Huyền thoại Sư trưởng Trương Hồng Anh - Trần Trung Sáng
Ở thế hệ chúng tôi, những người lính tình nguyện quốc tế trên chiến trường biên giới Tây Nam, khi nhắc lại những tháng ngày ác liệt, trong ký ức của mình, không thể nào phai nhạt được một cái tên, một huyền thoại: Trương Hồng Anh - vị Sư trưởng tài danh của Sư 2 (Quân khu 5), sư đoàn trưởng trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Khi sự nghiệp đang độ phát triển đến đỉnh cao, Sư trưởng Trương Hồng Anh đột ngột hy sinh ở tuổi 36 (1948-1984). Thế nhưng, cuộc đời ngắn ngủi của ông đã để lại những bài học vô giá về tấm gương sống, học tập, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của người chiến sĩ cách mạng.
Tôi có may mắn được gặp ông Trương Hồng Anh từ đầu năm 1977, sau những ngày huấn luyện tân binh được biên chế vào một đơn vị Trinh sát trực thuộc Bộ chỉ huy Sư 2 (đồi Tuần Dưỡng, cách Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) 17km). Lúc đó, ông còn là sĩ quan cấp úy ở Ban tác chiến thuộc Phòng tham mưu Sư đoàn, đến gặp chúng tôi để huấn luyện nghi thức chào quân kỳ. Ngay khi ấy, ấn tượng lớn nhất của tôi về ông là sự hiền hòa, gần gũi, bởi ông nói giọng Quảng (giữa lúc đa phần các sĩ quan chỉ huy lúc này đều là người Bắc). Ấn tượng thứ hai, là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một anh bộ đội cụ Hồ có vóc dáng thư sinh và gương mặt ngời sáng nét thiên thần như vậy. Nhiều đồng đội đứng cạnh tôi nhìn ông cũng tặc lưỡi: “ Cha ni bộ đội mà răng đẹp trai rứa hè!”.
Thật tình cờ, không bao lâu sau, tôi lại được bố trí về công tác tại Thư viện Sư đoàn – một ngôi nhà đối diện với cửa sổ phòng làm việc của Trương Hồng Anh. Từ đó, suốt một thời gian dài, mỗi tuần vài lần, vào những giờ nghỉ, ông thường ghé sang Thư viện mượn sách, chuyện trò cùng tôi những kỷ niệm buồn vui...
Trương Hồng Anh sinh năm 1948, quê ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi khi còn học trung học, ông đã bỏ vào chiến khu, nhập ngũ vào Sư đoàn 2. Ông từng tham gia nhiều trận đánh tại chiến trường Khu 5 như: Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương, Quy Thạch, Nông Sơn, Trung Phước, đường 9 - Nam Lào... rồi giải phóng Đà Nẵng. Năm 22 tuổi, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90. Năm 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1. Năm 34 tuổi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, ông được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng.
Trước khi gặp ông Trương Hồng Anh cũng như nhiều năm về sau, tôi được nghe khá nhiều giai thoại độc đáo về người sĩ quan có dáng thư sinh này từ những người từng gắn bó cùng ông. Chẳng hạn, năm 1971, nghệ sĩ ngâm thơ Kim Cúc từ Hà Nội vào biểu diễn ở Mặt trận đường 9-Nam Lào, gặp Trương Hồng Anh ở lán trại dã chiến, nghĩ là chiến sĩ liên lạc, đã gọi: ‘’Em ơi cho chị xin ly nước”. Đến sau giờ biểu diễn, nghệ sĩ Kim Cúc bất ngờ nhận ra vị Tiểu đoàn trưởng đứng ra cảm ơn đoàn nghệ thuật lại chính là người rót nước rất lễ phép trước đó, chị không khỏi ngỡ ngàng. Trong dịp đoàn nghệ thuật của Trung ương về biểu diễn mừng thành phố Đà Nẵng giải phóng; khi đến thăm Trung đoàn Ba Gia, cũng xảy ra tình huống tương tự, vì không tin một chỉ huy Trung đoàn nổi tiếng lại trẻ như thế. Chuyện ngộ nghĩnh nhất xảy ra vào thời điểm của chúng tôi (nhập ngũ sau 1975), đó là trong một lần đi tắm gặp nhóm tân binh người Đà Nẵng, họ thấy ông mặt mày trắng trẻo, trẻ măng...lại rủ ông tham gia tìm đường đào ngũ; theo họ được một đoạn đường, thay vì báo cảnh vệ bắt, ông giảng giải cho họ nhận thức đúng sai để ăn năn, sửa chữa...
