Không gian văn hóa Quảng Nam trong truyện ngắn Lê Trâm

02.06.2023
Hoàng Diệu

Không gian văn hóa Quảng Nam  trong truyện ngắn Lê Trâm

Tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai (NXB Trẻ, 2016).

Ngoài việc xây dựng không gian thực tại đan xen hoài niệm thì trong truyện ngắn Lê Trâm còn có một không gian đặc biệt, đó là không gian văn hóa được cảm nhận bằng tình yêu, niềm tự hào của Lê Trâm, một người con Quảng Nam.

Không gian văn hóa được hiểu là nơi lưu giữ, thể hiện những di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại, là môi trường văn hóa đặc sắc gắn liền với một không gian cụ thể, một vùng lãnh thổ cụ thể, một cộng đồng người cụ thể,… Không gian văn hóa Quảng Nam là không gian mang dấu ấn, hơi thở riêng của địa phương, tất cả những không gian sinh hoạt, lao động sản xuất hay không gian tâm linh đều là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Quảng Nam.

Bằng cách men theo dòng cảm xúc và hồi tưởng của các nhân vật trong truyện ngắn của mình, Lê Trâm đã tái hiện những không gian văn hóa Quảng Nam nhiều gần gũi và nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Chọn cách thể hiện không gian văn hóa Quảng Nam, Lê Trâm đã thể hiện niềm tự hào, tình cảm chân thành và sâu lắng dành cho quê hương ruột thịt.

Có thể nói, một trong những điều đọng lại trong lòng độc giả khi đọc truyện Lê Trâm chính là nhờ vào những trang văn mang đậm những giá trị văn hóa, cụ thể là những đặc trưng văn hóa xứ Quảng. Qua những sáng tác của Lê Trâm, độc giả không những được thưởng thức câu chuyện thắm đượm tinh thần nhân văn mà còn được chìm đắm trong không gian văn hóa Quảng Nam với nhiều nét đặc sắc và riêng biệt. Theo từng trang truyện ngắn của ông, người đọc sẽ lần lượt được dẫn dắt đi qua những vùng trầm tích văn hóa xưa của miền quê hương nồng hậu, trù phú đã nuôi dưỡng đời sống, tâm hồn tác giả lớn lên từng ngày. Không gian văn hóa xứ Quảng hiện lên đầy sinh động và chân thật. Ở đó, có những làng quê, có ngôi nhà tranh mái lá, có bãi sông dài và rộng, có những vườn cây trái đậm chất miền Trung, lại có chùa chiền và các tín ngưỡng dân gian vùng xứ Quảng, có không gian của những lễ hội của người Cơ Tu...

Những con sông đã trở thành chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến tranh gian khổ của dân tộc, đặc biệt ở vùng đất xứ Quảng nhiều hy sinh mất mát này. Chính vì thế, dù đạn bom vẫn còn nổ trong tâm trí họ nhưng trước sự dày vò của quá khứ, của chiến tranh, họ vẫn luôn tìm ra bờ sông, im lặng nhìn dòng nước trôi để cảm thấy được sẻ chia, thấu hiểu. Những bến sông là nơi gắn bó gần gũi, ruột thịt trong đời sống con người. Không gian sông nước xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của Lê Trâm, với nhiều câu chuyện li kì về những bến sông, cồn cát. Có đến hơn mười truyện của Lê Trâm nói về những dòng sông. Trên những dòng sông ấy cảnh chiến đấu, sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân xứ Quảng hiện ra rõ mòn một.

 Dòng sông đã trở thành không gian không thể thiếu trong đời sống người dân Quảng Nam. Những lúc tưởng chừng như không còn nơi để bám trụ con người cũng đến bên bờ sông như một sự trở về. Những khúc sông bên lở bên bồi đã cứ thế chứng kiến cuộc sống sinh hoạt và cả những thăng trầm trong đời của bao lớp người và gắn với bao nỗi niềm của người dân quê. “Từ thuở sinh ra ông đã thấy sông bồi đắp và cứ thế, làng tiến ra sông theo những bãi bồi. Mùa lũ rút đi, nước cạn, cư dân cả một vùng rộng lớn lại tràn ra, hăm hở cày xới. Đất như cha và sông như mẹ”. Con sông trở thành mái nhà chung của bao con người, lòng sông nuôi dưỡng và là chỗ dựa của nhiều gia đình. “Ghe của mấy người phơi lát có vẻ rách nát hơn nhưng cũng đủ chứa tất thảy vợ chồng con cái". Dòng sông luôn đánh thức cảm xúc tâm sự của con người. Chính vì tình yêu quê hương, yêu con sông quê nên nhà văn đã lấy con sông, lấy những bến sông làm cảm hứng để viết lại câu chuyện của nhiều phận người.

