Tình đảo - Nguyễn Xuân Diệu
Trong những chuyến đi về với người lính, có những điều tình cờ mà theo thời gian, trở thành ký ức không thể nào quên được. Vào tháng 5 này, trong một lần cùng đoàn công tác Quân khu đến đảo Hòn Nồm, tôi gặp một người lính đồng hương quê Nghi Xuân tên là Trần Ngọc Hiệp, một người lính từng trấn giữ hòn đảo này. Và tôi được biết câu chuyện về hòn đảo, về những người lính đảo, về tình cảm gắn bó với đảo của bố con người lính đảo ấy …
***
…Chiều ấy, dưới bầu trời xanh ngăn ngắt, rừng rực nắng, tôi và Trần Ngọc Hiệp rủ nhau đi một vòng quanh đảo. Tới gần ngọn Hải đăng giữa đảo, tình cờ tôi thấy một dãy gần chục cây đào đã luống tuổi được bao quanh bằng bức tường cách điệu hình bầu dục, gợi nhớ dáng thành ao làng của một miền quê đâu đó. Giữa cái nắng tháng 5 như lửa đổ xuống mà dãy đào vẫn xanh tươi đến nao người. Thấy tôi cứ tần ngần mê mải nhìn dãy đào, Trần Ngọc Hiệp kéo tôi ngồi xuống hòn đá mồ côi bên hàng cây. Anh rủ rỉ kể:
-Thời đánh Mỹ, bố tôi trấn giữ ở hòn đảo này hơn 3 năm đấy. Ngày còn bé, mỗi lần bố về phép, tôi cứ lon ton chạy theo nũng nịu đòi bố kể chuyện về hòn đảo.Trong trí tưởng tượng thơ ngây của tôi, đảo là một xứ sở thần tiên ngoài biển khơi, nơi có Hoàng tử An Tiêm đang đùa giỡn cùng đàn hải âu bên những quả dưa hấu xanh mướt, béo tròn nung núc; nơi những nàng tiên cá xinh đẹp, hiền dịu như mẹ cùng những chàng cua, ả ốc thích múa hát…Vừa cười, vừa ôm tôi vào lòng, bố kể rằng: “Đảo cũng như xóm làng ta đây con ạ. Đảo cũng có nhà cửa, có đất, có đá, có mồ hôi, nước mắt, xương máu ông cha bao đời thấm xuống. Ở đảo, bố là chiến sĩ khẩu đội 12 li 7, đó là loại súng dùng để bắn máy bay và cả bộ binh giặc. Khẩu đội gồm bố, chú Lê Quốc Đông quê ở Cửa Hội, Nghi Xuân và chú Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Mùi quê ở Cửa Sót, Thạch Hà. Chiều 26 áp Tết năm 1967, khẩu đội nổ súng đón đầu “thằng” AD6 bổ nhào. Hai điểm xạ dài của khẩu 12 li 7 vừa dứt, “thằng giặc nhà trời”(*) đã biến thành một đống lửa rừng rực. Thay vì cắt bom, hắn đâm đầu xuống biển cách đảo chưa đầy cây số. Một tiếng nổ kinh hoàng làm dựng lên một cột nước thẳng đứng trông như chiếc vòi rồng dựng ngược, cao dễ đến mấy chục mét, nuốt chửng con quạ sắt”...
Bố cười vang, rồi quay tôi trên không một vòng. Đặt tôi xuống, bố kể tiếp:
-Sáng hôm sau, Đảo trưởng Trần Văn Vui gọi cả ba người của khẩu đội lên Ban chỉ huy. Vừa tay bắt, đảo trưởng vừa tấm tắc: “Khá lắm! Bắn chắc thế, các cậu thật không hổ danh lính đảo!”. Chính trị viên đảo Hoàng Văn Hai thì mở xắc-cốt đưa ra 3 tờ giấy công tác, rồi vỗ vai từng người: “Vì chiến công bắn rớt “thằng giặc nhà trời”, mỗi đồng chí được về thăm nhà, đón Tết 7 ngày. Chiều nay có thuyền về đất liền, các cậu chuẩn bị đi là vừa!”. Bố và chú Đông, chú Mùi lặng người đi vì sung sướng. Thời chiến, chuyện phép tắc đã chẳng có, chuyện được về quê ăn Tết cùng gia đình khác chi chiêm bao. Ba người lèn vào ba lô cả đống thư từ, quà cáp của đồng đội gửi về cho người thân, hớn hở xuống thuyền nhằm hướng đất liền…
Khỏi phải kể những chuyện “vui như Tết” trong những ngày được về quê ăn Tết. Những năm tháng đó, cả Bắc - Trung - Nam cuộc sống đều rất khó khăn. Nhưng dù sao ngày Tết mỗi gia đình cũng có vài cân thịt, ít cân nếp, dăm cái bánh chưng để mừng Xuân, đón Tết. Sáng mồng một, bố thắng bộ quân phục còn thơm mùi vải, đi chúc Tết một vòng các gia đình trong xóm. Đến nhà bác Cầm, một người chuyên trồng đào giống để bán, bác vui vẻ hỏi thăm:
-Bác hỏi khí không phải, ở đảo Tết nhất có vui như ở nhà ta không cháu?