Tuy nhiên, bên cạnh những giai thoại vui, nếu muốn nhắc đến Trương Hồng Anh, hẳn rằng điều đáng nói nhất về ông, đó là tài thao lược quân sự. Ông Huỳnh Văn Khả, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 nhớ lại: “Tôi gặp anh Trương Hồng Anh lần đầu khi phối hợp một trận đánh. Lúc đó tôi đã nghĩ “Thằng cha này trẻ măng mà chịu chơi, đánh giặc giỏi thiệt”. Sau này, cùng anh đánh hàng chục trận lớn nhỏ cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng, tôi thấy anh xứng đáng là anh hùng. Trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Trương Hồng Anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, tôi là Tiểu đoàn phó. Ở điểm cao 660, đường ống dẫn dầu của địch bị cháy có thể phát nổ bất cứ lúc nào, B52 oanh tạc, rải thảm; địa hình đồi dốc, suối sâu. Anh luôn đi trước đội hình, đưa cả Tiểu đoàn 3 vào vị trí đúng kế hoạch, đánh dứt điểm, không cho địch kịp trở tay, phải cuống cuồng tẩu thoát bằng trực thăng”.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng cựu chiến binh ở Thái Bình hồi tưởng: “Trận đánh ở cao nguyên Bô-lô-ven (Lào) năm 1971 là trận nhớ đời. Đây cũng là trận thể hiện tài trí của Trương Hồng Anh. Để bảo vệ thị trấn Pắc Sòng và vùng mới giải phóng, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn giao Tiểu đoàn Trương Hồng Anh đánh địch ở khu vực Y Tu – Bản Nhík. Tranh thủ thời tiết không thuận lợi do mưa bão, địch chủ quan, Trương Hồng Anh khéo léo đưa đơn vị vượt qua 5 con suối chảy xiết để tiếp cận mục tiêu, tăng cường sử dụng hỏa lực, bí mật xuất phát đồng loạt, làm chủ chiến trường”.
Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhắc về người chiến sĩ liên lạc năm xưa của mình đã khẳng định: “Trương Hồng Anh có năng khiếu quân sự bẩm sinh. Tuy chưa được học hành cơ bản nhưng chỉ huy chiến đấu rất sáng tạo. Khi tôi làm Tư lệnh Quân khu 5, Trương Hồng Anh phát triển lên đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Đây là một cán bộ có bản lĩnh, dũng cảm, chỉ huy nhiều trận đánh xuất sắc. Đồng chí hy sinh là một tổn thất lớn của Quân khu 5 và của quân đội lúc bấy giờ”.
Sinh thời, Trung tướng Nguyễn Huy Chương, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 cũng từng nhận xét: “Đó là một cán bộ còn rất trẻ, thông minh, thực sự có tài chỉ huy, có cách nói năng rành rọt, có sức thuyết phục người khác. Anh nghiên cứu rất kỹ về địch, đánh giá đúng mức, luôn tìm cái yếu của địch để đánh, có khi thay đổi cả một phương án của đơn vị bằng một phương án mới hiệu quả hơn. Giao cho Trương Hồng Anh phụ trách một cánh quân nào đó, chúng tôi rất yên tâm, vì trong mọi tình huống anh có xử trí quyết đoán, táo bạo mà linh hoạt, đã đánh là phải thắng. Tài chỉ huy của Trương Hồng Anh thể hiện rõ rệt trên cương vị Sư đoàn trưởng chỉ huy diễn tập bài chiến thuật “Trung đoàn bộ binh hiệp đồng quân binh chủng, tiến hành tiến công quân địch lâm thời phòng ngự ở địa hình rừng núi”. Cuộc diễn tập đã thành công mỹ mãn, đơn vị đạt loại giỏi. Đồng chí Trung tướng cố vấn Liên Xô (trước đây) theo dõi cuộc diễn tập này đã khen ngợi: “Tôi có thể phát biểu với các đồng chí bằng hai chữ: tuyệt vời. Tôi không ngờ có một Sư đoàn trưởng trẻ lại thông minh đến vậy”.
