Gió qua thung vắng
Con Tuất cúi gằm mặt, tay bấu ghì vào vạt áo như muốn xé toạc, hai mắt mở to căng mọng. Cánh mũi phập phồng, một dải nước trong veo thò xuống mé môi. Mấy lọn tóc vàng hoe bết lấy chiếc trán dô bướng bỉnh. Nó di di ngón chân cái xuống nền đất sân trường tạo thành lõm nhỏ. Chiếc dép cũ mềm oằn mình chịu trận sau mỗi cái di chân hậm hực.
Chuyện là sau tiếng trống giải lao, con Tuất cũng như bao đứa khác ào ra khỏi lớp như ong vỡ tổ. Đứa háo hức tham gia trò chơi, đứa lại phi thẳng xuống quán bà Út để ăn vặt. Có đứa tranh thủ vào thư viện đọc nốt chỗ truyện tranh. Con Tuất nằm trong số sau cùng bởi cả lớp chẳng đứa nào buồn chơi với nó. Còn quán bà Út thì luôn là nơi xa xỉ. Gọi là quán cho sang, kì thực chỉ mỗi chiếc bàn con con đã đung đưa. Bốn chân bàn thường rung lên bần bật khi bọn trẻ tranh nhau mua quà bánh. Chỉ là dăm cái kẹo vừng, vài chiếc bánh dừa nướng vụn được túm vào bịch nilong nhỏ nhỏ. Trên bàn còn có những gói phồng tôm chua cay kích thích vị giác, mấy gói cá khô tẩm gia vị đỏ nhừ màu tương cà, đôi viên kẹo mang tên sôcôla được phủ một lớp bột đủ màu sắc. Vài tấm giấy in hình diễn viên phim đang thịnh hành, những túi kẹo kèm theo mấy chiếc nhẫn xanh vàng rực rỡ...
Con Tuất đang hăng hái bay ra cửa lớp thì tiếng thằng Chí Xê Kô choen choét:
- Ôi bọn bây lại đây xem này, Tuất nay làm Tuất chó đốm mới chịu nhá!
Hưởng ứng những lời bỗ bã kia là một tràng cười. Bọn bạn cứ thế chỉ trỏ cười cợt trước sự đau khổ đến cùng cực của con Tuất. Nó chẳng biết mình còn phải nhận bao nhiêu biệt danh, bao nhiêu trò châm chọc của Chí Xê Kô.
Nó càng không hiểu hà cớ vì sao thằng Chí lại gọi mình là Tuất chó đốm. Nó sao có thể biết đứa bạn nghịch ngợm nào đã vảy mực lên tấm áo đồng phục cũ nhàu, màu mực tím loang loang trên nền vải ố vàng tội nghiệp.
Con Tuất uất lắm, nó hận thằng Chí đến tận cùng xương tủy. Cứ mỗi lần nó định tham gia trò gì là thằng chí Chí Xê Kô lại nhảy vào phá đám.
Tuất chỉ còn biết lủi thủi vào thư viện. Từng ô chữ nhảy múa, từng bức tranh như trêu đùa trước mắt. Nó nhiều lần rưng rức khóc nhưng chẳng ai quan tâm. Lũ bạn đồng loạt cùng phe với thằng Chí Xê Kô, cô chủ nhiệm thì phớt lờ, thỉnh thoảng có mắng các bạn, rồi mắng cả nó. Lúc đó nó chỉ muốn hét vào mặt cô như hét vào mặt con Sún rằng tại sao chứ, rằng cô thì biết gì chứ…
Nhưng rồi nó im lặng, cái im lặng uất ức cướp đi nụ cười giòn tan, ánh mắt trong veo cùng tâm hồn trẻ nít ngây thơ tội nghiệp.
Thằng Chí chộp lấy chiếc kẹp tóc mới toanh trên đầu con Thủy Điệu, pha cướp giật khiến đầu con Thủy rối tung, vài sợi tóc còn vướng vào chiếc kẹp lơ thơ.
