Mùa xuân và những đóa hoa
(Cảm nhận tập thơ “Những đóa hoa mùa xuân”, nhiều tác giả,
NXB Hội Nhà văn 2024)
Văn hóa và văn minh Ấn Độ giữ vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Ấn Độ để lại trong tâm thức người Việt Nam những dấu ấn sâu sắc qua đạo Phật, qua nền văn hóa Champa. Nhìn chung, không tách rời văn hóa Ấn Độ ra khỏi văn hóa Việt Nam.
Nằm trong chiều hướng đó, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng cho ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Anh “Những đóa hoa mùa xuân”, giới thiệu các tác giả Đà Nẵng (Việt Nam) như Thái Huyền (Thích Huệ Vinh), Nguyễn Nho Khiêm, Trần Phương Kỳ, Mai Hữu Phước, Bùi Xuân và những tác giả Ấn Độ: Kabir, Rabindranath Tagore, Bhawani Shankar Nial, Nirbhay Devyansh, Sanjay Borude, Pravamayee Samantary, Reshima Ramesh.
Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, kiên trì và đến nay, tập thơ song ngữ ra đời, 180 trang, khổ 16x24 cm, đã hoàn thành. Tập sách trình bày trang nhã, xinh xắn, dễ cảm tình.
Có thể khẳng định, tập thơ là thành tựu tổng hợp của nhiều nguồn lực, nhiều nhân tố, nhiều cơ duyên:
- Trước hết, đó là, sự quan tâm và cổ vũ nhiệt thành của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, tại tập sách, đã viết: Tôi chúc mừng VIFAD (Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng có sáng kiến in tập thơ song ngữ giữa lúc quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được thời gian thử thách đang đơm hoa kết trái, và hai nước đang hợp tác hiệu quả trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện.
Tập thơ song ngữ “Những đóa hoa mùa xuân” tuy chưa có thể tập hợp những bài thơ tiêu biểu của hai nước yêu thơ ca, nhưng những tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng và Ấn Độ được chọn đã phần nào khắc họa được sự đồng điệu về tình cảm, tình yêu hòa bình, lòng nhân hậu của các tác giả hai nước.
- Thứ hai, sự hỗ trợ cả tinh thần và điều kiện của Đại sứ quán Ấn Độ, của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng.
- Thứ ba, các bài thơ được chọn, đưa vào tuyển tập là những bài thơ nhẹ nhàng, giản dị nhưng duyên dáng và không kém phần sâu sắc.
- Thứ tư, các tác giả Đà Nẵng là những nhà thơ, nhà nghiên cứu quen thuộc của thành phố và của Việt Nam, gồm Thái Huyền (Thích Huệ Vinh), Nguyễn Nho Khiêm, Trần Phương Kỳ, Mai Hữu Phước, Bùi Xuân.
- Thứ năm, các tác giả Ấn Độ là những nhà thơ nổi tiếng, đó là, Kabir (Khoảng thế kỷ 15), một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thời Trung đại, Rabindranath Tagore (1861-1941), từng đạt giải Nobel văn học năm 1913, Bhawani Shankar Nial (sinh năm 1968, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị Ấn Độ, nhiệt thành cho sự phát triển bền vững và cho nền dân chủ nhân dân), Nirbhay Devyansh (sinh 1972, làm thơ, viết văn, biên tập tạp chí Lahak (Ánh sáng), sáng tác bằng tiếng Hindi, hiện sống và làm việc tại Kolkata, Sanjay Borude, nhà thơ, dịch giả, nhà sử học, Pravamayee Samantaray, nhà thơ nữ, nhà nghiên cứu văn học và một nhà giáo dục của Ấn Độ, đồng thời là Thư ký Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, Reshma Ramesh, Tiến sĩ - nhà thơ Ấn Độ - người đến Việt Nam lần đầu tiên nhưng đã có cảm giác như được về với ngôi nhà của mình.
Qua văn thơ của họ, ta nhận ra một đất nước kỳ diệu, một thế giới đa dạng và một nền văn hóa phong phú, sinh động. Quả vậy, từ những vần thơ đó, ta khám phá ra bao điều lớn lao, đẹp đẽ mà với hữu hạn của đời người, ta cảm thấy mình nhỏ bé.
Các dịch giả trong và ngoài thành phố, với tình yêu đối với Đà Nằng, đã hết lòng cho những bản dịch Tiếng Việt và Tiếng Anh. Ưu điểm của các bản dịch, đó là vừa giữ thần thái và nội dung bài thơ vừa tạo sự uyển chuyển, mềm mại, phù hợp với giọng điệu thơ ca Việt, vì thế, đọc qua các bài thơ, độc giả thấy được sự gần gũi, lưu luyến giữa tác giả và người đọc. Cảm ơn các dịch giả: Võ Thị Như Mai (Australia), Phương Anh, Thiếu Khanh, Bùi Xuân, Lệ Hằng, Trần Minh Hiền, Kiều Bích Hậu, Ngô Gia Thiên An, Khánh Phương, Phạm Vân Anh…
VỀ CÁC TÁC GIẢ ĐÀ NẴNG (VIỆT NAM)
Thái Huyền là bút danh của Thượng tọa Thích Huệ Vinh, hiện là Trụ trì chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Tác giả đã xuất bản tập thơ “Cỡi sóng phiêu bồng” năm 2019.
