“Thêm một đứa trẻ là thêm một nụ cười”
Nhà văn Văn Thành Lê và tác phẩm Bên suối bịt tai nghe gió.
“Tắm”, “bơi” trên dòng sông tuổi thơ không phải ai cũng thành công. Viết cho thiếu nhi mà để bất kì lứa tuổi nào đọc cũng thấy hay, hấp dẫn như thấy chính mình trong đó không hề dễ dàng. Tôi vẫn ấn tượng sáng tác của các cây bút lão thành như Tô Hoài, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Sáng, Võ Quảng, Vũ Tú Nam, Phùng Quán, Nguyễn Kiên, Trần Đăng Khoa, Đoàn Giỏi,...; sau thế hệ này là Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Hoàng Dạ Thi, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thị Kim Hòa,…; và trẻ hơn là Minh Nhật, Nguyễn Bình,... Văn Thành Lê cũng là một trong số cây viết đã khẳng định được giọng điệu, góp phần làm cho vườn ấu thơ thêm phần sinh động và đáng yêu. Ông mặt trời và mùi hương của mẹ[1], Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu [2], Trên đồi, mở mắt và mơ [3] và Bên suối, bịt tai nghe gió [4] là các truyện viết về thiếu nhi của anh.
PB2A: Nhà văn Văn Thành Lê và tác phẩm Bên suối bịt tai nghe gió.
Khoảng trời ấu thơ
Với Văn Thành Lê, “viết cho thiếu nhi là cơ hội để ‘chống lại’ Heraclitus, rằng con người có thể tắm nhiều lần trên dòng - sông - tuổi - thơ”. Cơ duyên mà anh đến với văn học thiếu nhi bắt đầu từ Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, được viết vào năm thứ 3 sinh viên Khoa Sinh học trường Đại học Huế. Tuy nhiên, số phận của nó khá long đong, mãi đến năm 2011 mới được Nxb Trẻ đỡ đầu. So với ba cuốn sau, cuốn đầu tiên có phần “mỏng mảnh” hơn, nhưng, có thể nói, Văn Thành Lê đã bộc lộ được giọng điệu riêng của mình ngày từ khi dấn thân vào mảng thiếu nhi. Không khó để thấy cá tính hài hước, hóm hỉnh và một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương, cội nguồn ẩn giấu trong các tác phẩm viết về thiếu nhi và kể cả các sáng tác khác của anh.
Những câu chuyện con trẻ mà anh viết đều phù hợp với lứa tuổi 8x của anh, thời kì đất nước đã nhiều đổi mới, cuộc sống đã bớt nhọc nhằn. Anh nói đó là tuổi thơ trong trí tưởng của mình nhưng người đọc vẫn cảm thấy như đang sống với kí ức, với những trò chơi đầy tinh nghịch của lứa tuổi học trò đầu đời. Tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ không có nghĩa anh lặp lại, ăn mòn những trải nghiệm của bản thân. Mỗi lần bơi trên dòng sông tuổi thơ là một lần anh lớn lên, chỉn chu, nhuần nhuyễn hơn. Anh không bê nguyên xi tuổi thơ của thế hệ 8x lên trang viết mà thông qua những chỉ dẫn khéo léo, kéo thành phố gần hơn với nông thôn, kéo đô thị gần hơn với thiên nhiên, đủ để các bạn nhỏ bây giờ vẫn thấy được bóng dáng của mình trong đó một cách tự nhiên, dễ tiếp cận.
