Mắt đá, mắt cỏ cây và mắt thức
Sinh thời, mỗi khi nói chuyện về nhân quả, bà Nội tôi thường khuyên tôi là “Trời có mắt”. Và quả thật, biết bao nhiêu chuyện tôi đọc, nghe kể, chứng kiến đều cho tôi niềm tin là con mắt của Trời có khắp mọi nơi, đã, đang theo dõi tôi, theo dõi loài người, chúng sinh trong cõi Ta Bà này.
Và tôi như thấy mắt Trời hiện ra bằng hình tướng cụ thể của muôn loài.
Đó là con mắt của đá. Những đá núi như thấy từng bàn tay, bàn chân của thảo mộc, cầm thú, loài người, sống nương tựa vào nhau. Đá thấy những “chú nai uống trăng vàng” trong con suối chảy dịu dàng. Đá thấy tình yêu thương của chim mẹ mớm mồi cho chim con lớn lên cùng cây lá. Con mắt của đá còn thấy anh em mình chịu đớn đau để thành những con đường dài đẹp nối làng quê với phố thị, nối biển với rừng, nối ngọt ngào thương yêu khắp mọi nơi trên trái đất. Và con mắt đá thấy anh em mình hy sinh thành những ngôi nhà xinh xắn chở che tình yêu gia đình, cha con, chồng vợ... Mắt đá là hồn của đá. Hồn của đá chứng kiến những trận động đất, thấy cảnh “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” (Kinh Thánh). Biết là vậy, nhưng hồn của đá dựng nên những công trình đá khắp thế giới như Kim Tự Tháp Giza, Đấu trường La Mã, Đền Taj Mahal, Đền Angkor Wat, Đền Banteay Srei, Thành nhà Hồ…
Đó còn là mắt cỏ cây bởi cỏ cây cũng có hồn. Hồn thảo mộc có từ những tảo lục, rêu, dương xỉ, đến những loài cây nổi tiếng như tử đằng, sồi, anh đào, máu rồng… Hồn thảo mộc của lan, hồng, mai, cúc, sen, huệ... thành hương hoa thơm nức. Hồn thảo mộc có trong ổi, mận, mít, xoài, lúa, bắp, đậu, mè... thành quả hạt ngọt bùi cay đắng. Hồn thảo mộc có trong ngọn rau muống một thời dầm tương thấm nỗi nhớ quê nhà, có trong trái khế đại bàng ăn một quả trả ngàn vàng. Cũng có trong tiếng sáo của Trương Chi tương tư; cũng có trong trúc Nam Sơn ghi tội của giặc Ngô phương Bắc. Hồn thảo mộc ẩn trong tiếng đàn T’rưng vang dội đại ngàn; ẩn trong thời gian thăng trầm của những ngôi nhà cổ ở Hội An, Hà Nội... Hồn thảo mộc còn chứng kiến cảnh thái tử Tất Đạt Đa tọa thiền và chứng đắc giác ngộ thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bên gốc bồ đề. Hồn thảo mộc chứng kiến cảnh Chúa Giê su chịu khổ hình bị đóng đinh trên thập tự gánh tội lỗi loài người. Hồn thảo mộc còn hy sinh thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống muôn loài, trong đó có bạn và tôi.
Bạn và tôi có con mắt của mình để thấm lời của Nguyễn Du: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Thấy được biết bao cảnh đời của nhân thế. Vui có, buồn có. Có thể đó là cảnh “Còn hai con mắt khóc người một con” (Bùi Giáng), cũng có thể đó là cảnh “con mắt còn có đuôi” trong “Tình Già” của Phan Khôi, và hơn hết là “Đôi Mắt” của Nam Cao. Và còn nhiều con mắt nữa...
Riêng tôi, nhiều khi mở mắt mà vẫn không nhìn hết cảnh thế gian. Cho nên lúc nằm, trằn trọc, dẫu nhắm mắt, tôi vẫn như thấy bao điều. Thấy lại cảnh mình lúc lên mười một tuổi bị ăn đòn vì lấy trộm đồ của gia đình đi bán lấy tiền ăn hàng. Thấy đôi mắt hiền của cô bạn cùng lớp như thể hớp hồn của tôi một thuở. Tôi thấy ánh mắt buồn buồn của vợ tôi khi chúng tôi giận nhau và ánh mắt của cô ấy như cười khi chúng tôi có những niềm vui nho nhỏ. Tôi thấy cả ánh mắt tin yêu của ba mẹ tôi nhắn nhủ tôi trước lúc lâm chung. Tôi thấy ánh mắt trách móc của học trò tôi trong hai lần tôi làm sai trong cuộc đời dạy học (một lần tôi mời phụ huynh học sinh nêu khuyết điểm của con họ, một lần tôi đánh học trò). Tôi tự thấy lại là những chuyện ấy chẳng là gì, chẳng qua cũng vì cái tôi của tôi. Biết bao điều đã qua tái hiện trong tôi. Và cả những gì tôi thấy trong tương lai dẫu biết chỉ là điều tưởng tượng. Nếu được, tôi xin không mắc lại những điều sai trái trước đây và giữ gìn, thực hiện những điều tốt đẹp.
Nhiều lúc tôi nhìn chính tôi. Nhận xem cái bản mặt của mình. Ngắn, dài, tròn, vuông ra sao. Chỗ nào xấu, chỗ nào đẹp? Con mắt tôi thức và mãi tự hỏi về chính mình. Hỏi như bao người từng hỏi. Tôi nhìn tôi. Tôi nhìn bao người. Tôi như thấy Mãn Giác Thiền Sư mỉm cười cùng lời kệ: “Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, lão tòng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Tôi giật mình như có tiếng Nội tôi ở bên tai là Trời có mắt.
Nhìn ngoài kia đá vẫn thức, cỏ cây vẫn thức.
Mắt đá, mắt cỏ cây, mắt bạn và tôi vẫn thức chứng kiến nhân quả luân hồi.
Và, mắt Trời luôn thức để tỉnh thức muôn loài.
P.T.H