Đặc biệt, nhắc lại những ký ức về những tháng ngày khốc liệt ở chiến trường K, Đại tá Lê Văn Cúc, nguyên Chính ủy Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) kể: “Năm 1978, tôi là Chính ủy còn anh Anh là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, cùng sát cánh bên nhau ở chiến trường Cam-pu-chia suốt 2 năm. Nhớ trận đầu tiên, trung đoàn ra quân ở Ngã ba Săng-ke. Chiến sĩ ta thương vong nhiều, anh khóc rồi tìm mọi cách tổ chức phản công giành thắng lợi. Điều anh quan tâm đầu tiên là các trận địa pháo. Anh mạnh dạn bố trí khẩu đội ĐKZ nhô ra phía trước ở địa hình có lợi để dễ dàng phát hiện đánh địch và tiêu diệt địch ngay. Tôi nhớ nhất là trận đột phá toàn mặt trận trong đội hình của Quân đoàn 4. Anh bàn dời sở chỉ huy từ phía sau ra phía trước so với trận địa bố trí quân. Đây là phương án táo bạo có phần nguy hiểm, nhưng cái được lớn nhất là quan sát toàn bộ chiến trường, chỉ huy hiệp đồng binh chủng nhanh chóng. Như dự liệu, trận đột phá lần đó, Trung đoàn 1 đã giành thắng lợi giòn giã, là dấu ấn quan trọng để đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ 2. Trương Hồng Anh có trí nhớ rất kỳ lạ. Dựa trên bản đồ, anh có thể dẫn Trung đoàn hành quân trong đêm hàng chục cây số mà không bị lạc. Cách làm việc của anh khoa học, có sự chuẩn bị kỹ cho mỗi trận đánh từ con người, phương án, cơ sở chiến trường, đồng thời anh đòi hỏi chỉ huy cấp dưới cũng phải như thế.
Tính cách độc đáo thể hiện trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của Trương Hồng Anh được ông Cúc và nhiều người nhớ nhất là: “Anh rất ít ngủ, đọc sách nhiều, nghiên cứu, ghi chép cẩn thận. Có khi nửa đêm bật dậy để viết vào sổ một ý nghĩ nào đó mới hình thành. Đọc, ghi chép, quan sát, phân tích, sự lao động nghiêm túc này cộng với sự từng trải ở chiến trường, ý chí quyết tâm cao là bí quyết để Trương Hồng Anh thành công trên cương vị chỉ huy. Trương Hồng Anh sống rất chân tình với đồng đội. Với cấp trên, anh khiêm tốn, lắng nghe, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Với cán bộ dưới quyền, bàn bạc dân chủ, không bao giờ hách dịch, nổi nóng. Với chiến sĩ, hết mực hòa đồng, thương yêu, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chỗ nghỉ ngơi tốt nhất dù là trong chiến tranh nên được mọi người yêu quý, tin tưởng”.
Tướng Phan Thanh Dư nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 nhớ lại: “Khi kết thúc chiến dịch cuối cùng do mình chỉ huy trên mặt trận Pret Vi Hia, Trương Hồng Anh điện thoại về sở chỉ huy mặt trận 579 xin phép tôi được đích thân vào kiểm tra trận địa, lúc này đã do quân ta làm chủ. Vẫn biết đó là phong cách chỉ huy của Trương Hồng Anh trên chiến trường, nhưng bữa đó tôi đã có ý định không cho anh đi... Vậy mà cuối cùng cái điều không muốn ấy đã xảy ra, chỉ vì tránh cho chiếc xe chở thương binh từ trận địa trở ra mà xe của Trương Hồng Anh đã trúng mìn chống tăng của địch cài bên đường”.