Thơ thượng tọa Thích Huệ Vinh là thơ về chốn Phật. Ở đó, ta gặp những cảnh trí, những cảm xúc, những suy tư về Phật pháp được thầy chuyển tải thành thơ. Thơ đó, vượt ra ngoài những khuôn mẫu, thể thức thơ ca, chỉ còn lại tấm lòng, sự ngưỡng vọng, sự tìm về, thanh sạch nơi chốn Phật.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sinh ngày 01 tháng 12 năm 1963, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Non Nước.
Tràng hoa là một bài thơ cảm động, viết về nhân vật Geetesh Sharma, người bạn quý của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal. Con người đó:
Hôm nay ngài Ghetesh đã đi xa
Tràng hoa trong tôi thơm mãi.
Trong một bài thơ khác, bài Hồ Chí Minh, ngắn gọn, súc tích, có hai khổ đều nói đến Hồ Chí Minh, nói từ người bạn Ấn Độ.
Thơ Nguyễn Nho Khiêm có giọng điệu và ngôn ngữ riêng như Đà Nẵng mưa, Cầu Vĩnh Điện, Rừng mặn, Hòn Vọng Phu, Mưa nắng.
Trần Phương Kỳ (Trần Kỳ Phương), nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, vẽ và làm thơ. Đã xuất bản tập thơ Lá Cây Xanh Từ Em, năm 1989; và triển lãm tranh năm 1996 tại Đà Nẵng.
Thơ đã đăng trên tạp chí Sông Hương, Non Nước, Thơ và trên một số trang website văn chương.
Thơ Trần Phương Kỳ là thứ thơ không dễ đọc. Thơ ấy không mang mã ngôn ngữ đơn thuần, một nghĩa. Thơ đó gợi cho người đọc suy nghĩ, trăn trở, tìm nghĩa sau câu chữ. Theo chiều hướng này, để hiểu thơ Trần Phương Kỳ, thử đi tìm những hình tượng mang tính tượng trưng, song, bên cạnh đó, vẫn còn mang dáng dấp trữ tình. Sự hòa hợp đó làm nên chất riêng của thơ Trần Phương Kỳ.
Mai Hữu Phước là tiếng thơ hồn hậu, gần gũi với cuộc đời. Không ngoa ngắt về ngôn ngữ. Sự sống cứ thế đi vào thơ, nhẹ nhàng, tình nghĩa. Tác giả từng nói đến cái Nợ văn chương, với suy nghĩ: Là chút lòng tôi với cuộc đời/ Với người quen-lạ, ghét-thương tôi/ Với trăng, với gió và em nữa/ Với cả canh tàn rượu đắng môi/ Nợ đã vốn nhiều thêm chút nợ/ Tựa hồ sông biển hóng mưa rơi! / Văn chương là nợ không thành nợ/ Vay trả tùy ta với cuộc đời.
Mai Hữu Phước có số bài thơ viết về rượu, mang nét riêng, Đối ẩm (5 khổ) nằm trong số đó. Mai Hữu Phước có tài nghệ và sở thích với thơ 5 chữ. Mùa xuân gõ cửa, thể ngũ ngôn, 20 câu, tiếp tục phát huy thế mạnh.
Bùi Xuân và duyên nợ thơ Tagore. Thơ Tagore đã được độc giả Việt Nam biết đến qua bản dịch của nhiều dịch giả, nhưng lần đầu tiên, độc giả Việt Nam được đọc trọn vẹn đầy đủ các bài thơ của Tagore trong ba tập thơ Bầy chim lạc, Mùa hái quả, Người thoáng hiện qua bản dịch của Bùi Xuân. Ba tập thơ này được NXB Đà Nẵng ấn hành dạng song ngữ Anh - Việt và được NXB Kim Đồng in lại 2 lần bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
VỀ CÁC TÁC GIẢ ẤN ĐỘ
Kabir là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Ấn Độ thời trung cổ. Ở Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân là người đã chuyển ngữ trọn tác phẩm này sang tiếng Việt.
Trong lịch sử của tư tưởng tôn giáo ở Ấn Độ, Kabir chiếm một vị trí độc đáo. Biểu dương dịch giả Bùi Xuân, người đầu tiên giới thiệu tác phẩm thơ ca của Kabir vào Việt Nam.
Những khúc hát của Kabir là tiếng ca của trái tim con người gửi Tình yêu đến Thượng đế.