-Dạ thưa, vui bác à! Bánh kẹo, gạo nếp, bánh chưng, thịt thà, rau dưa…đất liền lo cho cũng tàm tạm. Còn ca hát thì cánh lính chúng cháu dư dật lắm. “Tiếng hát át tiếng bom” mà bác!
-Phải! Bộ đội bao giờ chả vui! Thế Tết ở đảo các cháu có hoa đào không?
-Dạ, có. Nhưng mà… không, bác ạ. Năm nào đất liền cũng gửi vài ba cành đào cho chúng cháu đón xuân. Đảo thì xa, đào gửi theo tàu, thuyền ra phải luồn sóng, chém gió nên chẳng hiểu sao cứ đến đảo được ít ngày, hoa nào hoa nấy héo rũ ra rồi rụng hết cánh…?
-Ờ, biển mặn, gió nồng nó thế đấy! Cháu xem, Tết nhất thứ chi thiếu chứ thiếu “cái anh” hoa đào là mất sướng, mất vui, mất hẳn cái không khí của Xuân, của Tết đi. Thế mới hay, lính đảo các cháu phải chịu vất vả, thiệt thòi đủ bề…!
Hết 3 ngày Tết, bố lại sang nhà bác Cầm. Khi nghe dạm hỏi năm mới mở hàng cho vài cây đào giống, bác Cầm tròn xoe mắt:
-Nhà cháu có cả cây đào đẹp như mộng thế, còn mua đào nữa mà làm gì?
-Dạ thưa…- Bố gãi đầu, gãi tai ấp úng - Là cháu muốn mua để đưa ra trồng ngoài đảo bác à! Đưa đào cành ra chẳng được, cháu nghĩ hay là cứ mạnh dạn đưa “đào gốc”? Cố chăm sóc, giữ gìn, che chắn cho nó, cháu tin đào sẽ cho chúng cháu hoa để đón Xuân, đón Tết!
Bác Cầm nhíu mày, lâu sau bác mới rủ rỉ:
-Trồng được đào ở đảo khó đấy cháu ạ. Đào không kén đất, nhưng ngoài đảo, mưa gió, nắng nôi, bão tố… khác hẳn trong đất liền, mặn mòi, dữ dằn lắm. Lại còn bom rơi, đạn nổ ngày đêm…Khó đấy! Nhưng thôi, quý cái tình của cháu với đảo, bác không bán đâu mà biếu hẳn cho cháu và anh em ta ngoài đó hai cây đào giống đã 4 năm tuổi, đẹp nhất trong vườn. Bác sẽ làm bầu cho thật kỹ, thật chắc và tỉa bớt cành cho cháu dễ mang đi. Nếu các cháu giữ cây sống được, bác đảm bảo Tết đến nó sẽ cho hoa. Nhưng mà, cháu nghĩ kỹ đi, phải mang khá nặng đấy, lại vướng víu nữa. Đào mang ra đảo, bầu gốc phải to, nhiều đất. Không chừng chẳng mang trong ba lô được đâu, phải dùng đòn mà gánh đó cháu ạ!
