Tản mạn về hoa sen
Một mùa Sen nữa lại về!
Giữa những ngày hè oi ả, nếu đi ngang qua đầm Sen ta sẽ cảm thấy lòng dịu mát bởi hương thơm thoang thoảng. Màu xanh mơn man của những phiến lá làm nền cho những đoá hoa phất phơ theo làn gió sẽ làm cho ta quên hẳn cái nắng chói chang.
Có ai biết loài hoa đồng nội đó có tự bao giờ? Tôi nhớ rằng lúc mới chập chững biết đi, theo cha mẹ ra đồng khi mùa hè đến đã thấy Sen khoe hương sắc, làm bừng sáng cả một vùng quê. Để khi lớn lên, tôi đã tìm hiểu về loài hoa duyên dáng mà cũng vô cùng thanh cao đó.
Hoa Sen tên khoa học là Nelumbo nucifera; tên tiếng Anh: Lotus Flower; tiếng Phạn: padma; tiếng Nhật: renge.
“Sen” vốn là một từ Hán Việt cổ, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán thượng cổ được viết bằng chữ Hán là “蓮”, đọc là liên. Hoa Sen có tên chữ Hán là Phù dung hay Hà hoa, Liên hoa.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Sen có từ thời cổ đại, quê hương của nó ở dọc bờ sông Nin - Ai Cập. Từ đó Sen “di cư” sang Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc, cuối cùng qua Đông Nam Á. Đến nay thì Sen đã có mặt ở hầu hết các quốc gia miền ôn đới và nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Người Trung Hoa thì cho rằng: “Sen” được mệnh danh là một “hóa thạch sống” và là một trong những loài thực vật xuất hiện sớm nhất. Từ thuở hồng hoang, khoảng mười vạn năm trước, phần lớn trái đất được bao phủ bởi đại dương, sông hồ và đầm lầy. Thời điểm đó, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên và không có động vật sinh sống, chỉ một số loài thực vật có sức sinh tồn mạnh mẽ mới có thể mọc lên trên vùng đất hoang sơ này. Trong số đó, có một loài thủy sinh đã vượt qua được sự thử thách của thiên nhiên để tồn tại ngoan cường ở sông Amur, chính là Sen. (Amur là Hắc Long Giang).
Không biết đích xác Sen có từ bao giờ nhưng chắc chắn phải xuất hiện trên trái đất ít nhất là ba nghìn năm, trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời. Nên mới có truyền thuyết: khi Thích Ca Mâu Ni ra đời, từ dưới chân Ngài mọc ra bảy bông Sen để Ngài dựa vào bước đi. Khi Ngài qua sông Nairañjanā để thực hiện tu hành thì từ dưới mặt nước mọc ra hai hàng hoa Sen để Ngài bước lên. Khi Ngài đạt được giác ngộ dưới gốc Bồ Đề, từ dưới đất mọc ra một tòa Sen để Ngài đả tọa. Vì sao có hình tượng Phật ngồi trên tòa Sen? Là bởi: Phật giáo coi hoa Sen là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người là vô nhiễm, giống như hoa Sen mọc trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Phật giáo Mật tông cho rằng trái tim con người giống như đóa Sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa Sen sẽ nở ra. Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ, cho dù ngày nay Phật giáo không còn thịnh hành ở đất nước này nữa nhưng người Ấn Độ vẫn chọn hoa Sen là Quốc hoa.
Sen di thực vào Việt Nam bằng nhiều đường, do nước ta có đường biên giới chung với nhiều quốc gia trong khu vực. Dù ở đâu, Sen vẫn giữ được phẩm chất cao quý của một kì hoa.
Nói cho cùng, loài người nên biết ơn tạo hóa đã ban cho chúng ta một loài cây - hoa quý là Sen. Chúng ta vừa dùng làm thức ăn, vừa làm vị thuốc từ củ đến thân, lá, đài hoa, cánh hoa và hạt... Sen đã cứu đói và cứu sống loài người qua bao thời kỳ khó khăn. Sau này người ta còn nghiên cứu cả tơ Sen để làm nguyên liệu dệt lụa. Sen đã sống một cuộc đời đầy vị tha, hiến dâng cho loài người tất cả. Có thể coi Sen với chúng ta là một ân nhân. Cũng chính vì vậy, Sen đã đi vào đời sống văn hóa - tinh thần của mọi tầng lớp trong xã hội như một lẽ tự nhiên. Sen có mặt trong hầu hết các môn nghệ thuật: Hội họa, điêu khắc, âm nhạc và văn chương.