 Không gian sông nước có mặt trong đời sống và sinh hoạt của người dân xứ Quảng, “sông như mẹ”. Sông cũng gắn với con đường đến trường của bao đứa trẻ con, lúc đầy dịu êm và bao dung, nhưng cũng có lúc dòng sông với những cơn giận. Bởi Quảng Nam còn là vùng đất của những trận cuồng phong chao đảo cả đất trời vào mùa mưa lũ “Đó thực sự là một trận đại hồng thủy. Dữ dội như muốn phá tanh bành hết thảy để sắp xếp lại trật tự đất trời. Núi đổ ụp xuống sông. Và sông nhấn chìm núi xuống dòng chảy ngầu đục. Làng mạc nhà cửa ruộng vườn như những chiếc lá tre quăng quật trong cơn lũ dữ. Tất cả bùng bục như đang sôi trong lò bát quái”.

Con sông xứ Quảng chân tình gắn bó và nuôi dưỡng tâm hồn con người nơi đây, bồi đắp nên cả một vùng trù phú, xanh màu, quen thuộc, mến yêu những dòng sông như yêu chính sự sống của mình “Dòng sông với con nước dù hung hãn đã trở nên quá quen thuộc với tôi”. Đó là nơi để mọi người gửi gắm tâm hồn, là nơi mà những trái tim luôn tìm được sự đồng điệu. Những dòng sông đã ghi dấu bao số phận người đã đến đây, ở lại, cả những người bỏ đi.

Tập truyện ngắn Đêm nguyệt bạch (NXB Trẻ, 2018).

Không gian văn hóa Quảng Nam được mở ra với tất cả lòng tự hào và niềm trân trọng của nhà văn. Những ngôi làng hiện ra trong những túp lều tranh mái lá, những ngôi nhà nhỏ nằm bên những rặng tre già quanh co xóm làng, những khu vườn, hàng cây uốn lượn mang đặc trưng của một vùng quê Quảng Nam “Một lũy tre xanh ngút ngắt, lả ngọn soi mình trên mặt nước. Những rặng râm bầu xen lẫn dứa dại um tùm và bí ẩn. Giàn dây leo rậm rịt từ ngọn tre buông xuống tận chớm nước. Bờ cỏ non mượt, mịn màng” hay “Những cổng ngõ dâm bụt đỏ thắm. Vẫn những vườn mít xanh um xen những ngọn cau chót vót”. Hình ảnh những căn nhà phên tre một thời gắn với cuộc sống lam lũ, khổ cực của người dân xứ Quảng, “Căn nhà nhỏ bé lợp bằng tôn, phên tre đã đứt hết chân trông thật thảm (…) Gió hun hút thổi không ngớt qua những luống khoai lang cằn cỗi”. Nhưng cũng có những căn nhà ba gian được dựng kiên cố, trải qua bao đời che nắng che mưa cho người dân Quảng Nam, được dựng từ thời Pháp “Gian giữa thờ Phật, hai gian còn lại thờ ông bà. Một tấm phản lim bự tổ chảng ngự giữa nhà. Bên trái là buồng của bà nội, bên phải là lẫm lúa. Nhà lợp bằng ngói âm dương nên mùa đông ấm, mùa hè thật mát mẻ”.

Những địa danh văn hóa của Quảng Nam xuất hiện nhiều trong truyện ngắn Lê Trâm tạo thành một không gian đậm dấu tích văn hóa xưa. Đó là “Dinh trấn đầu tiên đóng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thành quách, văn thánh, văn chỉ của một kiểu kinh thành bên dòng sông chợ Củi, chợ Gò Mỏ Neo, mộ của cô gái hái dâu họ Đoàn sau được vời về phủ chúa, khi chết được phong hoàng hậu”, không gian văn hóa nối dài với quá khứ mấy trăm năm, với những câu chuyện và địa danh thuộc vùng đất Quảng Nam “Có thể cũng là đêm trăng sáng như thế này ở phía cuối dòng sông đã diễn ra cuộc hạnh ngộ giữa người con gái hái dâu và vị thế tử họ Nguyễn. Đó là người tiền bối thuộc dòng họ Ông và cuộc hạnh ngộ mang theo phù sa màu mỡ đãi bao lớp cư dân dọc triền hai nhánh Vu Gia, Thu Bồn kể đã hơn mấy trăm năm”. Những khu mộ đá ong, sát bên những cái tháp Chăm, những cái miếu gợi nên không gian văn hóa của đất Quảng “Những khu vườn đình, mấy cái mả vôi trồng đầy duối dại gắn với những câu chuyện kho báu của người Chàm, mấy con cua vàng có khi còn có cả rùa vàng lẫn gà vàng của người Hời đi ăn trong đêm tối”.