Sự “bơi” của Ông mặt trời và mùi hương của mẹ và Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu không điêu luyện bằng hai tập gần đây, khi ngòi bút của anh đã cọ xát, chinh chiến nhiều thể loại, khi anh thực sự gắn bó với Nxb Kim Đồng. Sự cẩn trọng trong cách lựa chọn chi tiết, xử lí ngôn ngữ và chêm xen các bài học khẳng định ý thức, trách nhiệm và tâm huyết của anh đối với mảng này. Anh thay bạn đọc thế hệ anh lưu giữ những kí ức đẹp nhất, đáng nhớ nhất làm hành trang sống để thanh sạch tâm hồn. Điều đó đã làm nên thành công của anh. Và thành công hơn nữa khi có sự nối tiếp câu chuyện bài bản giữa hai tập sách Trên đồi, mở mắt và mơ và Bên suối, bịt tai nghe gió. Riêng Trên đồi, mở mắt và mơ đã in lần thứ 6 với sự đầu tư trọng điểm, công phu về mĩ thuật dành cho tác phẩm có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả qua thời gian. Còn Bên suối, bịt tai nghe gió mới phát hành vài tháng đã có quyết định in lần thứ 2, dù giữa đại dịch covid - 19, chứng thực sự quan tâm từ phía độc giả, khước từ quan niệm xem văn học thiếu nhi là “chiếu dưới”, là “thiếu và yếu” và cũng là ao ước của bất kì một cây bút nào viết về mảng văn học thiếu nhi.
Truyện của Văn Thành Lê đều chọn người kể chuyện xưng tớ và cách gọi nhau thân mật là tao - mày, tớ - cậu. Thế giới tuổi thơ của Ông mặt trời và mùi hương của mẹ được tạo dựng bởi tớ - cu Đâng, cu Tin, cu Tèo, cu To,... với những hoạt động như chuyện đi học, chơi đánh bả đầu, chơi bi, học võ, giữ trâu, về quê ngoại, chơi trò bom bi pháo hoa,... Thế giới tuổi thơ của Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu là tớ - Nam, thằng Trượng, thằng Nhi, thằng Đại, thằng Phu, thằng Hạ,... với những trò nghịch ngợm trong giờ khai trường, giờ ra chơi, đi thăm bảo tàng, trong hội giảng,... Thế giới tuổi thơ của Trên đồi, mở mắt và mơ và Bên suối, bịt tai nghe gió là tớ - Thành, thằng Văn, thằng Lê, Tuyết đen, Điệp điệu và Bống (xuất hiện trong tập Bên suối, bịt tai nghe gió). Nếu Ông mặt trời và mùi hương của mẹ là những lát cắt trải nghiệm của tớ - cu Đâng về gia đình, bạn bè, trò chơi, quê ngoại, Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu là câu chuyện từ nhà đến trường, từ trường về nhà của tớ - Nam, thì Trên đồi, mở mắt và mơ và Bên suối, bịt tai nghe gió có sự xuyên suốt giữa hai kì nghỉ hè ở quê nội của tớ - Thành.
Tác phẩm Trên đồi, mở mắt và mơ của Văn Thành Lê.
Điểm chung của các bạn nhỏ trong truyện Văn Thành Lê đều tinh nghịch, thích khám phá thế giới xung quanh, giải đáp bằng cái nhìn, tư duy hồn nhiên và rất tình cảm, yêu thiên nhiên, muôn loài. Văn Thành Lê không đi sâu vào miêu tả đặc điểm ngoại hình, tính cách của nhân vật mà chỉ nhấn mạnh một đặc điểm nổi bật nào đó để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Tính cách của bọn trẻ được bộc lộ thông qua lời nói, hành động, lối ứng xử. Tớ - cu Đâng tinh nghịch nhưng rất yêu thương mẹ, nhận ra được mùi hương của mẹ khi ngồi phía sau lưng mẹ. Tớ - Nam quậy phá đủ trò nhưng rất yêu bạn bè, thầy cô, bố mẹ. Tớ - Thành ham vui nhưng luôn sống vì bạn bè, nhân hậu… Các nhân vật trong hai tập Ông mặt trời và mùi hương của mẹ và Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu đã khá rõ về cá tính, sở thích, nhưng công bằng mà nói, phải đến Trên đồi, mở mắt và mơ và Bên suối, bịt tai nghe gió thì cá tính, sở thích ấy mới trở nên hoạt bát hơn, cách viết uyển chuyển hơn, gây chú ý đối với bạn đọc. Thế giới tuổi thơ của Trên đồi, mở mắt và mơ và Bên suối, bịt tai nghe gió được tạo dựng bởi hai kì nghỉ hè đầy thú vị, bổ ích của bọn trẻ ở làng quê.
