Từ bến sông Hàn

02.06.2023
Lưu Lan Phương

Từ bến sông Hàn

Tôi đã đi nhiều nơi trong nước, nhưng không nơi nào làm tôi thương nhớ như Đà Nẵng. Tôi có tình cảm riêng với mảnh đất này. Có phải vì thế mà suốt một thời gian dài cứ mỗi năm, tôi lại đưa các con đến đây vào mùa hè cùng với bố bọn trẻ. Chẳng là, ông xã tôi công tác ở thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm, cho nên thành phố bên sông Hàn này như là quê hương thứ hai của mình.

Khi biết sẽ được đi trại sáng tác vào Đà Nẵng lần này, tôi vô cùng khấp khởi, vui mừng. Chỉ hơi buồn là người bạn thân của tôi, nhà văn Nguyễn Thị Thiệp không thu xếp công việc gia đình được để đi cùng. Máy bay bị chậm giờ nên mãi hơn 4 giờ chiều chúng tôi mới đến được Nhà sáng tác Đà Nẵng. Chúng tôi được đón tiếp rất trân trọng.

Hôm khai mạc trại đến dự có các lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cùng các phóng viên đài, báo về đưa tin. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng giao lưu với đoàn chúng tôi với hai bài thơ “Phố bên sông” và “Bài thơ trên cao”. Cả hai bài thơ đều viết về thành phố Đà Nẵng như là lời mời gọi đoàn văn nghệ sĩ Bắc Ninh đến với Đà Nẵng trong niềm mong đợi ngập tràn:

Một bên phố một bên sông

Một bên là biển xanh trong bốn mùa

Mình tôi bên ngọn gió lùa

Đâu đây vọng tiếng chuông chùa

Tiên Sa

 

Phố gần mà biển chẳng xa

Sông Hàn chảy giữa quê nhà

yêu thương

Cầu quay mấy nhịp tơ vương

Đò ơi còn nhớ dặm trường xa xưa…

(Phố bên sông - Nguyễn Ngọc Hạnh)

Nỗi chờ mong từ lâu với thành phố bên sông Hàn cuồn cuộn chảy trong tôi. Ôi, đã bao lâu rồi chúng tôi chưa trở lại, bao lâu rồi chưa được tắm biển Mỹ Khê? Bao lâu rồi chưa nằm mơ trên Núi Chúa với mây trời lành lạnh sương mai, đêm thức mong chờ bình minh rạng sáng từ độ cao 1.400m. Và… đã bao lâu rồi, chúng tôi chưa ngồi dựa đầu trên vai chồng ngắm hoàng hôn đỏ rực khi mặt trời từ từ lặn ngụp phía dưới khơi xa... Và tôi đã gặp lại Đà Nẵng sáng nay trong “Bài thơ trên cao” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh:

Đà Nẵng nơi này thức cùng tôi

Để tường tận về một Đà Nẵng mới

Trăng Bà Nà mong manh trôi dạt

Giữa rừng sao lấp lánh phía sông Hàn

Đà Nẵng nơi này gió se lòng

Mây dưới chân đồi như dòng sông

Ai đứng bên kia bờ Vọng Nguyệt

Trăng ngàn năm cũ nay còn không?

Mặc dù nằm ở miền Trung, vùng đất nổi tiếng với thiên tai, bão lũ, với địa hình khá đặc biệt, vậy mà Đà Nẵng đã nhận được sự ưu ái của đất trời để có một thành phố xinh đẹp với “núi trong lòng thành phố/ phố trong lòng biển khơi”, nên nhiệt độ nơi đây cũng rất thuận lợi. Mùa khô thì không quá nóng mà mùa mưa cũng vừa phải để cây cối, hoa màu quanh năm xanh tốt. Một vùng quê biển xanh, đồng xanh quanh năm đã tạo ra bao sản vật từ đất, từ biển tươi ngon khiến cho ai đã đến đây dù một lần cũng không thể nào quên.

