Trên đảo Hoàng Sa có gì? Ký ức của nhân chứng từng sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa - Đinh Thị Toan

27.05.2020

Trên đảo Hoàng Sa có gì? Ký ức của nhân chứng từng sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa - Đinh Thị Toan

Nằm ở tọa độ 16032'00'' vĩ độ Bắc, 111036'07'' kinh độ Đông, đảo Hoàng Sa nằm cách bờ biển Đà Nẵng 390 km, thuộc cụm đảo Nguyệt Thiềm(1) với diện tích khoảng 0,5 km2, hình bầu dục. Kể từ khi khai phá, xác lập chủ quyền trên toàn bộ quần đảo (trước thế kỷ XVI), nơi đây đã ghi dấu chân của các thế hệ người Việt Nam đến định cư và tạm trú. Với vị trí quan trọng và điều kiện thuận lợi, đảo Hoàng Sa được lựa chọn đặt dựng cơ sở vật chất kĩ thuật và là trung tâm chỉ huy đồn trú phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng và kinh tế trên toàn quần đảo. Vậy trên đảo Hoàng Sa có gì? Qua ký ức của những nhân chứng từng sinh sống và làm việc trên đảo, có một Hoàng Sa rất chi tiết, rõ ràng, và không kém phần hấp dẫn, đẹp đẽ, thanh bình. Hoàng Sa trong tâm trí họ không chỉ có nắng, có gió, có bãi cát trắng dài ngút tầm mắt, mà còn có những kí ức không thể nào quên. Nhân dịp tìm hiểu cơ sở hạ tầng từng được đặt dựng trên đảo phục vụ công tác sưu tầm, trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng), tác giả bài viết có cơ hội biết đến một Hoàng Sa dù cách xa muôn trùng sóng biển vẫn chưa từng phai nhạt trong trái tim của các bác, các chú - hơn 20 nhân chứng từng thực thi công vụ trên quần đảo Hoàng Sa(2).

Đó là hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi các rạn san hô, khi nước xuống từng rạn đủ màu sắc dập dìu cùng sóng nước, tạo nên cảnh đẹp hiếm có đối với những người quen sống trên đất liền. Nhưng chính vì vậy, tàu vận tải lớn không thể cập bến. Người và hàng hóa phải bốc dỡ xuống thuyền nhỏ mới cập bến an toàn. Có một cầu tàu được xây dựng để tiện lên xuống đảo. Bên cạnh cầu có dấu tích một đồn canh đã hoang phế. Xung quanh đảo còn có nhiều lô cốt để tiện canh phòng đóng giữ. Đến những năm 1973 - 1974, các đồn bốt, lô cốt này hầu như ít được sử dụng, thay vào đó là dựng chòi canh ở bốn phía. Từ cầu cảng đi vào trung tâm là một đường ray sắt, kéo dài khoảng 400 - 500m, cùng với vài chiếc xe goòng dùng cho việc vận chuyển thiết bị, hàng hóa, lương thực thực phẩm. Đường ray này sau được thay bằng vật liệu bê tông, dài khoảng 50m. Người ta tận dụng các mảng san hô để đắp một đoạn tiếp chạy thẳng vào lòng đảo. Sau một thời gian như vậy, những người lính trẻ như ông Lê Lan(3) lần đầu ra đảo “sững sờ khi thấy đường vào đảo hai bên san hô chất cao hơn đầu người”, tựa như đi vào một hang động.

