Lấp lánh hạt than đỏ trong tản văn Đỗ Bích Thúy
Nhà văn Đỗ Bích Thúy đã từng xuất bản 22 đầu sách và được người đọc yêu thích qua các tập: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Bóng của cây sồi, Những người đàn bà miền núi, Người yêu ơi... Đọc truyện của Thúy, tôi đắng đót cùng nỗi đau thân phận của người phụ nữ: Tày, Nùng, Mông, Dao ở vùng cao Tây Bắc dưới sự đè nén của những hủ tục, định kiến; đồng cảm cùng những khát khao hạnh phúc giản dị mà cao quý của họ. Bằng lối kết cấu cốt truyện chặt chẽ, cách kể quyến dụ và ngôn ngữ mượt mà đậm đà sắc thái dân tộc miền núi, từng câu chuyện của Thúy như từng bậc thang nhỏ dẫn dắt người đọc đến với những ngọn núi cao mà ở đó có những con người hồn hậu, mộc mạc, bản lĩnh, sẵn sàng vượt lên những thách thức của hoàn cảnh. Mới đây, tôi tiếp tục tìm đọc cuốn sách mới ra mắt của chị: Than đỏ dưới tro tàn, tập sách với 30 tản văn. Mỗi câu chuyện là một lời thì thầm của Đỗ Bích Thúy về cội nguồn, nơi nuôi lớn tâm hồn mẫn cảm và tình yêu văn chương tha thiết.
Với gần 240 trang viết, qua Than đỏ dưới tro tàn, Thúy hướng dẫn người đọc đến với nhiều vùng đất có cả Bắc, Trung, Nam nhưng miền núi Tây Bắc vẫn chiếm dung lượng nhiều nhất. Thúy yêu tha thiết bản làng với những buổi chiều xuống thật nhanh, sương mù dày đặc, khí lạnh bò vào tận xương tủy nhưng bừng dậy “mùi hương của những loài hoa luôn khép cánh trong bóng đêm và sẽ nở ra khi bình minh tới” (Ký ức tháng giêng, tr15). Cũng chính nơi ấy, ký ức của chị nở ra thơm ngát như hoa mận, hoa cam: “hoa cam trắng, li ti, dày đặc và thơm hăng hắc. Mùi thơm của hoa cam không hề giống với bất kì hoa nào cùng loài, chanh hay bưởi, hay quất. Mình nó một mùi, giản dị mà kiêu hãnh, lạnh lùng mà quấn quýt trì níu và tuyệt đối tinh khôi… Một bông hoa cam có thể mang trong nó mùi của cả một khu vườn” (Thương mến tỏa hương - tr 54). Không gắn bó đến rát lòng nơi chôn nhau cắt rốn, không trải qua những quãng đời gian khó, làm sao Thúy có đủ trải nghiệm để có những dòng tản văn cuốn đến thế.
Nhưng rồi, vì công việc và nhiều lí do khác ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy phải lựa chọn rời xa chốn quê thân thiết và chị đã trải lòng mình trong trang viết: “Đôi khi nhìn bản đồ Tổ quốc tôi nghĩ, thật kì lạ, khi trên dải đất này lại có những vùng không gian quá xa lạ và khác biệt với nhau. Tôi sống ở thành phố, chủ yếu thời gian trong năm nhưng tâm hồn và trái tim tôi thì chủ yếu neo đậu ở trên những ngọn núi, nơi yên tĩnh nhất, nơi tôi đơn độc và tự do” (Để lại thanh xuân trên núi cao, tr 212). Trong hành trang Thúy mang về thành phố, có bếp lửa của mẹ ấm áp như tấm lòng những người đàn bà miền núi; nơi ấy luôn là chỗ dựa, niềm chở che, là chốn bình yên cho mỗi người quay về sau những vấp váp, bão giông cuộc đời: “Khi tôi mỏi mệt nhất, tôi muốn quay về. Tôi muốn nhìn thấy bếp lửa bập bùng ấm áp của mẹ trong đêm tối trời… Tôi đã có một ngôi nhà ấm áp và kín gió để lớn lên và luôn nhung nhớ. Tôi cũng có cả một bầu trời đầy sao để có thể mộng mơ đến tận lúc bạc đầu” (Đêm đầy sao, tr 82). Không chỉ có ký ức về mẹ, với Thúy hình bóng người chị đã mất luôn là nỗi trở trăn thao thức đêm thị thành. Tình yêu của Thúy dành cho người cha với đôi tay to bè một đời tần tảo luôn hiển hiện trong trang viết của chị. Thúy nhớ lắm ngày tạm xa quê hương, hành trang của cha có hộp đựng dụng cụ làm vườn, trong đó cây kéo to mà mấy mươi năm qua, cha chị đã cắt hàng triệu quả cam trong vườn nhà… Trong tản văn đầu tiên thay cho lời tựa và mang tên của cả tập sách, Đỗ Bích