Con Thủy òa khóc tức tưởi vì sợ hỏng kẹp mới. Thằng Chí khoái trá vừa đi thụt lùi vừa cầm chiếc kẹp dứ dứ, mồm mép toe toe. Đôi mắt nó bận để trên trán nên chẳng kịp thấy con Tuất đang đứng sau lưng gầm gừ nãy giờ. Nó va vào con Tuất đánh “bốp” một cái, cú va khá mạnh khiến con Tuất đau điếng. Bị chiếc cùi chỏ nhọn hoắt của thằng Chí phang thẳng vào mặt, con Tuất gầm lên giận dữ, thằng Chí hếch môi cười nham nhở:
- Ý mày sao. Chó đốm, à chó điên?
Như chỉ chờ có vậy, con Tuất lao vào cắn xé. Bộ móng cáu bẩn nhè thẳng mặt thằng Chí mà cào mà cấu.
Bị bất ngờ, thằng Chí thụt lùi né tránh. Con Tuất được thể tiến tới, đôi cánh tay vẫn bê cám lợn mỗi ngày, nay mới có cơ hội phát huy sức mạnh. Thằng Chí mạnh mồm bao nhiêu thì sức vóc lại còm cõi bấy nhiêu. Nó ngã nhào xuống đám cỏ, miệng rống lên thống thiết:
- Tao báo cô mày đánh tao, con chó!
Con Tuất chẳng buồn nghe, trong hừng hực chiến thắng, nó chỉ muốn hả cơn giận đang kìm nén. Nó leo lên bụng thằng Chí, hai tay giật tóc xé áo, nhưng tóc thằng Chí ngắn cũn cỡn, nó há mồm định cạp vào đôi tai vểnh như tai thỏ kia, chợt:
- Cô kìa! Cô kìa!
Thông báo khẩn cấp của con Thủy Điệu như chiếc vòi phun băng đông cứng cơ thể con Tuất, đóng băng mọi giác quan, đóng băng cả ý chí phục thù. Phải mất hơn một giây hoàn hồn, nó rời khỏi người thằng Chí như rời một tai họa sắp giáng xuống chiếc đầu tội nghiệp.
Cơn mưa roi xé gió kèm những lời đay nghiến hằn học khiến cơ thể nó phủ phục trên nền gạch loang lổ, đôi vai gầy rung lên bần bật, mắt nhắm nghiền, đôi môi mím chặt cam chịu.
Mẹ thằng Chí, sau một hồi chì chiết, thấy bà Phàn đánh con không thương tiếc thì lấy làm hả dạ:
- Đấy! Bà dạy không khéo nó lại cũng thành cái phường gian manh xảo quyệt. Cái thứ con nhà tông...
Bà còn đang say sưa như chiếc loa phiền phức nơi nhà đội, bỗng dưng im bặt như bị ngắt điện đột ngột khi bắt gặp ánh mắt dữ tợn của bà Phàn. Bà ta ngoe nguẩy cái mông đi về phía cổng, miệng không thôi lẩm bẩm.
“Con nhà tông”, câu nói của người đàn bà kia như lưỡi dao xoáy sâu vào lòng bà Phàn. Người phụ nữ ấy muốn rũ bỏ mọi nỗi đau, nhưng kì thực, con Tuất càng lớn càng giống cha, từ khuôn mặt tới dáng đi, từ mái tóc đến ánh mắt. Bà căm phẫn gã đàn ông tệ bạc. Muốn xua đuổi hình bóng ấy bao nhiêu lại cứ phải chứng kiến nó hiện diện trước mặt mình mỗi ngày.
Ngày ấy, bà Phàn như cái cây lớn lên giữa rừng, xanh mướt kiêu sa. Giọng bà như họa mi líu lo trong nắng sớm, mái tóc dài đen nhánh tựa dòng suối giữa đêm trăng, ngọt ngào đầy ma lực. Chưa có gã trai làng nào chinh phục được trái tim non xanh đầy kiêu hãnh ấy.
