Ngày của những người làm báo
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương thăm Tạp chí Non Nước.
“Đối với những người làm báo, điều chúng tôi lo sợ nhất đó chính là cách viết nhàm chán, lặp đi lặp lại một mô típ cũ hay những bài viết chưa đi đúng trọng tâm của sự việc hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả”.
21 tháng 6 là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhưng tôi lại hay gọi đó là “Ngày Tết” của những người làm báo. Có lẽ vào ngày này nhiều nhà báo, phóng viên vô cùng tự hào, xúc động khi nhớ về những kỷ niệm với nghề báo, có thời điểm phải “lăn xả” hết mình để cho ra đời những tác phẩm hay, những phóng sự hấp dẫn, sinh động, góp phần truyền tải thông tin hữu ích đến với độc giả trên cả nước. Và hơn hết, niềm vui của những người làm báo lại càng hân hoan, phấn khởi hơn khi “những đứa con tinh thần” của mình được bạn đọc đón nhận, đồng cảm và sẻ chia.
Nhiều người cho rằng nghề báo thật thú vị, khi được đi nhiều nơi, được khám phá nhiều điều mới lạ, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp. Còn đối với những người làm báo chúng tôi thì đây lại là công việc hết sức cao quý, mang lại thật nhiều cung bậc cảm xúc đến với đời sống tâm lý của con người. Điều quan trọng nhất mà người làm báo phải gánh vác đó là trách nhiệm trong từng bài viết, luôn trăn trở lời dạy của Bác Hồ đối với nghề báo: “Ta viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”. Vì thế chúng tôi dù là những người làm báo không chuyên nhưng vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng thể hiện bản lĩnh vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Điều quan trọng nhất, đó là chúng tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình khi phải tuyên truyền kịp thời và chính xác các thông tin thời sự, sự kiện quan trọng, các diễn biến mọi mặt về đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng đến với đông đảo độc giả trong nước và ngoài nước. Dưới các hình thức loại hình văn học nghệ thuật, chúng tôi tự hào rằng đã phản ánh một phần nào đó tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, của đội ngũ văn nghệ sĩ; phát hiện và cổ vũ những tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; phản ánh những thành tựu của thành phố và người dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, qua các bài viết chúng tôi cũng đã giới thiệu, phổ biến rộng rãi được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, đạt giải thưởng cao, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, lý tưởng cao cả đến với công chúng.
Công tác tại tạp chí văn nghệ có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho những người làm báo chúng tôi. Công việc hằng ngày của chúng tôi không phải đối diện với những hiểm nguy như các nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp. Tôi vô cùng ngưỡng mộ, tự hào trước sự lăn xả hết mình của các nhà báo, phóng viên, họ không ngại hiểm nguy, dấn thân vào thực tế, đeo bám, phanh phui các vụ việc tiêu cực trước công luận để cống hiến vì một cuộc sống bình yên cho người dân. Nơi mà chúng tôi đến không chỉ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Qua những chuyến đi thực tế sáng tác chúng tôi được gặp nhiều mảnh đời với bao hoàn cảnh, số phận và luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân cũng như chính quyền địa phương trong quá trình tác nghiệp. Bởi vậy anh em chúng tôi thường hay nói đùa với nhau, tuy là tạp chí văn nghệ nhưng đề tài để chúng tôi khai thác thì nhiều vô kể. Chúng tôi đã không ngại khó khăn, miệt mài đi, ngắm nhìn, cảm và viết để được cống hiến một phần nhỏ cho thành phố Đà Nẵng thân yêu. Qua các bài viết về văn học nghệ thuật, chúng tôi đã đưa mọi khía cạnh của cuộc sống, những nét văn hóa, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Tôi nhớ những ngày mới chập chững bước chân vào nghề, tôi như chú chim non bị lạc đàn, với vốn kinh nghiệm sống non nớt của mình, tôi luôn cảm thấy lo lắng, bỡ ngỡ khi phải làm việc trong một môi trường quá năng động và chuyên nghiệp. Tôi đã bước những bước đi đầu tiên bằng việc hằng ngày lên phòng tư liệu tìm đọc các bài viết của các thế hệ đi trước. Những cuốn tạp chí cứ thu hút tôi mãi, tôi đọc và ghi chép, qua từng trang viết đã giúp tôi hiểu hơn về từng nhịp sống, những đổi thay của thành phố Đà Nẵng xinh đẹp hay những giá trị bản sắc văn hóa văn nghệ địa phương nhân văn và đẹp đẽ. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được các cô chú, anh chị trong nghề luôn giúp đỡ, động viên, truyền cho tôi hơi thở của báo chí, hơi thở của những người làm báo văn nghệ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ lời chỉ dẫn của một người đàn anh trong nghề: “Nếu muốn viết tốt thì phải đọc nhiều, phải đi nhiều, vừa đi, vừa lắng nghe, vừa quan sát và ghi chép. Điều quan trọng nhất đó là phải tạo được sự gần gũi, thân thiện, tin cậy, cởi mở với người dân và đặc biệt là các văn nghệ sĩ trên cả nước”. Và dần dần tôi đã nuôi dưỡng một tình yêu sâu sắc với nghề, mỗi khi thấy tên mình dưới bài viết, tôi cảm thấy thật vui và hạnh phúc. Nhất là khi những “đứa con tinh thần” của mình được độc giả đón nhận, khen ngợi thì niềm vui của những người làm báo chúng tôi lại càng trở nên bất tận. Tôi nhận ra nghề báo đã giúp tôi cọ xát với thực tiễn, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tầng lớp đã giúp tôi từ một con người nhút nhát lại trở nên dạn dĩ và tự tin hơn rất nhiều.
Với tôi, chặng đường vào nghề chưa dài nhưng lại có nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố rơi vào trạng thái giãn cách xã hội, các hoạt động không thiết yếu bị tạm ngừng và nhịp sống của thành phố đã lắng xuống. Không ngại khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để tạp chí được phát hành đúng tiến độ, đảm bảo nội dung, đến tay bạn đọc kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Có lẽ đối với những người làm báo, điều chúng tôi lo sợ nhất đó chính là cách viết nhàm chán, lặp đi lặp lại một mô típ cũ hay những bài viết chưa đi đúng trọng tâm của sự việc hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Chính vì thế, chúng tôi luôn cố gắng thay đổi cách viết, đổi mới nội dung và tập trung vào đề tài mà độc giả hướng tới. Bằng niềm say mê và trách nhiệm nghề nghiệp, những người làm báo chúng tôi luôn cố gắng nâng cao trình độ nhận thức và khả năng diễn đạt để những tác phẩm của mình thực sự là hữu ích và ý nghĩa.
T.T