Trong lòng đảo, có một vài ngôi nhà cấp 4 được xây dựng, làm nơi ở cho quân đội đồn trú. Bắt đầu từ năm 1939, từ ban đầu thường sử dụng vật liệu xây dựng thô sơ, đã chuyển sang dựng nhà bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói, dưới là nơi ăn ở, sinh hoạt của quân lính, sân thượng đặt khẩu đại liên, để tiện phòng vệ. Phòng ở của quân lính tách biệt với các sĩ quan chỉ huy. Kế bên tòa nhà này có tòa dành riêng cho nhân viên Trạm Khí tượng. Xung quanh các ngôi nhà đều có hầm chứa nước mưa, bổ sung một lượng lớn nước dùng cho sinh hoạt. Ban đầu chỉ xây dựng vài bể, đến năm 1973, lúc ông Nguyễn Văn Cúc(4) nhận lệnh ra đảo làm việc thì đã có đến khoảng 20 bể, mỗi bể chứa được 1000m3. Cách nhà ở khoảng vài trăm mét có một giếng nước ngọt, đường kính khoảng 1,5m(5), không biết có từ bao giờ. Mặc dù vậy, lượng nước sử dụng bao giờ cũng phải tiết kiệm và phân bổ hợp lý.

Trên đảo, từ thời nhà Nguyễn đã cho xây dựng miếu thờ. Chính sử triều Nguyễn cho biết, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vua ra lệnh chuẩn bị vật liệu năm sau ra đảo dựng miếu lập bia(6). Mặc dù năm sau (1834) do sóng to gió lớn không thể dựng miếu, nhưng đến năm 1835, việc đã được hoàn tất trong vòng mười ngày. Đến lúc này miếu vẫn còn, người thì gọi là Miếu Bà Quan Âm, có người chỉ nói là Miếu Bà. Miếu nằm về phía nam đảo, xoay hướng nam, tường lợp ngói cao 3m, dài 3,5m, ngang 2,5m. Trong miếu chính giữa có 1 tượng Phật, bên tả thờ Quan Công, bên hữu cũng có ban thờ. Trước tượng có bàn nhỏ bày kinh văn, tả có chuông, hữu có mỏ. Miếu này được người trên đảo cho là linh ứng hiển hiện. Hằng ngày, nhân viên và binh lính đều có người đến cầu kinh tụng niệm. Trước ngôi miếu có một đá tảng cỡ lớn (hơn 10m2). Anh em trên đảo chiều chiều thường ra ngồi tán gẫu, cùng đọc thư nhà và ôn chuyện gia đình.

Ngoài miếu thờ như trên, nhiều nhân chứng cho biết còn có nhà nguyện Công giáo. Theo ông Trần Hòa, nhân viên y tá, ra đảo năm 1973, thì có thêm một ngôi chùa cổ, nhưng đã hoang phế.

Gần sát bờ biển, bên cạnh miếu cổ có một nghĩa địa với khoảng 20-30 ngôi mộ đắp bằng đất, không có bài vị, của những người xấu số từng ra đảo. Từ thời Gia Long, một số ngôi mộ đất đã có trên đảo, qua lời xác nhận của những viên chức được cử đi công cán, nhưng lúc này số lượng đã tăng lên gấp nhiều lần.

Để khẳng định ranh giới và chủ quyền lãnh thổ, năm 1938, người Pháp cho xây dựng một cột mốc, trên có hàng chữ bằng tiếng Pháp với nghĩa “Cộng hòa Pháp, vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa 1816, đảo Hoàng Sa 1938”. Cột mốc này đến những năm 1973-1974 vẫn còn hiện diện(7).

Trên đảo lại có rất nhiều cây, nhưng thường là những cây nhỏ với chiều cao dưới 2m. Thời nhà Nguyễn, nhiều tàu bè qua lại đây thường bị mắc cạn do gặp phải đá ngầm và rạn san hô lớn. Năm 1833, vua Minh Mệnh hạ lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa trồng cây trên đảo, cây lớn lên xanh tốt giúp cho tàu bè nhận biết được hướng nông sâu mà tránh nạn. Đến lúc này, cây cối đã bao bọc xanh rờn các phía đảo, trong trí nhớ của ông Nhự có thể coi đây như một rừng cây thấp, với các loại dương liễu, dừa và cây nhàu, một số được dùng làm chất đốt.