Bố sướng quá, líu ríu cám ơn bác Cầm, mang ba lô, gánh toòng teng hai cây đào giống lên đường. Chú Đông cũng hăng hái “gùi” thêm một cây, theo chú “để làm quân dự bị”! Thật bất ngờ, chẳng hề hẹn nhau, chú Mùi tít mãi trong Thạch Hà cũng “cõng” một cây đào giống nữa. Ôi chao là vui khi anh em trên đảo chạy ùa xuống chân cầu tàu đón ba người. Họ khệ nệ bưng đào lên, vừa ngắm nghía vừa vuốt ve từng cành cây, ngọn lá mà xuýt xoa, như thể gặp lại người thân xa cách đã lâu ngày. Đào được trồng xuống rồi, không khí trên đảo càng chộn rộn. Mọi người tranh nhau xách xô, thùng lương khô xuống giếng nước ngọt tít dưới chân đảo để lấy nước về tưới cho đào. Đường xuống giếng, đi thì trượt dốc, về thì leo từng bậc dễ gần 10 phút chứ ít đâu. Thế là những ngày sau, những ai đi tắm giặt cũng mang cả quần áo ướt về tới gốc đào mới vắt xuống để thêm nước cho cây. Nhưng rồi, mùa hè đến. Nắng trên đảo đỏ trời, kèm theo gió chướng ào ạt thổi. Nắng, gió trên đảo, đến quân phục người lính mặc chưa tròn tháng đã bạc phếch, nói chi đến lá đào! Dù bố và các chú bộ đội trên đảo đã dùng vải bạt che nắng, chắn gió, tưới tắm chu đáo, vậy mà ba cây đào đang xanh mơn mởn cứ héo quay, héo quắt rũ ra rồi chết. Cánh lính đảo cứ đứng ngơ ngẩn bên những cây đào như người mất hồn. Chú Đông và chú Mùi thì như đứng trước đồng đội hy sinh, cắn chặt môi, chẳng nói, chẳng rằng!
May sao, cũng còn một cây trụ được. Giữa ngút trời bom đạn; giữa chát chúa nắng nung hay mờ mịt phong ba, bão tố, kỳ lạ, cây đào vẫn vươn cành, nẩy lộc, tỏa màu xanh ngời ngợi. Cuối đông, lá đào ươm vàng xao xác rụng, chấp chới bay như những cánh bướm. Rồi khi những cơn gió heo may hun hút nhạt dần. Rồi khi những tia nắng mỏng tang ấm áp, mới chớm bình minh đã chảy tràn khắp đảo, những nụ đào đầu tiên e ấp nhú lên từ những cuống lá vừa lìa cành ấy. Chao ôi, hầu như cả đảo ùa ra ngây người mà ngắm, mà xuýt xoa…Những năm tháng ấy, nhiều cơn bão gầm rú tràn qua đảo; bom từ máy bay, pháo từ tàu chiến Mỹ liên tục gào rít dội xuống đảo. Ngày đêm trên đảo mặt đất cứ rung bần bật, cánh lính chúng tôi như ngồi trên mặt trống đang đánh ngũ liên. Vậy mà thật kỳ lạ, cây đào vẫn xanh tốt, vẫn thủy chung đơm hoa mỗi độ Xuân về. Cây đào đã trở thành hiện thân của đảo, đã là tình yêu, nỗi nhớ của người lính đảo. Những ai đi xa đảo, dù ở chiến trường xa xôi, trong những lá thư gửi về bao giờ cũng hỏi “Bây giờ cây đào còn khỏe không?”, cứ như cây đào bằng xương, bằng thịt; cứ như cây đào cũng biết yêu đảo, biết yêu người chăm chút, biết nhớ người đi xa vậy.