 Một không gian tôn giáo màu nhiệm cũng liên tục xuất hiện trong những truyện của Lê Trâm. Đó là không gian rộng lớn, tĩnh lặng của những ngôi chùa xưa đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân Quảng Nam. Ở đó, họ hướng tâm hồn vào cửa Phật, tới giáo lý nhà Phật để an trú tinh thần, tâm hồn mình. Đó là nơi trở về gần gũi của bao người. Trong không gian ấy, con người đã tìm thấy chút bình an trong cuộc sống quá nhiều lo toan với niềm tin cuộc sống của họ được cứu rỗi. Những nhân vật như Nga trong Trong khu vườn ký ức, người cha trong Truyện đốt theo sông, hay ông Khôi trong Người của thời gian… họ đều vịn vào cửa Phật để di dưỡng tâm hồn “Hễ mỗi khi rảnh là lại vào chùa, thắp hương để cho tâm nó tịnh. Hồi ấy vào chùa gay lắm… Cha tôi bắt đầu niệm “Án ba ni bát mê hồng” liên tục, rồi cầu đến cả kinh “Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm linh. Quán tự tại Bồ tát. Thành tâm bát nhã ba la mật đa tâm kinh…” giữa trưa cha tôi áo dài khăn đóng quần đùi guốc gỗ lội trên đất cục đi từ đầu đến cuối đồng rồi lộn trở lại… ông nội đưa cha tôi vào chùa, ăn chay niệm Phật mất cả tháng trời cha tôi mới bớt bệnh”, tất cả tạo nên không gian văn hóa rất đặc sắc về vùng đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm.

Chùa không chỉ là nơi trở về để bao người nương náu, để an yên tâm hồn mà còn là không gian che chở con người lúc bom đạn. Những khu định cư được dựng nhiều trong chiến tranh, nhà chùa luôn luôn mở cửa cưu mang, chở che và bảo vệ bao kiếp người, hình ảnh những con người phải “tháo chạy” hiện thực bom đạn tàn khốc để vào chùa đã mở ra không gian văn hóa nhiều màu sắc “những ngôi chùa có dãy nhà dài nhằng nhẵng… đã che chở không biết bao nhiêu người thoát khỏi chiến trường, nếu không dễ gì tôi cắp sách đến trường được”... Trong mưa bom bão đạn “người lớn lại tụ về cầu kinh những mong một điều tốt lành mơ hồ. Hay để quên cuộc sống tối tăm của mình, để quên tiếng đạn cối ì oằm mối ngày”. Những ngôi chùa, là một phần không thể thiếu cùng với ngôi làng làm nên một không gian văn hóa, không gian tâm linh chất chứa hồn quê của Quảng Nam. Đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi trú ngụ của những miền ký ức, nơi đó gắn với sự “lớn lên” của những đứa trẻ “Họ chạy về các chùa, trại định cư do nhà chùa lập ra đón dòng người chạy loạn khắp nơi đổ về. Tiếng trẻ con lao nhao trên mấy cây sát những ngôi nhà lợp tôn lụp xụp, chúng tha hồ đột kích vào vườn nhãn và làm đủ thứ trò chúng kịp nghĩ ra”. Những câu kinh kệ dường như đã đi vào tâm hồn người dân một cách tự nhiên “Bọn trẻ con cũng bắt chước người lớn tụng kinh gõ mõ, rồi thuộc, bắt đầu những câu chú ngắn, đến kinh cầu an, rồi những đoạn kinh dài khác nữa. Quanh năm bọn trẻ lớn lên cũng những câu kinh ấy, dù biết chẳng hiểu mô tê gì. Ba tôi bảo kinh “mắc” lắm, dễ gì ngộ ra được, chứ không thì thiên hạ đã thành Bồ tát thành phật hết rồi đâu khổ như thế này”. Trại định cư sông Hanh do nhà chùa lập ra đã trở thành một cái tên nhiều ấn tượng trong lịch sử văn hóa đất Quảng, là nơi nuôi dưỡng bao con người cùng khổ.

