Diệp Minh Châu được Bác cho đi cùng để chọn nơi ở, đã theo Bác đi tìm mấy chục hang nhưng cuối cùng Bác chỉ chọn có ba hang vừa ý. Trên đường đi, chỗ nào có cảnh đẹp Bác thường dừng lại  giây lát để thưởng thức. Trong một đoạn hồi ký, họa sĩ kể lại: “Lần đầu tiên nọ được theo Bác đi tìm một địa điểm mới, trong khi đang lội qua suối, Bác dừng lại chỉ tay ra phía trước: “Chú Châu, chú thấy có đẹp không?”. Tôi nhìn theo tay Bác trỏ, thấy giữa dòng suối có một hòn đá, nước suối chảy mạnh đập vào tung tóe, bụi nước tung lên như ánh bạc. Có một đêm hai Bác cháu đang nghe đài phát thanh, bỗng Bác gọi:

- Chú Châu, qua đây!

Tôi đến ngồi cạnh Bác. Bác kéo đầu tôi ghé cạnh Bác, trỏ ra khung cửa sổ. Một mảnh trăng lưỡi liềm vừa nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy rừng xa. Bác nói:

- Của chú đấy!”

Đúng là, “Cái gì đẹp, thơ mộng thì Bác cũng cho là của nghệ sĩ. Chính thật ra là của Bác. Bác đã tạo ra một sắc thái mới cho trời đất núi sông, cây cỏ và cả dân tộc này... Lúc bấy giờ tôi nghĩ thế, và bây giờ tôi cũng nghĩ như thế”. 

Qua những biểu hiện về sự quan tâm của Bác đối với một con người nghệ sĩ cụ thể là Diệp Minh Châu, chúng ta có thể thấy tình cảm rộng lớn, ân cần, bao dung của Bác đối với văn nghệ sĩ nói chung. Đối với bản thân, Bác không hề đòi hỏi, nhưng đối với người khác thì Bác lại chăm sóc từng li từng tí, mặc dầu Bác rất bận. Trong ký ức của Diệp Minh Châu, “mỗi lần Bác đi công tác về, thật như mang cả luồng ánh sáng ùa vào nhà làm rộn lên cả cái tập thể nhỏ bé của cơ quan kháng chiến lúc ấy”. “Những lúc rảnh rỗi sau giờ làm việc căng thẳng, Bác thường ngồi nghỉ trên tảng đá bên bờ suối, nhất là những buổi chiều tà. Bác hay gọi chúng tôi đến bên, nói chuyện với chúng tôi. Và chúng tôi như những đứa cháu nhỏ, ngồi ngoan ngoãn nghe ông nội kể chuyện, thỉnh thoảng lại hỏi Bác đôi câu. Thật là những giờ phút suốt đời không bao giờ quên được”.

Bên cạnh việc quan tâm đến đời sống của một họa sĩ trẻ là người con Nam Bộ xa nhà, Bác đặc biệt chú ý đến công việc sáng ‎tạo của Diệp Minh Châu. Đặc biệt, là người am hiểu nghệ thuật, Bác cũng đã có những nhận xét rất tinh tế về nghề nghiệp của họa sĩ, nhưng đồng thời cũng rất tôn trọng ý kiến nhận xét của mọi người và luôn tạo điều kiện để họa sĩ hoàn thành tác phẩm đạt chất lượng nội dung nghệ thuật cao nhất. Có lần, nhân Bác ghé thăm, họa sĩ Diệp Minh Châu mạnh dạn đề nghị với Bác:

- Thưa Bác, xin Bác cho ý kiến nhận xét về tranh vẽ của cháu.

Bác không trả lời thẳng vào câu hỏi mà gọi tất cả anh em đến xem:

- Các chú thấy tranh của chú Châu thế nào?

Anh em mến tôi nên ủng hộ ngay:

- Vẽ giống lắm ạ!

Bác cười:

- Đấy, ý kiến quần chúng khen được. Thế là được.

Nhưng lại một lần khác, khi xem một bức tranh, Bác nói:

- Bác có ý kiến, chú đồng ý không?

- Cháu xin Bác góp ý kiến...

Bác chỉ vào tranh:

- Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đấy nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đấy. Để Bác gọi nó lại cho chú vẽ nhé...