Ở văn học cổ, Sen xuất hiện qua hình tượng Na Tra trong “Phong thần diễn nghĩa” và “Tây du kí” của Trung Hoa. Na Tra sau khi tự sát, lóc thịt trả mẹ, lóc xương trả cha thì hồn bay về trời, được Thái Ất Chân Nhân cho xuống trần phục sinh để diệt ác (Trụ vương). Có lẽ các tác giả muốn lý giải bản chất của nhân vật này dù có những lúc ngỗ nghịch ương bướng nhưng vẫn mang cốt cách cao quý, xứng danh là một vị thần tiên có pháp lực cao cường, và là một trong những vị tiên đứng đầu Thiên thượng, chỉ có thể hoán thân tráo cốt vào Sen chứ không thể loài nào khác hơn chăng?
Trong Truyện Kiều, chắc nhiều người vẫn nhớ câu “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”? Chính là Nguyễn Du mượn hình ảnh của thân Sen mà nói đến lòng người. Cho dù thân bị đứt thì những sợi tơ vẫn níu với nhau chẳng muốn rời, bất chấp nghịch cảnh. Vì vậy có người đã liên tưởng rằng cả cây Sen là một khối liên kết, có quá khứ - hiện tại - tương lai: Hoa Sen là quá khứ - đài Sen là hiện tại - hạt Sen là tương lai, tất cả chỉ tồn tại được bởi nối liền với thân Sen và củ Sen!
Người xưa có thú uống Trà Sen. Những chiều mùa hè, khi hoàng hôn vừa tắt, người ta chèo thuyền ra hồ, chọn những bông hoa hàm tiếu, nhẹ nhàng bỏ vào mỗi bông hoa một nhúm trà rồi tước dây chuối bó lại. Sáng hôm sau, ba bốn người lại chèo thuyền ra cắt những bông hoa ấy xếp lên thuyền, về nhà mới mở ra để lấy trà, lúc này đã ngấm hương Sen thơm phức. Lại lấy bình hứng những giọt sương còn đọng trên lá, lá Sen có một lớp lông tơ rất mịn nên giữ được hơi sương, đem nước sương ấy về nấu sôi để pha trà, cùng nhau thưởng thức, ngâm ngợi thơ phú, bàn luận chuyện đời. Những đóa Sen ướp trà lúc này vẫn nở như thường, có thể đem cắm vào bình làm đẹp cho gian phòng.
Trong khi bàn luận, có thể một nhà nho nào đó đã xuất khẩu thành thơ, cho ra một bài lục bát ca ngợi hoa Sen (mà đến nay vẫn khuyết danh, được xếp vào kho tàng ca dao dân ca):
Trong đầm gì đẹp bằng Sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Bài ca dao miêu tả vẻ đẹp của hoa Sen từ bao quát đến cụ thể, từ ngoài vào trong rồi lại từ trong ra ngoài đến từng chi tiết ở ba câu đầu, để đến câu thứ tư nêu bật cái phẩm chất thanh tao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sự cao quý của Sen chính là sống trong bùn nhưng không bị bùn nhấn chìm mà từ đó vươn lên để khẳng định giá trị của mình: vừa đẹp vừa thơm! Có thể nói hình ảnh hoa Sen trong bài là một ẩn dụ về cốt cách thanh cao của con người. Sống trong một xã hội với những nhiễu nhương thối nát, nhưng nhiều người, trong đó đặc biệt là các nhà nho chân chính, những người trí thức anh minh vẫn giữ được nhân cách thanh cao của mình.
Có khi Sen đi vào thơ ca với tính ước lệ để nêu lên khái niệm về một mùa trong năm:
“…Nay Đào đã quyến gió Đông
Phù dung lại rã bên sông ba xòa…”
(Chinh phụ ngâm khúc - Bà Đoàn Thị Điểm dịch)
“Gió Đông”, gió từ phương Đông thổi tới ý chỉ mùa Xuân, Đào đã quyến (luyến) gió Đông tức mùa Xuân đã đi qua. Phù dung (hoa Sen) rã bên sông chứng tỏ Thu lại đến. Hình ảnh các mùa hiện ra trong thơ vừa trang nhã vừa lộng lẫy, đầy thi vị.
Tương truyền, Mạc Đĩnh Chi sau khi đỗ Trạng nguyên vào yết kiến nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dong ông xấu xí không muốn cho đỗ. Ông liền làm bài Phú “Ngọc tỉnh liên” dâng lên vua. Ông đã tự ví mình như bông hoa Sen trong giếng Ngọc, tiết tháo thanh cao không loài hoa nào sánh được. Vua đọc bài phú, cảm động vì hiểu tấm lòng trung trinh của ông đối với vua với nước nên trọng dụng.
