Trại sáng tác Đại Lải - Nghĩ và viết
BBT: Từ ngày 15/3 đến 30/3/2024, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Trại gồm 15 thành viên đại diện các hội thuộc các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, văn học.
Trại sáng tác do nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phụ trách và nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn làm Trưởng trại. Sau nửa tháng tham gia Trại kết hợp với đi thực tế các tính phía Bắc trên tinh thần “Về nguồn” thăm viếng nhiều di tích lịch sử - văn hóa thiêng liêng của dân tộc, Trại đã bế mạc thành công thực sự với nhiều tác phẩm được hoàn chỉnh và sáng tác mới của các trại viên. Tạp chí Non Nước xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà thơ Hồ Sĩ Bình một số sáng tác tiêu biểu của Trại sáng tác Đại Lải vừa qua…
Sau chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội, Đoàn xuống sân bay Nội Bài và di chuyển bằng ô tô về Đại Lải mất khoảng nửa giờ (cách 20km). Cảm giác đầu tiên sau khi nhận phòng là Đại Lải thật đẹp, thơ mộng, không gian yên tĩnh, cảnh quan hấp dẫn: Có hồ Đại Lải - một thắng cảnh của đất nước, thực sự là một bức tranh sơn thủy hữu tình có một không hai, có du thuyền đi vòng quanh trên hồ, xa xa là Đảo Ngọc đẹp mơ màng bên sóng nước. Khu vực chung quanh gồm nhiều khách sạn, resort sang trọng, đặc biệt là những khu vườn mướt xanh với nhiều cây cổ thụ cao vút, nhiều loài hoa lạ, những ngả đường dốc đồi, khí hậu mát mẻ gợi nhớ một góc Đà Lạt hoặc Sapa êm ả mà lắng đọng. Nhà sáng tác Đại Lải sở hữu trong vườn trại là những hàng cây cổ thụ, thấp thoáng dưới bóng cây xanh là những biệt thự man mác một chút cổ xưa. Nơi đây thực sự là một nơi chốn sẽ tạo nhiều cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật, có lẽ khó tìm ra một không gian yên bình như thế, nhất là trước xu thế phát triển du lịch xô bồ như hiện nay. Đến Đại Lải, luôn cảm thấy tâm hồn như chùng xuống, lắng đọng, bao nhiêu phiền muộn phù hư đều tan biến.
Nhà sáng tác Đại Lải được xây dựng và thành lập đầu tiên trong hệ thống nhà sáng tác của cả nước. Nơi đây các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Huy Cận… đã từng ở lại nhiều ngày, có người từng ở 2 - 3 tháng để sáng tác. Tuy vậy, vì đã tồn tại quá lâu, lại thiếu kinh phí để sửa chữa nên nhà sáng tác cũng đã xuống cấp khá trầm trọng. Bù lại, từ lãnh đạo cho đến nhân viên của trại rất gần gũi và nhiệt tình phục vụ đoàn. Về điều này, anh chị em rất hài lòng, nhiều khi khẩu vị thói quen ăn uống vùng miền khác nhau, anh em góp ý, nhân viên phục vụ cũng kịp thời thay đổi thực đơn phù hợp với yêu cầu của đoàn.
Có điều, nhà sáng tác lại biệt lập cách ngăn với khu dân cư. Cần mua sắm những đồ dùng cá nhân hay uống cà phê, thậm chí ngồi quán xá để lai rai, anh em phải đi bộ mấy cây số đường dốc đồi cũng rất vất vả. Ngồi với nhau tâm tình nếu cứ ăn nghỉ trong nhà sáng tác, dự cảm là sẽ rất buồn, sáng tác cũng cần thực tế, cũng cần tiếp cận với hơi thở cuộc sống. Một số anh em đã bàn là nên chia ra từng nhóm tùy vào những lĩnh vực khác nhau để đi thực tế tại địa phương. Chia sẻ với những đề nghị của anh em, trưởng đoàn cũng đồng ý nên đi theo từng nhóm nhưng đi đâu làm gì cần báo lại với trưởng đoàn. Nhóm nhà văn gồm Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Kim Huy, Mai Hữu Phước, Huỳnh Trương Phát, Huỳnh Viết Tư… “triển khai” ngay. Phải nói về mặt địa hình, địa lý, Đại Lải rất thuận tiện cho những chuyến đi liên tỉnh. Những tỉnh như Bắc Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, chỉ cách nhau mấy chục cây số, chỉ có bắc Bắc Kạn - Hồ Núi Cốc là hơn 120 km. Mọi chuyện đi lại tham quan, đi thực tế sáng tác dù anh em phải đi tự túc nhưng vì quãng cách không xa, chúng tôi có thể đi về trong ngày nên tính hết thời gian ở Đại Lải, nhóm chúng tôi đã đi khắp 5 tỉnh miền trung du Bắc Bộ: Tam Đảo, làng nghề Hương Canh, thành phố Vĩnh Yên, Sóc Sơn - đền Thánh Gióng, Việt phủ Thành Chương, Đền Hùng (Phú Thọ), Đồi chè Tân Cương, Trại ngựa Thái Nguyên, đặc biệt Làng dân tộc Thái Hải được Unesco công nhận là bản làng còn giữ được bản sắc, văn hóa truyền thống Việt ở Thái Nguyên. Về Bắc Ninh thăm Đền Đô nơi thờ 8 vị vua đời Lý (Lý Bát Đế), giao lưu hát quan họ với các liền anh liền chị trước ngôi đền; trải nghiệm không gian tâm linh Thiền sâu thẳm của người Việt cổ khi đến Chùa Phật Tích, Chùa Dâu, ngôi cổ tự 1800 năm tuổi, đi dọc sông Đuống thăm đền thờ Kinh Dương Vương, làng tranh Đông Hồ, nhà hát Quan Họ hoành tráng đồ sộ nhất Đông Nam Á vừa được xây dựng, thăm đình làng Đình Bản, thăm đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh…. Và Chùa Láng 1000 năm tuổi Hà Nội… Phải nói khắp miền quê phố thị của các tỉnh trung du Bắc Bộ, nhóm nhà văn chúng tôi đã thực sự trải nghiệm chiêm bái khám phá nhiều vùng đất và người thiêng liêng trong nỗi phấn kích cảm xúc vô cùng. Chính cơ hội được tiếp cận và sống cùng những nơi chốn đầy ấn tượng như vậy, đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ để rồi đêm về, chúng tôi đã ngồi lại ghi chép và phác thảo cho những sáng tác riêng mình. Chưa kể có những đêm ngồi với nhau đọc thơ, hát những bài thơ phổ nhạc tại đây không khí rất khí thế, vui vẻ.