Có nhiều bài học được Văn Thành Lê đưa vào truyện của mình như bài học về việc nhân rộng tình yêu đọc sách, bài học về sự khổ luyện, làm bất cứ cái gì cũng phải khổ luyện mới thành công, bài học từ món ăn nghĩ đến tình yêu thương và sự chân thành, bài học về tổ tiên, gốc tích, bài học về sự ra đời của mỗi người, bài học về sự quý trọng bản thân… Bài học anh gửi gắm trong các câu chuyện không xuất phát từ sự giáo huấn, sắp/ áp đặt. Thứ nhất, chìa khóa để Văn Thành Lê dẫn dụ người đọc đến với thế giới trẻ thơ là nguồn kiến thức phong phú của mình. Đến với thế giới của trẻ thơ, anh đưa vào đó rất nhiều kiến thức như Tết Đoan Ngọ, đám cưới ở quê, những ngày kỉ niệm trong năm, hội giỗ thành hoàng làng, giỗ tổ, mộ gió,… Ví dụ, cùng nói về các ngày kỷ niệm nhưng anh có những cách xử lý riêng. Ở Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, anh đưa vào một số ngày kỉ niệm trong một năm thông qua ngày sinh của cu Tèo, cái Tin, cu Đâng - người kể chuyện xưng tớ. Trong Bên suối, bịt tai nghe gió, các ngày kỉ niệm được tớ - Thành lan tỏa nhằm mời gọi, khuyến khích các bạn đọc sách. Kiến thức trong Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu được đúc rút từ các hoạt động của bọn trẻ như ý nghĩa của ngày khai trường, kế hoạch nhỏ, thăm bảo tàng, trồng cây... Từ những kiến thức này, mỗi trang viết của anh như là một món ăn hấp dẫn, kích thích sự tò mò, khám phá của bọn trẻ đến với những giá trị của cuộc sống, hồn nhiên mà sâu sắc, giản dị mà chiêm nghiệm. Sự ngạc nhiên, lạ lẫm khiến bọn trẻ ham muốn tìm hiểu, thiết tạo mọi thứ xung quanh. Trong cái nhìn nhi nhiên thành thực, sự tưởng tượng bất ngờ, chúng tự thu về cho mình những bài học.
Văn Thành Lê thông qua hành động, tình huống để bộc lộ suy nghĩ của trẻ. Trong trò chơi, hoạt động của trẻ bao giờ cũng ẩn chứa niềm hứng khởi, đam mê sáng tạo, khám phá. Chúng sáng tạo trò chơi theo cách chúng nghĩ, thích. Như chuyện làm kế hoạch nhỏ, Nam đã nhúng nước để tấm bìa nặng hơn, còn hội bạn, đứa thì lấy tấm bìa kê nồi nấu bún của mẹ, đứa thì tìm cách lấy sách của chị, đứa thì đi lang thang cả ngày tìm giấy vụn,... chỉ mong có được viên bi đẹp của những đứa khác và được tuyên dương. Trong sự sáng tạo, hành động đầy hồn nhiên ấy, trẻ đã nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan mà người lớn cũng buộc phải suy ngẫm nhìn lại mình. Bởi, trẻ con không chỉ nhất nhất nghe theo lời chỉ bảo của người lớn mà chúng còn biết đặt ra những câu hỏi, phản biện lại vấn đề người lớn đưa ra. Những câu hỏi, phản biện phù hợp với tư duy, kiến thức, nhu cầu khám phá của con trẻ.