Đại thi hào R. Rabindranath Tagore sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Giải thưởng Nobel Văn học năm 1913. Ông là tác giả của hơn 1.000 bài thơ (50 tập), 12 bộ tiểu thuyết, 42 vở kịch, 2.000 tranh vẽ, 2.000 bài hát và hàng trăm luận văn, truyện ngắn...
Tagore là nhà thơ của Tình Yêu. Chủ đề về tình yêu thể hiện ở những tác phẩm như Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu,… Tình yêu là nhân tính thiêng liêng của con người và ai cũng phải yêu, đó là một nhu cầu của sự sống. Trong những sáng tác của Tagore, chủ đề về tình yêu luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tagore cho rằng tình yêu là hạnh phúc: “Tình yêu ơi: Khi người đến/ Với ngọn đèn đau khổ bừng sáng trong tay/ Thì ta có thể nhìn thấy mặt người/ Và biết người là tuyệt vời hạnh phúc”.
Nhà thơ Bhawani Shankar Nial là một biên tập viên, nhà tư tưởng và nhà hoạt động về quyền con người trên khắp Ấn Độ. Ông tổ chức và sáng lập nhiều tổ chức văn hoá, xã hội và chính trị ở Ấn Độ và lãnh đạo nhiều phong trào thúc đẩy phát triển bền vững và nền dân chủ có sự tham gia tích cực
Ông bàn về cái chết, rút ra từ đó, những ý nghĩa về tôn giáo, sinh vật học, khoa học, pháp lý, xã hội. Con người chỉ chết một lần. Trong y học, Chết là sự Chấm dứt vĩnh viễn của mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất hay sự phân chia các tế bào. Bhawani Shankar Nial có bài thơ bàn về thể loại thơ.
Nhà thơ Nirbhay Devyansh bày tỏ niềm mong ước chân thành, đó là: “Đối với tôi, hai tiếng Việt Nam chính là tâm hồn của sự chiến đấu vì hòa bình, tình yêu và tương lai tốt đẹp cho loài người”.
Thơ Nirbhay Devyansh nghiêng xuống số phận con người, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người và đấu tranh chống lại các thế lực xâm phạm quyền sống, quyền tự do của con người. Nhà thơ Nirbhay Devyansh thường mượn hình tượng người phụ nữ để tôn vinh những giá trị cao quý.
Tiến sĩ Sanjay Borude có nhiều bài thơ đáng chú ý. Lời bộc bạch cô đơn là bài thơ viết theo thể tự do, có câu dài, câu ngắn, được dịch ra thành thơ 3 chữ, 5 chữ. Cái độc đáo của bài thơ nằm ở kết cấu, thể loại và ngôn ngữ.
Pravamayee Samantaray là nhà giáo dục, nhà thơ, họa sĩ, nhà văn và là Thư ký của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal. Pravamayee Samantaray, nhà thơ nữ Ấn Độ.
Bà từng viết: Trên thực tế, tôi đã yêu Việt Nam qua hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà thơ. Người đã mang đến một hướng đi mới cho nền văn hóa Việt Nam trong đó có văn học.
Tập thơ “Nhật ký trong tù”. Thơ của Người viết về những phương diện khác nhau của đời sống như giải phóng, chính trị, nỗi buồn vì bị thực dân đô hộ, lòng mong mỏi nước nhà được tự do, cuộc kháng chiến, truyền thống Việt Nam và thậm chí Người còn viết cả thơ trào phúng. Đây là phong cách tinh tế, trầm tư và mang tính biểu tượng.
Ít ai yêu đất nước Việt Nam, yêu văn chương Việt Nam như bà.
Tiến sĩ Reshma Ramesh là một nhà thơ song ngữ viết bằng tiếng Anh và tiếng Kannada. Cô từng đoạt giải thưởng cho tác phẩm song ngữ. Cô từng có hai ấn phẩm đặc biệt có tựa đề “Sự phản chiếu của Ảo ảnh” và “Nửa vầng trăng”. Cô còn có tập thơ và ảnh “Ngôn ngữ của bóng tối”.
Cô là một nhà thơ, nhà văn sáng tạo, biên tập viên, nhiếp ảnh gia và dịch giả. Reshma vinh dự có bài thơ “Xin dâng trái tim tôi ở Olympos” được trưng bày tại khu tàn tích của Thành phố cổ Olympos, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong Tuyển tập này, Reshma Ramesh là nhà thơ có số lượng bài chọn nhiều hơn các tác giả khác. Nữ thi sĩ này có nhiều bài được dịch và tuyển chọn.
Trên đây là những dòng giới thiệu về tập thơ Những đóa hoa mùa xuân. Soi và đây, ta thấy những tình cảm yêu thương, sự quý trọng của các nhà thơ đối với hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ. Tập thơ mở ra những cửa số văn chương, giao thoa giữa hai nền thơ ca, hai thế hệ làm thơ, cầu nối cho tình hữu nghị của hai dân tộc.
H.V.H