Đà Nẵng cũng là thành phố nổi tiếng với những cây cầu. Đây chính là nét đặc sắc tạo điểm nhấn cho du khách mà không nơi nào có được. Cầu Rồng vào ban ngày đã đẹp rồi nhưng về đêm lại càng huy hoàng hơn, đầu Rồng uốn mình, khạc lửa, phun khói y như trong cổ tích. Cầu Sông Hàn là một cây cầu đẹp và hiện đại bậc nhất không chỉ với Đà Nẵng mà với cả nước. Ngoài mục đích giao thông, cầu quay Sông Hàn còn có giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ, nó đẹp như một bức tranh vẽ giữa lòng thành phố. Đúng vào giây phút giao ngày thì hai nhịp dây văng của cầu sẽ vặn mình quay trên trụ giữa theo một góc vuông để cho các tàu lớn có thể thông thương trong khoảng một giờ. Vào thời khắc này, mỗi gia đình khi có việc vui hay buồn đều ra đây ngắm nhìn lúc đồng hồ ba kim chập một báo 12 giờ đêm. Mọi người nhắm mắt, chắp tay hướng vào cây cầu đang quay cầu nguyện cho điều xấu qua đi và chia sẻ niềm vui ngày mới cùng nhịp quay của cầu. Cây cầu nằm ở trung tâm thành phố nối hai bờ như một nét duyên, khi cây cầu xoay dịch chuyển tỏa ra những ánh đèn lung linh rực rỡ khiến tâm hồn nhẹ tênh tràn đầy năng lượng đón ngày mới.

Tôi nôn nao trở về với cây cầu có tên là Tình Yêu mà vợ chồng tôi đã để lại nơi đây một kỷ niệm thiêng liêng. Đây là cây cầu không bắc qua sông như mọi cây cầu khác. Người ta xây dựng cầu Tình Yêu cũng không phải để giao thông mà chỉ để… ngắm cảnh, đi bộ, thư giãn và check-in. Trên cầu Tình Yêu có rất nhiều cột đèn trang trí bởi những chiếc đèn lồng hình trái tim màu đỏ rực, lung linh. Đặc biệt, trên lan can của cầu Tình Yêu là lủng lẳng những chiếc khóa với nhiều hình dáng, nhưng chủ yếu là hình trái tim màu đỏ, trên đó đều có khắc tên hoặc chữ lồng và ngày, tháng, năm của hai người yêu nhau nào đó. Cây cầu nhìn đơn giản nhưng lãng mạn vô cùng với những chiếc đèn lồng hình trái tim làm xao xuyến rung động bất kể du khách nào đến đây. Lần nào đến đây tôi cũng ngồi ở quán cà phê gần tượng đài Cá chép hóa Rồng thả hồn để lơ đãng cùng giọt cà phê thánh thót mà thấy lòng mình bình yên kỳ lạ. Vào những ngày còn ở Đà Nẵng, khi cây cầu mới được xây nên, tôi đã cùng ông xã đến đây, cũng bắt chước các bạn trẻ mua một chiếc khóa, khắc tên hai vợ chồng rồi móc vào lan can cầu, khóa lại. Tôi đã đi tìm cả một buổi chiều, đến tối xẩm mới tìm ra chiếc khóa tình yêu của mình sau tám năm nó được chồng lên hàng vạn ổ khóa mới. Tôi đã phát khóc khi nâng niu chiếc khóa hình trái tim xinh xắn mà tôi và chồng cùng khóa và cùng tung chìa ra giữa dòng. Ổ khóa tình yêu của chúng tôi sau tháng năm đã sạm lại như một thứ đồ cổ quý giá. Tôi thầm cảm ơn trời, Phật đã cho tôi gặp lại kỷ vật của trái tim mình. Bất chợt một đôi bướm trắng không biết từ đâu tới quấn quýt bay trong nắng làm trái tim tôi rung động.

L.L.P