Bỗng đâu, một đoàn người xuất hiện trong trang phục bảo hộ, với lỉnh kỉnh thước đo dây đeo các loại. Họ đến xóm bà Phàn xin ở lại. Nghe đâu họ đi bắn tuyến cho đường dây 500KV về ngang thôn bản.
Khác với những cô gái cùng trang lứa, bà chỉ đặc biệt chú ý đến người đàn ông râu ria quắc thước, ánh nhìn có lửa cùng dáng người lực lưỡng như võ sĩ dù ông ấy gần tuổi ba bà. Bà Phàn đem lòng mê đắm người đàn ông kia, bỏ qua bao lời can ngăn đàm tiếu.
Cái tin bà Phàn có chửa loang ra cả thôn trên xóm dưới. Kẻ hả dạ người tiếc nuối. Cha mẹ bà xấu hổ với bà con xóm làng bao nhiêu thì bà lại dửng dưng bấy nhiêu. Bà muốn người đàn ông kia bỏ vợ con cưới mình. Và rồi, sau bao lời dỗ dành phá bỏ cái thai không thành, người đàn ông nọ bảo về thu xếp việc nhà để lên với bà và mãi không bao giờ trở lại.
Với bà Phàn, Tuất là cơn đau dai dẳng, là thứ ung nhọt đục khoét cơ thể của bà. Mỗi nụ cười của nó lại khiến bà ngây dại, mỗi ánh mắt nó nhìn như đưa bà trôi vào biển lửa, thôi thúc bà nổi cơn điên loạn.
Tội nghiệp thay, con Tuất cũng chỉ là một đứa trẻ, cũng muốn được sống trong tình yêu thương dạt dào của mẹ và sự dạy dỗ mực thước của cha. Con Tuất thèm khát ánh mắt dịu dàng, thèm cái nựng cằm âu yếm, thích được vùi đầu vào ngực mẹ mà hít hà mùi cơ thể, dẫu là lúc bà đi làm về người ướt đẫm mồ hôi. Con Tuất thích được mẹ thắt bím cho mỗi buổi đến trường, thích khoe khoang khi đạt thành tích tốt. Con Tuất còn thích được ngồi sau chiếc xe đạp hay trật xích của mẹ và nghêu ngao hát “đi xe đạp vui thật vui, bánh xe quay tròn tròn tròn tròn. Mẹ ngồi trước, bé ngồi sau...”. Những mơ ước cỏn con dần bị đòn roi che phủ, con Tuất lầm lũi như cái bóng để tránh những trận lôi đình oan thiên từ mẹ.
Mười hai tuổi, con Tuất như quả non cằn cỗi, đâu biết mình là thứ sản phẩm lỗi trong một cuộc tình đầy giông gió của mẹ. Nó chưa từng thấy mặt cha, người đàn ông vô hình mang tên “tệ bạc”, con Tuất càng không biết nỗi tủi khổ của mẹ lúc mang thai mình. Trên đời này, thứ chúng ta không được quyền lựa chọn, ấy là cha mẹ và giới tính. Thứ thiêng liêng chảy trong huyết quản người ta cũng có thể thay thế, nhưng cội rễ trong người mình chẳng ai có thể dễ dàng xóa bỏ, trừ phi...
Dạo này nhà thường xuyên có khách, ấy là người đàn ông kém mẹ ít tuổi. Cuộc đời giông gió vùi lấp dung nhan người đàn bà một thời hương sắc nên trông mẹ già hơn chút đỉnh.
Chú thường xuyên đến nhà vào lúc chiều muộn và ở lại tận khuya, chú cũng không quên mua cho nó những món quà cỏn con khiến nó thích thú. Mẹ nó vui ra mặt, bà không còn đay nghiến chì chiết nó nữa, ánh mắt bà lúng liếng, miệng luôn nở nụ cười e ấp khi có chú ở chơi.