Tôi rất ấn tượng về đợt đi dự trại sáng tác Đại Lải. Trước đây tôi cũng từng dự một vài trại sáng tác, các hội viên thường chỉ sinh hoạt trong không gian của trại, ít có điều kiện tiếp cận và đi thực tế bên ngoài nên những sáng tác có tính khép kín, đề tài bó hẹp, không mang tính hiện thực… Nhưng những ngày ở Đại Lải, tôi tâm lĩnh một điều, chính những chuyến đi các tỉnh, thăm viếng các nơi, các địa chỉ văn hóa, lịch sử, tâm linh… là một nguồn cảm hứng lớn lao khôn nguôi để cảm nhận ngưỡng mộ về sức sống của con người và đất nước, những vẻ đẹp lộng lẫy mà mê đắm, giúp anh em chúng tôi có những sáng tác tại chỗ trong ngập tràn cảm xúc, không hề khiên cưỡng, gò ép theo kiểu “đặt hàng”. Cứ nhìn những gặt hái văn chương của anh chị em sau những chuyến đi thực tế sẽ nhận biết những giá trị, ý nghĩa trong những trang viết nóng hổi sức sống của hiện thực:
Phụ trách Trại, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nguyễn Nho Khiêm đã kịp thời hoàn thiện tập thơ Ngồi chơi với biển, tiếp nối của một mạch nguồn thơ đầy năng lượng sáng tạo; Huỳnh Trương Phát cũng hoàn thành tập thơ Núm Son, trong đó có 9 bài thơ viết tại Đại Lải. Mai Hữu Phước cũng đã hoàn chỉnh tập thơ Chạm Thu, trong đó có 3 bài sáng tác tại trại như: Bên hồ Đại Lải, Lên Tam Đảo, Đại Lải quê em với những phát hiện mới lạ, hình ảnh thơ bay bổng; Nguyễn Kim Huy hoàn thành bản thảo tập thơ Cho làn hương bay trong mỗi ngôn từ với những bài mới sáng tác tại Trại được đánh giá là trở lại đúng “đường bay của thơ Nguyễn Kim Huy” đầy ấn tượng: Hoàng hôn Đại Lải, Ba giờ sáng, em, Ngày Đảo Ngọc, Ảo mờ như sương đỉnh núi, Khúc hát cô gái Tày, Mắt ngựa ngày mưa, Đêm ở Đại Lải… Đặc biệt, nhà văn Tạ Ngọc Điệp trong chuyến lãng du Tây Bắc đã có 2 bút ký Miền sương Tam Đảo, Đi qua những mùa hoa Tây Bắc đã đăng tải trên báo Công An Nhân dân khi đang còn ở Đại Lải. Nhóm Văn học dân gian có Huỳnh Viết Tư với chuyên khảo: Phát triển nghiên cứu ứng dụng VNDG trong xã hội đương đại, Tổng quan về những làng nghề truyền thống, Không gian và thời gian làm nên các giá trị truyền thống, Trần Ánh Nguyệt với những công trình nghiên cứu: Người phụ nữ trong dân ca xứ Quảng từ phê bình sinh thái nữ quyền, Tro tàn rực rỡ - Vẻ đẹp của nỗi buồn… Nhà thơ trẻ Lê Hải Kỳ đã có một số bài thơ, bút ký sau những chuyến đi lên Tây Bắc, lặn lội lang thang vào những bản làng xa xôi hoang sơ để có những trang viết đầy sống động. Họa sĩ Trần Thị Cúc đã có những bức tranh sơn dầu về hoa lá Vĩnh Phúc, gốm Hương Canh bằng những gam màu, đường nét mang đầy nữ tính. Các nhạc sĩ Lý Hồng Sơn, Nguyễn Hào Quang cũng đã hoàn thành sáng tác âm nhạc kịp trình diễn như kết quả thu hoạch trong buổi tổng kết được mọi người rất tán thưởng… Về phần mình, tôi đã có 7 bài thơ sáng tác tại Đại Lải kịp thời bổ sung cho tập thơ Chờ hương thả gió vừa mới xuất bản, và 2 bài bút ký đã đăng tạp chí Non Nước và Quảng Trị Cuối tuần…
Đợt tham gia Trại Sáng tác Đại Lải đã giúp anh chị em hội viên tham dự có những kết quả sáng tác văn học nghệ thuật đáng ghi nhận. Nhân dịp nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng ra dự bế mạc Trại, tôi đã trao đổi với anh những suy nghĩ của mình về trại sáng tác Đại Lải và về những gặt hái đáng kể trong sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ Đà Nẵng tham gia Trại sáng tác Đại Lải lần này...
H.S.B