Họa sĩ thật sự cảm động và thật bất ngờ khi Bác quan tâm đến nghệ thuật vẽ tranh một cách tinh tế đến như vậy. Vừa nói xong, Bác vuốt ve con chó để nó nằm yên xuống cho họa sĩ vẽ. Sợ mất thì giờ của Bác, ông chỉ chấm màu vẽ qua một vòng tròn làm dấu để vẽ kỹ sau, rồi thưa với Bác: “Thưa Bác xong rồi ạ”. Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi Bác bảo: “Không, chú cứ vẽ nữa đi, để Bác ngồi giữ nó lại đây cho...”. Chi tiết này thật là hiếm hoi, chỉ những người được gần Bác mới có thể chứng kiến những hành động gần gũi, thân mật của một vị lãnh tụ cao quí‎ mà cũng thật bình dị đến như vậy. Về chi tiết này, về sau họa sĩ Diệp Minh Châu còn cho biết thêm những điều thú vị khác. Đoạn dưới đây là nguyên văn câu chuyện kể của họa sĩ trong bài  “Đường về với Bác” đăng tạp chí Tác phẩm mới số 7, tháng 5, 6-1970: “Theo lời anh Định(2) kể, tôi (họa sĩ Diệp Minh Châu - TG) được biết lai lịch của con chó lai này. Mẹ nó vốn là một con bec-giê chính cống. Đêm nào hai mẹ con cũng nằm ngoài cửa hang canh cho Bác ngủ. Một đêm hổ mò tới. Con chó mẹ lao ra sủa váng lên. Nhưng hổ to quá, vồ mất chó mẹ tha đi. Con con hãi quá chạy trốn vào rừng. Sáng hôm sau không thấy nó về. Thì ra nó cứ quanh quẩn đi khắp rừng tìm mẹ. Mấy tháng sau, nó mò về hang cũ, to lớn nhanh nhẹn, khỏe hơn trước rất nhiều. Nó lại nằm canh cho Bác. Anh em thấy cọp đêm hay mò tới hang, nguy hiểm, đề nghị cất cho Bác ngôi nhà này. Nhân nói con chó, cũng nhớ con khỉ và con mèo của Bác. Thông thường thì ba loài giống đó vốn chẳng ưa nhau. Không biết Bác dạy thế nào mà chúng nó rất thương yêu nhau, thường đùa giỡn nhau, không hề trêu chọc hay cắn đánh nhau bao giờ. Mỗi lần dời nhà đi, có khi phải đi hai ngày hai đêm mới tới, lúc lên đường bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc ngồi lên lưng con chó. Hễ con chó đi chậm, con khỉ nắm hai tai chó giật giật. Con chó chạy sải thì khỉ gò lưng như người phi ngựa, chó chạy tế, khỉ buông thõng hai tay ngồi ngúc nga ngúc ngắc. Khi lội qua suối, nước ngập lưng chó thì khỉ ta trèo ngồi lên đỉnh đầu chó. Ai trông cũng phải cười. Con mèo đen vá trắng ngao ngao... lững thững chạy theo. Con khỉ này rất nghịch, các anh em bảo vệ hay rầy nó. Có lần nó sút dây, trèo tít trên cây. Anh em gọi mãi nó không xuống, còn nhăn nhó khọt khẹt... trông rất khỉ... Bác ăn cơm, nó hay đến ngồi bên cạnh. Bữa nọ Bác vừa quay lưng ngó ra sân, nó bèn lén tay bốc cơm của Bác và ngồi yên giấu nắm cơm trong tay, vờ như không có gì xảy ra. Tôi vội kêu: “Thưa Bác con khỉ bốc cơm của Bác đấy, Bác ạ!”. Bác bảo con khỉ: “Sao mày bốc cơm của Bác?”. Con khỉ vội tụt xuống cà xom cà xom chạy đi, vừa chạy đi vừa quay lại nhìn như sợ Bác giận. Bác mỉm cười, nụ cười sao rất hiền lành. Tình thương của Bác rất bao la. Cho chí đến con chim bồ câu, con chó, con mèo, con khỉ...”

Không chỉ thưởng thức tranh, góp ý với họa sĩ, có trường hợp Bác còn vận vào những tứ thơ cổ điển làm cho bức tranh có thêm chiều sâu nghệ thuật mà chính người họa sĩ không kịp nghĩ tới. Họa sĩ kể lại: “Có một bức tranh tôi vẽ cảnh núi rừng chỗ Bác làm việc, một dốc núi, một chiếc cầu nhỏ bắc qua suối, những tia sáng rực rỡ xuyên qua kẽ lá dày đặc, in lên nền đá dốc và Bác đang đi qua cầu. Xem bức tranh này, Bác đọc câu thơ:

Rừng thông chen chúc cành lau

Bên cầu thấp thoáng người đâu đi về.

Bác hỏi tôi:

- Chú có biết hai câu thơ đó ở đâu không?

Tôi trả lời là tôi chỉ nhớ hai câu thơ đó trong một tác phẩm văn học cổ điển nhưng không nhớ rõ tác phẩm nào. Bác bảo:

- Trong Chinh phụ ngâm đấy. Bác sửa đi một ít. Nguyên câu của nó là:

Ngàn thông chen chúc chòm lau

Cách duềnh thấp thoáng người đâu

đi về.

Những trang hồi ức của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, cùng với nhiều kỷ niệm của các văn nghệ sĩ khác ở trong nước và nước ngoài, mỗi người ở từng thời điểm khác nhau, không gian khác nhau đã góp thêm những mảng màu cho bức tranh chung khắc họa chân dung tươi sáng, rực rỡ của lãnh tụ vĩ đại Hồ

Chí Minh, người được suy tôn, được yêu mến, người mà ngay cả kẻ thù cũng phải nể phục. Xin ghi lại ở đây, một lần nữa, cảm nhận tinh tế của người họa sĩ tài năng về Bác: “Ở gần Bác, tôi thấy như ở gần ánh sáng. Trên núi rừng Việt Bắc, tiết tháng hai, tháng ba thường có mây đen nhưng tôi không thể quan niệm được hình ảnh Bác lại có thể để chung với một cái gì u ám”(3).


B.C.M