Nó vẫn thường len lén nấp sau chiếc màn cũ mèm nhìn trộm. Một thứ cảm mến lạ lùng len vào trái tim non nớt. Nó mân mê chiếc kẹp tóc chú tặng, nó cần biết bao thứ tình cảm ngọt ngào khó tả này. Phải chăng cuộc đời nó, từ lúc lọt lòng đã khao khát được yêu thương, khao khát được vuốt ve âu yếm như bao đứa trẻ bình thường. Thì nay, điều ấy bỗng nhiên đến, bỗng nhiên thành niềm hạnh phúc lớn lao. Nó thích cùng chú cười đùa, nó thích được chú quan tâm săn sóc mỗi ngày. Nó những muốn gọi chú bằng ba, để được cõng vắt vẻo trên vai mà cười sằng sặc, để có thể cùng chú lang thang khắp núi đồi mỗi chiều muộn, bê về cơ man dủ dẻ, sim, táo rừng và cả những quả chay vàng ươm chín mọng. Chú xem nó như người bạn, kể nó nghe những ước mơ của đời mình. Chú bảo chẳng biết tự bao giờ, lòng luôn có xúc cảm đặc biệt với những ngôi nhà trên núi, cheo leo đá, chênh vênh dốc, hững hờ giữa ngàn mây...
Cũng chẳng biết tự bao giờ, lòng mê mải chạy theo những khát vọng chốn đại ngàn, huyễn hoặc lòng, huyễn hoặc mình...
Bẵng đi một thời gian, chú không còn lui tới như trước, mẹ nó buồn rười rượi như quả sim chín nẫu mỗi chiều, ánh mắt bà xa xăm vô định. Bà có những cuộc gọi dài. Mỗi khi tiếng chuông điện thoại cất lên bà giật nảy người quýnh quáng. Đôi lúc nó thấy mẹ khóc. Nước mắt là thứ vũ khí huyền bí nhất của người phụ nữ. Nó khiến bà mềm mại hơn, dịu dàng hơn, điều mà trước đây nó chưa từng thấy ở mẹ. Mắt bà xa xăm vô định, bà cũng thôi đòn roi với nó như trước. Dường như với mẹ nó bây giờ, thứ duy nhất bà quan tâm là chiếc điện thoại vô tri và những cuộc gọi vô hình.
Một sáng mùa thu, trời hãy còn xanh lắm, từng dải mây trôi lững lờ lưng chừng núi cứ nhẹ nhàng tan ra trong cái vô định của đất trời. Có tiếng con Phốc sủa nhặng xị, rồi tiếng ư ử thoát ra cũng từ con Phốc. Nó ôm chỗ rau lang cắt dở sau vườn chạy vào. Kịp dừng chân nơi chuồng lợn, nơi nó vẫn nghĩ sẽ vĩnh viễn gắn bó với cuộc đời mình. Trong chái bếp, mẹ và chú đang ôm ghì lấy nhau, chiếc ba lô rơi hững hờ, tim nó đập loạn xạ, một niềm xúc cảm không dễ đặt tên.
Ngoại ốm. Mẹ cùng dì đưa ngoại về phố huyện chữa trị. Ở cái thị trấn nghèo này mọi thứ đều thiếu thốn. Nhà neo người, mẹ nhờ chú sang trông hộ. Thì cũng có gì để trông, chỉ là ở cho bớt hiu quạnh.
Từ ngày mẹ vắng nhà, con Tuất được tự do hơn bao giờ hết. Nó chỉ mỗi việc đi học về là lo cho lũ lợn khỏi phá chuồng nhảy xổng vì đói, nó để dành thời gian dư thừa đón chú về. Cả hai tha thẩn khắp các núi đồi. Họ cùng đi qua từng vạt mua tím sẫm, cùng đi qua từng đồi sim ngút ngàn, đi qua từng bãi đá chông chênh, qua cả những lùm dây cơm nguội chằng chịt, vá víu vào nhau… Chú kể nó nghe những công trình nơi chú đã đi qua, những gian khổ cuộc đời chú đã nếm trải. Nó say sưa nghe, say sưa nhưng tuyệt nhiên chẳng hiểu gì mấy. Nó chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ trong veo như dòng suối miệt mài chảy trong khe, không biết phải đi qua bao nhiêu thung sâu, không biết phải lượn lờ qua bao vách núi, càng không biết có được thong dong chảy ra đại ngàn để về biển mẹ hay chỉ làm một vũng trâu đầm tăm tối.