Trong tư duy của trẻ, muôn loài đều như con người, có yêu thương, giận hờn và tiếng nói. Tiếng nói của các loài được thể hiện qua lăng kính, tư duy, trí tưởng tượng của trẻ. Tâm hồn của bọn trẻ rất đỗi mong manh, nhạy cảm nên chúng thường nhìn bằng cái nhìn trìu mến, chân thành. Bọn trẻ xem những gì có mặt xung quanh mình đều là những người bạn. Chúng trò chuyện và bộc lộ sự quan tâm, yêu thương, săn sóc theo cách của mình. Trong mắt bọn trẻ, vạn vật đều có tiếng nói, có linh hồn, biết vui biết buồn. Văn Thành Lê để bọn trẻ tự bày trò, tư bộc lộ, tự quan sát, tự rung động, tự xúc cảm, chứ không bị can thiệp theo nguyên tắc, nên tính vô tư, hồn nhiên được bộc bạch thoải mái, đúng điểm nhìn của chúng. Cảm quan của bọn trẻ chí ít cũng đã đánh vào tâm lí của người lớn, dấy lên nỗi niềm thương yêu và nhu cầu cần thiết phải thấu hiểu tiếng nói của muôn loài. Khi người lớn không chi phối điểm nhìn của trẻ, biết trân trọng, nâng niu ước mơ của trẻ, người lớn mới thấy trí tưởng tượng độc đáo và quyền năng thổ lộ riêng của trái tim trẻ. Cái nhìn nhạy cảm, trái ngược của trẻ sẽ làm cuộc sống trở nên sinh động hơn, tươi trẻ hơn.
Tấm vé ấu thơ của Văn Thành Lê
Chìa khóa quay về miền nguồn hẳn nhiên không đơn giản chỉ ghi lại, kể lại, nhập cuộc với những gì đã xảy ra mà Văn Thành Lê phải xử lí thật tinh tế câu chuyện mà anh đã hóa thân, để người đọc, dù ở lứa tuổi nào, cũng thấy mình đang tắm táp, đang cựa quẫy trong đó.
Ngôn ngữ văn xuôi thiếu nhi của Văn Thành Lê giản dị, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi, với câu chuyện ấu thơ. Cách dẫn dắt truyện tự nhiên, khéo léo cài cắm thông tin, kiến thức, giúp các em nhận ra bài học và cách vận dụng bài học cho bản thân. Anh sử dụng nhiều ngôn ngữ đối thoại vì ở lứa tuổi này, bọn trẻ thường nói nhiều, ưa nói ra điều đang nghĩ và rất tò mò, muốn tìm hiểu. Những cuộc đối thoại của bọn trẻ thường rất sôi nổi, hồn nhiên, trong sáng, bao giờ cũng tạo ra các tình tiết bất ngờ, nhất là các cuộc đối thoại với người lớn. Trẻ rất nghiêm túc, minh bạch, thật thà trong mọi chuyện. Cho nên, những điểm chênh, lệch, trái ngược, bật ra từ sự hồn nhiên, tinh khôi, không hề có sự sắp đặt của trẻ không chỉ tạo ra chất hài hước, hấp dẫn người đọc mà thậm chí như là sự giễu nhại lối sống, suy nghĩ của người lớn. Mọi sự dàn xếp, chủ ý của người lớn đã bị bọn trẻ “lật tẩy” một cách bất ngờ. Dù người lớn có chấp nhận hay không chấp nhận lời của bọn trẻ nhưng chí ít tự bản thân người lớn đã có những nghi hoặc về bản thân trước cái “lỗi” đầy đáng yêu của chúng.
Tính ngô nghê được anh khai thác triệt để, hầu như ở chuyện nào, trò chơi nào của bọn trẻ cũng được bộc lộ, một mặt phản ánh đúng tâm sinh lí mặt khác cho người đọc cái phì cười tự nhiên. Lối tư duy, lập luận đầy bất ngờ, thả đúng điểm này còn cho thấy một Văn Thành Lê lúc nào cũng bông đùa, tếu táo, biết tạo sự riêng khác cho truyện kể và phong cách, cá tính của mình. Cái hài hước vừa đánh thức những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của bọn trẻ, vừa lật lại các vấn đề một cách nhẹ bẫng mà độc đáo, nghiêm túc mà khôi hài, khiến người lớn như vỡ òa ngạc nhiên, nhận ra chính mình rõ hơn.