Thúy đã tự sự: “Hồi ức giống như kim cương, chỉ có thể tìm thấy bởi núi lửa phun trào. Sáng lấp lánh và không thể đập vỡ” (tr 10). Thật vậy, Thúy sống với hoài niệm, những hoài niệm ấy đã nuôi lớn tâm hồn, tạo sức dư ba cho những trang viết, đó là những hạt than lấp lánh đỏ nối kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thúy đã viết như rút ruột gan và đã sống như những trang viết. Tản văn của chị kết đúc từ niềm mê đắm với thiên nhiên, con người cùng những trải nghiệm có thực trong đời. Thúy không sa vào miêu tả hay kể chuyện mà mỗi câu chuyện chị hướng về, phông nền là những hồi ức nhưng những hồi ức ấy được soi chiếu trong suy cảm hiện tại; bàng bạc trong từng trang viết là chất triết luận sâu lắng. Không hề cố ý nhưng đằng sau mỗi tản văn có nhan đề dài như một hơi thở của chị: “Trong thanh âm của sự tĩnh lặng tuyệt diệu”, “Từ dưới thung lung đi lên núi đồi’, “Thương yêu thật nhiều để ôm vào tất cả hạnh phúc trên thế gian”, “Tôi thả trôi về bên những ngọn núi để sống cuộc đời mê say”… là tiếng thở dài nuối tiếc, lời nhắn gửi về sự mất mát, sự lùi xa: “Rừng đang lùi lại sau lưng và để lại dấu ấn của nó trên cổ chân tôi với chi chít những vết vắt cắn tóe máu. Tôi cảm giác rằng trong khi mọi thứ đều đổi thay, biến chuyển, xê dịch, tiến hóa thế chỗ và bị thế chỗ… thì rừng là nơi ổn định nhất… Chúng bất biến và vĩnh cửu, đến mức nhắm mắt lại khi vò nát một chiếc lá trong tay thì tôi vẫn cảm thấy nó có đúng cái mùi còn lưu lại trong ký ức của mình. Tôi ước gì rừng sẽ được tĩnh lặng là chính nó, mãi mãi” (Núi rừng, tr 195). Thật vậy trong ký ức của mỗi người, rừng núi như đứng yên một chỗ không hề biến thiên nhưng thật sự trong thực tế, rừng núi đang dần co lại, lùi xa hơn bởi những tác động của con người. Niềm ước mong của Thúy là bức thông điệp xanh mà trang viết của chị kín đáo gửi cho mỗi người. Tự sự với chính mình qua những chuyến đi từ Nam ra Bắc, từ biển về lại núi rừng thân yêu; Đỗ Bích Thúy đã đúc rút nhiều điều bổ ích mà đọc lên, ta nghe phảng phất đâu đây một chân lí của tình yêu và hạnh phúc. Tôi thú vị khi đọc những đoạn tản văn rời rạc nhưng vô cùng hợp lí của Thúy: “Và càng ngày tôi càng nhận ra, người tha thiết sống nhất lại là người dễ gặp tổn thương nhất. Người đắm say cuộc đời nhất lại là người dễ bị làm đau nhất. Và những vết đau cần phải được chữa lành bằng một tâm hồn lương thiện. Chẳng ai chữa lành cho bạn tốt hơn chính bản thân bạn” (Từ dưới thung lũng đi lên, tr 20). “Sự mong manh khiến đàn bà muốn nương vào cái đẹp của thiên nhiên nhiều hơn, muốn vịn vào cái đẹp, tin vào cái đẹp để không ngày nào ngừng mến yêu cuộc sống” (Chúng đến và ở lại trong tâm trí tôi, tr 92)… Mặc dù có lúc mãi đắm chìm trong hoài niệm, đôi đoạn có hơi lan man, song trang viết của chị thấm đẫm chất trữ tình, quyện hòa cái nhìn điện ảnh với cảm xúc chân thực.
Nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá đã gọi Đỗ Bích Thúy là “viên than đỏ dưới lớp tro tàn”; viên than đỏ ấy sẵn sàng bùng lên thành ngọn lửa khi có một sợi gió bay qua. Còn nhà văn Nguyên Hương trong lời bạt cuối sách đã có những cảm nhận: “Mỗi tác phẩm là một dòng suối tuôn chảy ra tận cuối nguồn rồi dừng lại. Tươi tốt và lụi tàn. Đau khổ, vật vã và sung sướng reo vui. Thú nhận nỗi đau và hé mở hy vọng. Thậm chí đôi khi mất kiểm soát”. Có thể nói, trang viết của Thúy đã thắp lên trong lòng người đọc tình yêu thiên nhiên và cuộc đời, sự gắn bó khăng khít với quê hương xứ sở; cho họ niềm tin vào cái tốt, cái thiện vẫn còn ẩn hiện đâu đây trong cuộc đời này.
N.T.T.T