Đứng ở đảo Hoàng Sa có thể trông thấy được một số đảo nhỏ nằm xung quanh như đảo Đôn Cân, đảo Chim,...(8). Thỉnh thoảng, binh lính di chuyển sang các đảo khác để xem xét tình hình và đánh bắt hải sản làm thức ăn. Về sau để đảm bảo an toàn, việc này bị cấm.

Hải sản ở vùng biển này có sức hút kì lạ đối với những người quen sống trên đất liền. Để “giết” thời gian, giải tỏa nỗi cô đơn, thương nhớ người thân, binh lính và nhân viên thường thay nhau câu bắt mực, cá, tôm với đủ màu đủ loại. Đặc biệt khi nước xuống, các loài ốc, cá hình thù đủ dạng là nguồn bổ sung thực phẩm tươi ngon, hấp dẫn. Lượng dư thừa được đem phơi khô làm quà gửi về đất liền. Ông Phạm Khôi(9), một nhân chứng Hoàng Sa vẫn còn lưu lại những vỏ ốc hoa làm vật kỉ niệm và trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa.

Trong trí nhớ của những người từng ra Hoàng Sa, đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng cha ông bao đời gìn giữ là vinh dự, là trách nhiệm. Như lời tâm sự của ông Hòa: Tôi lúc đó tuổi đôi mươi. Không vướng bận thê nhi, chút máu lãng tử trong lòng trỗi dậy. Hơn nữa, nghe truyền thuyết kể rằng ngày xưa triều đình lập đội Hoàng Sa, khi đưa tiễn họ ra đi giữ biển đảo quê hương, họ được xem như những anh hùng, một đi không trở lại. Còn mình hôm nay tàu to, súng lớn có gì mà sợ. Quang cảnh Hải đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình yên ả. Tôi thật sự choáng ngợp. Ôi quê hương ta đẹp biết bao! đâu chỉ lưu dấu trong lòng ông mà còn của bao con người từng đến Hoàng Sa. Hoàng Sa nay dù chưa gột sạch được vết giày quân xâm lược, nhưng mãi mãi vẫn luôn trong trái tim và tình cảm của những người như ông.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Công Trí - Lưu Anh Rô (2018), Huyện Hoàng Sa qua tư liệu và hồi ức, Nxb Đà Nẵng.

2. UBND huyện Hoàng Sa (2016), Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb Thông tin và Truyền thông.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, bản ký hiệu A.2772, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

 

(1) Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 37 thực thể địa lý như đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm, chia làm hai nhóm An Vĩnh (ở phía đông) và Nguyệt Thiềm (ở phía tây).

(2) Hồi ức về Hoàng Sa của các nhân chứng hiện được trưng bày trong không gian Nhà Trưng bày Hoàng Sa, một thiết chế văn hóa, lịch sử, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, được tập hợp in trong Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn và xuất bản lần đầu vào năm 2012.

(3) Ông Lê Lan hiện sống tại tỉnh Quảng Nam, nhận Sự vụ lệnh ra canh giữ đảo Hoàng Sa năm 1971 và năm 1973.

(4) Ông Nguyễn Văn Cúc, hiện sống tại thành phố Đà Nẵng, ra đảo năm 1973.

(5) Ông Nguyễn Văn Nhự, hiện sống tại thành phố Đà Nẵng, nhân viên khí tượng thủy văn, ra đảo Hoàng Sa năm 1969.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a, bản ký hiệu A.2772, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(7) Mô hình cột mốc chủ quyền hiện được dựng ở tầng 1 Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

(8)  Theo ông Trần Văn Sơn hiện sống tại thành phố Đà Nẵng, nhận Sự vụ lệnh ra canh giữ quần đảo vào năm 1973.

(9) Ông Phạm Khôi hiện sống tại thành phố Đà Nẵng, nhận Sự vụ lệnh ra đảo năm 1969.

Đ.T.T