Còn Đại tá Nguyễn Đình Ngật thì nói: “Chúng tôi có những kỷ niệm đẹp. Khi tôi làm Sư đoàn phó về Chính trị thì Trương Hồng Anh làm Sư đoàn trưởng ở chiến trường Cam-pu-chia. Anh rất có bản lĩnh chỉ huy, trình độ tổ chức giỏi. Trong trận đánh vào căn cứ 547, ta và địch giằng co quyết liệt. Đây là căn cứ có 16 vị trí then chốt, với nhiều điểm tựa, cụm điểm tựa, trận địa hỏa lực liên hoàn, lực lượng địch bố trí dày đặc. Chính vì vậy ta đã 4 lần tổ chức tiến công nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Quan sát trực tiếp những thủ đoạn của địch, Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh ra lệnh cho Trung đoàn pháo binh 368 cơ động 2 khẩu pháo nòng dài 85mm và 4 khẩu pháo phòng không 37mm lên phía đài quan sát thực hiện “bắn xăm” vào các hốc đá, tiêu diệt các hỏa điểm địch. Trận địa pháo 105mm cũng được lệnh phối hợp với pháo của xe tăng bắn cấp tập ghìm đầu địch xuống, tạo điều kiện cho pháo 37mm cơ động. Nhờ cách đánh này, các hỏa điểm địch đã nhanh chóng bị tiêu diệt, căn cứ 547 của địch bị thất thủ. Tuy nhiên, Sư đoàn đã chịu một tổn thất lớn. Ngày 27-3-1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về, xe bị mìn của bọn Pôn Pốt cài lại, người chỉ huy Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, trên huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2/4/1984. Thương nhớ anh, mấy đêm liền tôi thức trắng. Chiếc áo anh tặng vẫn còn đây mà người đồng chí thân thiết đã đi xa”.
Rất tình cờ, có mặt đúng vào thời điểm sau khi chiếc xe của Sư trưởng Trương Hồng Anh gặp nạn, anh Đặng Xuân Thu hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng bồi hồi kể lại : “Ngày đó tôi là phóng viên của chuyên mục Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Chúng tôi đi từ trên chốt về trên chiếc GMC cũ. Con đường độc đạo chỉ có thể đi được một xe, anh cho xe của mình tránh sang bên để nhường xe chở thương binh về cấp cứu kịp thời. Xe GMC bị trúng mìn tăng của tàn quân Pôn Pốt cài lại. Anh bị nặng nhất. Tôi đã quay nhiều tư liệu về anh, sau đó tổng hợp trong phim “Đường lên Đăng-rếch”. Nhiều lần gặp anh, cùng đi công tác và nghe đồng đội kể lại, tôi vô cùng khâm phục và thương tiếc. Trung đoàn 1 được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 3 năm 1979 có công không nhỏ của anh”.
Anh Kháng, một trong những đồng đội nhập ngũ cùng thời chúng tôi, sau này là Thượng tá Cục quân báo, có mặt trong chuyến xe rủi ro ấy, nói rằng: “ Tất cả anh em chiến sĩ trong chuyến xe này đều bị thương bất tỉnh cả, nên khi tỉnh lại, thì vô cùng hối tiếc, vì không còn kịp thời gian để cứu chữa cho Thủ trưởng Anh...”
Hằng năm, vào những ngày này, chúng tôi những người lính làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K. vẫn thường có những buổi họp mặt, ôn lại những ký ức của một thời gian khổ mà oanh liệt. Những lần như vậy, cái tên Sư trưởng Trương Hồng Anh lại hiện hữu trong từng câu chuyện buồn vui. Bởi ông là huyền thoại, là niềm tự hào một thời của những người lính trẻ Sư 2, Quân khu V.
Tháng 12/2014