Đầu xuân năm 1970, trong một trận ném bom dữ dội của máy bay Mỹ, một mảnh bom đã phạt ngang cây đào khi nó đang đơm hoa. Máy bay địch cút rồi, bố và anh em trên đảo xô đến, quỳ xuống bên thân đào cụt ngủn, tơ tướp, nhựa cây đang ứa ra mà ai cũng ngỡ như máu đang ứa từ cơ thể mình, từ cơ thể đồng đội mình. Cả đảo kéo nhau đi chặt cây, dựng cọc, níu giữ những cành bị hơi bom quặt quẹo chưa gãy; lại đắp ụ đất bao quanh cây đào rồi thay phiên nhau tưới tắm. Giữa năm đó, bố được điều động về đảo Sơn Dương rồi về đảo Cồn Cỏ. Trong những lá thư đuổi theo bố suốt chiều dài con sóng, chú Đông và chú Mùi kể với bố rằng: “Đúng là cây đào biết yêu, cậu ạ. Nó yêu như tình yêu của người lính đảo vậy. Hình như bởi nó quá yêu quý đảo, thủy chung với đảo, nên không nỡ xa đảo, không phụ lòng người lính đảo. Sau trận bom đó, không nói ra, nhưng ai cũng nghĩ cây đào khó qua nổi. Vết thương nặng quá, chặt ngang cả thân cành nó còn gì. Nhưng như một người lính bị thương, được băng bó, chăm sóc, nuôi dưỡng, nó đứng dậy, khỏe khoắn ngẩng cao đầu giữa trời, cùng chúng mình giữ biển, giữ đảo, mặc mưa bom bão đạn, mặc gió giật mưa nguồn. Rồi một ngày, khi những bóng đen của những con tàu ma quái, của những con quạ sắt bị chúng mình đánh đuổi, mất hút phía chân trời, từ chỗ thân cây bị mảnh bom tiện đứt, mầm xanh bỗng bật lên. Lá đào non tơ, nhọn hoắt, mềm mại, xanh mướt. Rồi những nụ hoa nhỏ nhoi, tròn trĩnh, lóng lánh, phơn phớt hồng bung ra lung linh như những giọt sương mai… Đào đã lại đưa mùa Xuân về với đảo, cậu ạ!”...
Hiệp ngừng kể, giang tay ném mấy viên đá nhặt được dưới chân ra xa. Ánh mắt anh đăm đắm nhìn vào một điểm nào đó như ẩn hiện trong lớp lớp con sóng đang duềnh lên phía chân trời:
-Đất nước toàn thắng, bố được về phép cưới vợ rồi hai anh em tôi ra đời theo những lần về phép của bố. Vào một buổi chiều năm 1988, trời ầm ào mưa gió lúc tôi tròn 10 tuổi, ba mẹ con nhận được hung tin bố đã cùng 63 đồng đội anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma, khi ông cùng đồng đội quyết tử để giữ đảo. Mẹ tôi cắn chặt môi đến bật máu nhưng không khóc mà chiều chiều cứ dắt hai anh em ra bãi biển, đăm đắm dõi mắt nhìn ra khơi xa. Hình như mẹ nghĩ bố còn sống, ba mẹ con đang đợi bố trở về. Không hiểu sao nhìn vào ánh mắt mẹ, một nỗi khát khao về biển đã nhen lên trong lòng trẻ thơ của tôi. Trong những giờ học địa lý, tôi cứ dán mắt vào bản đồ để tìm cái hòn đảo thiêng liêng mà bố và đồng đội ông đã hy sinh. Thật lạ là từ ấy, một ngọn lửa vô hình bùng cháy trong trái tim tôi cùng một ý nghĩ nung nấu: lớn lên tôi sẽ đi theo con đường của bố, làm người lính đảo!
Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vào trường sĩ quan. Sau 5 năm tu nghiệp, tôi ra trường, và thật tình cờ, trong một lần có đợt bổ sung cán bộ cho các đảo, tôi được bổ sung về hòn đảo này - hòn đảo mà ngày đánh Mỹ, bố tôi từng trấn giữ cùng cây đào tình yêu huyền thoại. Ngày tôi về đảo, cây đào ngày xưa bố cùng anh em đồng đội trồng đã quá già, lại bị bão tố nên không còn nữa. Là Bí thư chi đoàn thanh niên Hồ Chí Minh của đảo, tôi đưa những lá thư mà chú Mùi, chú Đông và đồng đội của bố gửi về hỏi thăm sức khỏe “cây đào tình yêu” ngày ấy cho mọi người xem. Xem xong ai cũng xúc động. Thế là một phong trào tình nguyện, khi ai được về thăm nhà, về phép, ngày trở lại đảo thì mang theo một cây đào để trồng trên đảo. Để “cây đào tình yêu” của người lính đảo thời đánh Mỹ vẫn sống cùng người lính đảo hôm nay, trở thành tình yêu của người lính đảo hôm nay. Dãy đào này ra đời như thế đó!...