Bài Phú có đoạn mở đầu (dịch nghĩa):
“Khách có kẻ:
Nhà cao tựa ghế; trưa hạ nắng nồng.
Ao trong ngắm làn nước biếc; Nhạc phủ vịnh khúc phù dung.
Chợt có người:
Mặc áo quê; đội mũ vàng.
Tiên phong đạo cốt; khác xa trần gian.
Hỏi: “Ở đâu lại?” Rằng “Từ Họa san”.
Bèn bắc ghế; bèn mời ngồi.
Dưa Đông lăng đem cắt; quả Dao trì đem mời.
Bèn sang sảng nói; bèn ha hả cười.
Đoạn rồi trông khách mà rằng:
“Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?.
Ta có giống lạ trong ống áo này.
Chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc côi mai gầy.
Câu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tày.
Giậu đào lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là giống Sen giếng ngọc ở đầu núi Thái họa đây…”
Bài “Ngọc tỉnh liên phú” được coi là một kiệt tác trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam.
Hẳn nhiều người vẫn không quên Nguyễn Bính, nhà thơ “chân quê” với những bài thơ mang đậm hồn quê cùng những mối tình trong trẻo? Ngoài những bài về “hoa chanh”, về “dậu mùng tơi” thì Nguyễn Bính còn có bài thơ rất đáng yêu về tuổi học trò, như bài “Trường huyện”:
“Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá Sen tơ
Lá Sen vương phấn hương Sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cửa mới tan mơ”.
Câu thơ “Đội đầu chung một lá sen tơ” đã khiến người đọc sửng sốt, bởi sự hồn nhiên của đôi cô cậu học trò đương ở cái tuổi mộng mơ. Cái “lá Sen vương phấn hương Sen ngát” nhưng lại “ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ”, trí tưởng tượng của nhà thơ cũng thật phong phú, có lẽ anh chàng mơ mộng quá chăng? Dù sao đó cũng là một giấc mộng lành, tinh khôi và thơm ngát, quá đỗi dễ thương.
Trong các gia đình người Việt, hoa Sen thường được cắm vào lọ đặt trên bàn thờ, có thể thờ Phật, thờ Chúa. Đặc biệt, trên ban thờ gia tiên của mọi nhà, trước di ảnh những người thân đã khuất, một bình hoa Sen cắm vào các ngày lễ, Tết hoặc ngày rằm, mùng một, ngày ma chay để bày tỏ lòng thành kính. Mùi hương trầm quyện với hương Sen sẽ gợi cho lòng người niềm nhớ thương tha thiết.
Hình ảnh hoa Sen trên cánh đồng tuổi thơ và hoa Sen trong văn chương kim cổ đã ngấm vào hồn tôi. Tôi mang theo hương Sen trong lòng mà bước đi, qua mỗi chặng đời. Có lẽ vậy mà hồi còn dạy học, khi giảng bài ca dao “Tát nước đầu đình”, tôi đã nói rất hùng hồn và đầy thuyết phục với học sinh rằng: Chẳng có cái áo nào có thể treo trên “cành hoa Sen”, bởi hoa Sen không có cành, chỉ có một thân Sen mọc thẳng lên từ bùn. Tác giả dân gian đã dùng hình thức ước lệ để diễn tả vẻ đẹp và sự thanh cao của người dân lao động…Cho đến khi tôi đọc được bài thơ “Sen thân gỗ cho hoa” của H.Man, bài thơ có đoạn:
“Tinh mơ không khí ngọt lành
Cây Sen thân gỗ trên cành cho hoa
Hương trời hương đất bao la
Về vây quanh giữa chung trà dậy hương…”
Từ bài thơ, tôi tìm hiểu về loài cây này và cuối cùng vỡ lẽ ra rằng mình đã quá chủ quan, bấy lâu nay đã hiểu nhầm về bài ca dao. Người bình dân chất phác mộc mạc, họ có nói gì thì cũng phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ cái nhìn trực quan sinh động. Chẳng hạn: “Trèo lên cây bưởi hái hoa”; “Trúc xinh trúc mọc đầu đình”; “Qua đình ngả nón trông đình…”. Không thể nào bỗng dưng họ tưởng tượng ra treo cái áo trên “cành hoa Sen” vốn dĩ mọc lên từ bùn được, đó là điều quá ư vô lý!