Chiều ấy, một cơn giông bất ngờ ập tới, cả hai chú cháu chẳng có chỗ trú mưa. Mưa rừng thật ghê gớm, cứ ầm ầm trong tiếng vang vọng từ đại ngàn xa xăm. Mưa xối xả không ngớt, như trút mọi giận dữ của trời cao vào cây cối đất lành.
Con Tuất ướt đẫm trong bộ đồ dính chặt lấy thân hình sắp tuổi dậy thì, môi tái đi vì lạnh. Chú cởi áo che đầu cho nó rồi cả hai dìu nhau về trong mưa.
Đêm ấy nó sốt cao. Chú hoảng quá, vội giặt khăn ướt lau khắp người nó, nó vẫn sốt, trong cơn mê sảng cứ gọi tên chú. Chẳng mảy may nghĩ ngợi, chú kéo tuột áo nó ra mà chườm khăn vào nách, vào lưng.
Cửa đóng im ỉm dẫu trời đã gần trưa, bà Phàn nhẹ nhàng lấy chiếc đũa tre khèo nhẹ chốt, cánh cửa bật tung. Bà Phàn rú lên kinh hãi, túi thức ăn rơi bịch xuống đất, mắt bà trợn tròn ngây dại.
Con gái bà không một mảnh áo đang nằm gọn trong tay người đàn ông bà xem như nhân tình. Chúng nó ngủ say sưa quên trời đất. Chúng nó quên cả sự hiện diện của bà trong cuộc đời này. Chúng nó quá lắm. Được rồi, chúng mày biết tay bà!
Hất mặt lên đầy vẻ phẫn nộ, bà vơ ngay lấy chiếc cán chổi vung tới tấp. Bị bất ngờ, cộng với sau một đêm mất ngủ vì con bé bị ốm, người đàn ông kinh hãi thét lên:
- Cái gì vậy Phàn?
Bà Phàn gằn từng tiếng một:
- Cái gì. Cái gì à? Cái gì tôi phải hỏi anh chứ?
Con Tuất như kịp hoàn hồn, vớ vội chiếc áo nó chạy ra sau bếp không kịp để mẹ phang thêm vài cán chổi vào đầu. Bà Phàn như con thú hoang, cứ vụt theo tới tấp, người đàn ông kịp nắm lấy tay bà dằn mạnh:
- Cô có dừng ngay đi không?
Bà tròn mắt điên tiết:
- Hóa ra bọn mày, hóa ra bọn mày...
Vừa đay nghiến chì chiết, vừa giật lùi kinh tởm: “Tao lầm, tao lầm”. Rồi phá lên cười man dại.
Con Tuất còn chưa biết sự thể như nào, cứ nghĩ mình bị ăn chổi là do ngủ nướng không nấu cám lợn. Hẳn bọn chúng lại sang nhà hàng xóm mà ủi sạch mấy luống rau họ mới trồng, chết thật.
Tiếng chú và mẹ cãi nhau nhặng xị, à không, là tiếng mẹ tru tréo vật vã.
- Cô điên rồi!
Giọng chú quát lên đầy bực tức:
- Cô có thôi đi không mấy cái suy nghĩ điên khùng, bệnh hoạn.
- Bệnh hoạn? Ha ha... bệnh hoạn? Phải rồi tao bệnh hoạn! Tao bệnh hoạn, tao điên khùng nên chúng mày qua mặt. Tao bệnh hoạn điên khùng nên mới đem lòng yêu thương mày. Cút, cút khỏi nhà tao đồ đểu cáng, quân mất dạy.
Giọng bà lạc đi, ánh mắt dữ tợn điên cuồng.
- Không cần đuổi.
Vừa nói, người đàn ông vừa gom mấy mẩu đồ cho vào ba lô rồi bước thẳng ra cửa trước sự đau đớn tột cùng của bà Phàn.