Tôi lặng lẽ nhìn Hiệp. Tôi biết khi gặp anh, Hiệp đã ở với đảo suốt 5 mùa biển động. Khi tôi ngập ngừng hỏi Hiệp tại sao anh và những người lính ở đây lại yêu đảo đến thế, im lặng hồi lâu rồi Hiệp chỉ tay xuống nơi mình đứng, lại chỉ về phía biển khơi, tâm tình:
-Với tôi, với những người lính trấn giữ nơi này, đảo không chỉ là ruột rà, là đất đai thiêng liêng của Tổ quốc mà còn có biết bao mồ hôi, xương máu cha ông đã đổ xuống đây. Trở thành người lính đảo không chỉ là nghĩa vụ mà cao cả hơn còn là tình yêu thiết tha, còn là bổn phận thiêng liêng của người lính, bổn phận thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, anh ạ!
Lời nói thật giản dị. Làm việc với Ban Chỉ huy đảo, từ Đảo trưởng Nguyễn Việt Chiến, Chính trị viên Lê Ngọc Bình, tôi càng thấm thía hơn những điều giản dị như thế từ sự suy nghĩ, tình yêu đảo và hành động của người lính đảo. Những người lính sống nơi ngày đêm ầm ào sóng gió, nơi muôn phần gian nan này thường rất giản dị khi nói về mình, nói về tình yêu của mình. Ngồi tâm sự với tôi, Hiệp đã nói về hòn đảo của mình với biết bao điều nung nấu, cứ như anh và đồng đội được sinh ra trên đảo này vậy. Hiệp say sưa kể cho tôi nghe về những đêm tuần tra, những lần báo động chiến đấu khi quân thù rình rập, mò tới hòng khuấy đục biển quê hương. Bằng sự khâm phục hiện rõ trên gương mặt, anh nghiêm nghị nói với tôi chuyện về những người lính thú trong Hải đội Hoàng Sa, triều Nguyễn ngày xưa, dù biết một đi không trở lại, vẫn kiên gan vượt trùng khơi chẳng nề bão tố, phong ba ra trấn giữ đảo bằng tấm lòng “trung quân, ái quốc”. Chuyện về bố anh cùng đồng đội từng ngẩng cao đầu trong mưa bom bão đạn của giặc Mỹ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng trên đảo; chuyện bố anh cùng đồng đội năm nào trên đảo Gạc Ma, Cô Lin, không một tấc sắt vẫn xiết chặt vòng tay giữ vững lá cờ Tổ quốc, chẳng ai lùi bước trước làn đạn tàn bạo của quân Tàu, dù phải hy sinh cũng quyết không rời đảo. Chuyện về các anh - những người lính đảo hôm nay - đang cần mẫn, rưới biết mấy mồ hôi và cả máu xương lên đảo, quyết giữ vững chủ quyền thiêng liêng Biển - Đảo Tổ quốc, gìn giữ cho đất mẹ yên lành!
***
Tháng 5 năm nay, Trần Ngọc Hiệp hết hạn ở đảo để trở về đất liền. Anh sắp được gặp mẹ già, gặp lại người vợ hiền và đứa con yêu đang ngày đêm mong nhớ, đợi chờ. Nhưng biển “muốn lặng mà gió chẳng đừng”, nhà cầm quyền Trung Quốc ngỗ ngược kéo giàn khoan 981 vào vùng biển chủ quyền của đất nước và chở xi măng, sắt thép âm mưu xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ quân sự, sân bay ở đảo Gạc Ma, bãi đá ngầm Đá Chữ Thập. Vì biết bao máu xương ông cha đã đổ xuống cho chủ quyền thiêng liêng của Biển - Đảo Tổ quốc, cùng với nhiều đồng đội, Hiệp tình nguyện ở lại đảo. Nhìn khuôn mặt cương nghị, sạm nắng gió biển mặn của Hiệp, tôi muốn nói với anh rằng: cũng như Hiệp, như những người lính đảo, biết bao triệu triệu người dân Việt mang tình đảo, tình yêu Biển - Đảo trong tim; biết bao triệu triệu con tim đang ngày đêm hướng về đảo, hướng về biển, hướng về những người lính xưa và nay từng sống chết với đảo như những người ruột thịt của mình...!
N. X. D.
(*) Máy bay AD6 Mỹ gọi là “ giặc nhà trời”