Sen thân gỗ còn gọi là sen đất, sen núi, sen cạn, bạch liên, tên khoa học: Magnolia grandiflora, thuộc chi Mộc lan Mognolia trong họ Chè, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Loại Sen này thường được trồng trong sân đình, chùa ở miền Bắc. Cây tỏa bóng mát và cho hoa rất thơm. Có lẽ chàng trai “tát nước đầu đình”, nơi ấy có cây sen cạn, anh mắc áo lên rồi quên không lấy đem về... Để từ đó anh hỏi cô em về chiếc áo, cũng là cái cớ để tỏ tình. Cái áo đã “sứt chỉ đường tà” mà anh muốn “trả công” cho cô quá hậu hĩnh: nào rượu tăm, nào xôi vò, lợn béo rồi cả tiền cheo tiền cưới…thì thật là lém lỉnh. Anh “đốt cháy giai đoạn” nhanh quá, cô gái chưa kịp nói gì anh đã muốn cầu hôn!
Những anh chị mê kiếm hiệp chắc đã nghe nói đến một loài Sen mọc trên núi tuyết, thường gọi là Tuyết liên. Loài “sen” này theo như mô tả trong truyện thì thành như tiên dược, có tác dụng chữa bách bệnh, đặc biệt có thể cải lão hoàn đồng. Nhưng tất cả chỉ là do Kim Dung và các tác giả hư cấu. Loài Tuyết liên này có tên khoa học là Saussurea Involucrata, thoạt nhìn giống hoa Sen nhưng thật ra thuộc họ Cúc (Asteraceae). Hoa Tuyết liên được phát hiện ở độ cao 3.500 - 4.000 mét, nó phát triển trong những khe nứt của sườn núi, vách đá được bao phủ bởi tuyết trắng quanh năm như vùng núi Thiên Sơn, Tân Cương hoặc dãy Hymalaya, nên người ta còn gọi là Tuyết liên Thiên sơn hoặc Tuyết liên Tây tạng. Và như vậy nó cũng chẳng họ hàng gì với loài Sen vốn mọc từ bùn mà tôi đang nói đến, có chăng thì chỉ là một sự trùng tên mà thôi!
Còn một loài nữa cũng chẳng liên quan gì nhưng vẫn gọi là “sen”, bởi có hình dáng giống hoa Sen, đó là Sen đá. Thực chất loài này thuộc họ xương rồng.
Họ hàng của Sen sống trong ao đầm cũng có nhiều loại, thể hiện qua màu sắc của hoa. Mỗi màu biểu đạt một ý nghĩa khác nhau. Sen hồng tượng trưng cho hạnh phúc và lạc quan. Trong Phật giáo, Sen hồng thường được dùng để biểu thị lòng từ bi và sức mạnh của Đức Phật. Nó cũng thể hiện sự thân thiện và lịch thiệp. Nên người ta có thể dùng hoa Sen hồng để tặng cho người bạn thân thiết hoặc người mà mình muốn gửi gắm tình cảm. Hoa sen trắng biểu tượng cho sự trong sáng, thanh tịnh sự giải thoát. Trong Phật giáo, hoa Sen trắng thường dùng để cúng dường cho Đức Phật và các vị Bồ Tát. Ngoài ra còn có Sen xanh, đỏ, tím, vàng nhưng không phổ biến.
Nói về hoa Sen chắc chắn còn nhiều điều thú vị mà muốn trình bày được đủ đầy thì phải viết thành một cuốn sách. Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến mấy ý nhỏ như trên. Tuy vậy cũng phần nào thoả được tấm lòng yêu quý đối với loài hoa hồn nhiên và trinh khiết, đã được người xưa dùng để ví với người quân tử - giữ được cốt cách kiên cường trước những cám dỗ của vòng lợi danh, giữ được tâm hồn trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ.
Khi tôi viết bài này Sen trong ao gần nhà đang nở, mùi hương lan tỏa ngạt ngào, thơm thảo và tinh khôi, gần gũi mà xa xôi. Trăng treo trên đồi cây mộng ảo, sương giăng trên mặt ao ký ức mập mờ.
Có ai đó cầm trên tay đóa Sen hồng bước ra từ khu vườn tình yêu thánh khiết dâng cho đời một chút sắc màu, một làn hương nhẹ nhàng, mộng mị liêu trai.
Ô hay! Giữa thời buổi nhiễu nhương, cơm áo, có ai như mình đang bâng khuâng, thổn thức về một loài hoa?
Giữa lằn ranh ảo - mờ, thực - mộng có đóa sen nào chớm nở, đang tỏa hương ngan ngát hồn mình…
T.T.H