Nét đẹp văn hóa Quảng Nam còn được thể hiện qua những lễ hội, lễ hội đâm trâu, lễ hội Calang, múa tung tung-da dá, đó là những lễ hội của những làng người dân tộc Cơ tu được tổ chức vào cuối năm cũ, đầu năm mới ở vùng cao huyện Hiên, Giằng tỉnh Quảng Nam (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang). Trong các tác phẩm Đêm nguyệt bạch Lê Trâm đã miêu tả rất chân thực về những lễ hội này “Nương theo tiếng chiêng đan dày khắp khu vực hành lễ, bọn trai tráng mặc khố thổ cẩm vai khoác tấm áo choàng cũng được dệt bằng thổ cẩm, hai chân lê trên mặt đất tay cầm khiên, tay cầm giáo, mác, dụ, ná, những bước đi hùng dũng cùng đôi tay phất lên chen lẫn tiếng hú vang rừng núi, thể hiện sức mạnh”.  Vũ điệu “hương đất dâng trời” với hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón nhận vật thiêng già làng vừa ném lên. Những đôi chân khoan thai, thẳng nuột cùng đôi tay như hai cánh sen, bàn tay đưa ngả về phía sau như muốn chống cả bầu trời giống đôi sừng trâu biểu tượng hiến tế của người Cơ tu”. Tiếng chiêng, trống, hình ảnh các chàng trai cô gái trong trang phục thổ cẩm vai khoác áo choàng, hai chân lết trên nền đất, tay cầm khiên, tay cầm giáo, mác, dụ hoặc ná, thể hiện sức mạnh của người đồng bào Cơ tu.

Không gian văn hóa Quảng Nam còn hiện ra với không gian của niềm tin trong  tín ngưỡng của người dân tộc Cơ tu. Không gian nhà rông, với các vật thờ linh thiêng của người dân tộc “Cây nêu chiếm một khoảng không gian rộng lớn, nổi bật giữa gần hai chục cây nêu khác của nhiều dân tộc ở các tỉnh tụ về lễ hội. Trên cây trụ nêu cao vút trời được trang trí nhiều vòng với các họa tiết đẹp mắt còn có hình tượng cặp “ta- cooi” gắn lên thân nêu. Cặp “ta- cooi” được ví như cánh tay giương cao của người phụ nữ trong điệu múa da dá, thể hiện niềm tin và ngưỡng vọng của người Cơ tu với trời đất. Trên cặp “ta-cooi”, những họa tiết được vẽ kiểu hoa văn thổ cẩm nhiều màu khiến cây nêu thêm ấn tượng. Nghi thức dựng nêu đã đến hồi cao trào. Già làng tung chú gà trống, là vật thiêng của nghi lễ, lên giữa vòng P’pa. Tiếng hú, tiếng hò reo đan xen nhau” đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Cơ Tu vùng cao Quảng Nam.

Không gian văn hóa ẩm thực Quảng Nam cũng hiện lên đầy ngọt ngào với những món ăn lâu đời của người Quảng. Những hàng quán nối đuôi nhau hiện ra làm sống dậy những đoạn phim ngày thơ trẻ, những miếng kẹo ngọt ngào mà hương vị đó khó tìm lại lần nữa “Phía giữa làng là những tiếng lóc cóc vang lên từ các tiệm bánh, những tiếng gõ, tiếng đập và đặc biệt là mùi nước đường thắng thơm ngào ngạt”, những “thương hiệu” ẩm thực trở thành đặc sản như mì bà Tờn, bê thui Cầu Mống, Bánh nếp sừng trâu… trong truyện ngắn Lê Trâm đã tạo nên một màu sắc hấp dẫn trong không gian văn hóa ẩm thực xứ Quảng.

Không gian văn hóa Quảng Nam trong truyện ngắn Lê Trâm gắn với hành trình sống của ông, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, trải qua chiến tranh rồi trở về với cuộc sống đời thường. Không gian ấy giúp ông sống cùng, sống với, sống cho quê hương mình mà thấm những giá trị văn hóa của dân tộc, thể hiện tình yêu văn hóa và ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc.

H.D