Khi thanh gươm lên tiếng*

02.06.2023
Hoàng Giá

Khi thanh gươm lên tiếng*

HOÀNG SA

Nắng

Đôi chút nắng trên vai

Gió

Đôi chút gió

Mà ngây ngất người.

Bỗng nghe trong mắt chói ngời

Hoàng Sa tít tắp, biển khơi ngút ngàn.

Sóng

Bao con sóng

Xếp hàng

Nằm nghiêng ngửa

Giữa mênh mang nước trời…

Và Hoàng Sa của tôi ơi

Chân mây sáng quắc như lời

thanh gươm.

Bùi Văn Tiếng

*

Bài thơ viết theo thể lục bát phá cách, chỉ vẻn vẹn có bốn câu, năm mươi sáu từ (tương đương với bài Đường thi thất ngôn bát cú), chứa đựng nỗi lòng của tác giả nói riêng, của cả dân tộc nói chung về một vùng hải đảo - vùng đất mẹ đang nằm trong tay ngoại bang, đồng thời đưa ra thông điệp: Một tấc đất, một con sóng nhỏ của Việt Nam nhất định phải về với Việt Nam. Chúng ta yêu hòa bình, kiên trì giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Nhưng nếu ai đó cố tình, dù cho là một đại cường quốc thì khi đó bắt buộc những thanh gươm của chúng ta phải tuốt ra khỏi vỏ và hùng hồn lên tiếng.

Nắng, gió và sóng là ba đặc trưng của biển. Chỉ “đôi chút” thôi cũng làm ta say, ta “ngây ngất”. Và chính những giây phút say, ngây ngất ấy mắt ta bỗng lóe lên hình ảnh của một Hoàng Sa “tít tắp”, “ngút ngàn”, một Hoàng Sa thân yêu, máu thịt đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược. Và tác giả ước ao mình, bạn bè, đồng chí, đồng bào  như “bao con sóng / xếp hàng…” để có thể đến với Hoàng Sa…

Nhưng… Chỉ thế thì làm sao một vùng hải đảo, một vùng biển “ngút ngàn” mà tổ tiên đã đổ bao mồ hôi, xương máu có thể trở về với đất mẹ thân thương? Vì thế, nếu có một ngày, nhu cầu đoàn tụ đủ lớn mà kẻ thù vẫn ngang ngược ỷ vào sức mạnh cứ tiếp tục chiếm đóng trái phép thì dân tộc này, đất nước này dù không muốn vẫn phải rút gươm khỏi vỏ. Khi ấy, thanh gươm sẽ lên tiếng, sẽ tạo nên hào khí ngút trời.

Đấy là hào khí “Nợ nước, thù nhà” mà Hai Bà Trưng đã bừng bừng nổi dậy. Là Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà…” trên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Là “Hịch tướng sĩ” ba lần đại phá Nguyên Mông. Là thông điệp “Nhân nghĩa thắng hung tàn” quét sạch giặc Minh tàn bạo. Là ý chí đánh cho “Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”… để giữ gìn chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”…

Lòng tôi chùng xuống khi nghe tác giả tha thiết gọi  “…Hoàng Sa của tôi ơi!” và  rồi vụt sáng lên khi đọc tới câu thơ kết rất đỗi tài hoa với hình tượng “chân mây sáng quắc” và sự nhân cách hóa chuẩn xác về “lời” của “thanh gươm” để dõng dạc khẳng định chủ quyền và niềm tin tất thắng.

Được biết, Bùi Văn Tiếng không phải là nhà thơ. Anh là người say mê nghiên cứu lý luận, phê bình. Thế nhưng, anh thấm nỗi đau mất mát, nỗi buồn chưa toàn vẹn non sông, nỗi căm hận ngoại bang xâm lược… nên từ trái tim nóng bỏng đã bật ra những vần thơ đầy xúc động vừa hiện thực, vừa ngút ngàn hào khí, tài hoa,  đặc biệt với câu kết “Và Hoàng Sa của tôi ơi! / Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm”.

H.G

*Bình về bài thơ Hoàng Sa của tác giả Bùi Văn Tiếng.