Thế giới trẻ thơ của Văn Thành Lê đa phần lấy tiếng nói, xúc cảm của các em làm nền tảng. Mỗi đứa trẻ đều có chính kiến, có hành động, thái độ riêng trước các sự việc, hiện tượng. Đời sống trở nên muôn màu muôn vẻ, lung linh dưới góc nhìn tươi mới, đáng yêu của các em. Văn Thành Lê dùng suy nghĩ non nớt, liên tưởng dễ thương, lạ lùng của bọn trẻ để lí giải những điều đang xảy ra xung quanh cũng cho người đọc những suy ngẫm, phải xét đoán lại những việc mà mình đã từng trải qua. Người lớn nhìn nhận mọi việc theo thực tiễn. Bọn trẻ lại nhìn nhận mọi việc theo trí tưởng tượng, nên cái nhìn của chúng luôn tạo sự mới mẻ, khác lạ với người lớn. Và bọn trẻ luôn có niềm tin vào cái thế giới mà chúng mộng tưởng, nghĩ ra.
Đọc những trang viết của Văn Thành Lê, người đọc luôn cảm giác nhẹ nhõm, vui tươi. Giọng kể của anh luôn ôm chứa chất hài hước, dí dỏm, tinh nghịch. Để thế giới tuổi thơ thêm phần thú vị, vui tươi, anh còn đưa lời bài hát vào các tập sách như “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”, “ồ sao bé không lắc”, “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”,… Lối trích dẫn này không chỉ có trong truyện viết về thiếu nhi mà đã xuất hiện trong truyện của tuổi mới lớn, truyện của người lớn và kể cả trong văn phong phê bình. Nó thể hiện sự vận động hoạt bát trong lối viết mà không phải người viết nào cũng tạo ra được. Nhờ thế, những câu chuyện buồn hay có hơi hướm buồn, dưới góc nhìn của anh đều trở nên lạc quan. Mà chất vui tươi, yêu đời lại là yếu tố cần thiết để người viết khai thác thành công sân chơi thiếu nhi. Anh đưa vào một số bài thơ, thành ngữ, tục ngữ để góp phần làm rõ hơn thế giới tâm hồn, cuộc sống xung quanh qua đôi mắt trẻ thơ, khơi gợi, đánh thức những tình cảm tốt đẹp và tâm hồn yêu thơ văn của các em.
Viết “hồn nhiên” quá thì truyện kể không đảm bảo được tính thẩm mĩ và ý nghĩa giáo dục. Viết mà “cứng” quá, từng trải quá cũng dễ đánh mất cái trong trẻo, thơ ngây vốn có của trẻ thơ. Càng rút ngắn các “vân tay” của người lớn trên văn bản trẻ thơ thì tác phẩm càng chân thực và lôi cuốn. Văn Thành Lê đã làm được và làm tốt. Thế giới tuổi thơ được Văn Thành Lê đánh thức bằng quyền năng nhi nhiên của trái tim, bằng tình yêu quê, thiên nhiên và con người, kèm theo đó là lối viết hài hước, rất duyên, có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật tự sự, nên mỗi người đọc dù ở lứa tuổi nào đều có được tấm vé trở về tuổi thơ. Tạo dựng được mối quan hệ tương hỗ giữa nhà văn - nhân vật - người đọc từ cái nhìn trẻ thơ nên những trang viết của anh luôn đảm bảo được yếu tố vui tươi, hấp dẫn, hứng thú. Tin rằng, anh sẽ cho người đọc nhiều tấm vé quay về ấu thơ hấp dụ và độc đáo hơn nữa, tiếp tục hòa mình, vun đắp dòng chảy văn học thiếu nhi.
H.T.A
----------
Tài liệu tham khảo
- Văn Thành Lê, Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Nxb Trẻ, 2011.
- Văn Thành Lê, Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu, Nxb Trẻ, 2016.
- Văn Thành Lê, Trên đồi, mở mắt và mơ(tái bản), Nxb Kim Đồng, 2021.
- Văn Thành Lê, Bên suối, bịt tai nghe gió, Nxb Kim Đồng, 2020.