Phần con Tuất, mãi lo lúi húi thổi lửa bắt nồi cám lợn vì sợ ăn đòn, nó không biết sự ra đi đột ngột của chú. Thấy nó lặng lẽ cúi gằm mặt, bà Phàn như không kìm được cơn thú tính, bà nhảy bổ vào túm lấy mớ tóc nó.
- Con khốn nạn. Con trời đánh! Mày làm gì mấy ngày qua, mày nói tao nghe mày làm gì mấy ngày qua?
Giọng bà lạc đi, đứt quãng. Con Tuất sợ hãi co rúm lại, được thể, bà túm lấy áo nó xé toang.
- Ai dạy mày làm thế? Ai dạy cho mày. Những ngày qua tao không có nhà mày làm gì hả? Hả?
Con Tuất cố giữ lấy chiếc áo, bà Phàn càng điên tiết cào cấu. Bà đưa tay tát lấy tát để vào mặt con Tuất.
- Quân mất dạy, quân khốn nạn, ai dạy mày chứ, ai dạy mày?
Vừa nói, bà đưa hai tay siết lấy chiếc cổ bé bỏng mà giật, mà lắc.
Đến khi con Tuất không còn sức chịu đựng nằm rũ ra một đống, bà Phàn cũng như kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Bà ngồi bệt xuống, buông thỏng hai tay, nước mắt cạn kiệt.
Con Tuất nằm thế hàng giờ, đến chiều, đến tối, đến bao giờ không biết nữa. Lũ lợn phá toang chuồng kêu ầm ĩ.
Cái tin con Tuất không còn khiến ai cũng xót xa hoang mang tột độ. Bà Phàn lại lên cơn điên nên chẳng ai hiểu rõ sự tình. Gia đình xin được an táng cho lành lặn thi thể em. Ai cũng biết cuộc đời đau khổ của Tuất khi sống cùng mẹ, nên coi như đây là cách giải thoát cuối cùng cho một kiếp nhân sinh.
Nước mắt chẳng thể gọt sạch mọi cơn đau, bà Phàn ngây ngây dại dại, nói nói cười cười, thi thoảng phá lên sặc sụa khi có người đàn ông nào đi qua. Ánh mắt man dại của bà khiến bọn trẻ khiếp vía. Gia đình đành gửi bà vào trại điên. Ngày ấy bà mới ngoài ba mươi.
Lòng đầy hoang mang, tôi đem chuyện hỏi mẹ, mẹ bảo xưa có người đàn ông trẻ thường xuyên đến nhà cô Phàn, mọi người chỉ gặp cậu này cùng con Tuất hay đi qua các núi đồi. Sau ngày con Tuất mất, công an có đến làm việc nhưng gia đình cô Phàn xác nhận con bé bị bệnh và đã an táng, họ không muốn khai quật khám nghiệm tử thi tội con nhỏ. Cuộc đời nó đau đớn đủ rồi.
Nước mắt tôi lã chã tuôn. Tôi thương cho một kiếp người, tôi xót cho một phận đời, và tôi đau cho những nỗi đau còn đang thành hình nơi trần thế.
Sau này, nghe kể có một người đàn ông về đưa bà Phàn đi đâu đó, hình như để điều trị bệnh cho bà, và hình như bà đã khỏi bệnh.
Có người bảo đó là cha Tuất, cũng có người bảo ấy là người đàn ông sau này. Tôi không biết, chỉ biết họ hay đưa nhau về thăm mộ Tuất, nơi ấy cỏ đã xanh um. Từng lùm dây leo chằng chịt vướng cả lối đi. Họ thường lặng người đặt xuống mộ em bó hoa mua. Từng vòng khói hương bảng lảng quấn quýt lấy họ.
Em đã vĩnh viễn nằm lại nơi thung sâu hoang vắng, nơi bạt ngàn sim, nơi bạt ngàn mây, nơi chỉ có những cơn gió rừng vi vu dìu em vào giấc ngủ ngàn thu im vắng.
H.L